CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Mong đợi Ngày của Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 63:16b-17, 19b; 64:2b-7;  1 Cr 1:3-9;  Mc 13:33-37)

          Thực khó diễn tả được tâm trạng của một người mong đợi sự cứu giúp đang khi họ gặp lúc vô cùng khó khăn.  Sự lo lắng bồn chồn lẫn với niềm hy vọng làm cho họ đứng ngồi không yên.  Đó chính là hoàn cảnh của một nhân loại mong chờ ơn cứu độ được mô tả trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Trong bài trích sách I-sai-a, lời cầu nguyện của dân Chúa mong đợi được cứu thoát đã nói lên tất cả nỗi thống thiết của thân phận con người dưới sự thống trị của tội lỗi.  Nhưng khi Đấng Cứu Độ tới, mọi sự thay đổi.  Theo lời thánh Phao-lô, “trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện… Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô”.  Chính Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta phải làm gì khi mong đợi Ngày của Người.

          Vậy ngôn sứ I-sai-a đã diễn tả niềm mong đợi của Ít-ra-en thế nào?  Trước hết, đó là một bản thú tội chân thành.  Lời đầu tiên trong bản thú tội tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và là Đấng cứu chuộc.  Đó là một tiền đề không thể thiếu.  Có tin Thiên Chúa là Cha và Đấng cứu chuộc, thì mới dám kể lể tội lỗi mình.  Giờ đây, Ít-ra-en của Chúa không còn xứng danh là dân tuyển chọn của Người nữa.  Họ đã “lạc xa đường lối Ngài, lòng dạ ra chai đá chẳng còn biết kính sợ Ngài”.  Không phải Thiên Chúa muốn xa họ và bỏ mặc họ, nhưng chính họ đã xa Người. Vì thế, họ cầu nguyện:  “Xin Ngài mau trở lại!”  Nhưng Chúa mau trở lại như thế nào?  Như xưa Người đã ngự xuống núi Xi-nai ư?  Xi-nai chỉ còn là kỷ niệm lịch sử thôi.  Nhưng Chúa đầy quyền năng, nên bây giờ Người có thể “xé trời mà xuống”.  Đúng vậy, Thiên Chúa đã “xé trời” mà xuống khi Chúa Cha chứng kiến Chúa Giê-su khai mạc sứ vụ và Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong cho Người (Mác-cô 1:9-11) tại bờ sông Gio-đan.  Là Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng- tôi, Chúa Giê-su bắt đầu Ngày của Người, tức Triều Đại cứu độ, bằng cách tỏ ra cho nhân loại biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.  Người vui khi gặp “kẻ sống đời công chính và theo đường lối Người chỉ dạy”.  Người phẫn nộ vì tội lỗi chúng ta, nhưng sẽ cứu thoát chúng ta khi chúng ta đi theo lối sống của Người.  Chúng ta “nhiễm uế giống như chiếc áo dơ, héo tàn như lá úa, để tội ác mặc sức hành hạ”.  Trước thảm trạng ấy, niềm hy vọng và cuộc mong đợi của chúng ta đã được đáp lời:  “Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con;  chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con”.  Có Cha nào nỡ để con cái bị mất, có Thợ Gốm nào đành để đất sét uổng phí đâu!  Do đó, đặt căn bản trên chân lý ấy, niềm mong đợi được cứu độ của chúng ta chắc chắn sẽ được thể hiện.  Khi suy niệm về tình yêu cứu độ này, thánh Phao-lô đã trân trọng nói lên cảm nghĩ của ngài:  “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su”.  Ân huệ ấy chính là việc Thiên Chúa sai Con Một đến cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi.  Mùa Vọng là thời gian chúng ta chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận ân huệ cao cả ấy vậy!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta chuẩn bị thế nào?  Hay nói khác đi, chúng ta trông đợi Ngày của Chúa thế nào đây?  Trước hết chúng ta phải hiểu Ngày của Chúa Ki-tô đã khởi đầu khi Chúa đến trần gian và sẽ kết thúc khi Người trở lại trần gian trong ngày Cánh Chung để xét xử muôn loài.  Ngày Chúa trở lại, tức ngày Tận Thế, chúng ta không biết được khi nào xảy ra.  Cho nên Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy chuẩn bị để được sẵn sàng.  Mà muốn sẵn sàng thì ta phải coi chừng và tỉnh thức.  Coi chừng là cảnh giác trước mọi hiểm nguy.  Cuộc đời Ki-tô hữu luôn đối phó với cám dỗ và tội lỗi.  Cám dỗ từ ma quỷ và những mê hoặc của tiền tài, danh vọng và thú vui xác thịt.  Cám dỗ từ bên ngoài và thậm chí ngay trong tâm hồn ta.  Ma quỷ là “tên lừa đảo, dối trá” tìm đủ cách để lôi kéo ta xa Chúa và đường lối Người.  Còn tỉnh thức là đừng để lòng mình ra nặng nề, kẻo “không biết khi nào chủ nhà đến”.  Chúng ta không rõ Chúa Giê-su ám chỉ chủ nhà đi phương xa là chính Người hay là sự chết.  Tuy nhiên, dù hiểu thế nào thì thái độ sẵn sàng vẫn là sứ điệp Chúa gửi chúng ta.  Vậy trong Ngày của Chúa, ta hãy đáp lời Thiên Chúa kêu gọi mà “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”! 

               Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B