CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa đặt ta dưới sự chăm sóc của Mục Tử Nhân
Lành
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 23:1-6;
Ep 2:13-18; Mc 6:30-34)
Thiên Chúa là mục tử nhà Ít-ra-en và
Chúa Giê-su là Mục Tử nhân lành, đó là những đề tài lớn trong Kinh Thánh. Hình ảnh mục tử có thể nói lên thật nhiều điều
Thiên Chúa đã làm cho Ít-ra-en cũng như Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta và Giáo Hội Người. Tuy nhiên Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dường như
muốn nhấn mạnh đến tình trạng khốn khổ của đàn chiên cần được chăm sóc chở che. Cho nên vì tình yêu và lòng thương xót, Thiên
Chúa trong vai trò mục tử đã “quy tụ đoàn chiên còn sót lại từ khắp mọi miền” lại,
để Người chăm sóc họ. Đó cũng là hình ảnh
báo trước Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành, sẽ được sai đến để quy tụ mọi người
vào trong Giáo Hội là ràn chiên của Người.
Trước hết chúng ta hãy trở lại bối cảnh
lịch sử Ít-ra-en để hiểu lời Thiên Chúa hứa rằng chính Người sẽ quy tụ đoàn
chiên còn sót lại của Người. Lời Thiên
Chúa lên án các người có trách nhiệm chăn dắt dân Ít-ra-en đã cho thấy tại sao
dân Chúa, một dân tộc hùng mạnh, nay chỉ là đám người còn sót lại. Từ năm 931 trước công nguyên, nước Ít-ra-en bị
phân chia làm hai, miền bắc là nước Ít-ra-en và miền nam là nước Giu-đa. Các vua cai trị hai nước là những mục tử “đã làm
cho đoàn chiên Chúa phải thất lạc và tan tác, đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến
chúng”. Bởi thế, năm 721 nước Ít-ra-en
rơi vào tay vua Át-sua, vì con cái Ít-ra-en đã đắc tội với Đức Chúa, Thiên Chúa
của họ. Đến năm 587, vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-no-xo
đã tàn phá Giê-ru-sa-lem và bắt dân nước Giu-đa đem đi đày. Thế là nước Ít-ra-en cả hai miền bắc và nam đều
kết thúc, đa số dân sống kiếp lưu đày khốn khổ hoặc bị đồng hóa với dân ngoại. Tuy nhiên một số người còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem. Chính trong bối cảnh này, qua ngôn sứ
Giê-rê-mi-a Thiên Chúa hứa rằng: “Chính
Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng…, cho xuất
hiện các mục tử để lãnh đạo chúng”.
Chúng ta hãy lưu ý đến phần cuối cùng của lời Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi
non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ
là người khôn ngoan tài giỏi…, thi hành điều chính trực công minh”. Vậy “chồi non chính trực” và “vị vua khôn ngoan
tài giỏi” ấy là ai? Là Chúa Giê-su
Ki-tô, Đấng Cứu Độ, sẽ được Thiên Chúa Cha sai đến. Trong bối cảnh lịch sử đen tối của Ít-ra-en,
Thiên Chúa hứa sẽ quy tụ dân Người lại và sẽ tận tình chăm sóc họ. Thực ra lời tiên tri của Giê-rê-mi-a còn nhắm
đến tình trạng khốn khổ thiêng liêng của nhân loại sau này và sự xuất hiện của
Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, sẽ đến để đem mọi người về hiệp nhất với Thiên
Chúa trong nước Ít-ra-en Mới. Bài Tin Mừng
Mác-cô hôm nay kể lại một ít hoạt động của vị Mục Tử Nhân Lành. Đoạn sách thánh đề cao việc Chúa Giê-su chạnh
lòng thương đối với đoàn chiên của Người.
Mặc dù đã mệt nhọc với việc giảng dạy, chữa lành, huấn luyện các tông đồ
và cần được nghỉ ngơi, Chúa Giê-su vẫn hy sinh sự nghỉ ngơi ấy để chăm sóc cho những
nhu cầu của dân chúng. Thánh Mác-cô kể: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người
rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Vì lòng thương xót, Chúa Giê-su đã đặt nhu cầu
được dạy dỗ của dân chúng lên trên nhu cầu cần nghỉ ngơi của Người. Trong khi các mục tử chăn dắt dân Ít-ra-en
“xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng”, thì Chúa Giê-su vừa trông thấy đám
đông dân chúng, Người đã “chạnh lòng thương” và “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Bài Tin Mừng đã trình bày Mục Tử Nhân
Lành chăm sóc các con chiên của Người.
Nhưng hôm nay qua đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô giúp
chúng ta hiểu Chúa Ki-tô đã làm thế nào để quy tụ mọi người, không phân biệt chủng
tộc, làm thành một Giáo Hội. Trong thư gửi
tín hữu Ê-phê-xô là những người dân ngoại trở lại Ki-tô giáo, thánh Phao-lô viết: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng
nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những
người ở gần”. Thật là cảm động và tuyệt
vời! “Những người ở xa” trở thành “những
người ở gần” là “nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra”.
Kẻ xưa kia ở ngoài Giáo Hội nay được ở trong Giáo Hội là nhờ tình yêu
tuyệt đối và hy sinh của Con Một Thiên Chúa!
Như thế, cách Chúa Giê-su quy tụ mọi người chính là “Người đã hy sinh
thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét”. Người ta thù ghét nhau và thù ghét Thiên
Chúa. Giờ đây Chúa Giê-su đến để giải
hòa chúng ta với Thiên Chúa và giải hòa chúng ta với nhau, để “sẽ
chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”
(Gio-an 10:16).
Sống sứ điệp Lời Chúa
Bạn cảm thấy thế nào khi suy nghĩ về
việc Thiên Chúa quy tụ chúng ta vào trong gia đình của Người và để Chúa Giê-su,
vị Mục Tử Nhân Lành, chăm sóc chúng ta?
Thật là cảm động và an ủi phải không?
Với những suy nghĩ ấy, hôm nay bạn hãy đọc đi đọc lại nhiều lần hoặc hát
lên bài Thánh Vịnh Đáp Ca “Chúa chăn nuôi tôi”, từng chữ từng câu, dừng lại ở
những chữ hoặc câu nào đánh động bạn, để bạn “nếm cho biết Chúa tốt lành biết
bao”! Hình ảnh thật cảm động Chúa Giê-su
vác con chiên trên vai cũng có thể giúp bạn cầu nguyện sốt sắng nữa. Cảm tạ Chúa và hãy tận hưởng tình thương của
Mục Tử Nhân Lành.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi