CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Thiên Chúa Ba Ngôi của chúng ta có gì đặc biệt?

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 4:32-34, 39-40;  Rm 8:14-17;  Mt 28:16-20)

        Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để kết thúc mùa Phục Sinh.  Trước khi tiếp tục mùa Thường niên, Giáo Hội muốn chúng ta có một cái nhìn tổng quát về kế hoạch cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta nhờ cái chết và Phục Sinh của Đức Ki-tô và hồng ân Chúa Thánh Thần.  Chúa Cha phác họa kế hoạch, Chúa Con thi hành kế hoạch và Chúa Thánh Thần tiếp tục hoàn tất kế hoạch, tất cả trong sự hài hòa và yêu thương.  Bài đọc trích sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời ông Mô-sê dạy dỗ dân Chúa về Thiên Chúa của họ, một Thiên Chúa nhân lành yêu thương khác hẳn với các thần của dân ngoại.  Bài trích thư Rô-ma trình bày Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử và cho chúng ta quyền được gọi Người là Cha.  Còn bài Tin Mừng nói đến mệnh lệnh của Chúa Giê-su muốn chúng ta đi khắp nơi để rao truyền niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc.

 

        1.  “Chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa”.  Chúng ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của dân Ít-ra-en để hiểu được tâm trạng của họ khi họ nghe người lãnh đạo là ông Mô-sê quả quyết như trên.  Tại sao Mô-sê quả quyết với dân chúng rằng chỉ có Đức Chúa mới là Thiên Chúa duy nhất?  Trước hết ông muốn lấy chính những kinh nghiệm của họ để giúp họ có câu trả lời.  Mà kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa là gì nếu không phải là những việc can thiệp của Người vào đời sống và lịch sử của họ?  Ông thách họ đi tìm ở bất cứ thời nào hoặc bất cứ nơi đâu trên trái đất xem có “vị thần” nào đã đối xử với họ như Thiên Chúa đối xử với họ không.  Những cách họ được Thiên Chúa đối xử đã được ông Mô-sê nêu ra như sau:   trước hết, họ đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán.  Đúng vậy, chỉ dân Ít-ra-en là dân duy nhất được nghe tiếng Chúa phán.  Người phán với họ để dạy dỗ họ những điều tốt lành đạo đức.  Người phán với họ qua các ngôn sứ để loan báo những việc tốt lành Người sẽ thực hiện cho họ.  Ngay cả khi Người dùng những lời khiển trách hay đe dọa, thì đó vẫn là tiếng nói của người cha nhân từ sửa dạy con cái để sinh ích cho chúng.  Các thần ngoại chỉ là những thứ người ta nặn ra, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói.  Thứ hai, dân Ít-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa một dân tộc khác để làm dân riêng Người.  Mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en là đề tài luôn được đề cập đến trong toàn bộ Kinh Thánh.  Thứ ba, một khi đã nhận làm dân riêng thì Thiên Chúa làm mọi sự để duy trì, củng cố và bảo vệ họ trước sự áp bức, xâm lăng và bắt đi lưu đày của kẻ thù.  Người còn “dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm” để cứu giúp họ như Người đã làm tại Ai-cập.  Sau khi đã nhắc lại mọi kinh nghiệm sống của dân Ít-ra-en về Thiên Chúa như thế, ông Mô-sê xin họ hãy dựa trên kinh nghiệm ấy mà xác tín điều này, là:  Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa”.  Cuối cùng, ông Mô-sê đưa dân chúng tới một kết luận thực hành:  Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người mà hôm nay tôi truyền cho anh em”.  Thiên Chúa, Cha nhân lành, đối xử như vậy với chúng ta là con cái, mà chúng ta không đáp lại thì quả thật là bất hiếu bất trung!

 

        2.  Thiên Chúa là Cha chúng ta.  Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết về Người như Người đã mặc khải cho dân Ít-ra-en nhưng vẫn chưa đủ.  Người còn muốn tỏ lòng yêu thương nhân loại hơn thế nữa khi Người muốn nhận chúng ta làm nghĩa tử.  Mà cung cách của người con đối với cha thì hoàn toàn khác với cung cách của dân ngoại đối với các vị thần của họ, vì mối tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta là tình cha con không có chút sợ hãi nào, trong khi thái độ dân ngoại đối với các thần của họ là luôn luôn sợ hãi bị thần trừng phạt.  Vậy nhờ đâu mà chúng ta có thể kêu Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi?  Chính là nhờ Thánh Thần.  Đây là Thần Khí mới Thiên Chúa ban cho chúng ta khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.  Thánh Phao-lô tôn vinh việc Thánh Thần “chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”.  Quả thực, nếu sức mạnh Chúa Thánh Thần không nâng đỡ và giúp chúng ta thì chẳng bao giờ chúng ta có đủ tư cách và can đảm để gọi Thiên Chúa Toàn Năng là “Cha” được.  Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần còn giúp chúng ta cầu nguyện, không chỉ với tư cách tạo vật cầu xin Thượng đế, mà như con cái nói chuyện tâm tình với Cha mình!  Rồi thánh Phao-lô còn “thừa thắng xông lên”, đòi cho được những quyền lợi của người con nữa.  Ngài bảo:  “Đã là con, thì cũng là thừa kế”, rồi tới luôn, vì là đàn em của Anh Trưởng Giê-su nên chúng ta trở thành “đồng thừa kế” với Người.  Thử hỏi còn điều gì Thiên Chúa giữ lại mà không ban hết cho chúng ta không?  Chắc chắn là không còn gì, vì ngay đến Con Một Người là Chúa Giê-su mà Chúa Cha cũng không tiếc và trao nộp người Con ấy vì chúng ta.  Theo đà suy diễn của thánh Phao-lô, chúng ta có cảm tưởng rằng suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi và công việc của Người thì không khi nào đủ vì đề tài quá phong phú.  Nhất là danh hiệu “Áp-ba, Cha ơi!” của Thiên Chúa càng làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì biết mình được ở trong Đấng là Tình Yêu.

 

        3.  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Phụng vụ Lời Chúa đã trình bày Thiên Chúa theo cái nhìn của ông Mô-sê và thánh Phao-lô Tông đồ.  Trình bày này đưa chúng ta đến với mệnh lệnh của Chúa Giê-su.  Biết về Thiên Chúa Ba Ngôi thôi chưa đủ, những phải giúp cho người khác biết nữa.  Đó chính là mục đích quan trọng Chúa Giê-su nói đến trước khi Người trở về trời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Thánh sử Mát-thêu thuật lại quang cảnh trước khi Chúa lên trời, tuy giản dị nhưng không kém phần trang trọng.  Trước hết Chúa Giê-su chọn một địa điểm để Người thực hiện biến cố trọng đại này.  Vậy địa điểm là một ngọn núi tại miền Ga-li-lê.  Như Ga-li-lê là nơi Chúa Giê-su xuất hành để đi rao giảng, thì giờ đây Người cũng muốn Ga-li-lê là nơi các môn đệ Người xuất hành để tiếp tục sứ vụ của Người:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.  Thánh Mác-cô còn nói rõ hơn, đó là “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ…” Tuy nhiên thánh Mát-thêu lại nhấn mạnh hơn về mặt khác, là hãy “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Phải chăng ngài muốn chúng ta hiểu vai trò của cả ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch đem nhân loại về với Thiên Chúa để họ được làm con cái và kế thừa gia nghiệp Người đã dành cho họ từ đời đời?  Thiên Chúa muốn gia đình của Người phải bao gồm toàn thể nhân loại, phải là một đại gia đình chứ không chỉ một dân tộc Ít-ra-en.  Vì thế Chúa Giê-su mới dạy các môn đệ phải làm cho “mọi người” trở thành môn đệ và phải “đi khắp tứ phương thiên hạ” mà rao giảng Tin Mừng.  Đây thực là một công tác đầy khó khăn và có thể khiến chúng ta nản lòng.  Vì thế Chúa Giê-su hứa giúp đỡ chúng ta.  Thánh Mác-cô kể lại việc các môn đệ ra đi rao giảng, “có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.  Còn thánh Mát-thêu thì ghi lại lời Chúa Giê-su hứa:  “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.  Có Chúa ở cùng và cùng hoạt động với chúng ta, mọi khó khăn sẽ không cản nổi bước chân những người đi rao giảng Tin Mừng nữa!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        “Hãy đi” là mệnh lệnh của Chúa Giê-su và cũng là bài học sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay.  Chúa Giê-su đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và làm cho chúng ta được mang căn tính mới là con Thiên Chúa.  Chúa Cha và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có tư cách gọi Thiên Chúa là Cha.  Đến lượt chúng ta, với tư cách là con, chúng ta phải sống sao cho trọn đạo làm con.  Đạo làm con ấy đã được thánh Phao-lô nhắc đến trong bài đọc 2:  một khi cùng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.  Cuộc đời Ki-tô hữu là kết hiệp với Chúa Ki-tô, để nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, chúng ta để cho tất cả đời sống chúng ta trở nên thánh thiện, rồi một ngày kia chúng ta sẽ được về quê thật trên trời, ở đó chúng ta có người Cha nhân hiền, người Anh Trưởng gương mẫu và Thánh Thần Tình Yêu, để tất cả trở nên một trong đại gia đình yêu thương.  Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng ta trong hành trình tiến về quê trời.  Do đó, chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và rao giảng cho mọi người biết những gì Ba Ngôi đã và đang làm cho chúng ta.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B