CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG
NIÊN, B
CĂN TÍNH VÀ TINH
THẦN CỦA NGƯỜI THỪA SAI
Am. 7, 12-15; Ep. 1, 3-14; Mc. 6, 7-13
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Ngày
nay, trên thế giới, người ta đang rất quan tâm và thán phục Đức Giáo Hoàng
Phanxicô. Trân trọng không hẳn vì ngài khôn ngoan cho bằng nhân đức của ngài vượt
trội. Một trong những đức tính tuyệt vời mà nhiều người nhận ra, đó là đức tính
khiêm nhường, can đảm và nghèo khó. Vì thế, ngài đơn sơ, giản dị, dễ gần, luôn cảm
thông cho người tội lỗi, nâng đỡ những người bất an, bảo vệ những người bị áp bức,
và nhất là luôn thương cảm với người nghèo.
Ngài
thực là người mục tử mẫu mực, luôn “cảm thấu” và “ngửi” thấy mùi chiên.
Hôm
nay, phụng vụ Lời Chúa cũng làm toát lên những đặc tính cần phải có nơi người
môn đệ.
Bài đọc I, trích sách Amos, thuật lại
việc ngôn sứ Amos bị mời đi nơi khác
hoạt động, vì nơi đó, người ta không muốn ngài hiện diện. Tuy nhiên, vị ngôn sứ
này rất chân thành, đơn sơ, nghèo khó và can đảm xác tín mạnh mẽ về ơn gọi của
mình đến từ Chúa và sứ mạng ông đang thực thi cũng là do chính Chúa chỉ định.
Khi xác tín như thế, ông đã trung thành và quả cảm ở lại ngay tại nơi “nước sôi
lửa bỏng” để loan báo sứ điệp mà Thiên Cháu muốn ông thi hành.
Với bài đọc II, thánh Phaolô tuyên tín
mạnh mẽ và gợi lại cho dân về ơn gọi của mỗi người cách nhiệm mầu trong tình
thương của Thiên Chúa từ trước cả khi tạo dựng đất trời.
Điều cao quý nhất, đó là trong Đức Giêsu,
mỗi người được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa và được cứu chuộc nhờ máu của
Con của Người đã đổ ra trên thập giá để giải thoát khỏi tội lỗi và ban cho
chúng ta sự sống thần linh.
Ân huệ này phải được chúng ta cảm nghiệm
và loan truyền cho mọi người được thấy.
Cuối cùng, thánh sử Máccô thuật lại việc
Chúa gọi và chọn mười hai Tông đồ, rồi nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc
lên đường những điều cốt lõi, trọng tâm.
Tin
Mừng thuật lại: Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông
chữa lành và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết
phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.
Từ bài Tin Mừng,
chúng ta có thể hiểu về lời căn dặn của Đức Giêsu trước khi sai các môn đệ đi
loan báo Tin Mừng như sau:
Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan
báo Tin Mừng, kêu gọi thống hối chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời
sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau
thương.
Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít
khó khăn, nên cần phải tin tưởng, bám chặt lấy Thiên Chúa, trao phó mọi sự nơi Ngài.
Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho
ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy". Và đừng quá lo lắng về vật chất, bởi vì: Không ai giàu đến độ không có gì cần
phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho (Helder Camara).
Thứ ba là thái độ của người được sai đi: người môn đệ muốn được thành
công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ
để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”, luôn quan
tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy
sinh vì phần thưởng của người thừa sai trên trời thật lớn lao.
Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội đầy nhiễu
nhương, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Quan
điểm, lập trường của một số người mọi thời là không có Thiên Chúa, cũng chẳng
có niềm tin…. Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều
hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những
trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy... nhằm gieo rắc những chân lý nửa
vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và, cũng những con
người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối
cùng của người thừa sai. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy
sói.
Tuy nhiên, lập
trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không được phép
đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ
tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống
những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo củng cố bề ngoài cho thật
“hoành tráng” theo thói đời, nhưng
bên trong thì rỗng tuếch.
Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế
gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng
phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo
vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và, phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong
tinh thần huynh đệ.
Cuối cùng, lời chào của người ra đi: là lời chúc bình an của Chúa chứ
không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác
mang tính phàm tục.
2. Tin Mừng cho người
nghèo
Từ những suy niệm
trên, chúng ta thấy, Đức Giêsu rất quan tâm đến tinh
thần của người môn đệ. Một trong những điều mà Ngài quan tâm hơn cả, đó là tinh
thần nghèo khó của người được sai đi. Tinh thần
nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Vì
thế, Ngài đã không gọi những người giàu có, tài ba lỗi lạc, mà đa phần là những
người nghèo, tội lỗi để loan báo Tin Mừng. Có thế, Đức Giêsu muốn cho các ông
hiểu rằng: hành trang các ông mang theo trên đường
truyền giáo là trái tim, sự khiêm nhường và lòng phó thác.
Mặt khác, khi chọn
người nghèo và tội lỗi là đối tượng chính yếu để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn
cho mọi người nhận thấy rằng: người nghèo chính
là tài sản của Giáo Hội.
Từ
ơn gọi của các Tông đồ đến đối tượng của sứ vụ các ngài đã lãnh nhận từ nơi
Chúa, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đều là những nhà thừa sai đúng nghĩa. Vì thế, tiên vàn, mỗi người Kitô hữu phải xác tín căn
tính của mình là thuộc về Chúa và phải truyền giáo. Không truyền giáo, chúng ta
đánh mất bản chất và không còn là người Kitô hữu đúng nghĩa. Có chăng chỉ là
cái xác không hồn hay chỉ có tên tuổi trong sổ Rửa Tội!
Noi gương Vị Thừa Sai Vĩ Đại là Đức Giêsu, chúng ta truyền giáo bằng đời sống tốt lành, gương mẫu.
Nhất định không bao giờ trở thành cái phèng la làm điếc tai thiên hạ, hay giống
như cái thùng kêu to nhưng bên trong rỗng tuếch. Đời sống cầu nguyện, nghèo khó
và sự khiêm tốn là nền tảng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Đối tượng chính yếu của công cuộc này là người nghèo. Trong
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu
được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng
tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội” (số
187). Ngài quả quyết thêm: “Trong
trái tim của Thiên Chúa có môt chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên
Chúa “đã trở nên nghèo khó” (x. 2 Cr 8,9; số 197). Nói như Paula Hoesi: “Nếu sự ham muốn của cải thế gian lấp đầy
con tim tôi thì thử hỏi đâu còn chỗ dành cho Thiên Chúa?.
Lạy Chúa,
xin cho chúng con hiểu rằng: Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi
Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Xin cho mọi thành phần dân Chúa
luôn sống tinh thần ấy khi loan báo Tin Mừng để Lời Chúa không bị bóp méo nơi
những người loan báo. Amen.