CHỜ CHÚA ĐẾN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG. năm B

Mc 13,33-37

 

Năm Phụng vụ lại bắt đầu bằng Chúa nhật I Mùa vọng. Vâng, năm Phụng vụ lại tiếp tục bằng việc mời gọi con người, kêu gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ Chúa đến trong này cùng tận. Mong đợi làm cho con người mỏi mòn bởi vì chờ đợi không biết lúc nào Chúa đến.Tuy nhiên càng mong mỏi, càng mỏi mòn sẽ hứa hẹn một cuộc gặp gỡ hoàn toàn nồng thắm.

Chúa đã cảnh tỉnh con người, thức tỉnh chúng ta phải luôn tỉnh thức. Bởi vì, Chúa đến luôn bất ngờ, không ai biết giờ nào, lúc nào, không ai biết trước thời gian Chúa đến. Do đó, con người luôn phải có thái độ mau mắn, khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn ,à lại mang theo cả dầu.Thánh Luca đã viết “ Tỉnh thức và cầu nguyện “ để nhận biết thời gian Chúa đến viếng thăm. Chúa đã nhiều lần thức tỉnh con người :” Tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào chủ về “. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng dặn dò chúng ta :” Hãy sống thật tốt gây phút hiện tại “. Ngài cũng nhắn nhủ mọi người chúng ta luôn phải hoán cải, luôn đổi mới cuộc đời…Cha Charles de Foucauld khuyên chúng ta :” Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay “. Đây là những lời khuyên và nhắn nhủ đầy khôn ngoan của những Đấng bậc khôn ngoan. Những lời khôn ngoan này giúp chúng ta đi vào cốt lõi của Bài Tin mừng của thánh Marcô nhắc nhở nhân loại, nhắn nhủ chúng ta hôm nay :” Hãy dọn mình tốt,hãy mau mắn khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan, như  người quản lý biết chớp thời cơ tốt để tạo cho mình cơ hội tốt hầu đón nhận ơn Chúa trong mỗi phút giây hiện tại, trong giờ Chúa mời gọi ra đi về với Ngài, trong ngày tận thế vv…”. Chúa đến viếng thăm con người, viếng thăm nhân loại, thăm gặp gỡ chúng ta để đem đến tặng ban cho chúng ta những hồng ân quý báu, giá trị…Chúng ta đừng để lỡ đánh mất những ân huệ quý giá, những quà tặng tuyệt vời của Chúa do thái độ ơ hờ, không chuẩn bị, lơ là của chúng ta.  Thực tế, chúng ta luôn có quyền uo1c mơ, dự phóng xây dựng cuộc đời, xây dựng tương lai, nhưng chúng ta đừng quá bám víu vào những thực tại chóng qua, bám víu vào danh vọng, địa vị, của cải mau tàn, mau lụi của trần gian này bởi vì ngay cả mạng sống của chúng ta cũng chỉ là tạm bợ ở đời này.

Cuộc đời là một cuộc đợi chờ liên lỉ, con người luôn phải mong chờ : lúc nhỏ mong mau lớn, mong thành công, có công ăn việc làm, có địa vị trong xã hội. Có gia đình, có con cái, cháu chắt.Mong được đời sống ổn định, mong có sức khỏe để sống, để phục vụ, để làm việc vv…Đời người luôn là một cuộc đợi chờ liên lỉ.Tuy nhiên, có một thực tế này là nếu chúng ta không sống lời Chúa dạy :” Mỗi lần các ngươi cho một người đói ăn, người khát uống, người rách rưới ăn mặc…Mỗi lần các người thăm viếng kẻ tù tội, an ủi kẻ âu lo, gặp thử thách khó khăn là các ngươi làm cho chính Ta “. Tám mối phúc Chúa dạy dân chúng trên núi cũng chính là tám nấc thang dẫn chúng ta tới Chúa. Vâng, nếu chúng ta đã không thực hiện các mối phúc, không thi hành lời Chúa dạy là gặp gỡ Chúa hằng ngày nơi những kẻ nghèo, thì khó lòng chúng ta sẽ gặp được Chúa trong giờ sau hết.

Lời Chúa luôn vang vọng bên tai mọi người, bên tai chúng ta :” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện “. Thái độ con người luôn phải có là mau mắn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa như người khôn ngoan tỉnh thức để không cho kẻ trộm đào ngách, khoét tường vv…Giáo Hội cũng luôn dạy chúng ta, dạy nhân loại:” Hãy sám hối, cải thiện đời sống và mau quay trở về với Thiên Chúa là Đấng dựng nên Đất Trời, tạo nên chúng ta “.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm gặp Chúa nơi cuộc đời, nơi những biến cố chúng con gặp hằng ngày, nơi những dấu chỉ Chúa cho xẩy tới trong từng phút giây, trong các bí tích, trong những việc lành phúc đức, trong những tha nhân chúng con gặp gỡ để rồi như lời Chúa hứa, chúng con sẽ gặp được Chúa trong ngày Chúa đến viếng thăm chúng con.Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Mùa vọng là gì ?

2.Giờ Chúa đến viếng thăm là giờ nào ?

3.Ngày tận thế là ngày nào ?

4.Thái độ chúng ta phải có trong Mùa vọng ?

5.Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa ở đâu ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm B