Hãy nghỉ ngơi
bên Chúa
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI – B
(Mc 6, 30 – 34)
Tin Mừng Chúa nhật thứ XVI thường B tuần này mời gọi chúng ta
khám phá tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi trong Chúa. Các Tông Đồ trở về từ sứ
mệnh Chúa Giêsu đã giao. Họ đã trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau bệnh tật
và rao giảng Tin Mừng. Họ mệt mỏi và Chúa Giêsu bảo họ rằng : "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi
một chút" (Mc 6,31).
Các Tông Đồ Chúa, sau chặng đường dài thi hành sứ vụ Thầy
trao không tiền, không bao bị, không
bánh, chỉ một tấm áo mong manh với cây gậy và con tim đầy ắp niềm vui của hành
trình loan báo Tin Mừng, các ông đã trở về với Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc
các ông đã làm và đã giảng dạy”. Nhưng Chúa Giêsu khám phá ra sự mệt mỏi, rã
rời ẩn bên dưới lớp hào quang của thành công. Vì thế, một đàng đón nhận thành
quả đầy an ủi đối với các Tông đồ, đàng khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con
người hơn công việc. Với tình thầy trò Người bảo các môn sinh : “Các con hãy hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ
ngơi đôi chút”, Người nhẹ nhàng kéo các ông ra khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”.
Sở dĩ như thế là vì Chúa sợ các môn đệ của mình nhiễm cái thói hám danh, thích
khoe khoang, phô trương, quyền lực, vì theo Chúa thành công ấy là khởi điểm tốt
đẹp cho chặng đường tiếp theo, chứ không làm các ông tự mãn rồi rơi vào ảo
tưởng, ngủ quên trong những thành công đầu đời. Đường trước mắt mà thầy trò
phải bước không phải là con đường bằng phẳng, mà đó là một con đường dài, đầy
gian nan, thử thách, sức lại có giới hạn. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, nghỉ ngơi
là cần thiết, nghỉ ngơi sẽ giúp các Tông đồ tỉnh táo hồi tâm suy nghĩ và nhấtlà
để Chúa bổ sức cho. Thế nên, điều Chúa nói với các Tông đồ ngày xưa, cũng là
điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay.
Một trong những cám dỗ mà bất kỳ Kitô hữu nào cũng có thể rơi
vào là muốn làm nhiều điều, và khi thành công với muôn lời chúc tụng ta dễ bỏ
bê tương quan với Chúa thậm trí quên Chúa luôn. Sự bận rộn và thành tích là
những căn bệnh hiện đại khiến nhiều người trong chúng ta đau khổ. Nghỉ ngơi,
trái ngược với sự bận rộn là một trong những điều mà Chúa muốn nơi chúng ta.
Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng trong giờ cầu nguyện, một trong những nguy
hiểm nhất là nghĩ rằng có những điều khác cấp bách hơn phải làm, thế là chúng
ta chấm dứt giờ kinh nguyện và bỏ qua mối quan hệ thân tình với Thiên Chúa mà
chúng ta đang có. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình,
những người đã làm việc chăm chỉ, những người đang mệt mỏi và những người hạnh
phúc vui cười bởi vì mọi thứ diễn ra tốt đẹp của mình rằng chúng ta phải nghỉ
ngơi. Tin Mừng nói với chúng ta : "các
ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh" (Mc 6,33).
Để thực hành một giờ nguyện tốt cần phải có ít nhất tối thiểu
hai điều: thứ nhất là ở với Chúa Giêsu, bởi vì ở với Chúa chúng ta mới nói
chuyện được với Chúa. Ở bên Chúa là gặp gỡ Người, nhờ đó ta thấy cuộc sống của Chúa
không phải là quyền lực, là thành công rực rỡ, nhưng là khiêm nhường,
nghèo khó, từ bỏ mình, hy sinh vì yêu thương. Chúng ta phải tin chắc Chúa hiện
diện trước mắt chúng ta. Bắt đầu giờ cầu nguyện dù ở bất cứ nơi đâu việc ý thức
về sự hiện diện của Chúa là điều cần thiết trước tiên và thường là khó khăn
nhất. Có thế, chúng ta mới cảm nghiệm được mình ở với Chúa. Điều thứ hai là sự
thinh lặng cần thiết. Nếu chúng ta muốn nói chuyện với ai đó, buổi trò chuyện
có thân mật và sâu sắc hay không còn tùy thuộc vào sự lắng nghe. Có thinh lặng
chúng ta mới nghe được Chúa nói với chúng ta.
Sức mạnh của chúng ta là nghỉ ngơi trong Chúa. Trong sự thinh
lặng và cậy trông! Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng trong việc dành thời
gian thinh lặng trong đời sống của Chúa Giêsu. Người thức dậy rất sớm và đi vào
nơi thanh vắng một mình cầu nguyện (x. Mc 1,35). Người cần thời gian tĩnh
nguyện với Thiên Chúa Cha. Đương nhiên, chúng ta cần thời gian đó! Chúng ta
không cần phải lấp đầy thời gian biểu của mình với hàng trăm hoạt động làm cho
chúng ta bận rộn. Chỉ trong thinh lặng và ở với Chúa chúng ta mới tìm được sức
mạnh trong các hoạt động của mình.
Thánh Phêrô Eymard được đề nghị nghỉ ngơi trong Chúa sau khi
hiệp lễ. Và ngài cảnh báo chúng ta về nguy cơ khi kết thúc Thánh lễ với những
lời mà chúng ta biết bằng trái tim. Ngài nói rằng, sau khi rước Mình và Máu
Chúa Kitô, tốt nhất là thinh lặng trong chốc lát để lấy thêm sức mạnh và nhất
là để cho Chúa Giêsu nói với chúng ta trong sự im lặng của tâm hồn chúng ta.
Đôi khi, thay vì nói với Chúa về các kế hoạch của chúng ta, tốt hơn là để Chúa
dạy chúng ta và ban cho chúng ta lòng can đảm.
Trong việc tông đồ chúng ta cũng cần phải có những thời gian
nghỉ ngơi, hãy tạm quên đi những ồn ào bên ngoài để đi sâu vào tâm hồn mình, để
chuyện vãn với Chúa nếu muốn hoạt động tông đồ hiệu quả! Với công việc tông đồ
chồng chất nhiều khi chúng ta quên mất việc nghỉ ngơi lấy sức. Cần thinh lặng
để thẩm định lại những biến cố và rà soát lại những công việc đã làm cùng lắng
nghe tiếng Chúa mời gọi. Nên nhớ rằng chúng ta đang trên đường lữ hành về trời,
con đường vừa hẹp vừa dốc nếu không nghỉ ngơi lấy sức thì không thể đến đích.
Đời sống con người luôn có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao
động chính là phúc lành cho chúng ta, giữa bộn bề cuộc sống hàng ngày, chúng ta
phải làm việc, chăm sóc gia đình… Nhưng đôi khi chúng ta quá mải mê lao động mà
quên đi phần tâm hồn thiêng liêng mà Chúa trao tặng cho mỗi người, rồi dần dần
chúng ta sẽ rời xa Chúa, hình ảnh của Chúa trong tâm hôn chúng ta sẽ phai nhạt
dần đi. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Như khí trời cần cho con người,
người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.
Vì vậy, chúng ta phải lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi
bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm
sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, và nhờ vậy, việc lao động của chúng ta
được đổi mới và tràn đầy sáng tạo.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết cậy dựa vào Chúa,
tin tưởng phó thác vào Chúa. Amen.