CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN
Sám hối và tin
vào Tin Mừng là cửa bước vào Triều Đại Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gn 3:1-5, 10; 1 Cr 7:29-31;
Mc 1:14-20)
Sau khi lãnh nhận phép rửa của ông
Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su làm những công việc chuẩn bị để bắt đầu ngay sứ vụ
rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ. Kế hoạch
mở ra Triều Đại Thiên Chúa do Chúa Cha phác họa từ muôn đời giờ đây được Chúa
Giê-su thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su đến trần gian để thiết lập một
vương quốc thiêng liêng được gọi là Triều Đại Thiên Chúa. Vì yêu thương nhân loại vô điều kiện, Thiên
Chúa mời gọi mọi người: “Thời kỳ đã mãn,
và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh
em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đồng
thời câu chuyện ông Giô-na rao giảng sám hối cho dân thành Ni-ni-vê cũng như nhận
định của thánh Phao-lô về bộ mặt thế gian đang biến đi cũng giúp chúng ta hiểu
vai trò của sám hối và lòng tin như điều kiện tiên quyết để được nhận vào Triều
Đại Thiên Chúa.
Sám hối là một chủ đề lớn trong Cựu Ước. Hầu hết các vị ngôn sứ được Chúa sai đến đều
thi hành sứ vụ kêu gọi dân Chúa bỏ lối sống tội lỗi mà trở về với đường lối của
Chúa và tuân giữ giới răn của Người. Câu
chuyện ông Giô-na là một thí dụ điển hình.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn dân thành Ni-ni-vê bỏ đàng tội lỗi
quay về với đường lối của Người. Mặc dù
ông Giô-na không thích Chúa tỏ lòng thương xót đối với họ và ông chạy trốn để
khỏi đảm nhận công tác rao giảng sự sám hối, nhưng Chúa đã dùng đủ mọi cách để
“ép buộc” ông phải là phương tiện để Chúa biểu lộ tình yêu của Người cho kẻ tội
lỗi. Thực ra ông không phải làm gì cả
ngoài việc lập đi lập lại cùng một điệp khúc sám hối: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ”. Kết quả là Ni-ni-vê, từ nhà vua đến dân
chúng, lớn bé già trẻ, thậm chí cả loài vật nữa, đều cùng tham gia vào một cuộc
sám hối cộng đồng. Họ thống hối thực
tình và khiêm nhường “bỏ đường gian ác mà trở lại” với Chúa. Vậy sám hối đã đem lại cho Ni-ni-vê điều
gì? Là “Thiên Chúa hối tiếc về tai họa
Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa”. Không còn bị tai họa nữa, Ni-ni-vê bước sang
một triều đại mới, không còn là triều đại của tội lỗi, nhưng là Triều Đại Thiên
Chúa!
Quay lưng lại với lối sống tội lỗi để
hướng tới Chúa, hoặc thay đổi từ não trạng thế gian sang não trạng Chúa Ki-tô,
đó là sám hối. Thay đổi não trạng là điều
thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô hãy làm nếu họ muốn thực hành sám hối. Ngài không dạy chúng ta phải hoàn toàn xa
lánh cuộc đời, nhưng hãy sống cuộc sống với một tinh thần mới: tinh thần tự do của con cái Chúa, không làm
nô lệ cho đời sống vật chất và lấy đó làm cứu cánh cuộc đời. Ngài bảo “bộ mặt thế giới này đang biến đi”,
nhanh lắm. Cho nên cần sám hối lập tức để
kịp thời quay về với Chúa, vì “thời kỳ đã mãn”.
Sám hối đưa chúng ta vào thế giới vĩnh cửu, chứ không phải thế giới đang
mau chóng biến đi này!
Trong lời giảng đầu tiên, Chúa Giê-su
không chỉ nói đến sám hối, mà Người còn kêu gọi ta hãy “tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đây là tin mừng cứu độ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta nên muốn cứu
chúng ta. Người sai Con Một đến để dùng
ngôn ngữ loài người mà dạy dỗ chúng ta về điều răn mới của Thiên Chúa. Người mặc khải tất cả những gì chúng ta còn
chưa biết về Thiên Chúa và “kế hoạch yêu thương” của Thiên Chúa là ơn cứu độ. Cho nên khi nói “tin vào Tin Mừng”, ta không
thể kể hết được những ý nghĩa phong phú của nó.
Có lẽ tóm tắt tuyệt vời nhất vẫn là tuyên tín của thánh Gio-an tông đồ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời” (3:16).
Sống sứ điệp Lời Chúa
Sám hối không chỉ là một hành động đơn
lẻ như đi xưng tội, nhưng là một diễn trình thay đổi liên tục. Chúng ta thay đổi khoảng cách giữa ta với
Chúa. Nếu chỉ có “Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần”, trong khi ta cứ giữ khoảng cách với Chúa, thì làm sao ta bước vào
triều đại ấy được! Triều Đại Thiên Chúa
luôn mời gọi mọi người. Vấn đề là mỗi
người có chịu bước qua ngưỡng cửa sám hối để mà vào không. Cho nên ta từ bỏ tội lỗi (sám hối) để đến với
Chúa (tin vào Tin Mừng) là ta đáp lại lời giảng của Chúa Giê-su rồi vậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi