CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM B

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC

(Is 61,1-2.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28)

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta đã đi được ¾ chặng đường của Mùa Vọng. Nếu xét về mặt thời gian, đây là thời điểm gần kề đại lễ Giáng Sinh. Vì thế, giống như người nông phu, gần đến mùa thu hoạch, ông ta vui mừng thế nào, thì với tinh thần phụng vụ, Chúa Nhật này, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy vui lên, vì Chúa sắp đến rồi.

Tuy nhiên, niềm vui của chúng ta hoàn toàn khác với niềm vui mà con người và xã hội thời nay mừng lễ Giáng Sinh. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa các niềm vui này? Và đâu là niềm vui đích thực của người Kitô hữu mỗi khi đại lễ Giáng Sinh về?

1.   Niềm vui của con người và xã hội

Trong những ngày này, cứ đi ra các thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy tràn ngập không khí mừng lễ Giáng Sinh. Những điểm vui chơi với nhiều loại hình mọc lên như nấm, từ ăn uống đến ca nhạc, múa nhảy. Những đèn sao lấp lánh rực sáng cả vùng trời. Ngay cả những quán Karaoke, quán bar hay café đèn mờ đông khách đến lạ thường….

Ở những nơi thôn quê nghèo, góc này, chỗ kia cũng có những cuộc nhậu đơn sơ giản dị với vài ba ly rượu nhắm với con cá, con gà hay mấy thứ trái cây quen thuộc….

Đấy là biểu hiện niềm vui của những người hưởng thụ. Bên cạnh đó, niềm vui còn đến từ một thành phần không nhỏ, đó là giới kinh doanh. Họ coi đây là thời điểm thuận lợi cho việc buôn bán kiếm lời. Vì thế, họ không ngừng đầu tư cho mùa vụ làm ăn “hot” này.

Còn nơi các xứ đạo, điện đèn và các công tác trang trí cũng đang đần đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Trước những thực trạng trên, chúng ta thấy đây đó cũng có những niềm vui thánh thiện được biểu lộ cách thiết thực ra bên ngoài. Tuy nhiên, những người như vậy có lẽ đếm trên đầu ngón tay! Còn lại, đa số là niềm vui nhất thời, tạm bợ khi coi lễ Giáng Sinh như là một lễ hội thuần túy để biểu dương sự giàu có chốn ăn chơi trác táng, hay nhân cơ hội này để moi tiền cách bất chính nơi những “con thiêu thân” ham muốn của lạ?

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy sau những cuộc vui chơi, ăn uống, nhậu nhẹt, biết bao người đã không khỏi vươn vai thở dài ngao ngán vì mệt nhọc và trống rỗng, bởi vì: “uống chén tiêu sầu càng sầu thêm!”.

Tại sao vậy? Thưa bởi vì chỉ có Chúa mới là nguồn cội và cùng đích của con người. Gặp được, sống với và ở trong Thiên Chúa thì con người mới được an vui hạnh phúc. Nếu không, con người sẽ mãi mãi cô đơn ngay giữa lòng thành phố hay chốn đông người!

2.   Niềm vui của người có Chúa

 

Phụng vụ Lời Chúa và tinh thần của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta hãy cảm nghiệm và sống niềm vui thực sự trong Thiên Chúa. Một niềm vui phát xuất từ nơi tâm hồn chứ không chỉ bề ngoài. Một niềm vui mang tính chủ đạo của cuộc đời chứ không chỉ là thứ niềm vui ký sinh, tạm bợ, phù phiếm….

Khởi đi từ bài đọc 1, tiên tri Isaia đã làm toát lên hình ảnh một vị Thiên Chúa đến để giải thoát con người cách toàn diện từ thể xác lẫn tinh thần.

Thể xác thì được chữa lành bênh tật. Tinh thần thì được giải thoát khỏi nô lệ của tội lỗi.

Còn gì vui mừng, sung sướng và hạnh phúc cho bằng khi con người được Thiên Chúa ghé thăm phận nghèo hèn, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, giải phóng cho kẻ bị giam cầm, tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Đây phải là niềm vui vượt lên trên mọi niềm vui khác, bởi vì niềm vui này là của chính Chúa trao tặng và mang tính cứu chuộc.

Sang bài đọc 2, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu là những người con tinh thần của chính ngài sinh ra rằng: Hãy cầu nguyện không ngừng”; “Ðừng dập tắt Thánh Thần”; “Để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến” (x. 1 Tx 5, 16-24). Như vậy, thánh nhân muốn khẳng định rằng: con người chỉ đạt được niềm vui thực sự khi tâm hồn của chính mỗi người có Chúa. Nói cách khác, chỉ có khi nào ngụp lặn trong Chúa, lúc đó niềm vui đích thực mới hiện hữu ở trong cuộc đời.

Nếu không có đời sống cầu nguyện thâm sâu thực sự, con người sẽ bị chạy đua với những niềm vui hời hợt, bên ngoài, vì: không có chiều sâu, không mục đích, không lý tưởng.

Sang bài Tin Mừng, tác giả làm toát lên sứ vụ của Gioan qua câu hỏi của các Tư tế và Lêvi. Họ hỏi ông: “Ông có phải là Êlia hay tiên tri nào đó?”; “Ông có phải là Đấng Kitô?”. Gioan đã không chắp cánh cho sự ngộ nhận này của dân chúng. Ngược lại, ông đã giúp cho dân chúng sờ chạm được cội nguồn của niềm vui khi đích thân giới thiệu về Đức Giêsu chính là người sẽ mang lại cho nhân loại niềm vui cứu độ mà bấy lâu nay họ chưa biết. Vì thế, Ngài nói: “Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người (x. Ga 1, 26-27)

Khi mạc khải như thế, Gioan đã hoàn toàn hướng sự kính trọng và yêu mến của mọi người dành cho mình về Đức Giêsu. Vì thế, nơi Gioan, niềm vui của ông là chu toàn sứ vụ trong vai trò là người dọn đường. Niềm vui ấy, ông muốn truyền lan sang cho những ai đang nghe ông cũng đạt được, đó là niềm vui khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Với Gioan thì để có được niềm vui thực sự trong tâm hồn, người tín hữu phải là người đón nhận được tình thương và nhận ra tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình.

Một trong những chìa khóa để được hưởng và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đó là đời sống kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện.

 

3.  Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trong khi chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh bằng những việc bề ngoài như trang trí đèn sao, hang đá, chuẩn bị những bài thánh ca…, mỗi người cũng cần nhìn lại công việc cấp thiết của đời sống nội tâm nơi sâu thẳm tâm hồn mình.

Chúng ta không thể đón mừng đại lễ Giáng Sinh với một tâm hồn trống rỗng, hay như những người chỉ biết làm theo hiệu ứng đám đông! Vì thế, bao lâu, chúng ta lầm tưởng và chạy đua với nó, thì bấy lâu chúng ta sẽ giống như những con ve sầu của thời vụ, tức là chỉ biết kêu la có mùa, hết mùa là nó chết và đi vào hư vô.

Mang trong mình đặc tính là người Kitô hữu, người có đức tin, chúng ta phải mừng lễ Giáng Sinh một cách khác.

Cái khác của người tín hữu, đó là tinh thần mừng lễ.

Vì thế, một trong những cách thiết thực nhất mà các bài đọc chúng ta vừa nghe đã vạch ra, để giúp mỗi người đạt được niềm vui đích thực và trọn vẹn, đó là:

Trước tiên, cần xác định thật rõ rằng: chỉ có Chúa là mục đích, lý tưởng, lẽ sống của mình. Chỉ có Chúa mới làm cho con người được thỏa mãn. Chỉ có Chúa mới lấp đầy lỗ hổng trong tâm hồn của chúng ta. Ngoài Chúa ra, không có ai có thể mang lại cho chúng ta niềm vui cứu độ.

Thứ đến, cần có một đời sống nội tâm sâu xa qua việc cầu nguyện, để cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa qua biến cố Giáng Sinh, đồng thời cũng biết cảm nghiệm bàn tay nhân từ, xót thương của Thiên Chúa trên và trong chính cuộc đời của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang chuẩn bị đón mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh làm người. Xin Chúa ban cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón Chúa ngự đến với chúng con, ngõ hầu chúng con được an vui và hạnh phúc đích thực. Amen.

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B