LỜI QUYỀN NĂNG CỨU ĐỘ
(Mc
1, 21-28)
Hoán cải và tin theo Chúa Giêsu vì Nước Trời gần đến là lời mời gọi
của Đấng Thiên sai (x.
Mc 1, 14-20). Sứ vụ Thiên sai ấy được tiếp tục thi hành với Lời Quyền Năng Cứu Độ, Lời có sức chữa lành những người bị quỉ ám, khiến cho những
người mù được sáng, người què đi được, người điếc nghe được,
nói chung là vui mừng sung sướng ; mọi người đều ...thán phục; các thần ô uế phải
vâng lệnh Người (x. Mc 1, 21-28).
Chiêu mộ các môn đệ
xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn
tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu
tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).
Hơn cả luật sĩ
Chúa Giêsu giảng dạy
như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người ngồi đấy đều đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh
và xuất ra khỏi người nó ám. Người giảng dạy với uy
quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người
được Thiên Chúa ủy thác cho; cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những
người chỉ giải thích Kinh Thánh. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu là
một cuộc giải phóng, là Tin Mừng cứu rồi,
cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Lời của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các
thầy thông luật (Mc 1, 22). Câu hỏi được đặt ra : Vậy có
điều gì mới chăng ? Thưa
không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến
một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá
ra cái mới. Đồng thời, mới, là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế :
"Chúng vâng lệnh Người "(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu
không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với
chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa.
Chúa Giêsu khẳng định : "Người là Chân Lý ".
Hơn một Tiên tri
Bài đọc I trích
sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), chúng ta thấy Môisen được coi là vị ngôn sứ
vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài
người. Ông trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên
Chúa nên họ nói : "Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo
tôi phải chết " (Đnl 18, 16).
Và đây là những điều
Môisen được biết và công bố. Chúa phán : "Ta sẽ gầy dựng giữa anh
em của họ một tiên tri như ngươi " (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào
miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ
nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ
chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết : "chính Ta, Ta sẽ
tính số với nó"(Đnl 18, 19). Từ chối Môisen hay một tiên
tri là từ chối chính Chúa.
Dân sẽ mượn miệng
ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy
không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc
sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Qua đoạn sách Đệ Nhị
Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa
Giêsu, Người hơn cả hơn Môisen: " Người giảng dạy người ta như Đấng
có uy quyền " (Mc 1,22), Người là "Đấng Thánh của Thiên
Chúa" (Mc 1, 24).
Cuộc chiến giữa
Chúa Giêsu và thần ô uế
Tiếng thét của người
bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn
gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng
không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt
trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường
xuyên kiên trì chiến đấu.
Điều thần ô uế nói
trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu
quát và bảo : "Hãy im đi!" (Mc 1, 25). Như sách Đệ
Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của
đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến
đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta ...
Sự im lặng bắt buộc
này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn
cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là
" Đấng thánh của Thiên Chúa " (Mc 1, 24).
Đấng Thánh của
Thiên Chúa
Việc trục xuất thần
ô uế ra khỏi người bị nó ám được coi như cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần dữ.
Thần dữ cố gắng ngăn chặn nguy hiểm: "Có chuyện gì giữa chúng tôi và
ông?" (Mc 1, 25) Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy
im đi và ra khỏi người này!" (Mc 1, 25) Cuộc chiến vẫn tiếp
tục trong cơn co giật của bệnh nhân đang bị dằn vặt dữ dội và kêu lớn tiếng. Sức
mạnh của Chúa Giêsu làm chủ sự dữ là những cái con người đang bị nắm giữ với lo
âu sợ hãi và tự hỏi, "Điều này có nghĩa là gì? " (Mc
1, 27).
Giờ đây, bức màn
che dậy được vén lên, mầu nhiệm của Chúa Giêsu và "bí mật" của Người
hé mở : Đây là một giáo lý mới! Có thể đây là thời thiên sai mới chăng ? Chúa
Giêsu có thật là Đấng Mêsia không? Người truyền cho các thần ô uế và chúng vâng
theo; chứng tỏ Người mạnh hơn Sự dữ. Nhưng chính ma quỉ nhập nhằng khi tỏ lộ về
thân thế Chúa Giêsu: Người là Đấng Thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa !(Mc
1, 24) Thánh là thuộc tính của chính Thiên Chúa. Chúa bắt nó :
"Im đi ! " (Mc 1, 25). Còn đám đông dân chúng thì vẫn
chưa sẵn sàng tiếp nhận, nên kinh ngạc.
Chúng ta cũng thế,
khi ta hoang mang về sự sinh tồn của mỗi chúng ta, và thấy các cuộc chiến giữa
Sự Thiện và Sự Ác xảy quanh ta và trong chúng ta, chúng ta tự đặt câu hỏi: Chúa
Giêsu là ai đối với cá nhân tôi và toàn thể nhân loại ?
Đời sống người Kitô
hữu là một cuộc chiến không ngừng chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo
Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ. Để được
như thế, chúng ta thành tâm nguyện xin mỗi ngày: "Xin chớ để chúng
con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ" (Kinh Lạy
Cha). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ