LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ABC
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.
LOAN BÁO TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI CHO THẾ GIỚI HÔM NAY
1. LỜI CHÚA:
“Này tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho
toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua
Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA CỨU
THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là
A-lếch-xích (Alexis) có lòng bác ái yêu thương những người nghèo khổ
bệnh tật. Mỗi ngày hoàng tử dành nhiều thời giờ đến thăm hỏi và sẵn
sàng rộng tay giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều lạ là
hoàng tử thấy dân chúng lại tỏ vẻ dửng dưng và thờ ơ khi thấy chàng đến
thăm. Về sau hoàng tử được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi
gặp chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ.
Từ đó hoàng tử A-lếch-xích tìm cách giúp dân chúng cách thiết thực
hơn.
Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một
người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu
làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc
miễn phí cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện
cảm của mọi người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến
nhiều người nghe tiếng đã tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những
khó khăn đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp
đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng
sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên
mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng yêu mến anh vì anh đã
hy sinh tận tình giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử
A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa
đám dân nghèo đói dốt nát, và hòa mình với họ. Về sau khi biết được
ông thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít hóa thân thì dân chúng lại càng quý
trọng hòang tử gấp bội.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình
ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh
nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khổ với lòai người chúng ta. Người đã
yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban lại cho chúng ta
sự sống đời đời.
2) THỰC THI CÔNG LÝ BẰNG TÌNH THƯƠNG:
Vào một ngày
mùa đông lạnh giá, viên thị trưởng thành phố New York vẫn đã phải chủ tọa một phiên
tòa như thường lệ. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão áo quân rách nát.
Người này bị tố cáo là đã ăn cắp một ổ bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà ông
này đưa ra là: “Vì gia đình tôi đang sắp chết đói”.
Nghe xong
lời cáo tội của chủ cửa hàng bánh và lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng
đã đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động
xấu nào. Tôi ra lệnh trừng phạt tội ăn cắp của người này là nộp 10 đôla trả lại
cho chủ quán”. Sau khi tuyên án, viên thị trưởng liền rút trong túi ra 10 đôla thi
hành án lệnh. Sau khi trao cho người ăn cắp 10
đôla để nộp phạt, ông thị trưởng quay xuống cử tọa nói tiếp: “Ông lão đã bồi
thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng
50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta
còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý
đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng,
người ta đếm được 47 đôla 50 xu. Ông thị trưởng trao tất cả cho ông lão. (Trích
từ “Lẽ Sống”).
Qua đó, viên
thị trưởng cùng một lúc vừa thực thi công
lý lại vừa biểu lộ tình thương. Nói cách khác: Ông đã thi hành
công lý bằng lòng từ bi thương xót. Thiên
Chúa là vị Thẩm phán tối cao đòi loài người phải đền tội kiêu ngạo bất tuân là
bị chết theo phép công bình. Nhưng Thiên Chúa lại thực thi công lý với lòng từ
bi thương xót qua mầu nhiệm Giáng Sinh và mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của
Chúa Giê-su.
Đàng khác, có bao giờ chúng ta nhận thấy mình cũng
có trách nhiệm về những tội ác
xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta không? Biết đâu vì chúng ta dửng dưng vô
cảm, thiếu liên đới chia sẻ, nên mới xảy ra biết bao tội ác trong xã hội! Nếu
chúng ta ý thức về trách nhiệm liên đới, chia sẻ, thực sự quan tâm giúp đỡ lẫn
nhau, chúng ta sẽ góp phần giảm bớt cảnh đói khổ, và như thế tội ác trên thế
giới cũng sẽ giảm đi. Thế giới không thiếu thực phẩm, không thiếu tài nguyên.
Chỉ tại thiếu lòng thương xót.
3) NGƯỜI VỐN
DĨ VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen
đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến
dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe ngựa sang trọng đưa rước.
Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của quan chủ tiệc cũng đến dự.
Do già yếu nên khi bước xuống xe, chẳng may ông bị trượt chân té xuống
một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó đều cười ồ lên. Trước
tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước
trăm con mắt đang nhạo cười mình và quyết định lên xe ra về. Viên quản gia hiện
diện đã đến năn nỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào trong nhà
dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy
tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước
và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu.
Lần này bọn gia nhân không ai còn dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã
nắm tay vị khách quý mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn
viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là
hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần
nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa nhưng lại hạ mình
xuống làm một phàm nhân. Người đã trở nên giống như chúng ta để ban ơn
cứu độ cho chúng ta.
3. SUY NIỆM:
1) ĐÊM THÁNH VÔ
CÙNG:
- Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe
những bài hát du dương thánh thót có khả năng lay động lòng người,
nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt
là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh
thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút linh thiêng, đất trời
hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là
thời gian trông mong Đấng Cứu Thế đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại
sự mong mỏi của nhân loại bằng việc sai Con Một xuống thế làm người, đầu
thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một con người “giống như
chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội” (Dt 4,15).
- Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa
lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng vô cùng
lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời
gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ?
Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo
hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ?
Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do Tinh Thương.
2) GIÁNG SINH-
LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG:
- Vì yêu thương loài người và vì muốn cứu độ
chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy
loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho
loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa
Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc
thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây
thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại
sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng
trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.
- Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương.
Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu
thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài
người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp
lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
3) DẤU CHỈ ĐỂ NHẬN
BIẾT ĐẤNG THIÊN SAI LÀ SỰ NGHÈO KHÓ:
- Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người
thiện tâm trên trần gian. Dấu chỉ để các mục đồng nhận ra Người là
“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
- Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã
lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người.
Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác.
4) THỰC THI BÁC
ÁI ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG:
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta
qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm
bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn
tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người
đời hắt hủi bỏ rơi.
- Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán giàu
có ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ của họ
đang khi các mục đồng nghèo hèn lại vui mừng đón nhận Tin mừng Giáng Sinh
của Người. Còn chúng ta sẽ đối xử thế nào đối với người nghèo là hiện thân của
Chúa Giê-su?
- Qua cách ứng xử với tha nhân mà chúng ta nhận biết mình
thuộc hạng người nào: Là chủ quán giàu có ở Be-lem khi thiếu lòng từ
tâm xua đuổi người nghèo ra đường giữa đêm khuya? Hay là các mục đồng
nghèo khó, sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và giới thiệu
Chúa là Tin Mừng Cứu Độ cho họ?
4. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cách đây hơn 20 thế kỷ, Chúa đã
giáng sinh làm người trong âm thầm lặng lẽ giữa đêm khuya. Chúa đã
đến với chúng con để ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúa đến để dạy
loài người con đường lên trời là đường chật hẹp, gai chông và ít
người chịu đi, nhưng lại là đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời.
Chúa đến để nối kết mọi người trên trần gian lại với nhau, trở
thành anh chị em của nhau vì cùng có một Cha Chung trên trời. Hôm nay mùa
Giáng Sinh lại đến: Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người
nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng. Xin
cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người
nghèo khó, những cụ già neo đơn không người chăm sóc, những trẻ em mồ
côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục
vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ nên môn đệ đích
thực và chứng nhân của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM
LỄ GIÁNG SINH ABC
THÁNH LỄ RẠNG
ĐÔNG - Lc 2,15-20
CHÚNG TA ĐI TÌM
CON CHÚA RA ĐỜI
1. LỜI CHÚA:
“Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng
với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều
đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA HANG BE-LEM MÙA GIÁNG SINH:
Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng
ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài
Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả
Giu-se quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở
hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh. Việc dựng các hang đá như trên đã có từ
thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó đang là
bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây ở
gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm
trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya
hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân
cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có đặt một
bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó, việc
trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia càng ngày càng phổ biến trở
thành tập tục chung của cả thế giới.
2) ÔNG GIÀ NO-EN
SỨ GIẢ CỦA TÌNH THƯƠNG LUÔN SỐNG MÃI :
Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Vir-gi-ni-a đã
viết cho một tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già No-en. Câu hỏi của cô bé
là: Ông già No-en có thật không? Hôm sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người
ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau:
"Vir-gi-ni-a yêu dấu của bác. Điều trước tiên bác muốn nói với cháu là:
các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già No-en. Các bạn
của cháu đã bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin
được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không có gì có thể có được nếu trí
khôn nhỏ bé của họ không hiểu được… Chỉ có đức tin, chỉ có tình yêu mới có thể
vén mở được bức màn bí mật của thế giới của chúng ta.”
Lá thư gửi cho cô bé Vir-gi-ni-a trên đây đưa chúng ta
vào trung tâm điểm của ngày Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của nhi đồng, bởi vì
nhân vật chính của ngày lễ là một Em Bé. Một Em Bé cũng như muôn ngìn em bé
sinh ra trên cõi đời này. Em Bé đó chính là niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi
người. Cùng với Em Bé đó, tất cả các em bé đều mang lại niềm vui cho mọi người
trong mùa Giáng Sinh. Bầu khí Giáng Sinh là bầu khí của nhi đồng. Từ hoa đèn,
âm nhạc cho đến quà cáp, tất cả đều hướng về các em nhi đồng... Người cho đã
vui mà người nhận còn vui hơn: chính các em bé là những người đã dạy cho người
lớn biết vui với niềm vui ban phát. Bao lâu con người còn có thể mở cửa tâm
hồn, bao lâu con người còn có thể mở rộng bàn tay để ban phát, để chia sẻ thì
bấy lâu ông già No-en của hy vọng, của quảng đại, của hân hoan vẫn còn sống mãi
trong tâm trí của trẻ em và không biết bao nhiêu người sầu khổ.
3) CHÚA GIÁNG
TRẦN ĐEM NIỀM VUI VÀ TÌNH THƯƠNG CHO NGƯỜI NGHÈO:
Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra ngày 24/12/1995 đăng lời
chứng của Nữ tu Emmanuel như sau:
“Tại một khu ổ chuột ở thủ đô Cairô (Ai Cập), người ta
không cử hành lễ Giáng sinh được vì quá nghèo. Tôi đến gặp Đức thượng phụ
Sinođa xin Ngài cho một linh mục đến dâng lễ tại đó. Tin vui loan ra, mọi người
đều hăng hái quét dọn, vài miếng vải sáng màu được giăng lên, không có đèn
điện, chỉ một vài cây nến sáng. Đêm khuya, tiếng hát mừng Chúa giáng sinh đã
vang lên, mọi vật trong khu ổ chuột đều thức giấc: Lũ lừa kêu be be, gà thì gáy
o o, mấy chú chó sủa lên inh ỏi… Thật là một bản nhạc giao hưởng mừng Chúa
Giáng Sinh vô cùng độc đáo. Vị linh mục hôm ấy đã không giảng nhiều, Ngài chỉ
vắn tắt vài lời: “Nếu Chúa Giáng trần một lần nữa, chắc chắn Người sẽ sinh ra
tại nơi đây để trao ban tình thương cho anh chị em, chia sẻ nỗi đau buồn nghèo
đói và đồng hành với anh chị em trong khu ổ chuột này”. Lễ xong, tôi phát cho
mỗi người một quả quýt và một chiếc bánh No-en nhỏ. Mọi người chúc mừng nhau
rồi ra về trong niềm vui hân hoan.”
Niềm vui giáng sinh đâu có nhất
thiết đòi phải có bữa tiệc linh đình trong cảnh huy hoàng giàu sang, nhưng chủ
yếu đến từ những tấm lòng đơn sơ nghèo hèn, chứa đầy tình Chúa tình người.
3. SUY NIỆM:
1) GIÁNG SINH LÀ MẦU NHIỆM “THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA”:
Vì yêu thương nhân loại và muốn ban
ơn cứu độ cho loài người chúng ta mà Con Thiên Chúa đã từ trời cao xuống
nhập thể làm người. Người sinh ra trong cảnh nghèo hèn tại Be-lem, sống ba
mươi năm ản dật tại Na-da-rét trong thân phận một người lao động vất vả
trước khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Người đã trở thành EM-MA-NU-EN
nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Quả thật: “Con Thiên Chúa đã
trở nên loài người, để làm cho con loài người trở nên Con Thiên Chúa”.
2) TỪ NHẬP THỂ VÀ GIÁNG SINH ĐẾN TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH:
Giáng Sinh là cách Thiên Chúa
bày tỏ tình thương lớn lao của Ngài đối với nhân loại chúng ta. Thiên
Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta
mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Chúa Giê-su đã yêu thương nhân loại
đến cùng, và biểu lộ tình yêu của Người bằng việc đi rao giảng Tin
Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và
huấn luyện các tông đồ, lập các Bí Tích và cuối cùng chấp nhận đi
con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha, chấp nhận chịu
chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và
sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Người đã mở ra con đường
lên trời cho loài người chúng ta, là con đường yêu thương, quên mình và
hiến thân phục vụ. Người mời gọi chúng ta “bỏ mình, vác thập giá
mình hàng ngày mà đi theo Người”. Nếu chúng ta cùng chết với Người,
chúng ta sẽ cùng sống lại với Người, và sau này sẽ được về trời hưởng
hạnh phúc với Người.
3) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚA GIÊ-SU ? :
Sau khi được sứ thần loan báo
tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường đi Bê-lem để tìm Hài Nhi
Cứu Thế. Sau khi gặp Người, họ đã thuật lại những gì mắt thấy tai
nghe. Trong những ngày Mùa Giáng Sinh này mỗi người chúng ta phải làm gì
để loan báo Tin Mừng Đấng Cứu Thế Giáng Sinh cho các bạn bè và những
người chưa nhận biết Chúa: Một sự quan tâm người bên cạnh, một nụ cười làm
quen và cái bắt tay thân ái, một lời động viên và một món quà giúp đỡ người bất
hạnh…
4. LỜI NGUYỆN:
LẠY CHÚA
GIÊ-SU. Chúa đã ban ơn
cứu độ cho trần gian. Nhưng loài người chúng con chỉ đón nhận được ơn
cứu độ của Chúa nếu biết thành tâm đi tìm kiếm Chúa. Chúa luôn phát
ra tín hiệu để mời gọi và không ngừng chờ mong chúng con đáp trả.
Xin cho chúng con biết noi gương các mục đồng: hối hả rủ nhau sang
Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế mới sinh mà họ mới được báo tin.
Trong mùa Giáng Sinh này, xin cho chúng con trở thành những
ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng đến với những người bất
bạnh để chia sẻ tình thương cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày mừng
Chúa Giáng Sinh không dừng lại ở những trang trí hình thức bên ngoài,
nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối kết thành vòng tay
lớn, xây dựng một thế giới ngày một bình an thịnh vượng và đầy
tràn hạnh phúc theo thánh ý Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM
LỄ BAN NGÀY
GIÁNG SINH
Is 52,7-10; Dt
1,1-6; Ga 1,1-18
LÀ ÁNH SÁNG
CHIẾU SOI CHO MỌI NGƯỜI TRÊN TRẦN THẾ
1. LỜI CHÚA: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế
gian và chiếu soi mọi người… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa
chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa
Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,9.14).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NGUỒN GỐC LỄ GIÁNG SINH:
Ngày nay cả thế giới đều mừng lễ
No-en để kỷ niệm việc Đức Giê-su sinh ra vào ngày 25 tháng 12 hằng năm. Nhưng
Chúa thực sự sinh ra vào ngày nào thì đến nay không ai có thể xác định được. Từ
năm 300, Hội Thánh Rô-ma đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày lễ mừng Chúa Giáng
sinh. Lý do như sau :
Ngày xưa, khi nhân loại chưa khám
phá ra lửa, mùa đông rất dài và rất tối, bởi vì trong mùa này mặt trời như đi
vắng. Tuy nhiên người ta biết rằng tới một ngày nào đó mặt trời sẽ trở lại và
cảnh vật sẽ lại tươi sáng. Thế là người ta đặt ra một Lễ để mừng ngày đó, gọi
là lễ kính “Thần Mặt Trời chiến thắng”.
Để thánh hóa ngày lễ ngoại giáo này,
Hội Thánh đã chọn ngày 25 tháng 12 kính Thần Mặt Trời Chiến Thắng làm ngày kỷ
niệm Chúa Giê-su giáng sinh, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm :
“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng”. Chính Chúa
Giê-su cũng khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian”.
Thực vậy, nếu Đức Giê-su không đến
thì thế giới sẽ ở trong bóng tối triền miên. Những lời Chúa dạy chính là nguồn
sáng cho những ai sẵn sàng đón nhận. Những việc Chúa làm giúp nhân loại ra khỏi
tình trạng tối tăm để bước vào ánh sáng của Thiên Chúa.
Ánh sáng Chúa Giê-su không chỉ loé
lên một lần ở Bê-lem rồi bị tắt ngúm. Vì không giống như mặt trời chỉ chiếu
sáng trong một khoảng thời gian nhất định, ánh sáng Chúa Ki-tô sẽ chiếu sáng
luôn mãi trong tâm hồn những tin và đi theo Người.
2) ĐÓN MỪNG ÁNH SÁNG CHIẾU SOI CHO TRẦN GIAN:
Trong suốt 500 năm, mỗi năm cứ vào
đêm Giáng Sinh, dân chúng tại một thành phố kia đều tập trung, không phải để
mừng lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng để cùng nhau đón chờ Chúa quang lâm. Trước nửa
đêm, họ đốt đèn, hát thánh ca, rồi cùng nhau đi rước đến tập trung tại một giáo
đường đổ nát. Tại đây, họ dựng nên một hang đá và quỳ gối cầu nguyện xin Chúa
đến. Chính những ánh nến trên tay và những bài thánh ca đã có sức mạnh xua đuổi
cái lạnh của đêm đông Giáng Sinh. Ngoại trừ một số ít người đau liệt ở nhà, còn
hầu như mọi người trong thành đều hiện diện ở đây; Họ đều tin rằng: nếu tất cả
mọi người đều thành tín cầu nguyện, thì vào lúc nửa đêm, Đức Ki-tô Giê-su sẽ
tái lâm như Người đã hứa trong Tin Mừng. Nhưng rồi trong thực tế, ngày tận thế
mọi người mong đợi vẫn chưa khi nào xảy ra. Khi được hỏi: “Bạn có thực sự tin
rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại vào đêm Giáng Sinh này tại thành phố của bạn không?”
thì nhân vật chính của câu chuyện trả lời: “Không, tôi không tin như thế!” Rồi
một câu hỏi khác lại được nêu lên: “Vậy, tại sao bạn cứ phải cùng đoàn người
đến đây hằng năm vào lễ Giáng Sinh như thế?” Người nầy mỉm cười trả lời: “Tôi
cần phải hiện diện mỗi năm, vì có thể các năm vừa qua Chúa Ki-tô chưa đến.
Nhưng nếu như năm nay Người đến, thì chẳng lẽ tôi lại là nguời duy nhất vắng
mặt ở đây hay sao?”.
3) ÁNH SÁNG
TIN YÊU SẼ GIÚP NGƯỜI ĐỜI NHẬN BIẾT CHÚA:
Vào một đêm kia, nhà văn người Anh là John Ruskin nhìn thấy những người
thợ đi thắp đèn đường trong thành phố (lúc đó chưa có điện đường). Họ phải cầm trên
tay một ngọn đuốc để đi châm lửa các cây đèn dọc theo các con đường trong thành
phố.
Trong đêm tối, Ruskin không nhìn thấy người thắp đèn, ông chỉ nhìn thấy
bó đuốc của người ấy và một vệt dài ánh sáng mà người ấy để lại đàng sau mình.
Qua hình ảnh đó, Ruskin đưa ra một nhận định hết sức thâm thúy: “Đây là một
minh họa tuyệt đẹp về người tín hữu. Có thể người ta chẳng bao giờ nhận biết
người ấy, cũng chẳng bao giờ gặp gỡ anh ta, nhưng mọi người đều biết là anh ta
đã đi qua thế giới của họ nhờ vào chuỗi ánh sáng mà anh đã để lại phía sau
mình”.
Hài Nhi Giêsu chính là ánh sáng rạng
ngời, đã chiếu soi trần gian trong đêm u tối, như Tin Mừng Gioan viết: “Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Chúng ta hãy cảm tạ Hài Nhi Giêsu đã
đem ánh sáng huy hoàng của Người đến trong trần gian vào trong tâm hồn chúng
ta, và vào lòng mọi người.
Chúng ta cũng bắt chước Gioan Tẩy
Giả để làm chứng cho Ánh Sáng: trở thành chiếc đèn soi đường cho thế gian, là
ngọn đuốc chỉ lối cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Làm chứng cho Ánh Sáng bằng việc thực
thi bác ái. Vì “ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để
các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,20).
4) NGƯỜI KHÁCH CUỐI CÙNG VIẾNG THĂM HANG ĐÁ:
Sau khi đám mục đồng đến thăm viếng
Hài Nhi Giê-su trở về nhà, cánh đồng Be-lem vẫn còn chìm trong bóng tối và Hài
nhi Giê-su đang thiếp ngủ trong máng cỏ. Bỗng cửa hang mở ra và một bà lão xuất
hiện. Bà có thân hình gầy guộc với đầu tóc bạc phơ, da mặt nhăn nheo và áo quần
cũ rách. Bấy giờ Mẹ Ma-ri-a đang ngồi bên máng cỏ chăm sóc Hài Nhi Giê-su, thấy
bà lão xuất hiện, mẹ đưa cặp mắt lo sợ nhìn bà lão bấy giờ đang đến gần máng cỏ
nơi Hài Nhi nằm. Con trẻ Giê-su liền mở mắt ra nhìn bà lão và nhoẻn miệng cười
thật tươi khiến bà lão cũng mỉm cười theo. Rôi bà lão thò tay vào túi áo lấy ra
một vật đặt xuống bên Hài nhi Giê-su. Sau khi ngồi một lúc, bà đứng dậy và ra
ngoài cửa hang đi về. Ra đến ngoài, như được tăng thêm sức mạnh, bà trở nên
nhanh nhẹn sải bước mau và khuất sau một ngã quẹo. Bấy giờ Mẹ Ma-ri-a mới nhìn
vào vật bà lão vừa để lại và kêu lên: ”Ôi, một quả táo vàng!”
Bà lão ấy không ai khác hơn là E-và,
nguyên tổ của loài người khi xưa đã phạm tội ăn quả cây trái cấm và mang lại án
phạt cho nhân loại. Giờ đây bà đến trao tặng Hài nhi Cứu Thế Giê-su quả táo năm
xưa mang hình quả cầu nhỏ, như một lời nhắc nhở Hài Nhi về sứ mạng cứu thế của
Người là phải tái tạo một “Trời Mới Đất Mới” đầy tràn tình yêu, công bình và
hạnh phúc của Thiên Chúa.
Hài nhi Giê-su chính là A-đam Mới,
đến trần gian với sứ mạng xóa bỏ tội lỗi và giải thoát loài người khỏi bị chết,
được trở nên con Thiên Chúa và được hưởng sự sống đời đời. Trong lễ Giáng Sinh
hôm nay, chúng ta hân hoan vui mừng đón Đấng Cứu Thế đến mở ra một kỷ nguyên
vui mừng và hy vọng, thiết lập một Nước Trời tràn đầy sự thật, ân sủng và bình
an.
3. SUY NIỆM:
1) Vì yêu thương Ngôi Lời đã hóa thành người phàm và cư
ngụ giữa chúng ta:
Trong hang đá Be-lem, một trẻ mới
sinh được đặt nằm trong máng cỏ. Qua đó Thiên Chúa đã muốn nói với chúng ta
tình yêu của Ngài bằng ngôn ngữ của loài người. Vì yêu thương Thiên Chúa đã
vượt khoảng cách xa ngàn trùng để đến chia sẻ kiếp người với chúng ta. Ngài thể
hiện tình thương bằng việc đến cắm lều ở giữa loài người và hiến thân mạng sống
vì chúng ta. Thân xác bé thơ hôm nay đang rét run trong làn gió lạnh trong hang
đá Be-lem, thì mai ngày sẽ run rẩy dưới những đòn roi, và chết nhục nhã trên
cây thập giá. Tất cả đều nói lên tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa đối với chúng
ta như lời Chúa phán: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình
yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
2) Ngôi Lời Thiên Chúa là Lời ban Ơn Cứu Độ:
Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là
cảm tính nhất thời, nhưng là một chương trình dài hạn. Lời Thiên Chúa nói với
loài người không phải để làm vui tai, nhưng là mang lại ơn cứu độ. Chúa xuống
thế làm người chính là chấp nhận nên bé nhỏ để chúng ta được lớn mạnh, chấp
nhận nên nghèo khó để chúng ta được giàu có. Chúa nhập thể làm người để chúng
ta được làm con Thiên Chúa.
3) Lời của Thiên Chúa là Ánh Sáng chiếu soi vào trần
gian u tối:
Tội lỗi là bóng tối bao phủ khiến
loài người chúng ta bị mất phương hướng, mất ý nghĩa cuộc sống. Lời Thiên Chúa
đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm nhân loại để làm cho cuộc đời chúng ta
có ý nghĩa. Ngài đã từ trời xuống thế để mở con đường về trời cho nhân loại
chúng ta. Ngài đã chiếu ánh sáng vào đêm tối trần gian để ai đi theo Người sẽ
không đi trong tăm tối nhưng có ánh sáng ban sự sống đời đời.
4) Cần làm gì để chiếu ánh sáng tin yêu trong Mùa Giáng
Sinh năm nay?:
- Ánh Sáng của Chúa Ki-tô đã chiếu
soi vào trần gian u tối, nhưng hiện vẫn còn biết bao người chưa nhận biết Chúa
hay chưa muốn tin nhận Người là Ánh Sáng đích thực từ trời đến ban ơn cứu độ.
Trong thế giới hôm nay, quyền lực tối tăm của ma quỷ vẫn đang hoành hành. Bao
tội lỗi và thói hư vẫn đang tồn tại và gia tăng, làm băng hoại nền luân lý tốt
đẹp của nhân loại. Biết bao tín hữu đã đánh mất ý thức về tội: Họ coi việc phá
thai, ly hôn, làm hôn thú giả, kết hôn giả… là những việc bình thường mà họ có
quyền làm khi cần để đạt được mục đích, không cần biết các việc đó có phù hợp
với giới răn của Chúa và lề luật Hội Thánh không ?
- Chia sẻ đức tin bằng việc làm bác
ái là chiếu sáng tình thương của Chúa cho tha nhân: Mỗi người hãy tự hỏi: Trong
lễ Giáng Sinh năm nay, tôi có chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cho ai không? Ngoài
gia đình và bạn bè, tôi đã trao tặng được món quà nào cho những người bệnh tật,
đau khổ và bất hạnh là hiện thân của Chúa không ?
4. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU HÀI ĐỒNG. Giữa giá
lạnh của mùa đông khắc nghiệt, xin cho con biết đi tìm Chúa nơi những anh chị
em nghèo khó không nhà, không cơm ăn áo mặc, phải ở nơi đầu đường xó chợ… để con
chia sẻ tình thương với họ, bằng sự quan tâm giúp đỡ cụ thể. Xin cho con biết
đón nhận tình thương của Chúa khi gặp những điều may lành vừa ý và cả những lúc
gặp điều trái ý cực lòng. Để con sẵn sàng cảm thông với những người nghèo khổ,
là hiện thân của Chúa đang bị bỏ rơi trên cây thập giá năm xưa, để con làm theo
ý Chúa Cha như Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: "Lạy
Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén nầy. Nhưng xin đừng theo ý
Con, một xin vâng Ý Cha" (Lc 22,41).- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM