CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su là Người Tôi Trung và Thượng Tế siêu phàm
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 53:10-11; Dt 4:14-16;
Mc 10:42-45)
Sau mỗi lần Chúa Giê-su báo trước cuộc
Thương khó của Người thì lại xảy ra chuyện và Người nhân dịp đó cho các tông đồ
một bài học thật ý nghĩa. Đây là lần
loan báo thứ ba và cũng là lần cuối cùng.
Ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay kết hợp hài hòa để trình bày sứ
mệnh của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, có một sự
kiện trong bài Tin Mừng trở nên cơ hội để Chúa Giê-su dạy các tông đồ và hết thảy
chúng ta bài học hãy khiêm nhường phục vụ anh chị em. Sự kiện ấy là việc hai người con ông Dê-bê-đê
đến xin Chúa Giê-su một đặc ân: “Một người
được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.
Trước hết chúng ta cùng suy nghĩ về sứ
mệnh Chúa Giê-su đến trần gian để làm gì. Chúa trả lời rất rõ ràng: “Con
Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng
sống làm giá chuộc muôn người”. Ý tưởng
phục vụ và hiến mạng sống đã được diễn tả trong bài đọc ngôn sứ I-sai-a nói về
“người tôi trung của Đức Chúa”. Người
tôi trung nghĩa là người trung thành phục vụ chủ của mình. Người ấy chỉ thi hành mọi việc theo ý muốn của
chủ, thậm chí chủ có muốn người ấy phải chết thì người ấy cũng sẵn sàng. Ở đây, ai là ông chủ và ai là người tôi
trung? Quả thực, Thiên Chúa Cha là ông
chủ và Chúa Giê-su chính là người tôi trung.
Vậy Chúa Cha đã muốn Chúa Giê-su “phải bị nghiền nát vì đau khổ”. Lạ đời thật, có người cha nào lại muốn con
mình phải chịu nghiền nát vì đau khổ và phải thí mạng sống mình để đền tội cho
kẻ khác không? Có, đó là Cha trên trời của
chúng ta. Vì yêu thương chúng ta và muốn
cứu độ chúng ta, nên Chúa Cha đã muốn một điều quá sức vô lý. Con tim có lý lẽ riêng không ai giải thích được.
Thánh Phao-lô cũng “á khẩu” trước tình
yêu vô lý này và ngài còn gọi đó là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa! “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có
Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng
tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”
(Rô-ma 8:31-32). Đúng, Thiên Chúa “điên”
như vậy thì hết nói được rồi. Nhưng
chúng ta biết một mà không biết mười. Ngôn
sứ I-sai-a cho ta thấy những hiệu quả phong phú khôn lường của việc Thiên Chúa
bắt người tôi trung phải chịu nghiền nát và thống khổ. Khi Chúa Giê-su thí mạng sống mình, thì Người
“sẽ được thấy kẻ nối dõi” là một đoàn em đông đúc, vì nhờ cuộc Thương khó, Người
“sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (I-sai-a
53:11).
Bài đọc 1 tuy ngắn gọn, nhưng nói lên
đầy đủ sứ mệnh của Chúa Ki-tô với tính cách là Người Tôi Trung của Thiên
Chúa. Còn bài đọc 2 trích thư Do-thái
cũng ngắn gọn và lấy hình ảnh vị Thượng Tế siêu phàm để mô tả sứ mệnh của Chúa
Giê-su. Vị thượng tế của đạo Do-thái cứ
mỗi năm một lần phải đi qua bức màn ngăn Thánh điện để vào sát tế và dâng lễ đền
tội cho dân. Nhưng Chúa Giê-su thì “băng
qua các tầng trời” mà đến trần gian, để bước qua bức màn là cái chết của Người
trên thập giá mà chuộc tội chúng ta. Một
công việc khác của vị thượng tế trần gian là làm “cầu nối” tạm thời giữa Thiên
Chúa và dân Người, tuy nhiên vị này cũng không thể đưa dân chúng “tiến lại gần
ngai Thiên Chúa” được. Trái lại, Chúa
Giê-su là vị Thượng Tế siêu phàm, lại còn “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của
chúng ta”, Người là Đấng Trung Gian vĩnh viễn liên kết chúng ta với Thiên Chúa,
thậm chí còn là vị Lãnh Đạo dẫn nhân loại về nhà Cha trên trời nữa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Nếu bài trích sách I-sai-a và bài
trích thư Do-thái đã giúp chúng ta hiểu rõ ràng về sứ mệnh của Chúa Ki-tô là phục
vụ và chết để cứu độ chúng ta, thì đoạn Tin Mừng là một bài học rất thực tế cho
cuộc sống người Ki-tô hữu: sống là phục
vụ. Câu chuyện phục vụ manh nha từ sự kiện
hai anh em nhà Dê-bê-đê đến xin Chúa Giê-su dành cho họ địa vị cao sang trong
“chính phủ” tương lai của Người! Họ tưởng
Thầy mình sắp “được vinh quang”, nghĩa là sắp làm vua Ít-ra-en đến nơi rồi, vì
rõ ràng Chúa cùng với các tông đồ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Mà đã làm vua thì Chúa sẽ hét ra lửa, thở ra
khói. Còn họ thế nào chẳng có phần trong
guồng máy cai trị của Người. Hai ông muốn
“làm lớn” trên những người khác, muốn được ngồi bên phải và bên trái của
Chúa. Oai thế còn gì bằng! Nhưng Chúa bất ngờ làm cho mọi người vỡ mộng
khi Người thẳng thắn nói: Ai muốn làm lớn
thì phải làm người phục vụ; ai muốn đứng
đầu thì phải làm đầy tớ. Rồi Chúa lấy
chính bản thân làm ví dụ: Thầy đến không
phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, phục vụ đến bằng lòng chịu
chết trên thập giá để làm giá chuộc tội nhân loại!
Bài học phục vụ này nghe quá quen thuộc,
nhưng lại không dễ làm chút nào nếu chúng ta không nhìn vào tấm gương của Chúa
Giê-su là vị Lãnh Đạo chúng ta. Lòng
khiêm nhường của người đầy tớ đã làm cho cái lưng của Chúa là Thầy hóa nên thật
mềm, để cúi xuống rửa chân cho đám môn đệ là chúng ta. Đức vâng lời của Người Tôi Trung là thái độ
căn bản giúp cho người Con Một luôn vâng phục ý Cha. “Xin đừng theo ý con, nhưng chỉ theo ý Cha mà
thôi”. Cả cuộc đời của Chúa Giê-su là phục
vụ, phục vụ kế hoạch của Chúa Cha, phục vụ mọi người và nhất là phục vụ đến hơi
thở cuối cùng!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi