CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN
Tinh thần thế gian và tinh thần của Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (St 3:9-15;
2 Cr 4:13 – 5:1; Mc 3:20-35)
Chúng ta đang ở mùa Thường niên khoảng
dài nhất của năm phụng vụ. Giáo Hội lợi
dụng thời gian này để trình bày giáo lý của Chúa Giê-su. Trước khi đi vào những đề tài chính trong
giáo lý của Người, Giáo Hội muốn nêu lên sự khác biệt, nếu không muốn nói là sự
đối nghịch, giữa tinh thần của thế gian và tinh thần của Chúa Ki-tô, giữa lối sống
của thế gian với lối sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự đối
nghịch ấy, đồng thời kêu gọi chúng ta hãy cố gắng từ bỏ tinh thần của thế gian
để cố gắng bước theo Chúa làm môn đệ Người.
Trước hết chúng ta hãy xem tinh thần
thế gian là tinh thần nào. Câu chuyện
sách Sáng Thế kể lại việc nguyên tổ A-đam và E-và phạm tội không vâng lời Chúa
dạy, cho chúng ta thấy tinh thần thế gian là những gì ma quỷ đã gieo vào tâm hồn
con người, để làm cho con người cũng trở nên thù nghịch với Thiên Chúa. Đọc lại câu chuyện này từ đầu, chúng ta nhận
ra một nét rõ ràng của tinh thần ma quỷ đã được nó tận dụng để cám dỗ hai ông
bà nguyên tổ sa ngã, đó là lừa dối. Đây là điều chính bà E-và đã nói lên: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Thuật lừa dối của ma quỷ rất tinh vi. Đầu tiên nói gợi lên óc tò mò của bà
E-và: tại sao Thiên Chúa cấm ăn “trái
cây ở giữa vườn”. Chắc phải là cây quý
giá, mang điều bí ẩn gì đó nên Thiên Chúa mới trồng nó ở giữa vườn, lại cấm
không cho con người ăn trái cây ấy. Từ
tính hiếu kỳ, ma quỷ dẫn tới thắc mắc và nó giải thích thắc mắc theo “tinh thần”
của nó, tức là đưa bà E-và đến thái độ kiêu căng: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà
ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều
thiện điều ác” (St 3:5). Chính Lu-xi-phe và bè lũ của nó đã muốn “bằng”
Thiên Chúa, nên chúng không muốn “phụng sự” Người nữa. Chúng đã trở thành cao ngạo, không phục tùng
Thiên Chúa và trở thành kẻ thù của Thiên Chúa.
Giờ đây ma quỷ lại muốn gieo tinh thần kiêu ngạo ấy vào tâm hồn con người
và nó đã thành công. Tội lỗi đã len lỏi vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa
và để lại cho con người hậu quả của tinh thần thế gian, tức là tội nguyên tổ.
Tuy nhiên tinh thần thế gian của ma quỷ
không thể trường tồn, vì nó sẽ bị đánh bại do Chúa Ki-tô là “dòng giống” của
người đàn bà, tức con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và miêu duệ của bà E-và. Thánh Phao-lô đã cho chúng ta một so sánh tuyệt
vời giữa A-đam và Chúa Ki-tô, giữa việc sa ngã của loài người và công việc cứu
chuộc của Chúa Ki-tô (Rô-ma 5:12-21). Có
thể nói đây là một tóm tắt về kế hoạch và lịch sử cứu độ đầy đủ ý nghĩa và ngắn
gọn đã được thần học gia tông đồ Phao-lô trình bày đặc biệt trong thư gửi tín hữu
Rô-ma. Tinh thần bất tuân của A-đam trái
ngược với tinh thần vâng phục của Chúa Ki-tô.
Thái độ kiêu căng muốn “mở mắt ra” và “nên như những vị thần biết điều
thiện điều ác” của A-đam khác hẳn với thái độ “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng
chịu chết và chết trên cây thập tự” của Chúa Ki-tô. Hành động “ăn trái cấm” của A-đam khi coi thường
Thiên Chúa đi ngược lại hành động “trút bỏ vinh quang, mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” của Chúa Ki-tô (Pl 2:6-8). Hậu quả hành động bất tuân của A-đam và hiệu
quả hành động vâng phục của Chúa Ki-tô đã được thánh Phao-lô mô tả như
sau: “Tóm lại, cũng
như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ
một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa
làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người
duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một
người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công
chính” (Rô-ma 5:18-19). Sự đối nghịch
giữa tinh thần thế gian và tinh thần Thiên Chúa là lý do để Chúa Ki-tô được sai
đến trần gian. Trong bài Tin Mừng, Chúa
Giê-su đã ám chỉ việc Người đến để tiêu diệt tội lỗi và tinh thần thế gian của
ma quỷ, khi Người khẳng định rằng:
“Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh
ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”.
Chúa muốn nói rằng “kẻ mạnh” ở đây chính là ma quỷ và thế gian này là
“nhà” của nó. Sứ mệnh của Người là được
sai đến “nhà” của ma quỷ, để “cướp sạch” nhà nó. Người đến mang tinh thần của Thiên Chúa để “trói”
tinh thần của thế gian lại. Người đã “cướp
sạch” nhân loại khỏi móng vuốt ma quỷ và tội lỗi bằng cái chết nhục nhã trên thập
giá, để đem về cho Thiên Chúa và để nhân loại được làm con cái Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Trước hết là gương của Chúa
Giê-su. Người bị “thân nhân” hiểu lầm,
cho rằng “Người đã mất trí”! Nhưng Chúa
Giê-su vẫn luôn kiên vững giữ tinh thần của Thiên Chúa, cứ tiếp tục thi hành sứ
vụ. Theo sau Chúa Giê-su là gương thánh
Phao-lô. Ngài được Thiên Chúa kêu gọi trở
lại với Chúa Ki-tô, để đem tinh thần của Thiên Chúa và Tin Mừng Chúa Ki-tô đến
cho dân ngoại. Ngài đã tin vào Chúa
Ki-tô và đã sống tinh thần của Chúa Ki-tô.
Hơn thế nữa, ngài còn đi rao giảng một Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập
giá và gieo rắc tinh thần của Chúa Ki-tô cho muôn người. Nhờ tin Chúa Ki-tô và sống tinh thần của
Chúa, thánh Phao-lô có thể tự hào tuyên bố:
“Cho nên chúng tôi không chán nản!”
Chúng ta cũng vậy.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi