CN 5 THƯỜNG
NIÊN B
G 7,1-4.6-7 ; 1
Cr 9,16-19.22-23 ; Mc 1,29-39
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
Mc 1,29-39
(29) Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su
đến nhà hai ông Si-mon và An-rê, có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi
theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên
giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người
lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ
các ngài. (32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ
ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại
trước cửa. (34) Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật,
và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết Người là
ai. (35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi
hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi
tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
(38) Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã
chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Vì Thầy ra đi cốt để
làm việc đó”. (39) Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong
các hội đường của họ, và trừ quỉ.
2. Ý CHÍNH: Mác-cô tường thuật một ngày làm việc tiêu biểu
của Đức Giê-su ở thành Ca-phác-na-um: Người giảng dạy trong hội đường
vào ngày Sa-bát (c. 21) ; Chữa một người bị thần ô uế nhập (c. 23-28)
; Đến thăm nhà hai anh em Si-mon và An-rê và chữa bệnh cảm sốt cho bà
mẹ vợ của ông Si-mon (c. 29-32); Buổi chiều, Người tiếp tục chữa lành
nhiều kẻ ốm đau và người bị quỉ ám (c. 32-34). Sáng sớm Người đã
thức dậy và đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha
(c.35). Người luôn ý thức chu toàn sứ mệnh và đi khắp miền Ga-li-lê
giảng đạo và trừ quỉ (c. 39).
3. CHÚ
THÍCH:
- C 29-30: + Nhà
hai ông Si-mon và An-rê: Si-mon và An-rê quê ở Bét-sai-đa
(x. Ga 1,44), nhưng cư trú tại nhà ở thành Ca-phác-na-um để hành nghề
chài lưới. + Bà mẹ vợ ông Si-mon đang
lên cơn sốt nằm trên giường: Người Do Thái thường cho
bệnh tật là do ma quỉ gây ra và là dấu chỉ sự trừng phạt tội nhân của
Đức Chúa (x. Lv 26,16). Như thế, việc chữa lành bà mẹ vợ của Si-mon
Phê-rô cho thấy triều đại Thiên Sai được ngôn sứ I-sai-a loan báo đã bắt đầu
(x. Is 29,18).
- C 31-32: + Cầm
lấy tay bà mà đỡ dậy: Cầm tay là cử chỉ Đức
Giê-su thường làm khi phục sinh kẻ chết (x. Mc 5,41), hay chữa lành kẻ bị
quỉ ám (x. Mc 9,27). + Cơn sốt dứt ngay và bà phục
vụ các ngài: Phục vụ ở đây cụ thể là nấu nướng, dọn
bữa để tiếp đãi Đức Giê-su và các môn đệ. Qua đó, ta có thể rút ra
bài học: Con người vốn mỏng dòn yếu đuối. Nhưng nếu năng lãnh nhận
các bí tích, sẽ được Chúa ban sức khỏe để phục vụ tha nhân (x. Ga
13,14-15). + Chiều đến, khi mặt trời
lặn: Tức khoảng 6 giờ chiều, hết thời gian hưu lễ
của ngày Sa-bát, để bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần.
- C 33-34: + Người ta đem mọi kẻ ốm đau và
những ai bị quỉ ám đến cho Người: Đây là kiểu
nói phóng đại để nhấn mạnh đến tính phổ quát của ơn cứu độ. +
Nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật: Đức Giê-su đến
để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân: Người không những
cứu chữa các bệnh tật về thể xác mà còn chữa cả những bệnh tinh
thần như xua trừ ma quỉ ra khỏi người bị chúng nhập vào. +
Không cho ma quỉ nói vì chúng biết Người là ai: Đức
Giê-su cấm quỷ không được tiết lộ về sứ vụ Thiên Sai của Người.
- C 35-37: + Sáng
sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng
và cầu nguyện: Trong thời gian giảng đạo, Tin Mừng cho thấy Đức
Giê-su năng cầu nguyện với Chúa Cha. Nhất là trong những trường hợp
quan trọng: Trong cuộc thần hiện sau khi chịu phép Rửa (x. Lc 3,21) ;
Trước khi tuyển chọn 12 tông đồ (x. Lc 6,12) ; Sau phép lạ nhân bánh ra
nhiều (x. Mc 6,46) ; Trước khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô
của Thiên Chúa (x. Lc 9,18) ; Khi biến hình trên núi (x. Lc 9,29) ; Trước
giờ chịu khổ nạn (x. Mt 26,39)...
- C 38-39: + Ông
Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm Người: Đi tìm Chúa
là thái độ biểu lộ sự hâm mộ của các tông đồ đối với Thầy Giê-su. + “Mọi người đang tìm Thầy đấy”:
Dân chúng cũng hâm mộ và đi tìm gặp Đức Giê-su để nghe Người
giảng dạy và được Người chữa lành bệnh tật. + “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để
Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”:
Tin Mừng được rao giảng không chỉ cho một ít người hay cho dân Do
thái... nhưng cho mọi dân tộc trên thế giới (x. Mt 28,19 ; Cv 1,8).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Tại sao
Đức Giê-su lại cấm ma quỉ nói ra sự thật Người là Đấng Thiên Sai?
ĐÁP:
Vì người Do Thái lúc đó đang trông chờ Đấng Thiên
Sai đến để giải phóng họ thoát ách thống trị của đế quốc Rô-ma,
giống như Mô-sê đã từng ra tay cứu con cháu Gia-cóp thoát ách nô lệ
cho dân Ai Cập khi xưa. Nhưng sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su theo ý
Chúa Cha không chỉ nhằm đáp ứng ước mong của người Do Thái. Sứ mệnh
ấy đã được I-sai-a tuyên sấm là: rao giảng Tin Mừng cho người khiêm hạ
nghèo khó, công bố cho người đang bị đau khổ vì bệnh tật, tù đày,
áp bức bất công... một thời đại mới đầy niềm vui, hạnh phúc, ân
sủng và bình an (x. Lc 4,18-19). Do đó, Đức Giê-su không muốn cho ma quỉ
làm hỏng kế hoạch cứu thế mà Người đã lãnh nhận. Nếu để ma quỷ nói
ra sự thật Người là Đấng Thiên Sai trong khi dân chúng chưa hiểu rõ sứ
mệnh Thiên Sai thì họ sẽ bắt Người tôn lên làm Vua (x. Ga 6,15), và
quân Rô-ma sẽ kéo đến phá hủy Đền Thờ và tiêu diệt toàn dân (x. Ga
11,47-48). Thực tế đã chứng minh sự e ngại này có cơ sở: Vào năm 70,
khi dân Do Thái không chịu nổi sự áp bức, đã nổi dậy chống lại nhà
cầm quyền Rô-ma. Lập tức quân Rô-ma đã kéo đến vây hãm thủ đô
Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng họ đã chiếm được thành này. Họ phóng lửa
đốt cháy đền thờ, tàn sát quân lính còn sống và bắt mọi thành
phần dân Do Thái phải rời bỏ quê hương, phân tán đi khắp thế giới. Tai
họa này đã được Đức Giê-su tiên báo cho các môn đệ biết và dùng nó để
mặc khải về ngày tận thế. Người cũng dạy cho các môn đệ phải ứng xử
thế nào để có thể tồn tại trong những ngày ấy (x. Mt 24,15-21).
HỎI 2: Tại sao
Đức Giê-su là Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha, mà lại phải cầu xin
với Chúa Cha?
ĐÁP:
Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là Ngôi Con hay Ngôi Lời
Thiên Chúa (x. Ga 1,14). Nhưng Người lại có hai tính: Một là tính Thiên
Chúa, hai là tính loài người. Là “Con Thiên Chúa”, Đức Giê-su cầu
nguyện để tâm sự với Chúa Cha, biểu lộ sự hiệp nhất mật thiết giữa
Cha và Con (x. Ga 17,1.11.21). Là “Con Người”, Đức Giê-su đại diện cho
nhân loại để cầu xin Chúa Cha tha tội và xin cho loài người giao hòa
với Chúa Cha. Về vấn đề này, Thánh Phaolô đã dạy như sau: “Đức Giê-su
Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như một người
trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng
chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu
tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như
vậy, khi vừa nghe danh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ, muôn vật phải bái quì. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài
phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,8-11).
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt,
Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Rồi
Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và
trừ quỉ. (Mc 1,35.39).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) GIÁ TRỊ
CỦA MỘT LỜI CẦU NGUYỆN CHÂN THÀNH:
FRE-DE-RIC O-ZA-NAM, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng
của Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin lúc đang còn
là sinh viên đại học.
Một hôm, để tìm chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào
một ngôi nhà thờ cổ ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang
quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Anh đứng lặng lẽ trong gốc nhà thờ
theo dõi cử chỉ của người này. Và khi người đó vừa đứng lên để ra khỏi giáo
đường, chàng sinh viên chợt nhận ra người đó chính là nhà bác học vĩ đại Am-pe.
Lòng đầy thắc mắc, anh theo nhà bác học về đến phòng làm việc của ông. Thấy
chàng sinh viên đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên
tiếng hỏi:
- Này anh bạn. Tôi có thể giúp gì cho anh ? Giải một bài
toán vật lý chăng ?
Chàng sinh viên nhỏ nhẹ đáp:
- Thưa giáo sư, tôi là sinh viên khoa văn, tôi dốt về khoa
học lắm. Tôi chỉ xin ông hỏi một số vấn đề về đức tin.
Nhà bác học liền mỉm cười và khiêm tốn đáp:
- Đức tin là môn mà tôi yếu nhất.
Nhưng nếu giúp anh được điều gì thì tôi xin sẵn sàng.
- Thưa ông, người ta có thể vừa là một
nhà bác học vĩ đại, lại vừa là một tín hữu chân thành cầu nguyện không ?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi
của anh sinh viên. Nhưng rồi ông cũng trả lời :
- Này anh bạn trẻ. Chúng ta chỉ thực
sự vĩ đại khi cầu nguyện chân thành mà thôi.
Câu chuyện nói trên cho thấy không
có sự mâu thuẫn giữa khoa học và đức tin chân chính.
2) TIẾNG
CÒI “YÊN LẶNG”:
Một hôm, do sự mất cảnh giác của viên hoa tiêu, con
tàu Victoria của Hải Quân Hoàng Gia Anh đã gặp phải sự cố nghiêm
trọng: Tàu bị đụng phải một tảng băng ngầm trên vùng biển Bắc Băng
Dương. Vỏ tàu bị bể một miếng lớn, nước từ chỗ bể tràn vào khoang
tàu. Lúc ấy, các thủy thủ vừa ăn tối xong và đang dạo mát trên
boong. Lúc đầu, khi con tàu vừa bị va chạm, mọi người đều nhớn nhác
không biết điều gì mới xảy ra. Rồi khi nghe tin tàu bị va chạm vào
tảng băng ngầm và sắp chìm, thì ai nấy đều bị rơi vào cơn hoảng loạn
và không biết phải làm gì. Nhưng rồi một hiệu còi đặc biệt mang tên
“Còi Yên Lặng” vang lên. Thủy thủ đã được thực tập nhiều lần và đã
hiểu rõ ý nghĩa của hiệu còi ấy như sau: “Hãy ngưng tất cả những
gì bạn đang làm, ngồi xuống và giữ yên lặng trong giây lát, bình
tĩnh xem xét tình trạng bạn đang gặp, và chờ nghe lệnh của thuyền
trưởng”. Nhờ tiếng còi, mọi thủy thủ đều làm theo yêu cầu và
cuối cùng tai nạn cũng đã được xử lý kịp thời, và con tàu tránh
được nguy cơ bị chìm đắm.
Trong đời sống thường nhật, chúng ta cũng thường
bị rơi vào tình trạng khẩn cấp không biết phải làm gì. Chẳng hạn:
khi đang đi đường tự nhiện bị người khác tông vào mình, hoặc khi tự nhiên
bị một người thù ghét công khai khích bác... Bấy giờ điều tốt nhất nên
làm là: Hãy giữ bình tĩnh và yên lặng, rồi thưa với Chúa Giêsu:
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Rồi sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa phán dạy
trong tâm hồn. Chúa luôn muốn ta “Tìm làm vinh danh Thiên Chúa và vì
phần rỗi các linh hồn”. Do đó, ta cần tránh làm những điều xấu
khiến người đời khinh thường đạo thánh Chúa. Trái lại cần làm những
điều tốt để anh em lương dân nhận biết “Thiên Chúa chính là Tình Yêu”
để tôn thờ yêu mến Ngài. Cần làm những điều có lợi chung cho tập
thể, và tránh những việc làm ích kỷ hại nhân. Cần làm những điều
“tốt đạo đẹp đời” như giúp cho mọi người có cơm ăn áo mặc, sống vui
tươi hạnh phúc hơn và xứng với nhân phẩm hơn...
3) DỤ NGÔN VỀ
CÂY VIẾT CHÌ :
Sau khi sáng chế ra cây viết chì,
người chủ đã ngỏ lời với sản phẩm của mình như sau: Ta muốn anh bạn phải nhớ đến
bốn ý nghĩa như sau:
1. Sự tốt lành hay phẩm giá đích
thật nằm ở trong con người của bạn.
2. Bạn sẽ cần phải được vót nhọn, phải
được gọt dũa để nên hữu hiệu trong cuộc sống.
3. Bạn cần được ai đó sử dụng như
công cụ. Nếu không, bạn sẽ chẳng làm được gì!
4. Người ta sẽ yêu cầu bạn phải để
lại một dấu vết nào đó.
Đời sống mỗi người chúng ta cũng giống
như một cây viết chì. Mẹ Têrêsa Calcutta đã áp dụng trường hợp thứ ba qua câu nói:
“Tôi chỉ là một cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa”. Còn tác giả cuốn
sách “Story Power”, áp dụng trường hợp thứ hai của dụ ngôn này trong thánh lễ
trên đài phát thanh dành cho những người ốm đau : Người đau bệnh cũng phải
được vót nhọn bởi những khổ đau gặp phải trong cuộc sống. Cây viết chì mà không
bị gọt dũa sẽ không thể sinh ích lợi cho người khác được.
4) MỌI NGƯỜI
ĐỀU CHỊU ĐAU KHỔ:
Người Trung Hoa có câu chuyện về một người đàn bà có đứa con
trai duy nhất đã chết. Trong lúc đau thương buồn khổ, bà mẹ đến năn nỉ với một vị
thánh hiền: “Xin ngài hãy dạy cho con biết những câu thần chú nào làm cho con
trai của con sống lại?” Thay vì lý luận dài dòng, vị thánh hiền nói: “Bà hãy đi
tìm mang về đây một hạt rau cải của một gia đình chưa từng buồn khổ. Tôi sẽ
dùng nó làm thuốc để cho con bà được sống lại”.
Người đàn bà bắt đầu đi khắp nơi tìm kiếm hạt cải kỳ diệu
đó. Trước hết, bà đến gõ cửa một lâu đài sang trọng: “Tôi đang tìm một nhà chưa
biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải nhà này không?” Chủ nhà trả lời: “Thưa
bà. Chắc là bà đã lộn nhà rồi! Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giường. Con trai
tôi đã bỏ nhà đi hai hôm nay. Tôi sợ rằng sau này tôi sẽ sống trong cô đơn góa
bụa!” Nghe xong bà tình nguyện ở lại một ngày để an ủi chủ nhà, rồi mới tiếp
tục đi tìm một nhà khác chưa bao giờ bị buồn khổ. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé
vào, dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có hay nhà tranh vách đất, đâu đâu
bà cũng nghe chủ nhà kể ra những nỗi buồn khổ bất hạnh. Mỗi nơi bà đều phải nói
lời khuyên răn, an ủi và khích lệ, đến nỗi bà dần dần trở nên một chuyên viên an
ủi những người buồn khổ. Rồi dần dần bà đã quên mục đích đi tìm hạt cải kỳ diệu
để làm thuốc cứu chữa cho con trai bà sống lại.
Khi gặp đau khổ, bạn cũng đừng chán nản tuyệt vọng... hãy
nhớ rằng: Chúa Giêsu đang ở với bạn cũng như Thiên Chúa luôn ở bên ông Gióp; Nhớ
rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi bạn vì bạn đang được Chúa yêu thương. Hãy tin
tưởng hy vọng và đừng quên sứ mạng phục vụ người bất hạnh.
Khi bạn đau ốm thể xác hay tinh thần hoặc bị đau khổ vì
chuyện tình yêu, bạn hãy cởi mở tâm hồn với Chúa Giêsu. Ngài sẽ an ủi chữa lành
cho bạn, sẽ nắm tay bạn và cho đứng dậy, như đã chữa lành bệnh sốt cho nhạc mẫu
ông Phê-rô. Hãy mau đáp lại tiếng Chúa mời gọi, để đi theo Ngài và luôn khiêm
nhường phục vụ tha nhân, vì Chúa sẽ luôn ở bên đồng hành và nâng đỡ bạn.
3. THẢO LUẬN: Để góp phần cải thiện môi trường xã hội được an toàn sạch đẹp,
công bình và nhân ái hơn... chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu và làm bằng
cách nào?
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi
ngày của Chúa Giêsu với các việc cầu nguyện, rao giảng và chữa lành bệnh tật thể
xác cũng như tâm hồn của con người.
1) Cầu nguyện
kết hiệp với Chúa Cha:
“Sáng sớm, Đức Giê-su tìm nơi thanh vắng cầu nguyện”
(1,35). Suốt ngày lo toan với bao công việc, giao tiếp với đủ hạng người, Đức Giê-su
đã dành buổi sáng tinh sương để tâm sự với Chúa Cha. Người cần sống một mình bên
Cha, tâm sự về các công việc, về nỗi đau khổ gặp phải... Người cầu nguyện vì
lòng yêu mến Cha, muốn được kết hiệp với Cha, để đón nhận từ nơi Cha sức mạnh rất
cần cho công việc loan báo Tin Mừng.
2) Loan báo
Tin Mừng Nước Trời:
Việc quan trọng thứ hai Đức Giê-su làm là đi loan báo Tin
mừng: “Ngày Sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường giảng dạy” (Mc 1,21). Người đọc
Sách Thánh và giải nghĩa. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (x. Mc 1,22).
3) Chữa lành các
bệnh tật về thể xác và tâm hồn:
Lời giảng dạy kèm theo việc chữa lành nhiều bệnh nhân: “Ra
khỏi hội đường, Đức Giê-su vào nhà ông Si-mon… Bà nhạc của ông Si-mon đang bị
sốt. Đức Giê-su đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy. Cơn sốt liền dứt ngay và
bà đã trỗi dậy làm bữa phục vụ các ngài” (Mc 1,29-31). “Chiều đến, khi mặt trời
đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (Mc 1,32).
Tất cả đều được Người chữa lành.
4) Chúng ta phải
làm gì để cộng tác với Chúa? :
Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải trải
qua những lúc bệnh hoạn khổ đau. Đau khổ do phải lao động làm ăn vất vả, do bị bệnh
tật hay bị tai ương chết chóc… chính là hậu quả tai hại của tội Nguyên Tổ. Khi
xuống thế làm người, Đức Giê-su đã chấp nhận nên “giống chúng ta mọi đàng, chỉ
trừ tội lỗi”. Noi gương Đức Giê-su, Hội Thánh cũng luôn giúp đỡ những người
nghèo khó, bệnh tật và bất hạnh khắp nơi. Ngoài việc xây dựng trường học, xưởng
dạy nghề để mở mang kiến thức và huấn nghệ cho người ta, Hội Thánh còn mở ra các
trại phong, nhà thương, viện dưỡng lão, trại nuôi trẻ mồ côi v.v…
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện
cho những ai đang chịu đau khổ ở khắp nơi: đau khổ về tinh thần hay thể xác,
đau khổ vì chiến tranh, thiên tai, do già yếu bệnh tật... Cũng xin Chúa ban cho
chúng ta khi bị đau khổ bệnh tật tai nạn, biết nhìn lên Thánh Giá, suy gẫm cuộc
khổ nạn của Chúa Giê-su, để vui lòng chấp nhận mà đền tội mình, đồng thời biết an
ủi nâng đỡ những người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh, góp phần xóa bỏ các bất
công, xóa đói giảm nghèo và biến đổi môi trường đang sống ngày một an toàn sạch
đẹp hơn, trở nên Trời Mới Đất Mới theo thánh ý Chúa.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha từ ái. Xin dạy chúng con biết giữ
thinh lặng để gặp được Chúa, để lắng nghe được những Lời Chúa dạy và được tâm
sự với Chúa.
Xin dạy chúng con giữ thinh lặng con mắt, để biết nhắm
lại trước những sai lỗi của tha nhân, biết quay đi truớc những dịp tội làm cho
lòng chúng con bị xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng đôi tai, để mở ra trước
những tiếng kêu cứu của người nghèo khổ, nhưng biết khép lại trước những cám dỗ
của thế gian và ma quỷ.
Xin dạy chúng con biết thinh lặng miệng lưỡi, để biết mở
ra ca tụng tình thương của Chúa và nói lời mang lại niềm vui cho mọi người, tránh
những lời nói gây chia rẽ bất hạnh cho người khác.
Xin dạy chúng con thinh lặng trong lòng trí, để tiếp nhận
sự thật và khép lại trước sự dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con biết thinh lặng quả tim, để
tránh mọi tình cảm ích kỷ, thù hằn, ganh ghét, nhưng biết ước ao đón nhận Tình
Yêu của Chúa mọi lúc mọi nơi. (Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta)
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM