CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Chúa dưỡng nuôi chúng ta bằng bánh bởi trời

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 16:2-4, 12-15;  Ep 4:17, 20-24;  Ga 6:24-35)

          Sau khi kể lại một dấu lạ Chúa Giê-su đã làm, thánh Gio-an không nói gì thêm, để chúng ta có cơ hội suy nghĩ về ý nghĩa của phép lạ ấy.  Tuy nhiên, đặc biệt đối với dấu lạ Chúa Giê-su làm cho bánh và cá hóa nhiều ở bờ biển hồ Ga-li-lê, thì thánh sử lại dành ra nguyên chương 6 để ghi lại bài giảng của Chúa Giê-su về bánh ban sự sống, tức Bí Tích Thánh Thể.  Như vậy, dấu lạ này quả thực có tầm quan trọng lớn lao, chỉ đứng sau dấu lạ Chúa phục sinh được ám chỉ qua sự kiện ông Giô-na ở trong bụng cá ba ngày (Mát-thêu 12:40).  Dấu lạ quan trọng vì không những nó nói lên quyền năng của Chúa, mà còn nói lên lòng Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi Người ban chính sự sống của Người cho chúng ta.  Man-na trong Cựu Ước và Mình Máu Chúa Ki-tô trong Tân Ước là những dấu chỉ biểu lộ tình yêu Thiên Chúa.

          Trước hết chúng ta hãy xem Thiên Chúa yêu thương và nuôi dưỡng Ít-ra-en, dân riêng của Người, như thế nào.  Hành trình của dân Chúa thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập là hành trình gian khổ, vì họ phải vượt qua một đoạn đường quá dài với núi non hiểm trở, luôn phải chiến đấu với những cư dân tại những nơi họ đi qua.  Thêm vào đó là vấn đề sinh tồn.  Nếu chỉ là một đoàn gồm ít người thì có lẽ không khó khăn lắm.  Nhưng chúng ta thử tưởng tượng một đám đông “con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con.  Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo” (Xuất Hành 12:37-38).  Trong cuộc Xuất Hành ấy, có biết bao khó khăn thử thách, bên ngoài cũng như trong chính tâm hồn.  Nguy hiểm hôm nay của đám dân Ít-ra-en là “phải chết đói cả lũ” ở giữa sa mạc trong lúc họ nhớ lại những ngày “ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê” tại Ai-cập!  Nhưng Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót, “đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách” nên lo lắng cho nhu cầu khẩn thiết của họ.  Thế là buổi sáng thì từ trời rơi xuống “một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối phủ mặt đất” (man-na), buổi chiều thì chim cút từ trời “bay đến rợp cả trại”.  Phải, chính Thiên Chúa là Đấng ban xuống lương thực từ trời để nuôi dưỡng dân Người.  Phép lạ bánh bởi trời trong Cựu Ước quả thật vĩ đại, tuy nhiên đó chỉ là hình bóng báo trước một phép lạ khác sẽ xảy tới trong thời Tân Ước:  Đức Giê-su Ki-tô là bánh Thiên Chúa ban xuống từ trời cho nhân loại để làm thần lương nuôi dưỡng họ trong hành trình về nhà Cha.  

          Sau khi làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giê-su nhân cơ hội này giải thích ý nghĩa dấu lạ Người đã thực hiện.  Dân chúng coi phép lạ man-na là phép lạ vĩ đại mà ông Mô-sê đã làm cho họ.  Nhưng Chúa Giê-su đã dạy họ rằng không phải ông Mô-sê ban man-na cho họ, mà là chính Thiên Chúa.  Chúa Giê-su nhấn mạnh đến Đấng ban man-na là Thiên Chúa từ trời, chứ không phải ông Mô-sê ở dưới đất:  “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực”.  Rồi Chúa Giê-su kết luận:  “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

          Cũng như Thiên Chúa Cha đã ban “bánh bởi trời” cho dân Ít-ra-en thế nào, Người cũng ban cho chúng ta “bánh trường sinh” từ trời để dưỡng nuôi chúng ta như vậy.  Tuy nhiên có sự khác biệt hoàn toàn về hiệu quả của hai thứ lương thực ấy.  Man-na chỉ là thứ bánh tạm thời nuôi dưỡng thể xác con người, còn “bánh trường sinh” là Mình Máu Chúa Ki-tô thì ai ăn sẽ không hề đói, ai uống sẽ không hề khát.  Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về cách thức Thiên Chúa Cha nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng bánh bởi trời là Chúa Giê-su như thế nào.  Chúng ta cần được nghe lời Thiên Chúa dạy dỗ, thì Chúa Giê-su đã đến giữa chúng ta, dùng ngôn ngữ loài người để dạy chúng ta biết đường lối và lề luật của Thiên Chúa.  Chúng ta cần sức mạnh thiêng liêng để giúp chúng ta thắng vượt cám dỗ và tội lỗi, thì Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và cái chết để trở nên sức mạnh Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta.  Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rô-ma 8:31, 37).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta được giải hòa và được làm con cái Chúa.  Chúng ta là con người mới để sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô.  Sự sống mới thì cần được nuôi dưỡng bằng lương thực mới là chính Chúa Giê-su.  Đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-xô là một suy niệm tuyệt vời về ý nghĩa nuôi dưỡng của Bánh Trường Sinh là Chúa Giê-su.  Thánh Phao-lô dạy chúng ta hãy phát triển con người mới của chúng ta bằng cách “cởi bỏ con người cũ” để “mặc lấy con người mới”.  Con người cũ là con người thuộc về tội lỗi, chúng ta phải vứt bỏ đi cùng với những xấu xa tội lỗi của nó.  Ngược lại, con người mới là con người được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Ki-tô và tình yêu của Người, là “con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”.  Vậy chúng ta hãy thực hiện diễn trình “cởi bỏ và mặc lấy” này để mỗi ngày được trở nên giống Chúa Giê-su hơn!           

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi  


Suy Niệm Lời Chúa Năm B