LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
VIỆT NAM (CN 33 TN B)
Mt 10,26-33
DŨNG CẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước
mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng
ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người
ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC
TRẦN AN DŨNG LẠC
sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha
mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một Thầy giảng nhận làm con nuôi
và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là AN-RÊ. Sau đó cậu
đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy An-rê
Dũng được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi mới có 28 tuổi. Từ khi thụ phong
linh mục, cha An-rê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức
qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày ăn chay theo luật định, Cha còn tự
nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày thứ Sáu thứ Bảy hàng tuần. Nhờ
đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của
những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: Qua cha, nhiều tội
nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin theo Chúa và xin
gia nhập đạo Công giáo.
Trong thời gian đạo Công giáo bị bách hại gắt gao thời
vua Minh Mạng, cha An-rê Dũng đã phải trốn lánh nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ
Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về.
Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở
xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phêrô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền
chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói
trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi sau đó cha lại bị đám quân lính khác bắt
mang về huyện giam chung với cha Phêrô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.
Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét
và bắt phải bước qua Thánh Giá để bày tỏ ý định bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo
lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ
chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa
đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa!”. Trước sự bất
tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm
thành án gửi về Kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn
chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép
thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa
nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc lính canh.
Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án
lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi các ngài bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội.
Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành
phận sự. Đức Thánh Cha Lêô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo
vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha
Gio-an Phaolô II đã suy tôn hai ngài lên bậc hiển thánh.
2) CUỘC TỬ ĐẠO CỦA BÀ THÁNH I-NÊ ĐÊ:
Quan Tổng Đốc
Trịnh Quang Khanh đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc,
Ninh Bình, vào đúng sáng ngày lễ Phục Sinh (14.04.1841). Quan truyền tập trung
giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà… Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang
vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một
bụi tre: “Xin Cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì Cha thoát, bằng
không Cha và con đều bị bắt.” Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ, lấy rơm và
cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy Cha chạy qua vườn nhà bà,
nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng
và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói
mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc
đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình
làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa…
Quân lính áp giải
các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu,
không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà
bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà
chối đạo bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa
muôn đời.” Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng
củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải
thích vì sao bà kiên tâm như vậy: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông
còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy
đau đớn.” Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên,
quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gía. Nhưng bà sấp mình xuống
đất, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn
chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để
để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá.” Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm
tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh
cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài
vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng
bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng về sau cho
biết: “Bà I-nê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy
bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa.” Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục,
thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng
những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui
lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Bà còn khuyên: “Con hãy về
chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng
tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao
lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”…
Sau ba tháng bị
giam cầm hy sinh vì đức tin, ngày 12.07.1841, trong giờ hấp hối người ta thường
nghe bà A-nê Lê Thị Thành cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con
hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.
Vào lúc 9 giờ sáng
ngày 19. 6. 1988 tại Rôma, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn
phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, trong đó có
thánh nữ I-nê Đê hay cũng gọi là bà thánh A-nê Lê Thị Thành (1781-1841).
3. THẢO LUẬN:
1) Tại sao đạo Công giáo thường hay bị người đời thù ghét
bách hại?
2) Tử đạo là sẵn sàng hy sinh chịu chết để làm chứng cho
Chúa (x. Cv 1,8). Vậy các tín hữu chúng ta sẽ phải dũng cảm làm chứng cho Chúa
thế nào trong xã hội Việt Nam hôm nay?
4. SUY NIỆM:
1) SỐ LIỆU CÁC
ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM: Ngay từ thời
Giáo Hội Sơ Khai, các tín hữu đã phải chịu chung số phận với Thầy Giê-su là bị
cấm cách, bắt bớ và giết hại. Thời nào và nơi nào đạo được truyền tới cũng đều
có các vị anh hùng tử đạo. Tại Việt Nam, theo sử liệu, đạo Chúa đã được truyền
giảng từ thế kỷ thứ 16. Và suốt thời gian gần 300 năm sau đó (1580-1888), có
khoảng 400.000 người bị án lưu đầy. Trong đó khoảng 130.000 người đã chết vì
đạo, dưới các triều đại nhà Nguyễn: Minh
Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và bị các phong trào Cần Vương, Văn Thân đàn áp bách hại.
Trong số đó, 117 vị có đủ án tích lưu trữ đã được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô
II tôn phong lên bậc hiển thánh và về sau một vị tên thày An-rê Phú Yên cũng được
phong là Chân Phúc hay Á Thánh và cả 118 vị đã được mừng chung trong niên lịch của
Hội Thánh hoàn cầu. Về thành phần các thánh Tử Đạo gồm: 8 Giám mục, 50 Linh mục,
59 tín hữu (16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 giáo dân). Trong số 117 thánh tử
đạo thì có 96 là người Việt Nam và 21 vị là thừa
sai ngoại quốc.
Các ngài đã chịu nhiều cực hình như: 79 vị bị trảm quyết
(chém đầu); 18 vị bị xử giảo (treo cổ); 8 vị bị chết rũ rù do đói khát bệnh tật
khi bị giam trong ngục; 6 vị bị thiêu sinh (chết thiêu trong hỏa lò); 4 bị lăng trì –
tức là phân thây ra từng mảnh; 1 bị tử thương và 1 bị bá đao tùng xẻo.
2) LÝ DO CÁC
NGÀI BỊ VUA QUAN BÁCH HẠI:
Các thánh Tử Đạo bị vua quan và dân chúng thời đó thù
ghét đàn áp giết hại không phải vì các ngài là những kẻ xấu làm điều gian ác,
nhưng chỉ vì các ngài đã tin vào danh Đức Giê-su và đã dũng cảm tuyên xưng đức
tin ấy, thể hiện qua thái độ bất khuất, không chịu bước qua thập giá theo lệnh
vua quan, hầu ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị
mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thóat” (Mt
10,22).
Đàng khác, vua quan và dân chúng thù ghét và ra tay bách
hại các tín hữu chủ yếu là do hiểu lầm về giáo lý của đạo khi cho rằng theo đạo
là vọng ngọai, là bất hiếu vì phải bỏ việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đang khi thực
ra không phải như vậy: điều răn thứ tư trong mười điều răn của đạo Chúa đã truyền
dạy: con cái phải “thảo kính cha mẹ” và người tín hữu vừa phải chu tòan bổn phận
thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất lại vừa phải tôn kính và tỏ lòng biết ơn ông
bà cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời.
Nhưng lý do chính yếu khiến vua quan và các phong trào Cần
Vương Văn Thân thời đó thù ghét bách hại các tín hữu là do tự ái dân tộc và hiểu
lầm về lòng yêu nước của các tín hữu: Họ sợ người theo đạo sẽ bị các thừa sai
ngọai quốc xúi giục làm lọan, trong khi các vị thừa sai ngọai quốc đã dám bỏ
quê hương và từ giã người thân đến vùng đất xa xôi và chấp nhận hy sinh ngay cả
mạng sống là do đức tin và lòng mến Chúa thôi thúc. Các ngài chỉ muốn chu tòan
sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20); “Anh em
sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê,
Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Và quả thật, lịch sử đã ghi
nhận: các thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị vua quan kết án chỉ vì đức tin mà thôi chứ
không do tội phản lọan theo giặc làm loạn chống phá triều đình.
3) GƯƠNG HY SINH CHẾT VÌ ĐỨC TIN CỦA CÁC NGÀI:
Ðọc lại tiểu sử
các ngài, ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các ngài. Vì trung
thành với Chúa, các ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức
quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, bị mất mạng sống vì đức
tin.
Có những vị làm
quan lớn trong triều đình như Hồ đình Hy; làm quan án như Phạm trọng Khảm…
nhưng đã thà bị mất chức quyền, mất danh vọng hơn là mất Đức tin. Vì Chúa, các
ngài đã từ bỏ mọi quyền lợi xã hội và còn sẵn sàng bị mất mạng sống.
Có những vị hàng
nữ lưu như thánh A-nê Lê thị Thành, thân phận yếu đuối, mang gánh nặng gia
đình, nhưng cũng sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Chúa
Giêsu.
Có những vị đầu
xanh tuổi trẻ như Tô-ma Thiện, Phao-lô Bột, mới mười mấy tuổi đầu, tương lai
còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các ngài đã khước từ tất cả, dâng
hiến tuổi thanh xuân cho Chúa.
4) SỐNG CHỨNG
NHÂN GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Bí quyết khiến các anh hùng Tử Đạo vượt qua gian nan thử
thách là do các ngài biết “Sống sự sống
của Chúa Giê-su trong thân xác yếu hèn của mình”. Đức Giê-su đã hứa sẽ
ban Thánh Thần, giúp các môn đệ phải nói gì và nói thế nào khi bị điệu ra trước
quan quyền (x Mt 10,19-20). Để được như vậy, các ngải đã phải mỗi ngày “Chết đi cho bản thân”, và sống trong ơn nghĩa
của Đức Giê-su.
Ngày nay có lẽ chúng ta không có cơ hội làm chứng cho
Chúa như các thánh Tử Đạo cha ông, nhưng chúng ta vẫn có thể trở thành chứng
nhân của Chúa ngay giữa đời thường hằng ngày trong gia đình và ngoài xã hội:
- Để có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức tin khi cần,
thì ngay từ bây giờ chúng ta đã phải quyết tâm sống công bình bác ái khi
giao tiếp với bà con chòm xóm hay khi làm ăn buôn bán nơi phố chợ.
- Để có thể dũng cảm làm chứng cho Chúa trước mặt người đời
khi có dịp, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải là những người chồng người vợ tốt lành,
luôn chu tòan trách nhiệm lo cho gia đình, đã phải hiếu thảo với tổ
tiên ông bà cha mẹ.
- Để sau này có thể trở thành công dân của Nước Trời, thì
ngay từ bây giờ chúng ta đã phải là những người công dân tốt ở trần gian,
luôn chu
tòan nghĩa vụ đối với quê hương đất nước và trở thành khí cụ
bình an của Chúa bằng lối sống bác ái theo tinh thần “tám mối phúc thật”
của Chúa Giê-su, được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong Kinh Hòa Bình… Nhờ đó
chúng ta sẽ gây được thiện cảm với anh em lương dân cùng khu phố hay làm việc chung
trong công sở, trường học và nhà máy.
5. NGUYỆN CẦU:
- Lạy Chúa, xưa Chúa đã dạy các môn đệ rằng: “Anh em sống
giữa thế gian, nhưng không được theo thói thế gian”. Xin cho chúng con đừng bao
giờ bỏ Chúa để chạy theo cám dỗ của thế gian, ma quỉ và chiều theo các đam mê
xác thịt. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông,
cũng giống cánh”, để chúng con luôn xứng đáng là con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo
Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Biết
nở nụ cười khi tiếp xúc, sẵn sàng cởi mở đi bước trước để làm quen với những
người mới gặp, mở miệng an ủi những ai đang gặp tai nạn rủi ro; biết khiêm hạ
phục vụ tha nhân, đặc biệt phục vụ những người đau khổ bất hạnh đang cần được cảm
thông trợ giúp.
- Hát chung Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Lạy Chúa
từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… “
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM