CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN

Cuộc đời khổ ải của ta trước Tin Mừng của Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (G 7:1-4, 6-7;  1 Cr 9:16-19, 22-23;  Mc 1:29-39)

          Sứ mệnh của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng, nhưng đối tượng của việc rao giảng là ai?  Dĩ nhiên là giảng cho chúng ta, những con người đang sống giữa đời và nhiều khi không biết mình đi về đâu.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã được cấu trúc khéo léo để trình bày đề tài này.  Ông Gióp lên tiếng nói về cuộc sống con người:  toàn là “khổ dịch, lao lung, vô vọng, đau khổ ê chề…, không một tia hy vọng”.  Bi quan quá phải không?  Tuy nhiên bước sang bài Tin Mừng, ta thấy mọi sự hoàn toàn thay đổi qua sự xuất hiện của Chúa Giê-su:  người bệnh tật được chữa lành, ma quỷ bị quyền năng Người khuất phục, nhất là cuộc đời có mục đích khi “Mọi người đang tìm Thầy!”  Do đó, nhận ra sức mạnh Tin Mừng của Chúa, thánh Phao-lô đã kêu gọi chúng ta hãy hăng say rao giảng Tin Mừng.

          Trước hết ông Gióp mời chúng ta nhìn thẳng vào cuộc đời.  Mặc dù “đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt không một tia hy vọng”, vậy mà chuỗi ngày ấy vẫn khó tìm được hạnh phúc và bình an.  Người Mỹ khéo léo áp dụng Kinh Thánh khi họ lấy ngay cái tên của ông “Gióp” để nói về “job”, tức công ăn việc làm hoặc nghề nghiệp;  cho nên nói đến “job” là nghĩ ngay tới thức khuya dậy sớm, làm việc vất vả rồi!  Điều ông Gióp thấy bi quan nhất, đó là gia tài và số phận của con người:  gia tài chỉ là “vô vọng” và số phận chỉ là “đau khổ ê chề”.  Tuy nhiên ông Gióp không bi quan đến nỗi tuyệt vọng, vì ông vẫn hướng lòng về Thiên Chúa để tìm ý nghĩa cuộc đời.  Ông cầu xin:  “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.

          Phải chăng lời cầu xin ấy tựa viên đá rơi xuống lòng đại dương?  Không đâu, Thiên Chúa vẫn nhớ điều ông Gióp cầu xin và đoái nhìn đến thân phận con người, nên Người sai Con Một xuống thế để thay đổi căn tính và thân phận con người.  Đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ là một phần tiêu biểu cho công việc thay đổi lớn lao ấy, khi kể lại việc “Chúa Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”.  Tin Mừng Mác-cô thường nhắc nhiều tới việc Chúa Giê-su trừ quỷ.  Thế giới này đang nằm trong thế lực của ma quỷ và sự dữ.  Giờ đây Chúa Giê-su được mô tả như Đấng đang bước vào thế giới của ma quỷ để chiến thắng nó.  Mác-cô lập lại lời Chúa Giê-su: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (3:27).  Ma quỷ chính là “một người mạnh” đang giữ “của” trong tay mình.  Của ấy là nhân loại.  Nên Chúa Giê-su là Đấng mạnh hơn ma quỷ, đang vào thế giới này là nhà nó để “trói” nó lại và “cướp sạch nhà nó” mà đem về cho Thiên Chúa Cha.  Tạ ơn Chúa Giê-su đã vào nhà của ma quỷ để “cướp” chúng ta khỏi tay ma quỷ và cho chúng ta lại được làm con cái Thiên Chúa!

          Ngoài việc kể lại những điều Chúa Giê-su làm và rao giảng, thánh Mác-cô còn nói đến một chi tiết vô cùng cảm động, là trong khi Chúa cầu nguyện thì các tông đồ đến thưa Chúa:  “Mọi người đang tìm Thầy!”  Hình ảnh này nói lên một nhân loại đang khao khát tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình.  Chúa Giê-su, trưởng tử của một nhân loại mới, là khuôn mẫu để chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Người.  Cuộc sống trần gian của Chúa Giê-su có ý nghĩa rõ ràng, mục đích cao đẹp và kết thúc vinh quang.  Chính vì thế, chúng ta được mời gọi đến với Người để được biến đổi.  Tóm lại cuộc đời ta là đi tìm Chúa Giê-su và làm môn đệ Người, để Tin Mừng và lối sống của Người biến đổi ta và đem lại cho ta niềm hy vọng đích thực.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Mác-cô đã giới thiệu Chúa Giê-su như Đấng chiến thắng quyền lực ma quỷ bằng uy quyền Thiên Chúa của Người.  Tin Mừng ấy cũng phải được chính chúng ta rao giảng.  Thánh Phao-lô là một gương mẫu rao giảng Tin Mừng.  Ngài nói:  “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”  Để thực hiện việc này, ngài “đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người”.  Lý tưởng ấy không quá cao vời đâu, nhưng có thể thực hiện được ngay trong hoàn cảnh và khả năng mỗi người chúng ta.  Chúa “không cho vay lãi nặng”, mà chỉ đòi hỏi những gì thích hợp với khả năng chúng ta thôi!         

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B