CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Sứ mệnh đầy thử thách của Đấng Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:5-9a;  Gc 2:14-18;  Mc 8:27-35)

          Như chúng ta biết, mục đích chính của Tin Mừng Mác-cô là trình bày sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Các học giả Kinh Thánh đã gọi sứ mệnh này là “bí ẩn về Đấng Mê-si-a” (messianic secret), vì Chúa Giê-su thường cấm ma quỷ cũng như những kẻ được Chúa chữa lành, thậm chí cả đến các tông đồ như ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, không được tiết lộ Người là Đấng nào.  Bí mật ấy đã được giới thiệu ngay trong câu đầu tiên của sách Tin Mừng Mác-cô:  “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa”.  Bí mật được tiếp tục trình bày suốt mười lăm chương sách, để cuối cùng được công bố trọn vẹn qua lời tuyên xưng của viên sĩ quan Rô-ma, người đã chứng kiến Chúa Giê-su tắt thở trên thập giá:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.  Đó cũng là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Cả ba bài đọc đều nói lên sứ mệnh Đấng Ki-tô mà Chúa Giê-su đã thi hành và hoàn tất với cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Người.

          Trước hết, bài Tin Mừng nói về sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Cả ba sách Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại Chúa Giê-su đã ba lần báo trước cho các môn đệ biết về cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Người:  “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su dĩ nhiên khởi đầu ngay từ giây phút Ngôi Lời nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và làm người phàm cư ngụ giữa chúng ta.  Sứ mệnh ấy tiếp tục và trở thành công khai khi Chúa Giê-su lên đường rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ để chữa lành rất nhiều người và xua trừ ma quỷ.  Những “thành công” và nổi tiếng của Chúa đã làm cho các môn đệ Người khó có thể chấp nhận những điều Người báo trước về cái chết và sự sống lại của Người.  Đó cũng chính là những gì chúng ta đọc được trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù ông Phê-rô vừa được Chúa Cha mặc khải cho biết Chúa Giê-su là “Đấng Ki-tô”, vậy mà ông vẫn mạnh mẽ phản đối, không chấp nhận việc Chúa sẽ “bị giết chết”!  Đây không chỉ là một thách đố cho Phê-rô và các tông đồ khác, mà cũng là một thách đố cho chính bản thân Chúa Giê-su nữa.  Người đã phải chiến đấu với cám dỗ làm “đấng ki-tô trần thế”, tức một lãnh tụ sẽ cai trị Ít-ra-en.  Sau phép lạ bánh hóa nhiều, thấy dân chúng muốn tôn mình lên làm vua (Gio-an 6:15), Chúa Giê-su đã chống trả thách đố bằng cách “lánh mặt, đi lên núi một mình” để cầu nguyện cho khỏi sa chước cám dỗ!  Cám dỗ ấy vẫn tiếp tục đeo đẳng Chúa Giê-su cho đến phút lìa đời, khi kẻ thù thách Người:  Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mát-thêu 27:40).  Chúa Giê-su đã không xuống, vì Người chỉ muốn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa mà thôi!

          Vậy Chúa Giê-su đã chiến thắng cám dỗ như thế nào?  Bằng cách nắm chặt lấy niềm tin vào tình yêu và sự phù trợ của Thiên Chúa Cha.  Đúng vậy, ngôn sứ I-sai-a đã mô tả đức tin của Người Tôi Trung.  Đức tin đã giúp cho Người Tôi Trung chịu đựng được mọi thứ bách hại của kẻ thù.  Nào là “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”.  Nào là “không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”, thậm chí “trơ mặt ra như đá” và “sẽ không phải thẹn thùng”.  Đức tin đã trở thành khiên thuẫn để Người Tôi Trung dám thách thức kẻ thù:  “Ai tranh tụng với tôi?  Cùng nhau ta hầu tòa!  Ai muốn kiện cáo tôi?  Cứ thử đến đây coi!  Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”  Chúa Giê-su chính là Người Tôi Trung của Thiên Chúa!  Những hình ảnh do ngôn sứ I-sai-a tiên báo về cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô đã được thể hiện từng nét.  Trong cuộc Thương Khó kinh hoàng, Chúa Giê-su đã nhẫn nhục và yên lặng, yên lặng của tình yêu, quảng đại, hy sinh và hoàn toàn phó thác trong bàn tay Chúa Cha.  Nói tóm lại, tin vào tình yêu Thiên Chúa Cha chính là bí quyết để Chúa Giê-su trung thành thực thi và chu toàn sứ mệnh Đấng Ki-tô vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nếu lắng nghe cả ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc:  phải chăng bài đọc 2 hôm nay lạc điệu hoặc không đúng chỗ?  Ngôn sứ I-sai-a và Tin Mừng Mác-cô thì nói về sứ mệnh Đấng Ki-tô, còn thánh Gia-cô-bê lại nói về đức tin có hành động.  Nhưng không phải là sai chỗ đâu!  Vì thánh Gia-cô-bê đã học được bài học về đức tin của Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó của Chúa và thánh tông đồ muốn chia sẻ bài học ấy với chúng ta đấy.  Khi đặt câu hỏi:  “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?”, thánh Gia-cô-bê mời chúng ta hãy nhìn vào đức tin của Chúa Ki-tô lúc Người chịu cuộc Thương Khó, để chúng ta nhận ra được những “ích lợi” Chúa Giê-su đã đem lại cho toàn thể nhân loại mọi thời mọi nơi.  Ích lợi ấy là chúng ta được thay đổi thân phận từ nô lệ tội lỗi để trở nên con Thiên Chúa, rồi được sống sự sống mới trong hành trình tiến về nhà Cha trên trời.

          Chúa Ki-tô để lại cho chúng ta gương mẫu đặt niềm tin vào Thiên Chúa để chu toàn sứ vụ đầy thử thách.  Còn thánh Gia-cô-bê thì thách thức chúng ta lấy hành động minh chứng cho đức tin:  “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”.  Vậy chúng ta sẽ có những hành động nào để những người chung quanh thấy thế nào là tin?

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi  

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B