CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
Đấng Ki-tô, người công chính của Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 2:12.17-20; Gc 3:16 – 4:3; Mc 9:30-37)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa
Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc Thương Khó Người sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem. Trong mỗi lần Chúa tiên báo, thánh Mác-cô cho
chúng ta thấy hai chiều kích, một về chính Chúa Giê-su và hai về phản ứng của
các môn đệ Người. Lần thứ nhất, song
song với việc Chúa Giê-su nói đến sứ mệnh của Con Người, tức Đấng Ki-tô, là bài
ca Người Tôi Trung trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Bài ca nhấn mạnh đến sự nhẫn nhục và vâng lời Thiên Chúa của Chúa
Giê-su. Còn phản ứng của các môn đệ trước
lời tiên báo là việc Phê-rô can gián Chúa đừng để cho cuộc Thương Khó xảy
ra. Hôm nay là lần tiên báo thứ hai,
chúng ta có bài trích sách Khôn Ngoan mô tả người công chính chịu lăng nhục và
bị kết án chết, để nói lên Đức Ki-tô là “người công chính” của Thiên Chúa. Vậy sách Khôn Ngoan mô tả người công chính ấy
thế nào?
“Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã!” Đó là lời hô hoán đồng thanh của “phường vô đạo”
quyết tâm hại “tên công chính, con Thiên Chúa”.
Vậy thì lý do nào khiến bọn ác nhân kia phải diệt bằng được người công
chính? Bọn họ đã trả lời là “vì nó làm
vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo
ta không tuân hành lễ giáo”. Đúng thế,
Chúa Giê-su đã làm”vướng chân” nhóm Pha-ri-sêu cùng các kinh sư, và Người đã
“chống lại” những việc làm giả hình khoa trương của họ (xem Mát-thêu 23:1-36). Cho nên sau khi đã tìm đủ cách để bắt bẻ,
tranh luận và cố hạ uy thế của Chúa Giê-su trước mặt dân chúng mà không làm gì
được Người, nên họ cuống cuồng bảo nhau: "Các ông thấy chưa:
các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" Thế là các thượng
tế quyết định giết Chúa Giê-su và cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà dân chúng
theo Chúa (Gio-an 12:10-11, 19). Chúa
Giê-su đã khiển trách nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư không phải vì Người thù ghét họ,
nhưng Người đã lên tiếng như một người Cha đầy lòng thương xót muốn nhắc nhở và
kêu mời những đứa con hoang đàng trở về.
Người mong họ từ bỏ lối sống “ghen tương và tranh chấp” để sống theo “đức
khôn ngoan” của Thiên Chúa (như thánh Gia-cô-bê nhắc đến trong bài đọc 2). Quả thực, sống theo đức khôn ngoan, chúng ta
sẽ được trở nên “trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy
từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc
3:16, 17). Tóm lại, đây là những đặc nét
của hình ảnh người công chính đã được thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Giê-su, người
công chính của Thiên Chúa.
Nếu bài trích sách Khôn ngoan và bài trích
thư thánh Gia-cô-bê đã trình bày Đấng Ki-tô như người công chính, thì việc Chúa
Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc Thương Khó lại cho chúng ta thấy một điểm
vô cùng độc đáo về Đấng Ki-tô: “Ai muốn
làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Có lẽ không có đoạn Tân Ước nào diễn tả tuyệt
vời về Đấng Ki-tô hơn là đoạn thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê
2:6-8. Phải, từ địa vị Thiên Chúa, Chúa
Giê-su đã được sai đến trần gian để trở nên “người rốt hết” bằng cách nhận lấy
“thân nô lệ” và bằng lòng chịu chết ô nhục trên thập giá. Chúa Giê-su còn “làm người phục vụ mọi người”. Chúa đã phục vụ mọi người qua sứ mệnh rao giảng
Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân và trừ ma quỷ.
Tột đỉnh của việc phục vụ là Người chấp nhận cái chết ô nhục, để mọi người
được cứu chuộc làm con Thiên Chúa. Đó là
cách Người phục vụ nhân loại vì yêu thương họ đến cùng.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Không phải Chúa Giê-su chỉ báo trước
cuộc Thương Khó của Người, mà Người còn dạy chúng ta nhiều bài học nữa. Sau khi Chúa đã báo trước lần thứ hai về cuộc
Thương Khó, điều mỉa mai là các môn đệ lại “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Chắc họ tranh nhau xem ai là người sẽ “kế vị”
Chúa sau khi Người bị giết chết! Thế là
Chúa cho họ và cho cả chúng ta một bài học đích đáng! Hãy làm “người rốt hết” và làm “người phục vụ”. Chúa không có ý bảo chúng ta phải luôn luôn đứng
bét, phải đội sổ…, nhưng chúng ta hãy là người khiêm nhường đích thực. Nếu làm người khiêm nhường đích thực, thì kết
quả tất nhiên là đức khiêm sẽ giúp chúng ta phục vụ người khác với lòng yêu
thương, sẽ giúp chúng ta “cúi xuống và rửa chân cho anh em”, cho dù chúng ta có
là thầy cô, cha mẹ hay người có địa vị.
Một bài học khác chúng ta có thể học
nơi “người công chính” là Chúa Giê-su.
Đó là bài học can đảm. Thử hỏi có
ai biết mình sẽ “bị nộp vào tay người đời và bị họ giết chết” mà vẫn chấp nhận
không? Chúa Giê-su Ki-tô đã can đảm chấp
nhận chết cho chúng ta. Động lực giúp
Người được can đảm chính là tình yêu.
Người chết để làm chứng rằng “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian” và muốn mọi con cái Người được ở bên cạnh
Người muôn đời. Cuộc đời trần thế của
Chúa Giê-su là một chứng từ tình yêu vĩ đại chưa từng có. Đồng thời cuộc sống của Người cũng là một mẫu
mực cho hết thảy Ki-tô hữu và là lời mời gọi chúng ta hãy làm chứng nhân tình
yêu Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống.
Để làm chứng nhân tình yêu, chúng ta hãy tiếp nhận anh chị em “vì danh
Thầy”, tức là vì Tình Yêu, để ta cũng được Chúa tiếp nhận!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi