Tình mục tử ấp ủ đoàn chiên

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI – B

(Mc 6, 30 – 34)

 

Mục tử"  là  một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tự ví mình là " mục tử, người chăn chiên"  và dân Israel được Chúa chọn là đoàn chiên của Chúa : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta …Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ…" (Gr 23, 3). Đến lượt Chúa Giêsu, khi thấy dân chúng bơ vơ tất tưởi, Người động lòng trắc ẩn ví họ như : "Đàn chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Người cũng tự nhận mình là "Người chăn chiên".

Hình ảnh người mục tử với đoàn chiên thật tuyệt đẹp, dễ thương và đầy cảm động, diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Ngài như "Mục tử" với "đoàn chiên".

Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v ...) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.

Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với hình ảnh người chăn chiên dịu dàng và trìu mến, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đoàn của chúng để chia sẻ cùng một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số" (Gr 23, 3). Vì muốn trao ban nên một khi đã trao ban thì Chúa bảo vệ giữ gìn. Các mục tử được Chúa trao cho chăn dắt đàn chiên Chúa không cẩn thận, Chúa nổi giận đòi lại chiên : "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé chiên Ta… Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta…Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng" (Gr 23, 1-4). Chúa chăm sóc chiên của Chúa như thế nào? Những cảm nghiệm của con chiên dẫn chứng sự chăm sóc của chủ chiên : "Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng" (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta không những sống mà còn sống dồi dào, Ngài muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy. Ðó là điều mà bất cứ người mục tử nào cũng mong muốn cho đoàn chiên.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Chúa trên đám đông dân chúng là cái nhìn "mục tử" đầy tình thương. Thánh Marcô viết : "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể dưới hình hài Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và các việc Người làm, bằng cách chữa lành các người đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người ốm đau tật bệnh, để dẫn đưa họ đến bến bình an trong tình xót thương vô bờ của Thiên Chúa là Cha.

Vì kẻ dữ luôn tìm cách phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác với linh hồn, giữa con người với Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định : "Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người" (Ep 2,14). Ðể chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, "Chiên Con Thiên Chúa... gánh tội trần gian" (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: "Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài" (Tv 23, 6).

Người mục tử dẫn dắt đoàn chiên không đành lòng đuổi chiên nhưng đưa chiên tới đồng cỏ xanh tươi, tới suối nước trong lành. Tập hợp chiên lại xung quanh mình : "Mục tử tốt lành thí mạng vì đoàn chiên" (Ga 10, 11). Người vừa là Mục tử và vừa là Cửa chuồng chiên (Ga 10, 7) "Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí" (Eph 2 18). Nhờ Người mà chúng ta đi vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng vì người mình yêu". "Thiên Chúa là tình yêu" Ngài đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (x. Ga 3, 16), không ngần ngại trao ban sự sống mình (x. Eph 2, 14)

Những lời trên thật cảm động và đầy an ủi biết bao cho nhân loại hôm nay, vì nó đáp ứng khát vọng sâu thẳm của con người : đó là sống, sống viên mãn, sống vui và sống đời đời! Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Nữ Vương Bình An, Đấng luôn sống trong đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Mục Tử hằng chăn dắt, cầu cho chúng con ! Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B