CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy được
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 31:7-9;
Dt 5:1-6; Mc 10:46-52)
Là một trong những câu chuyện cảm động
nhất được thánh Mác-cô thuật lại, phép lạ Chúa Giê-su chữa lành cho anh mù
Ba-ti-mê đem lại rất nhiều cảm hứng giúp chúng ta suy niệm lời Chúa. Các bài đọc hôm nay đã nhất loạt giúp khai
triển ý nghĩa của phép lạ này. Bài đọc 1
giới thiệu với chúng ta Thiên Chúa như người Cha nhân từ luôn an ủi đỡ nâng con
cái, nhất là những đứa con xấu số bị đui mù què quặt. Đoạn thư Do-thái thì mô tả Chúa Giê-su là vị
Thượng Tế có khả năng cảm thông với tất cả chúng ta là những kẻ khổ đau, ngu muội
và lầm lạc. Còn câu chuyện Tin Mừng dường
như chú ý rất nhiều đến nhân vật Ba-ti-mê, một hình ảnh có thể gặp thấy nơi mỗi
người chúng ta hoặc trong thế giới hôm nay.
Điều anh Ba-ti-mê cầu xin Chúa cũng là điều chính chúng ta và thế giới
phải tha thiết nài xin Chúa nhậm lời.
Trước hết chúng ta phải nói gì về sự
mù lòa? Dĩ nhiên có sự mù lòa phần xác,
nhưng ở đây chúng ta chú ý đến tình trạng mù lòa thiêng liêng và sự can thiệp của
Thiên Chúa đối với tình trạng mù lòa này của con người. Mù lòa thể xác là không thể nhìn thấy những vật
chung quanh bằng đôi mắt. Còn mù lòa
thiêng liêng là không nhận ra được những thực tại vô hình. Thí dụ tôi không nhận thấy được tình trạng tội
lỗi của mình, tôi không nhận biết tình yêu Chúa dành cho tôi… Mù lòa cách nào
cũng khổ và cần được chữa trị. Thiên
Chúa là Đấng tạo dựng chúng ta không thể ngồi yên nhìn nhân loại sống trong
tình trạng mù lòa, trong bóng đêm tội lỗi.
Nhưng Thiên Chúa muốn can thiệp và đưa chúng ta ra khỏi bóng đêm tội lỗi,
nên qua lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Người đã hứa:
“Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về.
Trong chúng, có kẻ đui, người què…, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về”. Chúng ta có thể tưởng tượng dân Ít-ra-en bị
lưu đầy phương Bắc đang trên đường hồi hương.
Đã bao năm sống giữa dân ngoại, nhiều người Ít-ra-en bị ảnh hưởng do tôn
giáo và lối sống dân ngoại. Những ảnh hưởng
xấu ấy đã khiến cho họ trở thành đui mù què quặt thiêng liêng. Nhưng Ít-ra-en hậu lưu đày cũng là hình ảnh của
nhân loại, một nhân loại bị tổn thương do tội lỗi và hậu quả của nó, một nhân
loại cần được cứu độ. Lời hứa nói trên của
Thiên Chúa là Tin Mừng đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo và được Chúa Giê-su lập
lại trong hội đường Na-da-rét: “Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được
tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is
61:1-2; Lc 4:18-19).
Giờ đây lời hứa ấy đã được thực hiện
khi Chúa Giê-su đi rao giảng và làm những phép lạ chữa lành. Một trong muôn ngàn phép lạ của Chúa là câu
chuyện Người chữa lành cho anh mù Ba-ti-mê. Trên đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, Chúa
Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô.
Trong khi đó, anh mù Ba-ti-mê “đang ngồi ăn xin bên vệ đường”. Chắc anh chọn ăn xin bên vệ con đường từ
Giê-ri-khô lên Giê-ru-sa-lem, vì ở con đường này sẽ có nhiều người qua lại, kẻ
thì từ Giê-ru-sa-lem xuống, người thì từ Giê-ri-khô lên. Hôm nay anh Ba-ti-mê nghe thấy một quang cảnh
khác thường, không phải chỉ dăm ba khách bộ hành qua lại, mà là “một đám người
khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô”. Anh
tò mò hỏi xem chuyện gì. Người ta cho
anh biết ông Giê-su Na-da-rét đi ngang qua.
Chắc anh cũng đã nghe biết về Người, nhưng chưa khi nào được diễm phúc gặp
Người. Thế là anh vận dụng khả năng mạnh nhất của một người mù là la to để tìm
cách tiếp xúc với Chúa. Anh còn dùng
danh hiệu cao quý nhất để kêu xin Chúa đoái thương: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng
thương tôi!” Anh muốn nắm lấy cơ hội ngàn năm một thuở, nên quyết tâm vượt qua sự
ngăn cản đe dọa của đám đông. Đám đông ồn
ào, nhưng tiếng kêu của anh còn lớn hơn và đã lọt tới tai Chúa. Anh kêu xin lòng thương xót của Chúa thì lập
tức lòng thương xót ấy đáp lại: “Gọi anh
ta lại đây!” Lòng thương xót của Thiên
Chúa thể hiện nơi Chúa Giê-su, vị Thượng Tế “có khả năng cảm thông” (Dt
5:2). Chúa Giê-su, Lòng Thương Xót, dịu
dàng hỏi anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm
gì cho anh?” Đã bao năm rồi anh chỉ chờ
đợi câu hỏi này thôi! Anh lập tức trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Và anh đã cầu được ước thấy. Trước đây anh không thấy Chúa Giê-su với con mắt
bằng thịt và chỉ “nhận ra” Người với con mắt đức tin. Bây giờ anh đã tận mắt “nhìn thấy” Chúa, rồi
bằng con mắt đức tin, anh còn “đi theo Người trên con đường Người đi” nữa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
“Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy được”. Đó không hẳn là lời cầu xin của anh Ba-ti-mê,
mà còn là lời cầu xin của mỗi người chúng ta.
Có biết bao điều chúng ta cần thấy mà không thấy được: trong những mối tương quan chúng ta với Chúa
và với nhau, trong gia đình nơi những người thân, ngoài đường phố nơi những người
nghèo khổ, trong bệnh viện, trường học, sở làm… Thậm chí có những điều chúng ta
cần phải nhận ra trong chính tâm hồn mình mà chúng ta không thấy hoặc không muốn
thấy! Ngoài ra, sau khi “nhìn thấy được
và đi theo Chúa trên con đường Người đi”, anh Ba-ti-mê còn để lại cho chúng ta
một câu hỏi hết sức quan trọng: Tôi có nhận
ra Chúa là ai và tôi có đi theo con đường Người đi không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi