NGƯỜI LỚN NHẤT

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 9,30-37

 

Chúa Giêsu nói :” Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người “. Chúa quan niệm làm lớn làm bé trong Vương Quốc của Ngài hoàn toàn khác với cách phân chia quyền bính của con người. Ngài giải thích tiếp:” Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy “ ( Mc 9, 37 ).

Tinh thần mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ và mọi người chúng ta là “ Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “ ( Mc 9, 35 ). Thật vậy, cái cám dỗ lớn nhất của con người là muốn thống trị, muốn lãnh đạo đạo người khác. Người ta hơn nhau tiếng nói, hơn nhau địa vị, danh tiếng vv…Chúa Giêsu có quan niệm khác hẳn với cách suy nghĩ của con người. Cám dỗ về quyền bính và làm lớn cũng đã xẩy ra ngay từ thời các tông đồ, giữa các môn đệ. Bởi vì, vào chính lúc Thầy Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài thay vì tìm hiểu để chia sẻ với ưu tư, với suy nghĩ của Thầy, các môn đệ đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi, tranh dành quyền hành với nhau, các ngài tưởng thời lập quốc của Thầy đã tới và vinh quang của các ngài đã ló rạng, sáng ngời.Do đó, các ngài tranh luận xem ai sẽ làm chức này, chức nọ trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Các môn đệ cũng tự cảm thấy ngượng vì tranh cãi nhau như thế bởi khi Cúa Giêsu hỏi dọc đường các con tranh luận với nhau về việc gì, các ngài đã im lặng. Đối với Chúa Giêsu  trong Nước Trời cũng có tôn ti trật tự nhưng là một tôn ti trật tự lạ lùng : Người làm lớn là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ, phục vụ. Chính Chúa Giêsu tuy là Chúa, là Thầy mà đã làm gương quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn về quan điểm của Chúa Giêsu : Người làm lớn phải là người phục vụ, người đi trước và về sau như các Đức Giáo Hoàng thường ký trong các văn bản của các ngài :” Tôi tớ của các tôi tớ “. Người lớn nhất theo Chúa Giêsu là người không dùng quyền hành, địa vị để cai trị, thống lãnh người khác mà dùng đôi tay để phục vụ, để hầu hạ. Người lớn nhất không dùng quyền lực để cai trị nhưng dùng con tim để yêu thương.  Đối với Chúa :” Quyền bính là để phục vụ”.Tự bản chất “ quyền bính’ tự nó là tốt, là cần thiết cho sự an sinh xã hội. Điều quan trọng là biết dùng nó để quyền bính trở nên hữu ích cho con người, cho người khác. Tin mừng của Chúa Giêsu hôm nay vẫn là bài học muôn thuở cho trần gian, cho con người, cho loài người. Quyền bính cần thiết cho sự an bình và trật tự của mọi cơ cấu xã hội và ngay cả Giáo Hội, nhưng bài học đó sẽ hữu ích, và vô cùng cần thiết nếu con người luôn biết noi gương bắt chước Thầy Chí Thánh Giêsu :” Đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ “ “ Ai muốn làm lớn, làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người hầu hạ, phục vụ mọi người “.

Thế giới muôn thời vẫn luôn cần có những người lãnh đạo hiền lành, khiêm tốn, yêu thương và phục vụ. Thiếu những đức tính ấy người lãnh đạo, người đứng đầu sẽ không còn là người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu mà trở thành người lạm dụng quyền bính, tự kiêu và sống giống như người Biệt phái,Pharisêu vv…Bước theo Chúa là noi gương Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và yêu thương các ngài tới cùng, yêu thương nhân loại bằng việc đổ máu trên Thập Giá…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết sống hiền lành, khiêm tốn, yêu thương và phục vụ như Chúa.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Quyền bính theo quan niệm của con người ?

2.Quyền bính có cần không ? Theo Chúa Giêsu :” Quyền bính và người lãnh đạo phải làm sao ?”.

3.Chúa Giêsu đã làm gương nào cho các môn đệ về việc lãnh đạo?

4.Trẻ nhỏ theo quan niệm của Chúa Giêsu ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm B