CHÚA NHẬT 11
THƯỜNG NIÊN, B
SỨC MẠNH KỲ
DIỆU CỦA HẠT GIỐNG
(Ed 17, 22-24; 2Cr
5, 6-10; Mc 4, 26-34)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Ngày 19 – 06 – 2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hân
hoan khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh cho Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam. Đậy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành ân sủng và
đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì điều này mà trong thư công bố Năm
Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Năm
Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống
đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc
học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh
Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”; bên cạnh đó, “Năm
Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi
trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước
mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là ‘kho tàng chôn giấu
trong ruộng’ và ‘ngọc quý vô giá’ nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất
cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để ‘mua thửa ruộng và ngọc quý đó’ (x. Mt
13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ
bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.
Khi
tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như vậy, Giáo Hội ca ngợi sự hy sinh cao quý
của các thánh. Bởi vì các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất,
thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho
Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và
phần rỗi của các linh hồn.
Có thể nói: các ngài chính là những hạt giống âm thầm,
bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt.
1. Ý nghĩa các dụ ngôn
Hôm nay, qua Bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để
nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời.
Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống. Qua dụ ngôn
này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người gieo và sức mạnh nội
tại của hạt giống. Ngài nói: Hạt giống được gieo xuống đất,
đêm hay ngày, người gieo dù ngủ
hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4, 27-28).
Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn dạy cho dân chúng và nhất là các môn đệ bài học về sự sống
tiềm tàng của hạt giống. Người gieo phải kiên trì, khiêm nhường và tin tưởng
vào quyền năng của Thiên Chúa. Lòng nhiệt tình của người nông
phu sẽ được đến đáp xứng đáng. Bởi vì, việc hạt giống mọc lên
và sinh hoa kết trái vượt ra xa khỏi tầm kiểm soát của con người.
Sống trong một hoàn cảnh như thế,
người môn đệ sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa để cậy trông vào Người. Đây
là tiến trình trưởng thành của đức tin. Điều này phù hợp với giáo huấn của
thánh Phaolô: “Phaolô trồng,
Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (1Cr 3,6)”.
Thứ đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước
Trời. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác!
Hạt cải nhỏ bé ở đây chính là Giáo Hội. Một Giáo Hội khởi đi từ nhóm người hết
sức nhỏ bé vỏn vẹn chỉ có 12 người. Rồi hạt cải ấy bị biết bao khó khăn trù dập….
Ấy thế mà hạt cải vẫn lớn lên và to cao lạ thường, đến nỗi chim trời đến làm tổ
và cư ngụ ở đó cách an toàn.
Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri Ezekien nói đến trong bài đọc I hôm nay, ngài nói:
“Từ ngọn cây hương bá cao chót
vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành
kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”
(x. Ed 17, 22 - 24).
Lời
tiên báo này, vị tiên tri muốn nói đến đường lối của Thiên Chúa thật phi thường
không ai có thể ngờ được.
Còn với
thánh Phaolô, qua Bài đọc II, ngài đã xác định yếu tố cần thiết để hạt giống
đức tin được lớn lên và trưởng thành, đó là: hãy ra khỏi thân xác ích kỷ và
hưởng thụ, để được gần Thiên Chúa và thuộc về Người. Nói cách khác, thánh nhân
nhấn mạnh đến việc: hạt giống tâm hồn
của chúng ta được lớn lên là nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng. Một sự hy
sinh liên lỷ. Tất cả những cộng góp đó, làm cho đức tin lớn mạnh và vững vàng….
2. Bài
học cho người Kitô Hữu
Dựa
trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần dở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp
những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc
tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh
hoa trái thật xum xuê như hiện nay.
Sự lớn
mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã
nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần
có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm trồi nảy lộc.
Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã
gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi
người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến.
Nhưng nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy
vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng
liêng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức
phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và
lớn lên như những hạt giống khác.
Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có
chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với
sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của
những đức tính như bác ái, từ bi, nhân hậu hay không?
Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ,
để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và
vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng
nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới hay là nơi cắn
xé, chửi bới, la rày nhau?
Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm
thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình
ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu
ngạo.
Ngược lại, mỗi người hãy làm cho gia đình mình chan
chứa niềm vui khi mỗi người là những cành yêu
thương, hoa nhân
ái và quả đạo đức.
Được như vậy, mỗi gia đình là cung thánh của lòng
thương xót, để nơi ấy, tình thương của Thiên Chúa được diễn đạt rõ nét cho anh
chị em xung quanh. Là nơi an toàn cho những cánh chim đang mỏi mệt, thất vọng.
Nói cách khác, khi sống xứng đáng là người Kitô Hữu thực thụ với những đặc tính
yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất
hạnh, bị bỏ rơi, những người cô thế cô thân, những người bị áp bức bóc lột, đói
khát bần cùng. Trở thành điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai đang đánh mất
niềm tin, đang xa đọa vào những con đường tội lỗi để dẫn đưa họ về với Chúa.
Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho Nước Chúa lan
rộng khắp nơi và lớn mạnh không ngừng như hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng lớn lên vĩ
đại.
Lạy
Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng
con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành
những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến.
Tuy
nhiên, chúng con đã hồ đồ, ích kỷ, kiêu ngạo và không kiên định, nên làm cho
hạt giống mà Chúa đã tin tưởng gieo vào tâm khảm chúng con bị chết nghẹt nơi
thửa đất cằn khô sỏi đá. Xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức, để chúng con kiên
trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa
được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu. Amen.