CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 2:1-11;
1 Cr 12:3b-7, 12-13; Ga 20:19-23)
Ngay trước
khi lên trời, Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho các môn đệ phải ở lại
Giê-ru-sa-lem mà “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” và cũng là “điều anh em đã nghe
Thầy nói tới”. Vậy điều ấy chính là “sức
mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em”. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Thánh Thần hiện
xuống đầy tràn trên các môn đệ Chúa Giê-su.
Sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện những thay đổi vô cùng lớn
lao. Đoạn sách Công vụ Tông Đồ giới thiệu
sức mạnh ấy như một tiếng động lớn và như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà
trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sức mạnh của
Thánh Thần phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách là ngôn ngữ và dân tộc để tạo nên sự
hiệp nhất (bài đọc 1). Với cái nhìn thần
học, thánh Phao-lô diễn tả Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất mọi việc phục vụ,
mọi hoạt động đa dạng và mọi phần tử khác nhau thành một thân thể Chúa Ki-tô, tức
là Giáo Hội (bài đọc 2). Các môn đệ Chúa
đã được lãnh nhận sức mạnh Thánh Thần khi Chúa Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ như
hành trang để Người sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (bài Tin Mừng).
1. Sức mạnh Thánh Thần phá bỏ mọi ngăn cách để
thiết lập một Giáo Hội phổ quát.
Thánh sử Lu-ca cho chúng ta một hình ảnh sống động về Giáo Hội sơ
khai: cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô họp
nhau ở một nơi để chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa và Chúa Giê-su đã nói tới là hồng
ân Chúa Thánh Thần. Mọi người nao nức và
thắc mắc không hiểu “điều ấy” là gì. Bỗng
một tiếng động lớn và cơn gió mạnh ùa vào căn nhà họ đang tụ họp, báo hiệu một
biến cố trọng đại xảy ra: Chúa Thánh Thần
xuất hiện dưới hình những lưỡi lửa và “tản ra đậu xuống trên từng người một”.
Giờ đây chúng ta hãy nhận biết sức mạnh của Chúa Thánh Thần như thế nào. Miệng lưỡi là để nói, cho nên lưỡi lửa Thánh
Thần đã giúp các môn đệ “bắt đầu nói các thứ tiếng tiếng khác”. Ngôn ngữ là cốt lõi vì nó giúp người ta hiểu
nhau và dẫn tới sự hiệp nhất. Chúa Thánh
Thần chính là thứ ngôn ngữ hiệp nhất này.
Nhờ có được ngôn ngữ Thánh Thần, các môn đệ Chúa Ki-tô đã trở thành dụng
cụ để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” cho đám dân chúng thuộc nhiều dân
tộc khác nhau đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Ngũ Tuần. Một chi tiết sau đây cũng đủ cho chúng ta nhận
biết sức mạnh của Thánh Thần. Đó là điều
chính những người đang nghe các môn đệ loan báo những kỳ công của Thiên Chúa phải
chứng nhận rằng: “Những người đang nói
đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế
sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” Rõ ràng sức mạnh Chúa Thánh Thần đã giúp mọi
người, từ người nói đến người nghe, vượt qua rào cản ngôn ngữ để nhờ ngôn ngữ
Thánh Thần có thể thông đạt và hiểu được “những kỳ công của Thiên Chúa”. Tuy nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, mọi
người đều phân vân và chưa hiểu được ý nghĩa của sự thay đổi. Thì đây là sự thay đổi được thánh Lu-ca kể tiếp. Khi ông Phê-rô và các tông đồ thấy đám đông
dân chúng kéo tới, các ngài lập tức rao giảng về Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người. Bài giảng của Phê-rô đã mang lại kết quả bất
ngờ: có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo! Chúa Thánh Thần đã sử dụng ông Phê-rô, kẻ lưới
cá, để kéo mẻ lưới vĩ đại đầu tiên cho Giáo Hội Chúa Ki-tô là ba ngàn Ki-tô hữu,
gồm những đồng bào Do-thái cùng những người từ nhiều dân tộc khác nhau.
2. Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất và
hoạt động của Giáo Hội. Sau những
năm miệt mài truyền giáo cho dân ngoại và nhìn lại sự hình thành của Giáo Hội,
thánh Phao-lô đưa ra một suy tư về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trước hết ngài khẳng định vai trò nền tảng của
Chúa Thánh Thần: Không ai có thể tuyên
xưng Đức Giê-su là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí. Nói như vậy, ngài tuyên xưng sức mạnh của
Chúa Thánh Thần là sức mạnh giúp chúng ta có khả năng để tin vào Chúa Giê-su
Ki-tô. Khởi đi từ niềm tin đồng nhất
này, các Ki-tô hữu được Thánh Thần quy tụ thành một cộng đồng đức tin. Ngài còn dùng hình ảnh cụ thể là “thân thể” để
diễn tả sự hiệp nhất của cộng đồng đức tin ấy.
Cũng như trong thân thể có nhiều bộ phận khác nhau, nhưng cùng hướng về
một sự hiệp nhất là sự sống. Mỗi chi thể
có hoạt động riêng, nhưng tất cả đều phục vụ cho sự sống. Ngài áp dụng hình ảnh này cho Giáo Hội hiệp
nhất của Chúa Ki-tô. “Thật thế, tất cả
chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép
rửa trong cùng một Thần Khí để trở
nên một thân thể”. Nhưng quan trọng nhất,
đó là “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”. Như vậy, Chúa Thánh Thần đã giúp chúng ta có
cùng một đức tin, đồng thời Người cũng giúp chúng ta duy trì sự hiệp nhất nữa. Quả thực là một công việc vô cùng lớn lao
không sức mạnh trần gian nào thực hiện nổi, ngoài sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
3. “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống
trên từng môn đệ của Chúa Giê-su, mục đích là để biến đổi họ và sai họ đi loan
báo Tin Mừng. Do đó, giữa Chúa Thánh Thần
và sứ mệnh có mối liên hệ mật thiết đến độ không thể có sứ mệnh nào ở ngoài tầm
ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, kể cả sứ mệnh của Chúa Giê-su. Chính vì thế Chúa Giê-su mới nói với môn đệ
Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em”. Khi Chúa Cha sai Con Một
xuống thế gian, thì Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Mẹ Ma-ri-a và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên Mẹ, nhờ đó Con Thiên Chúa làm người phàm
và cư ngụ giữa nhân loại. Khi Chúa
Giê-su lên đường thi hành sứ vụ rao giảng, thì Chúa Thánh Thần hướng dẫn Người
vào hoang địa và trên khắp nẻo đường truyền giáo. Sau cùng, khi Chúa Giê-su kết thúc công trình
cứu chuộc nhân loại nhờ cái chết trên thập giá, thì “Người nói:
"Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Gio-an 19:30). Tóm lại, Chúa
Giê-su đã được Chúa Cha sai đi dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Cách thức Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đi thế
nào thì cách thức môn đệ Chúa Giê-su được Người sai đi cũng sẽ y hệt như vậy,
nghĩa là chúng ta cũng được sai đi dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, đối với các tông đồ, việc lãnh nhận
Thánh Thần và được sai đi còn mang một ý nghĩa đặc biệt với đặc quyền “tha tội”
và “cầm giữ”. Hai quyền này tượng trưng
cho việc nắm giữ luật lệ cũng như điều hành một cộng đồng. Do đó, khi Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các
tông đồ là Người ban cho các ngài những quyền hành điều khiển Giáo Hội, kể luôn
quyền tiếp nhận hay loại trừ các phần tử của Giáo Hội nữa. Nói khác đi, qua các tông đồ, Chúa Thánh Thần
là bánh lái để hướng dẫn con thuyền Giáo Hội Đức Ki-tô đi theo đúng đường lối của
Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng ta
thường nghĩ rằng hiểu biết về Chúa Thánh Thần quả thực là điều khó. Chẳng vậy mà chính Chúa Giê-su đã phải nói
trong cuộc đàm thoại với ông Ni-cô-đê-mô rằng:
“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết
gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Gio-an 3:8) .
Tất cả chúng ta đều được “sinh lại” bởi Chúa Thánh Thần, đều không biết Chúa
Thánh Thần hoạt động thế nào, tựa như gió muốn thổi đâu thì thổi. Nhưng khi chúng ta nghe tiếng gió thổi thì biết
là có gió, cũng thế, khi chúng ta nhận ra những hiệu quả việc làm của Chúa
Thánh Thần, thì chúng ta biết rõ vai trò của Người trong cuộc đời Chúa Giê-su,
trong Giáo Hội và trong mỗi người chúng ta.
Chúng ta sẽ không ngần ngại cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi bộ mặt
địa cầu, thay đổi và uốn nắn tâm hồn chúng ta, để mỗi ngày chúng ta trở nên giống
Chúa Ki-tô hơn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi