CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Cân nhắc cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 7:7-11;  Dt 4:12-13;  Mc 10:17-30)

          Nhiều khi chúng ta nhận được những quảng cáo rất tuyệt vời.  Nhưng nếu chúng ta không đọc thật kỹ, nhất là vài dòng chữ lí nhí ở cuối trang, rồi đưa bút ký là vỡ nợ vì bút sa gà chết!  Đối với Thiên Chúa và Chúa Giê-su thì mọi sự phải rõ ràng, không thì nói không, có thì nói có, thêm bớt là trò của ma quỷ.  Vì thế trong việc chọn lựa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng như chọn lựa làm môn đệ Chúa Giê-su, mọi điều kiện đều rõ ràng. Quyết định theo hay không theo là tùy thuộc quyền lựa chọn của con người.  Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa trình bày việc lựa chọn ấy qua bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng, đồng thời cũng giới thiệu với chúng ta một phương thức lựa chọn qua đoạn thư gửi tín hữu Do-thái.

          Bài đọc Cựu Ước chia sẻ với chúng ta tâm tình của một người quyết định chọn Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, thay vì chọn tất cả những gì quý báu nhất và được trân trọng nhất của người đời.  Đối với vị này, Đức Khôn Ngoan có một giá trị tuyệt đối không gì có thể so sánh được.  Trên đời có biết bao nhiêu cái nhất:  giầu có nhất, địa vị cao nhất, quyền lực nhất, nên thông thường ai cũng muốn có được ít ra một cái nhất.  Vậy mà đối với vị này, vương trượng ngai vàng, trân châu bảo ngọc, vàng bạc, ngay đến sức khỏe và sắc đẹp, tất cả chỉ là “cát bụi, bùn đất”, nếu đem so với Đức Khôn Ngoan.  Bởi đâu Đức Khôn Ngoan có một chỗ đứng tối cao như thế?  Bởi vì xuất xứ của Đức Khôn Ngoan là từ Thiên Chúa mà đến;  vị này đã kêu cầu Thiên Chúa và Người đã “ban cho” vị này Đức Khôn Ngoan.  Khôn Ngoan là sở hữu của Thiên Chúa nên Thiên Chúa tặng cho ai nhận biết giá trị của Khôn Ngoan.  Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu nên Đức Khôn Ngoan của Người cũng tồn tại muôn đời, khác hẳn với những gì quý giá của thế gian là những thứ sẽ bị rỉ sét mối mọt theo thời gian.  Tuy nhiên vị này đã phải trả một cái giá thật đắt, là đánh đổi tất cả những gì có giá trị tạm bợ để được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa;  vị này đã bỏ đi cái lợi gần để nhận lấy cái lợi xa.  Vì lựa chọn ấy, Thiên Chúa để cho “mọi sự tốt lành đã đến với tôi.  Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể”.  Đúng vậy, của cải quá nhiều ở đây là những phúc lành Thiên Chúa ban xuống tràn đầy trên kẻ biết chọn đường lối Người.

          Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nhập thể làm người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Gio-an 1:14.  Cho nên chọn Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với việc chọn Chúa Giê-su để đi theo làm môn đệ Người.  Bài Tin Mừng cho chúng ta hình ảnh sống động về sự chọn lựa ấy.  Chúa Giê-su lên đường.  Con đường Người đi cũng là con đường các môn đệ phải đồng hành với Người.  Đã có lần Người nói với các môn đệ:  “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Gio-an 14:6).  Bỗng nhiên có một người đến gặp Chúa.  Anh ta quỳ xuống trước mặt Chúa Giê-su và gọi Người là “Thầy nhân lành”.  Đây là cử chỉ tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa.  Chúa Giê-su không ngần ngại chấp nhận lời tuyên xưng của anh.  Người không ngần ngại làm một cuộc “điều tra lý lịch” người môn đệ tương lai này.  Thực ra thì Chúa muốn giúp anh nhận ra chính con người anh có đầy đủ điều kiện để lựa chọn Người.  Nhưng để dứt khoát theo Người, anh cần một điều kiện cuối cùng:  bán mọi sự anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy theo Chúa.  Nói khác đi, người thanh niên giàu có này chỉ có một lựa chọn duy nhất, là hoặc bán đi tất cả để theo Chúa, hoặc bỏ Người mà đi để giữ lấy của cải.  Nếu so sánh với câu chuyện lựa chọn Đức Khôn Ngoan trong bài đọc 1, chúng ta nhận ra sự trái ngược.  Trong khi kẻ chọn Đức Khôn Ngoan coi của cải danh vọng như bùn đất, thì người thanh niên này lại thấy của cải lớn hơn cả Chúa Giê-su là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhập thể.  Chúa Giê-su có lẽ tiếc thay cho anh ta, nhưng Người không níu kéo, không ép buộc, vì Người tôn trọng sự tự do lựa chọn của anh.  Cái giá phải trả để làm môn đệ Chúa quá đắt đối với anh.

          Việc lựa chọn đặt căn bản trên sự nhận định giá trị đích thực.  Đúng thế, phải là giá trị đích thực!  Để giúp chúng ta biết được đâu là giá trị đích thực, đoạn thư Do-thái cho chúng ta một bí quyết:  hãy lấy lời Thiên Chúa mà phân biệt mọi sự phải hay trái, đúng hay sai, tạm bợ hay vĩnh cửu.  Nhưng Lời Thiên Chúa giúp chúng ta phân biệt như thế nào?  Đặc điểm của lời Thiên Chúa là “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi:  xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy;  lời đó phê phán tâm linh cũng như tư tưởng của lòng người”.  Do đó, lời Thiên Chúa có thể giúp chúng ta nhận ra rõ ràng giá trị vĩnh cửu của Tin Mừng Chúa Giê-su khác với giá trị tạm bợ của tiền bạc của cải.  Lời Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu được sự giàu có đích thực là “kho tàng trên trời” khác với sự giàu có của thế gian là tiền tài vàng bạc chóng qua.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta đã lựa chọn làm môn đệ Chúa qua Bí tích Rửa tội, khi ta hứa từ bỏ ma quỷ, tội lỗi để tin vào Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Người nhờ Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần.  Tuy nhiên lựa chọn ấy không phải là một lần cho tất cả.  Bí tích Rửa tội không phải là cái vé bảo đảm cho ta vào thiên đàng, mà chỉ là bước đầu.  Ta phải tiếp tục thể hiện sự chọn lựa ấy bằng đời sống Ki-tô đích thực!

   Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B