Chúa là Mục tử và là người phục vụ

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - B

( Ga 10, 11 – 18 )

Ngày Thế Giới lần thứ 55 cầu cho ơn gọi sẽ được cử hành vào ngày 22-2-2011, Chúa nhật thứ 4 Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy tư về đề tài: " lắng nghe, biện phân, và sống". Chúng ta bị chìm đắm trong một xã hội ồn ào, giao động vì nhiều thứ kích thích và thông tin tràn ngập bủa vây chúng ta. Để nhận ra tiếng Chúa gọi, cần có thái độ mặc niệm trong thinh lặng, lắng nghe (x. Sứ Điệp Cầu Cho Ơn Gọi 2018). Chăm chú lắm mới khám phá ơn gọi đặc thù và cách riêng mà Chúa đã nghĩ ra cho mỗi người chúng ta. Nhưng để sống, chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Giêsu là Mục Tử.

Mục Tử giầu lòng thương xót

Trong Cựu Ước hình ảnh người mục tử có một tầm quan trọng. Khi nói về mục tử, người ta liên tưởng ngay đến điều đã viết trong sách Ngôn sứ Ezekiel nhân danh Thiên Chúa ông nói : "Chính Ta sẽ chăn nuôi chiên của Ta. Chính Ta, Ta sẽ cho chúng được an nhàn. Sấm của Ðức Chúa Yavê.  (Chiên) thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. (Chiên) tản mác, Ta sẽ lùa về. (Chiên) xây xát, Ta sẽ băng bó. (Chiên) bịnh hoạn, Ta sẽ bổ sức. Còn con nào béo, mạnh, Ta sẽ diệt đi. Một cách công minh, Ta sẽ chăn dắt chúng" (Ed 34, 15-16). Lời tiên tri này được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Vị Mục Tử nhân lành như chúng ta thấy trong Tin Mừng hôm nay. Vị Mục Tử giầu lòng thương xót biết và thương từng con chiên, ôm ấp con chiên ốm, chiên gặp nạn thì băng bó vết thương, chiên lạc đi tìm về. Chữ "mục tử" gợi lên sự dịu dàng và cảm động, khiến mỗi người chúng ta muốn trở thành con chiên lạc (Lc 15, 3-7) được Người Mục Tử quyết tâm đi tìm bằng được và vác trên vai.

Mục Tử tốt lành trao ban mạng sống mình.

Hình ảnh người mục tử không chỉ quan trọng trong Kinh Thánh, mà chính trong Giáo hội hôm nay hình ảnh này vẫn con hấp dẫn. Điều mà Thiên Chúa hứa với dân xưa rằng : "Ta sẽ ban cho những mục tử như lòng Ta mong muốn" (Gr 3,15) là kinh nghiệm hàng ngày của Giáo hội, dân mới của Thiên Chúa. Giáo hội biết rằng chính Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Tối Cao hoàn thành cách sống động lời Thiên Chúa hứa : "Ta là Mục Tử tốt lành " (Ga 10,11); Người là "Mục Tử vĩ đại" (Dt 13,20) ủy thác cho những người kế nhiệm là các tông đồ nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa (x. Eph 21, 15 ... 1 P.5, 2). Nhờ các linh mục vâng theo lệnh Chúa Giêsu truyền: "Hãy đi, làm cho môn dân trở thành môn đệ của Thầy" (Mc 16,19) mà dân Chúa có thể sống dồi dào.

Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa sai các thợ gặt lành nghề đến gặt lúa của Người và xin cho các mục tử ngày hôm nay theo gương Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành. Ước mong họ dâng hiến sự sống mình và can đảm cống hiến mạng sống mình để bảo vệ đoàn chiên. Xin cho họ yêu mến đoàn chiên như Chúa Kitô đã yêu mến ngõ hầu họ có thể dẫn chiên đến sự hiệp nhất với Chúa Kitô.

Sự tốt lành của người mục tử được thể hiện trong hồng ân mà vị ấy làm cho đoàn chiên được giao phó được sống và sống dồi dào trong sự nhận biết chiên của mình. Người mục tử biết từng con chiên một với tình yêu cao cả và chăm sóc mỗi con chiên. Chiên "cảm nhận" được điều đó và biết mục tử của mình thật tốt lành. 

"Biết" trong Kinh Thánh có nghĩa là biết trong tình yêu: biết vì tình yêu và trong tình yêu. Như một người mẹ, trong bóng tối đêm đen "cảm thấy" con mình bị bệnh, bà thức dậy để chăm sóc cho con, ngay cả khi người con ấy không phàn nàn, người con "cảm thấy" người mẹ chăm sóc cho mình. Tình yêu đích thực là sự biết hoàn hảo. Giống như Người Mục Tử tốt lành, các mục tử và đoàn chiên sống trong sự hỗ tương để lớn lên trong sự qui chiếu vào Chúa Kitô.

Thuộc về Đức Kitô

Chúng ta bởi Chúa mà ra và chúng ta thuộc về Chúa, Chúa biết mỗi người chúng ta để thí mạng và sống lại vì đoàn chiên. Nếu chúng ta nghe tiếng Chúa, tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ có được sự sống của chính Chúa. Chúa Giêsu nói : "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ nghe lời Ta và tin vào Ðấng đã sai Ta, thì có sự sống đời đời, và khỏi đến tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống" (Ga 5 , 24). Với đức tin, chúng ta hoàn thành bước quyết định : đi từ cõi chết đến cõi sống, bỏ miền đất của kẻ chết và bước vào miền đất của kẻ sống.

Giáo hội đề nghị các mục tử suy niệm đoạn Tin Mừng này: để suy ngẫm về chính mình. Tại sao vậy? Thưa mỗi mục tử đơn giản chỉ là "dấu chỉ" của Chúa Giêsu là Mục Tử. Vậy chúng ta suy gẫm trang Tin Mừng này và tìm cách sống bằng cách sống hiệp thông giữa chúng ta để chúng ta hiểu biết Chúa Kitô cách sâu xa và thuộc trọn về Chúa Kitô.

Trong Tin Mừng hôm nay, tương quan giữa mỗi người với Chúa Phục Sinh được chỉ ra trước hết là mối quan hệ "thuộc về" : chiên không thuộc về kẻ trộm nhưng thuộc về mục tử.  Thuộc về trước hết là sự nhận biết hỗ tương : "Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta" (Ga 10,14). Sự nhận biết này rất quan trọng, chúng ta thuộc về Chúa khi chúng ta đón nhận Lời Chúa Giêsu ("chúng sẽ nghe tiếng Ta"). "Biết Chúa Giêsu là Mục Tử" là nghe tiếng Chúa và đi theo sự hướng dẫn của Chúa.

Nhớ lại lời đề nghị của Chúa Giêsu: "Mùa lúa thật nhiều, mà thợ gặt lại ít! Chúng con hãy cầu xin Chủ Mùa sai nhiều thợ đến gặt lúa!" (Mt 9,37), chúng ta ý thức thật nhiều về nhu cầu phải cầu nguyện cho những ơn gọi linh mục và ơn gọi sống đời tận hiến. Chúng ta hãy xin Chúa Cha trên trời đốt nóng tâm hồn những người trẻ để họ quảng đại đáp lại tiếng Chúa, đồng thời xin Chúa phù giúp các linh mục mà Chúa đã ban cho cộng đoàn Dân Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B