CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Mong chờ ngày Chúa đến cứu độ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 40: 1-5, 9-11;  2 Pr 3:8-14;  Mc 1:1-8)

          Có lẽ nhiều người chúng ta đã kinh nghiệm thế nào là mong chờ được cứu thoát.  Thuyền nhân trên đường vượt biên bằng con tàu nhỏ bé giữa đại dương đang chờ được tàu lớn cứu vớt.  Một người hỏng xe giữa đường vắng chờ đợi người nhà đến đưa về… Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta nỗi mong chờ của dân Chúa đợi ngày Đấng Cứu Độ đến trần gian.  Tuy nhiên mong chờ Chúa đến không nên là thái độ thụ động, mà phải được chuẩn bị bằng cách dọn con đường thiêng liêng để Người ngự tới trong tâm hồn.  Ta có thể hiểu những cách diễn tả sự mong chờ ấy qua lời ngôn sứ I-sai-a, thánh Phê-rô và thánh Gio-an Tiền Hô.

          Trước hết là sự mong chờ theo cách nhìn của ngôn sứ I-sai-a.  Vậy theo ngài, dân Chúa mong chờ điều gì?  Họ mong chờ tin vui do ngôn sứ loan báo:  đó là đã đến lúc thời nô lệ của Giê-ru-sa-lem mãn hạn và tội của Thành đã đền xong”.  Nói khác đi, họ chờ thời cứu độ bắt đầu và Thiên Chúa sẽ đích thân ngự đến.  Để đón nhận tin vui Đấng Cứu Độ đến, Thiên Chúa muốn ta phải chuẩn bị.  Không phải là chuẩn bị bằng đèn đuốc, trang hoàng thái quá và phí phạm, nhưng là “mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”.  Đây chính là điều cốt yếu của mùa Vọng, đòi ta phải nghiêm túc xét lại việc chuẩn bị lễ Giáng Sinh!  Chúng ta đang theo đà trần tục hóa lễ Giáng Sinh.  Những việc chuẩn bị như sắm quà Giáng Sinh, trang hoàng một cách phí phạm và phô trương không những tại nhà, mà thậm chí trong các nhà thờ nữa.  Chúng ta tiêu quá nhiều tiền mà quên việc hy sinh giúp đỡ những người nghèo đói.  Tóm lại, chúng ta quá để ý đến chuẩn bị bề ngoài mà quên lãng việc chuẩn bị tâm hồn.  Chúa đâu cần đi trên con đường giăng đầy đèn màu để đến với chúng ta, nhưng Người chỉ đến qua con đường tâm hồn được sửa đổi cùng thanh tẩy nết xấu và tội lỗi.  Chúa không đến dưới hình thức bộ tượng ảnh Giáng Sinh, hang đá, ông già Noel, nhưng Người đến như Mục Tử “tập trung cả đoàn chiên dưới cánh tay.  Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.  Đó mới thực sự là ý nghĩa của việc Chúa giáng trần.

          Tiếp đến là lời thánh Phê-rô Tông Đồ đề cập đến thời gian mong chờ Chúa Cứu Thế.  Đối với chúng ta, thời gian được đo lường bằng ngày tháng năm.  Còn đối với Chúa, thời gian là các cơ hội, “một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”.  Nhìn lại lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy rõ điều này.  Kinh Thánh chỉ ghi lại phần nào thời gian của lich sử cứu độ từ tạo thiên lập địa tới lịch sử Ít-ra-en và cho đến thời gian Con Thiên Chúa giáng trần.  Thánh Phê-rô đã nêu lên lý do khiến chúng ta cho rằng Thiên Chúa đã “chậm trễ” đến cứu độ chúng ta.  Không, Chúa không chậm trễ đâu, nhưng “kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”!  Tạ ơn lòng Chúa thương xót vì Chúa đã không đến sớm!  Có lẽ đó là lời mỗi người phải thốt lên với Chúa.  Chúa thương ta, nên mới để cho ta có thời giờ cải thiện đời sống và dọn đường chờ ngày Chúa đến đón ta về với Người.  Chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phê-rô khuyên dạy:  “Anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Trong mùa Vọng, chúng ta không thể bịt tai bỏ qua lời kêu gọi của thánh Gio-an Tiền Hô          khi ngài lập lại lời ngôn sứ I-sai-a “hãy dọn đường cho Chúa đến”.  Ngài là tiếng người hô trong hoang địa.  Mà đã là tiếng hô trong hoang địa thì chúng ta sẽ không còn nghe tiếng nào khác nữa ngoài tiếng của ngài.  Vậy chúng ta hãy đi vào hoang địa của chính mình, tức là trong sự thinh lặng của tâm hồn, để nghe cho rõ lời mời gọi sám hối.  Chúng ta nhìn lại đời sống thiêng liêng và đức tin của mình để biết làm sao dọn đường sửa lối cho Chúa đi.  Điều thánh Gio-an nhấn mạnh hơn cả, đó là vai trò của Chúa Thánh Thần.  Như Giáo Hội hằng cầu xin Chúa Thánh Thần đến để thay đổi bộ mặt địa cầu thế nào, chúng ta cũng khấn xin Người đến trong tâm hồn chúng ta để thực hiện một cuộc thay đổi đáng kể trong mùa Vọng này.  Chúng ta mong chờ Chúa đến, nhưng trước hết ta hãy mong chờ cuộc thay đổi tâm hồn mình đã!

                Lm. Đa-minh Trần đình Nhi         


Suy Niệm Lời Chúa Năm B