CHÚA NHẬT IV
PHỤC SINH
Tình yêu của
vị Mục Tử nhân lành
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 4:8-12;
1 Ga 3:1-2; Ga 10:11-18)
Đề tài truyền thống của Chúa Nhật IV
Phục Sinh luôn luôn là Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành. Vị Mục Tử nhân lành được mô tả qua nhiều hành
vi khác nhau trong việc chăm sóc và bảo vệ đàn chiên: nào ví mình là cửa chuồng chiên , nào là biết từng con chiên một, gọi tên
từng con chiên, đi trước và chiên đi theo sau… Tuy nhiên hành vi cao thượng nhất
của Mục Tử nhân lành vẫn là vì tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn
chiên. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng tình yêu
ấy qua ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Trước hết chúng ta hãy nghe chính Chúa
Giê-su nói về vị Mục Tử nhân lành. Như
chúng ta biết, chương 10 của Tin Mừng Gio-an là bài giảng của Chúa Giê-su nói về
Mục Tử nhân lành, được chia làm ba phần và mỗi phần là bài Tin Mừng cho một
Chúa Nhật của chu kỳ ba năm A, B và C.
Đoạn Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến việc vị Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy
sinh mạng sống cho đàn chiên. Hẳn chúng
ta còn nhớ lời tuyên bố của Chúa Giê-su được người ta trích dẫn và nhắc đến nhiều
nhất, đó là “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
(Gio-an 15:13). Tình yêu hy sinh tính mạng
cũng chính là tình yêu của vị Mục Tử nhân lành đã được Chúa Giê-su nói lên ở
đây. Chúa dùng một so sánh đối nghịch để
giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Mục Tử nhân lành. Tình yêu đối với chiên là sự khác biệt giữa “kẻ
làm thuê” và mục tử chân chính. Để bảo vệ
đàn chiên khi gặp nguy hiểm sói dữ, mục tử sẵn sàng đối phó với sói dữ, quyết
tâm đánh đuổi chúng và không để chúng bén mảng tới gần chiên của mình. Việc đối phó này không phải dễ dàng, mà chỉ
trông vào sự can đảm sẵn có và tình yêu mục tử dành cho đàn chiên là động lực chấp
nhận hy sinh. Kẻ làm thuê không có một
chút tương quan nào với chiên. Anh không
yêu thương chiên vì anh luôn nghĩ rằng chiên không phải là sở hữu của
mình. Vì không có tình yêu nên kẻ làm
thuê “thấy sói đến là anh bỏ chiên mà chạy”.
Trái lại, mục tử nhân lành có tình yêu thắm thiết đối với chiên. Anh “biết” (tức là yêu thương) chiên và chiên
“biết” anh. Chính tương quan yêu thương
này là động lực thúc đẩy mục tử làm mọi sự để chăm sóc và nhất là bảo vệ mạng sống
cho chiên. Nếu anh có phải chiến đấu với
sói đến chết để chiên được sống thì anh cũng sẵn lòng!
Khi tuyên bố mình là Mục Tử nhân lành,
Chúa Giê-su không ngần ngại nói về việc Người hy sinh mạng sống trên thập giá để
cứu chúng ta khỏi nanh vuốt sói dữ là tội lỗi và sự chết. Chúa Giê-su đã lấy cái chết để đưa chúng ta
trở về làm con cái Thiên Chúa. Hy sinh mạng
sống trong tình huống bất đắc dĩ đã là một hy sinh cao cả. Nhưng ở đây, sự hy sinh của Mục Tử nhân lành còn
là “tự ý hy sinh mạng sống mình”, thì giá trị của hy sinh ấy lại vô cùng cao
quý hơn và chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được như vậy. Sự hy sinh cao cả vì tình yêu của Chúa Giê-su
còn làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha: “Sở dĩ
Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại”. Kết quả
do việc Chúa Giê-su làm đẹp lòng Chúa Cha chính là nhờ đó nhân loại chúng ta được
giải hòa với Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Trước hết, trong bài đọc 2, thánh
Gio-an đã nhắc nhở chúng ta rằng sở dĩ chúng ta “được gọi là con Thiên Chúa”,
đó là nhờ sự hy sinh mạng sống của Mục Tử nhân lành là Chúa Giê-su. Tuy nhiên ngài cũng không quên cảnh giác
chúng ta rằng “hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế
nào, điều ấy chưa được bày tỏ”. Phải,
chúng ta “sẽ như thế nào” mai sau, điều này tùy thuộc chúng ta. Mục Tử nhân lành đã cho chúng ta một căn tính
mới, một khởi đầu cho hành trình tiến về nhà Cha trên trời. Dĩ nhiên chúng ta không độc hành, nhưng chúng
ta có Mục Tử nhân lành “đi trước” để dẫn dắt chúng ta và có anh chị em là các
con chiên của cùng một ràn chiên là Hội Thánh.
Ngoài ra chúng ta còn được dưỡng nuôi bằng Mình Máu Thánh của Mục Tử
nhân lành nữa!
Tiếp đến, chúng ta ngưỡng mộ một tấm
gương sống tình yêu của Mục Tử nhân lành, đó là thánh tông đồ Phê-rô. Thánh Phê-rô đã can đảm rao giảng Chúa
Giê-su, Mục Tử nhân lành, tôn vinh tình yêu và thánh danh cứu độ của Người. Ngài còn nhân danh vị Mục Tử nhân lành để chữa
cho một “con chiên” què quặt từ lúc lọt lòng mẹ, mặc dù ngài có thể gặp nguy hiểm
tính mạng khi làm công việc này. Chúng
ta có thể khẳng định rằng thánh Phê-rô đã noi gương Chúa Giê-su, chấp nhận nguy
hiểm để chăm sóc và chữa lành cho con chiên của mình vậy!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi