CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN, NĂM B
UY QUYỀN CHỈ CÓ Ý NGHĨA NHỜ LỐI SỐNG KHIÊM TỐN
(Dnl
18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)
Tu
sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Là người Công Giáo Việt
Nam, hẳn đa số ai cũng biết đến Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn
Văn Thuận. Ngài là vị Hồng Y đặc biệt được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời
giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều dịp Mùa Chay năm thánh 2000. Ngoài sự trổi vượt về
đời sống đạo đức, ngài còn là một vị giảng thuyết hết sức lôi cuốn đối với rất
nhiều thành phần trong Giáo Hội, nhất là giới trẻ. Người ta đã coi ngài như là
một người đầy quyền uy trong lời nói và việc làm!
Lý do Đức Hồng Y được
người ta ca tụng như vậy, ấy là bởi vì ngài đã luôn sống yêu thương. Ngài sẵn
sàng tha thứ cho những người coi ngài là kẻ thù và làm hại mình. Mặt khác, cuộc
sống đơn sơ, giản dị, khiêm nhường, ngôn hành như nhất đã làm cho uy tín của
ngài ngày càng lan rộng!
Tin Mừng hôm nay cũng
thuật lại câu chuyện Đức Giêsu vào Hội đường Dothái và giảng dạy. Ngài giảng dạy
khác hẳn với những Kinh Sư thời bấy giờ, khiến ai nấy trong Hội đường trầm trồ
khen ngợi: “Ông này giảng dạy như một Đấng có uy quyền”.
Lý do tại sao Đức
Giêsu được người ta khen ngợi như vậy? Đâu là điều làm cho Ngài trở nên Đấng có
uy quyền trong lời nói và hành động? Và, chúng ta học được bài học gì qua phụng
vụ Lời Chúa hôm nay?
Tin Mừng hôm nay không
nói về việc Đức Giêsu giảng gì. Cũng chẳng nói lời giảng của ngài khác với những
lời giảng của những nhà thông luật thời bấy giờ ra sao! Tuy nhiên, muốn hiểu được
tại sao: thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu và không ngớt khen ngợi
điều mới lạ nơi Giáo lý của Ngài, đồng thời không ngừng tuyên xưng về quyền uy
của Đức Giêsu… (x. Mc 1, 22-28), chúng ta cần hiểu về hai cách sống, hai cung
cách, hai lối giảng giữa Đức Giêsu và những Kinh sư.
Vào thời bấy giờ, người
Dothái luôn coi trọng các Kinh sư, bởi vì họ là những người nắm luật, là thành
phần được ngồi trên “ngai tòa Môsê” để giáo huấn. Chính vì lý do đó, nên những
người này được dân chúng coi trọng và tin tưởng.
Tuy nhiên, Đức Giêsu lại
không chấp nhận những điều họ làm, bởi vì ngôn hành bất nhất. Thế nên, đã nhiều
lần, Ngài lên tiếng thẳng thắn nói với dân chúng về điều trái khuấy của những Kinh
sư này, Ngài nói: “… những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những
việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 3). Lần
khác, Đức Giêsu đã phân tích sự khập khiễng, mâu thuẫn giữa lời nói và hành động
của những Kinh sư, bởi vì: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta,
nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để
cho thiên hạ thấy […], nào là đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật
dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa
được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi"
(x. Mt 23, 4-7).
Chẳng những thế, chính
Đức Giêsu đã chỉ thẳng mặt và vạch trần tội ác của họ khi nói: khốn cho các người,
hỡi các Kinh sư giả hình! Các người không muốn vào nhà, nhưng lại khóa cửa
không cho ai vào. Nào là sẵn sàng nuốt tài sản của bà góa nghèo. Giả bộ đạo đức….
(x. Mt 23, 13-14). Các ngươi giống như “… mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp,
nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế, toàn là giả hình
và gian ác! (x. Mt 23, 27-28
Như vậy, họ là những
người đáng trách và không có uy quyền trong dân, bởi vì tất cả những điều họ
làm không xuất phát từ lòng tôn kính Thiên Chúa, mà là muốn được phô trương
thanh thế bề ngoài, còn tâm hồn thì rỗng tuếch!
Ngược lại, nơi Đức
Giêsu, khởi đi từ mục đích của Ngài xuống trần gian là để loan báo ơn cứu độ, băng
bó những tâm hồn đau thương, an ủi kẻ âu lo, chữa lành bệnh tật, giải thoát con
người khỏi tội lỗi, nhất là dạy dỗ dân chúng và vạch ra cho họ con đường đưa đến
hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Không những thế, Ngài luôn mang trong mình
lòng xót thương của Thiên Chúa, nên đã đứng về phía những người đau khổ, nghèo
khó, cô thế cô thân, những người bị áp bức, bóc lột để bênh vực họ….
Vì thế, từng lời Ngài
dạy, từng việc Ngài làm đều ăn khớp với nhau và toát lên tấm lòng mục tử đầy
nhân hậu, luôn “ngửi thấy” và “mang trong mình mùi chiên” để cứu chuộc nhân loại
khổ đau.
Điểm khác biệt này
chúng ta còn nhận thấy, đó là nơi các Kinh sư, những điều họ dạy, họ nói đều
phải “căn cứ theo những lời dạy có sẵn trong luật”, còn nơi Đức Giêsu, tất cả "mọi
quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ngài (x. Mt 28,18) vì Ngài là Đấng
Thánh của Thiên Chúa.
Ngày
nay, rất nhiều người trong chúng ta đang tìm cách tô vẽ lên con người mình cũng
như lựa chọn cung cách ứng xử chẳng khác gì các Kinh sư! Biết bao lần chúng ta
loay hoay tìm đủ mọi cách để tô đậm chất tố “kinh sư thời hiện đại” ngay trên
con người của mình, để thể hiện uy quyền với anh chị em xung quanh.
Thế
nhưng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học vô cùng quý giá, đó
là: uy tín không hẳn đến từ những lời nói hay, ngon ngọt. Lại càng không phải
đến từ những người trong đầu chứa đầy kiến thức, và, hoàn toàn không phải đến
từ những kẻ giả hình!
Ngược
lại, uy tín và uy quyền lại đến từ những người chân thật, đơn sơ, hiền lành,
khiêm nhường. Cuộc đời của Đức Giêsu và câu chuyện về Đức Hồng Y Phanxicô X.
Nguyễn Văn Thuận đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Thật
vô cùng ảo tưởng khi củng cố quyền lực bằng những chuyện khua chiêng gõ trống
bên ngoài hay bằng tiền bạc hoặc bằng việc củng cố quyền lực qua những thói kêu
ngạo giả hình….
Quả
thật, uy quyền chỉ có thể thực sự hữu ích cho mình và cho tha nhân khi nó được
đặt trong tâm thế của người phục vụ cách vô vị lợi chứ không phải để “ăn trên
ngồi trốc” như giới Kinh sư.
Mong sao mỗi người
chúng ta khi đã hiểu được sức mạnh, uy quyền của sự khiêm nhường, đơn sơ, ngay
thật và thẳng thắn, chúng ta luôn sống điều đã thấy, tin điều đã cảm nghiệm và
rập đời sống chúng ta theo mẫu gương của Đức Giêsu, để ngang qua cuộc sống và
các mối tương quan hằng ngày nơi mỗi người, uy quyền của Thiên Chúa ngày càng
được nhiều tôn nhận và Danh Chúa ngày càng được nhiều người biết đến. Amen.