Đức Tin Và Tấm
Lòng Của Hai Bà Góa
Suy
niệm Chúa nhật XXXII – B
(Mc 12, 38 - 44)
Tin
Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu như một người Thầy, dạy cho
chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và
nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : "Hãy coi chừng (...)
lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám
tiệc "(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng
ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất.
Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một
số người, (x. Mc 12, 44).
Ai
không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư
người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người
khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân,
không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Đức
tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình
bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song
với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 - 16), và bà thứ hai
trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 - 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính
trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Tấm
lòng vàng
Người
phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời
kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra
ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người
Sarephta đi lượm củi, ông cất lời :" Xin đem cho tôi một ít nước
trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh" (1V 17,
10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết
đói nay mai, nên trả lời :"Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi
và con trai tôi ăn rồi chết thôi" (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và
hứa với bà, nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và
được tưởng thưởng.
Trong
hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của
trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà :"Cứ đi và làm như bà đã nói…với
chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi,
sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà" (1V 17,13). Tấm lòng vàng và
đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường
thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này
nữa.
Thái
độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà
Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm
tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư
xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố : "Với hai đồng tiền,
bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư
thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống"
(Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng
vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Tin
vào Thiên Chúa
Nếu
nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu
thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay
quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận
thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà
trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng
không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra
: Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa : Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay
đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm
lòng vàng : một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi
hành việc làm phúc.
Trong
Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc
biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu,
là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ,
vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và
được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự
hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến
Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.
Thánh
Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: "Trên cán cân công lý của Chúa
không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con
tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và
vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý
nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái"
(Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
Sống
tín thác vào Chúa
Chúng
ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá
Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận
hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ
Thần "Này tôi đây" và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin
vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến
được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống,
Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại
Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói : "Họ không còn
rượu nữa" (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu : "Này bà,
giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời
Chúa Giêsu.
Bà
góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít
bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức
mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái
diễn nơi bàn tiệc thánh : Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.
Lạy
Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Văn Độ