CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Am 7:12-15;
Ep 1:3-14; Mc 6:7-13)
Phụng vụ Lời Chúa tuần trước đã trình
bày việc thi hành tác vụ ngôn sứ, tức nhiệm vụ đem sứ điệp của Chúa đến cho người
khác. Ngôn sứ thời Cựu Ước là những người
“tuyên sấm” và chuyển đạt cho dân Chúa sứ điệp của Người. Ngôn sứ thời nay là những người tiếp nối sứ mệnh
Chúa Ki-tô để rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, nhất là loan báo kế hoạch
yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Trong mỗi thời, Thiên Chúa đào tạo sứ giả của
người một cách: đối với các ngôn sứ,
Thiên Chúa “bắt lấy” họ và “truyền” cho họ phải nói điều Người muốn; còn với các tông đồ, Chúa Giê-su đã đào tạo họ
bằng các huấn dụ truyền giáo, rồi cho họ thực tập và cuối cùng sai họ đi. Còn nội dung của Tin Mừng họ phải rao giảng
đã được thánh Phao-lô trình bày trong chương đầu thư gửi tín hữu Ê-phê-xô. Vậy chúng ta hãy lắng nghe từng bài đọc hôm
nay.
Trước hết chúng ta hãy nghe câu chuyện
của A-mốt, một vị ngôn sứ “bất đắc dĩ”! A-mốt
sống vào thế kỷ 8 trước công nguyên, lúc Gia-róp-am II đang làm vua
Ít-ra-en. Ông là người chăn cừu ở
Tơ-cô-a, một làng quê nhỏ cách Bê-lem 9km về phía nam trong vương quốc
Giu-đa. Rồi một ngày, ông bị Thiên Chúa
“bắt lấy” và sai lên vương quốc Ít-ra-en phía bắc để tuyên sấm của Thiên Chúa tại
các thành thị thuộc Ít-ra-en. Trong các
sấm ngôn, A-mốt tố cáo những bất công xã hội và một tôn giáo chỉ quan tâm đến
những thực hành bề ngoài. Tại Bết-En,
ông chỉ trích phụng tự của Ít-ra-en đã làm cho giai cấp lãnh đạo thêm tự mãn và
không để tâm gì đến đời sống túng thiếu của người nghèo. Mặc dù thời ấy vương quốc Ít-ra-en đang trong
thời hòa bình thịnh vượng, nhưng A-mốt lại tiên báo cho mọi người biết về cảnh
nước mất nhà tan sắp xảy đến cho Ít-ra-en bởi quân Át-xi-ri. Như thế, việc kêu gọi A-mốt làm ngôn sứ và
thi hành sứ mệnh tuyên sấm hoàn toàn là do Thiên Chúa quyết định. Sứ mệnh đích thực của ông là phát ngôn viên của
Thiên Chúa. Trung thành với sứ mệnh, ông
đã đi khắp các thành thị Ít-ra-en kêu gọi nhà vua và dân chúng hãy nhìn nhận lối
sống đi ngược lại công bình xã hội mà thay đổi và sám hối. Ngôn từ của A-mốt đanh thép và thẳng thắn khiến
giới giàu sang không ưa và tẩy chay. Thậm
chí tư tế đền thờ Bết-Ên là A-mát-gia còn gọi ông là “thầy chiêm” và mỉa mai
khuyên ông hãy trở về vương quốc Giu-đa để tuyên sấm mà “kiếm ăn”!
Nhưng trong thời Tân Ước, chúng ta hãy
xem Chúa Giê-su đào tạo và huấn luyện các tông đồ và sai họ đi như thế nào. Như
chúng ta đã nghe các bài Tin Mừng trong đầu mùa Thường niên, Chúa Giê-su kêu gọi
Nhóm Mười Hai, mỗi người trong một hoàn cảnh khác nhau. Người đã huấn luyện họ không những bằng các
huấn dụ, nhưng nhất là bằng chính tấm gương thực hành của Người. Họ đã nghe Người giảng dạy, đã chứng kiến các
phép lạ Người làm, đã mắt thấy cách Người hành xử và chăm sóc người khác, nhất
là Người tỏ lòng thương xót những kẻ tội lỗi và những người sống bên lề xã hội. Học tập bằng cách quan sát và theo gương Thầy
là cách đào tạo người tông đồ hữu hiệu nhất.
Chúng ta thử nhìn xem sư phạm của Chúa Giê-su đã được thánh Mác-cô ghi lại
như thế nào. Đây là giai đoạn Chúa cho
các tông đồ đi thực tập. Khi sai họ đi,
Chúa không để họ mạnh ai nấy đi, nhưng Người sai đi “từng hai người một”, để họ
giúp đỡ nhau. Khi họ lên đường truyền
giáo, Chúa ra những chỉ thị rõ ràng:
không mang gì theo, ngoài cây gậy và đôi dép; tới đâu được người ta đón tiếp, cứ ở đấy cho
đến khi hoàn tất việc giảng dạy; ở nơi
nào không được đón tiếp thì khi tiếp tục ra đi, họ hãy cảnh cáo dân chúng tại
đó. Họ phải làm gì trong chuyến truyền
giáo? Phải rao giảng kêu gọi người ta
sám hối; phải trừ quỷ; và phải xức dầu bệnh nhân vả chữa lành bệnh tật
cho người ta.
Tuy nhiên, khi suy niệm về Tin Mừng cứu
độ mà các tông đồ phải rao giảng, thánh Phao-lô muốn trình bày nét chính của
Tin Mừng ấy. Các ngài phải rao giảng về
một kế hoạch được Thiên Chúa phác họa “trước cả khi tạo thành vũ trụ” để cứu độ
nhân loại sa ngã. Thiên Chúa thực hiện kế
hoạch này như sau: trước hết, “trong Đức
Ki-tô” và “nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, Thiên Chúa đã chọn chúng ta và cho chúng ta làm
nghĩa tử. Thứ hai, Thiên Chúa đã nhờ máu
Chúa Ki-tô đổ ra để cứu chuộc chúng ta bằng cách tha thứ tội lỗi chúng ta. Thứ ba, từ đời đời Thiên Chúa đã kêu gọi các
tông đồ và trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Giống như ông A-mốt, chúng ta không
dám nhận mình là ngôn sứ và cũng không mang danh tông đồ như các ông Phê-rô,
Gio-an, Gia-cô-bê… Vậy chúng ta phải rao giảng Tin Mừng cứu độ thế nào? Chúng ta rao giảng bằng cách sống Tin Mừng cứu độ. Chúng ta luôn cảm tạ Chúa vì Người đã thương
“chọn” ta và ban cho ta “ân sủng rất phong phú” là được làm nghĩa tử của Người. Chúng ta không quên vai trò vô cùng quan trọng
của Chúa Giê-su đối với ơn cứu độ của ta, bởi vì chính “trong” và “nhờ” Chúa
Giê-su Ki-tô mà Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu độ chúng ta. Điều này có nghĩa là ta cũng phải đáp lại ơn
cứu độ của Thiên Chúa bằng cách duy nhất là phải sống trong và sống nhờ Chúa
Giê-su Ki-tô, để thực hiện điều thánh Phao-lô nói: Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa
Ki-tô sống trong tôi.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi