THÁNH LỄ NỬA ĐÊM GIÁNG SINH
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 9:1-6;
Tt 2:11-14; Lc 2:1-14)
Ý nghĩa việc Con Một Chúa ra đời quả thực
phong phú đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết được. Chúng ta chỉ hiểu được một khía cạnh nào đó,
giống như chiêm ngưỡng những góc cạnh khác nhau của một viên kim cương cực quý
giá. Phụng vụ Lời Chúa Thánh lễ Nửa đêm Giáng
Sinh nhấn mạnh đến tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa là động lực khiến Người
ban Con Một cho chúng ta: “Một người con
đã được ban tặng cho ta” là lời Thiên Chúa hứa với nhân loại (bài đọc 1). Người con này sẽ hoàn toàn thay đổi thế giới
và nhân loại, nên theo thánh Phao-lô, quà tặng Con Thiên Chúa chính là “ân sủng
của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (bài đọc
2). Vậy Lời Thiên Chúa hứa ban Con Một
như quà tặng vô cùng quý giá đã được thể hiện qua biến cố Giáng Sinh hơn hai
ngàn năm trước tại Bê-lem (bài Tin Mừng).
1.
Con Một là món quà kỳ lạ Thiên
Chúa dành cho nhân loại. Quà tặng
trên trần gian thường được đánh giá bằng hiện kim, bằng sự quý hiếm. Nhưng quà tặng là người con duy nhất của người
tặng quà thì ta chưa hề nghe. Vậy mà đây
là điều Thiên Chúa đã hứa và Người đã giữ lời hứa. Ngôn sứ I-sai-a đã chuyển lời hứa của Thiên
Chúa đến với nhân loại. Nhưng trước khi
đề cập tới lời hứa có một không hai này, ngôn sứ đã trình bày bối cảnh nói lên
tại sao Thiên Chúa hứa một điều vượt quá sự hiểu biết của con người. Bối cảnh ấy là tình trạng rất buồn của cả
nhân loại. Ngài mô tả nhân loại “đang lần
bước giữa tối tăm” của tội lỗi. Khát vọng
của họ là được thấy ánh sáng, thấy mọi sự thay đổi và họ được sống vui. Đúng vậy, kể từ khi tổ tông loài người phạm tội,
tội lỗi đã cướp đi ánh sáng, biến vũ trụ này thành chốn tối tăm và bóng tối tội
lỗi đã thống trị nhân loại. Con người đã
trở thành “kẻ thù” của Thiên Chúa. Tội lỗi
để lại những hậu quả mà I-sai-a gọi là “cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống
vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp”. Những
hậu quả khác nữa là cảnh chiến tranh giữa con người, với “giầy lính nện xuống rần
rần và mọi áo choàng đẫm máu”. Tuy nhiên
tất cả những thảm cảnh trên sẽ chấm dứt khi “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta”.
Nếu ma quỷ đã gây tai họa cho loài người vì tội lỗi họ, thì mặc họ, việc
gì Thiên Chúa phải can thiệp. Tội họ làm
họ phải chịu. Nhưng Thiên Chúa đâu cần
lý luận như chúng ta, trái tim Người đâu có hẹp hòi như chúng ta nghĩ, vì lúc
nào Người cũng quá thương ta, cả những khi ta tiếp tục lầm lỗi. Hệ quả “quá yêu thế gian đến nỗi” chính là
Thiên Chúa đã “cho không biếu không” Con Một của Người cho ta đấy! Kết luận của đoạn sách ngôn sứ I-sai-a cũng
nói rõ điều này: “Vì yêu thương nồng nhiệt,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó”.
Nhưng “ban Con Một” để làm gì? Dĩ nhiên là để thay đổi hoàn cảnh khốn khổ của
nhân loại. Thiên Chúa đã tấn phong Con Một
của Người bằng những danh hiệu đích đáng:
“Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mạnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa
bình”. Là Cố Vấn kỳ diệu, Chúa Giê-su sẽ
khuyên bảo, kêu gọi, nhắn nhủ chúng ta sống luôn theo đường lối Thiên
Chúa. Là Thần Linh dũng mạnh, Chúa
Giê-su sẽ nâng đỡ tinh thần chúng ta để ta lướt thắng cám dỗ và tội lỗi. Là người Cha muôn thuở, Chúa Giê-su sẽ thay mặt
Chúa Cha để gìn giữ và bênh vực chúng ta trên mọi bước đường sống như con cái
Thiên Chúa. Là Thủ Lãnh hòa bình, Chúa
Giê-su sẽ dẫn dắt chúng ta duy trì và phát huy mối tương giao cha con với Thiên
Chúa, hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau. Thật là ý nghĩa khi I-sai-a thông báo lời
Thiên Chúa hứa ban Con Một cho chúng ta, rồi ngôn sứ còn diễn tả cặn kẽ sứ mệnh
người Con Một ấy sẽ thi hành cho chúng ta nữa.
Quà tặng Con Một Thiên Chúa ban cho ta không phải đặt trong tủ kính để mà
chưng, nhưng là để thực hiện một công trình vĩ đại “tai chưa hề nghe, mắt chưa
hề thấy” vì ơn cứu độ Người dành cho chúng ta.
2.
Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ
cho mọi người. Quà tặng bao giờ cũng
mang một ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một
“sứ mệnh” như ngôn sứ I-sai-a diễn tả trong bài đọc 1, thì thánh Phao-lô cũng
có cách diễn tả ý nghĩa quà tặng ấy bằng ngôn ngữ thần học. Phao-lô gọi Chúa Giê-su, quà tặng của Thiên
Chúa, là Ân Sủng. Từ Ân Sủng nghe có vẻ
trừu tượng quá, làm sao chúng ta hiểu được!
Cho nên Phao-lô phải giải thích.
Ngài nói: “Ân sủng của Thiên Chúa
đã được biểu lộ”. Trước khi Chúa Giê-su
giáng sinh, ân sủng ấy chỉ là một lời hứa được giữ kín, mặc dù nhiều ngôn sứ
trước đây đã nói đến. Tuy nhiên chưa ai
biết Ân Sủng ấy là gì và bao giờ xuất hiện.
Nay đã đến lúc Thiên Chúa biểu lộ Ân Sủng: ngày Giáng Sinh là “ngày hồng phúc vẫn hằng
mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng
ta, xuất hiện vinh quang”. Tương tự như
ngôn sứ I-sai-a, thánh Phao-lô cũng mô tả sứ mệnh của Đấng cứu độ qua hai công
việc chính. Thứ nhất, Đấng cứu độ “đã tự
hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính”. Quả thực Chúa Giê-su đã chấp nhận chịu chết
trên thập giá để chuộc lại tội lỗi chúng ta.
Điều bất chính của tổ tông đã đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi, còn
Chúa Giê-su thì giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thứ hai, Đấng Cứu độ “thanh luyện chúng ta
thành Dân riêng của Người”. Sứ mệnh của
Chúa Giê-su không kết thúc trên thập giá, mặc dù Người đã chiến thắng tội lỗi. Nhưng sứ mệnh của Người còn là tiếp tục giúp
chúng ta được thanh luyện, xứng đáng làm con cái Thiên Chúa và công dân của Dân
Mới, một dân “hăng say làm việc thiện”.
Đến đây chúng ta có thể hiểu được ngôn ngữ của thánh Phao-lô: Ân Sủng không còn là một ý niệm trừu tượng nữa,
nhưng nó đã được biểu lộ qua một con người là Đấng Cứu Độ và những hành động của
Ngài, hay nói khác đi, Ân Sủng là chính Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa.
3.
Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Sau khi đã trình bày Đấng Cứu Độ được Thiên
Chúa hứa ban cho nhân loại và như một Ân Sủng, phần thứ ba của Phụng vụ Lời
Chúa Thánh lễ Nửa đêm mời gọi chúng ta đến chiêm ngưỡng và bái thờ Đấng Cứu Độ
đã sinh ra tại Bê-lem. Đây là lời sứ thần
Chúa loan báo cho các người chăn chiên tại cánh đồng Bê-lem: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng
đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân:
Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít,
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”. Từng
lời trong sứ điệp ngắn của sứ thần Chúa đều đáng cho chúng ta suy niệm. “Hôm nay” có ý nghĩa gì? Đó là thời điểm hơn hai ngàn năm trước
đây. Nhưng “hôm nay” của mỗi người chúng
ta lại là một cơ hội, cơ hội để Chúa sinh ra trong tâm hồn ta, hoặc để Chúa lại
sinh ra trong ta khi ta trở về với Chúa.
“Đấng Cứu Độ” không hẳn là danh hiệu của một Đức Ki-tô trong thần học,
nhưng phải là Đấng Cứu Độ của mỗi người, hoặc nói theo Phao-lô, Đức Ki-tô là “Chúa
của tôi”. Đấng Cứu Độ muốn hiện diện với
tôi trong một tương quan cá nhân riêng tư, đồng hành với tôi trên đại lộ cứu rỗi
để dẫn tôi về với Chúa Cha. “Trong thành
vua Đa-vít” dĩ nhiên là Bê-lem, nơi chôn nhau cắt rốn của vua Đa-vít. Nhưng thành vua Đa-vít còn mang ý nghĩa rộng
rãi hơn, có thể là toàn thể thế giới, toàn thể Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, hoặc
gia đình tôi. Nhưng quan trọng nhất,
thành vua Đa-vít phải là chính tâm hồn tôi, để Chúa Giê-su tái diễn việc giáng
sinh. Để giúp các mục đồng “nhận ra” Hài
Nhi là Đấng Ki-tô và Đức Chúa, sứ thần cho họ một dấu hiệu là “một trẻ sơ sinh
bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Trẻ sơ sinh
nào chẳng bọc tã, nhưng nằm trong máng cỏ thì xưa nay chỉ có một là Hài Nhi
Giê-su mà thôi! Nghèo khổ, không có gì cả
vì đã “trút bỏ vinh quang” đồng hàng với Thiên Chúa, nên Ngôi Hai chỉ có cái tã
của cha mẹ nghèo sắm cho, cộng thêm cái máng cỏ mấy con vật nhường lại cho Người!
Đấy, dấu hiệu đấy, thật là dễ nhận
ra. Chúa cho chúng ta những dấu hiệu rất
tầm thường chung quanh ta để ta dễ nhận ra Người. Một người hành khất. Một học sinh gương mẫu. Một người mẹ hiền. Người hàng xóm khó tính. Một người mẹ độc thân đã lỡ chân… Tóm lại, bất
cứ người nào hay hoàn cảnh nào cũng có thể là “dấu hiệu” để ta nhận ra Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Để sống cụ thể sứ điệp Lời Chúa của
Thánh lễ Nửa đêm, chúng ta hãy theo gương một số người được nói đến trong Thánh
lễ Rạng đông. Trước hết và trên hết, đó
là gương Mẹ Ma-ri-a. Thánh sử Lu-ca viết: “Còn bà
Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Chúng ta hãy luôn tự hỏi xem mình đã “ghi nhớ”
tất cả những điều về biến cố Giáng Sinh như thế nào. Có rất nhiều tâm tình và cách chúng ta biểu lộ
về những gì chúng ta “ghi nhớ” việc Con Một Chúa ra đời. Chúa Cha đã ban tặng chúng ta Con Một của Người. Vậy chúng ta có ghi khắc trong lòng tình yêu
vô bờ của Người không? Chúng ta có trân
trọng Ân Sủng Người đã ban cho ta không?
Chúng ta thường hay mắc bệnh “quên” lắm!
Vì thế, Mẹ Ma-ri-a dạy chúng ta hãy “suy đi nghĩ lại trong lòng”, để
chúng ta cũng giống như “các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng
Thiên Chúa” vì chúng ta đã được mắt thấy tai nghe mọi điều Thiên Chúa đầy lòng
yêu thương đã, đang và sẽ làm cho chúng ta.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi