CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

Chúa Lên Trời, Một Kết Thúc và Một Khởi Đầu Mới

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 1:1-11;  Ep 4:1-13;  Mc 16:15-20)

          Chúng ta sắp kết thúc Mùa Phục Sinh, một lễ được mừng liên tục trong bảy tuần vì tầm quan trọng của nó, để bước vào mùa Thường niên.  Nhưng kết thúc không có nghĩa là cho qua đi vào dĩ vãng, mà là mở ra cho một khởi đầu mới.  “Kế hoạch yêu thương” của Thiên Chúa không chấm dứt ở biến cố Chúa Giê-su lên trời, nhưng chuyển sang một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, đó là giai đoạn Chúa Giê-su tiếp tục hoạt động nhờ Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Nói khác đi, việc Chúa Giê-su lên trời đã đóng lại thời kỳ Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta qua Ngôi Lời Nhập Thể (Gio-an 1:14), để mở ra một thời kỳ mới là Thiên Chúa ở lại với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế (Mát-thêu 28:20).  Chúa Giê-su và “tầm vóc viên mãn” của Người vẫn là đề tài quan trọng của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, quan trọng đối với chính công trình cứu độ của Chúa và quan trọng đối với chúng ta là những người phải đạt tới tầm vóc viên mãn của Người.

          Trước hết thánh sử Lu-ca mở đầu sách Công Vụ Tông Đồ bằng cách thuật lại biến cố Chúa Giê-su lên trời.  Sách Công Vụ, được mệnh danh là “Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”, kể lại lịch sử Giáo Hội Chúa Ki-tô thuở ban đầu và cũng là sự tiếp nối các sách Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô.  Sách Công Vụ nói lên việc thể hiện lệnh truyền của Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19);  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15);  và “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:47, 48).

          Để xác định biến cố Chúa lên trời như là một kết thúc và một khởi đầu mới, Lu-ca gọi sách Tin Mừng của ngài là “quyển thứ nhất” thuật lại “những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời”.  Như vậy, sách Công Vụ là “quyển thứ hai”, Tin Mừng của Thánh Thần.

          Nhưng Chúa Giê-su đã kết thúc thời kỳ Người sống trên trần gian như thế nào?  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô diễn tả sự kết thúc ấy bằng hình ảnh Đức Ki-tô đã đạt tới “tầm vóc viên mãn”.  Thánh sử Gio-an thì nói lên tầm vóc này qua lời Chúa Giê-su phán trên thập giá:  “Thế là đã hoàn tất”.  Thánh Gio-an cũng không quên khẳng định đây là thời điểm mở đầu cho công việc của Chúa Thánh Thần:  “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Gio-an 19:30).

          Biến cố Chúa lên trời là cột mốc quan trọng   trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Quan trọng đối với Chúa Giê-su, nhưng cũng quan trọng với chúng ta, vì Người trao cho chúng ta sứ mệnh tiếp nối những gì Người đã thực hiện trên trần gian.  Do đó, hệ quả của biến cố Chúa lên trời chính là lệnh truyền giáo Chúa Giê-su đã ban xuống trên các tông đồ và mọi Ki-tô hữu:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Đúng vậy, lệnh truyền giáo gắn liền với biến cố Chúa lên trời;  một khởi đầu mới gắn liền với một kết thúc.  Nếu lệnh truyền giáo không được Ki-tô hữu thi hành, thì biến cố Chúa lên trời quả thực là một “kết thúc” không đem lại hoa trái nào cả!  Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bước sang giai đoạn của Chúa Thánh Thần và đang tiếp tục sinh hoa kết quả:  “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16:20).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay, lời thánh Phao-lô nhắn gửi tín hữu Ê-phê-xô là những lời tâm huyết tha thiết xin chúng ta hãy thể hiện ý nghĩa việc Chúa lên trời qua đời sống hằng ngày của người Ki-tô hữu đích thực.  Ngài đưa ra “tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” như đích tới của hành trình đức tin chúng ta.  Đạt tới tầm vóc viên mãn ấy cũng là đạt tới “tình trạng con người trưởng thành”, tức là con người A-đam nguyên thủy và thánh thiện trước khi ông không tuân lệnh Thiên Chúa.  Chúa Giê-su sống lại đã là khuôn mẫu của con người được phục hồi, là A-đam Mới, là Trưởng Tử của một nhân loại mới;  còn chúng ta là “đàn em đông đúc” của người Anh Cả ấy và được Người dẫn dắt về nhà Cha trên trời.

          Thánh Phao-lô cũng đề ra cho chúng ta một lối sống “xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”.  Đó là “ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại;  lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau;  thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại”.  Thánh tông đồ dân ngoại còn dùng một hình ảnh sống động khác để diễn tả Chúa Giê-su dẫn chúng ta về nhà Cha:  “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù”.  Phải, chúng ta đích thực là một đám tù, tù vì những tội lỗi chúng ta và những quyến rũ của thế gian cũng như cám dỗ của ma quỷ.  Nhưng chúng ta cũng là đám tù “được giải phóng” từ từ:  trong diễn trình giải phóng ấy, càng theo sát và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, vị Lãnh  Đạo, chúng ta càng được thoát khỏi con người cũ tội lỗi.  Càng bước theo Chúa Giê-su lên trời, chúng ta càng xa thế gian và vứt bỏ được những gì ràng buộc chúng ta.  Tóm lại, lối sống thánh Phao-lô đề ra hoàn toàn ngược lại lối sống của thế gian.  Ta luôn được mời gọi hãy theo Chúa Giê-su trong lối sống ấy, tới khi được cùng Người ở với Thiên Chúa Cha!

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B