CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Chúng ta được kêu gọi làm môn đệ Chúa Giê-su

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Sm 3:3b-10, 19;  1 Cr 6:13c-15a, 17-20;  Ga 1:35-42)

          Phụng vụ Lời Chúa mùa Thường niên nhắm mục đích trình bày con người và sứ vụ của Chúa Giê-su.  Khởi đầu sứ vụ được đánh dấu bằng những biến cố quan trọng.   Biến cố Chúa chịu phép rửa của ông Gio-an là dịp để Chúa Cha giới thiệu Con Một Người lên đường thi hành sứ mệnh.  Biến cố tiếp theo là việc Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên làm cộng sự viên của Người.  Đây cũng là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ơn gọi, bài đọc 1 kể lại việc Chúa gọi Sa-mu-en làm ngôn sứ và đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô cho thấy chúng ta phải đáp trả lời kêu gọi của Chúa như thế nào.

          Trước hết chúng ta hãy xem Chúa gọi Sa-mu-en.  Chúng ta thử nhìn lại khung cảnh việc Chúa kêu gọi cậu Sa-mu-en:  “Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa”.  Quả là một khung cảnh thánh thiện, mặc dù cậu Sa-mu-en đang ngủ chứ không phải đang cầu nguyện!  Hai lần đầu nghe Chúa gọi, Sa-mu-en tưởng lầm là thầy tư tế Ê-li gọi.  Lần thứ ba, được thầy Ê-li mách bảo, cậu thưa với Chúa:  “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.  Với những chi tiết trên, chúng ta thấy rõ ràng Chúa gọi Sa-mu-en trong khung cảnh cuộc sống thường ngày khi cậu giúp việc trong Đền Thờ, như lúc cậu đang ngủ, hoặc trong khi cậu hiểu lầm lời gọi cho đến lúc cậu được người khác giúp nhận ra tiếng Chúa gọi.  Tiếp theo cuộc kêu gọi, thì “Sa-mu-en lớn lên.  Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”.  Như vậy, một khi chúng ta đáp lại lời gọi của Chúa, Người sẽ tiếp tục đào tạo giúp chúng ta trưởng thành, để đủ khả năng thi hành sứ vụ Người trao phó.

          Câu chuyện Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên cũng có những nét tương tự như câu chuyện Sa-mu-en, nghĩa là Chúa gọi họ giữa khung cảnh cuộc sống bình thường.  Hai người trong nhóm môn đệ ông Gio-an đã nghe thầy mình giới thiệu ngắn gọn về Chúa Giê-su:  “Đây là Chiên Thiên Chúa” và họ lên đường tìm hiểu Chúa Giê-su là ai.  Sau một ngày ở lại với Chúa, họ đã chọn “ở lại” luôn!  Chỉ một ngày mà đã đủ để họ quyết định.  Rất tiếc chúng ta không biết hai ông đã làm gì khi ở lại với Chúa Giê-su.  Chắc chắn có nhiều điều lắm, quá riêng tư nên khó nói ra, hoặc không nói ra để đến lượt người khác hãy “Đến mà xem”.  Ông An-rê, một trong hai môn đệ đầu tiên ấy, đã về nhà “rủ rê” em mình là Si-môn Phê-rô “đến mà xem” Đấng Mê-si-a, rồi ông em này cũng được Chúa thâu nhận lập tức.  Thế là cả ba ông đều là những người được Chúa kêu gọi, không phải trực tiếp, nhưng gián tiếp qua sự giới thiệu của người khác.

          Chắc chắn Chúa kêu gọi hết mọi người, bất cứ ai cũng có thể làm cho Chúa điều gì đó thích hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.  Chúa kêu gọi chúng ta bằng một tiếng nói thì thầm trong tâm hồn, bằng một ước muốn ban đầu chưa nhận định được, nhưng dần dần càng rõ ràng hơn và càng thúc giục hơn.  Chúa còn gián tiếp kêu gọi chúng ta qua người khác như gương sáng của một linh mục hay tu sĩ.  Chúa kêu gọi chúng ta giữa cuộc sống bình thường, lúc chúng ta còn nhỏ, khi chúng ta đã trưởng thành và có công ăn việc làm.  Đó là những trường hợp ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ nam nữ.  Nhưng Chúa cũng kêu gọi chúng ta làm người chồng, người vợ, người con, để sống ơn gọi hôn nhân và gia đình.  Có lẽ đây là ơn gọi gặp nhiều thử thách nhất, như chúng đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Hồi còn đi học lại, một ông thầy bạn học của tôi cũng là một họa sĩ.  Ông ấy trưng bày tại trường một số tác phẩm của ông, trong đó có bức diễn tả “Chúa gọi Áp-ra-ham”:  ông già Áp-ram lọm khọm bước đi sau “ngón tay vẫy mời của Chúa”.  Bức tranh đơn sơ, nhưng ý nghĩa!  Trước mặt Áp-ram là vô định và chỉ có ngón tay mời gọi.  Những bước đi tuy “già lão” nhưng đầy tin tưởng.  Là một hành trình liên tục chứ không phải một biến cố dứt điểm.  Hôm nay, trong bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng cho chúng ta một phong cách thích hợp để đáp lại tiếng Chúa gọi:  ”Thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô”.  Đúng vậy, nếu Chúa Giê-su là Đầu thân thể kêu gọi chúng ta là chi thể, thì làm sao chúng ta có thể chối từ lời kêu gọi ấy, hoặc tại sao chúng ta không bước theo sau Chúa để làm môn đệ Người? 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Suy Niệm Lời Chúa Năm B