CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
Chúa Phục Sinh chuẩn bị các môn đệ rao giảng Tin Mừng
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 1:1-11;
Ep 4:1-13; Mc 16:15-20)
Có lẽ
chúng ta thắc mắc là sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã làm gì cho các môn đệ
ngoài những lần hiện ra với họ? Trong đoạn
sách Công vụ Tông Đồ hôm nay, thánh Lu-ca cho biết: “Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói
chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”.
Rồi Chúa truyền cho họ không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem để họ được lãnh
nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần. Nhờ sức mạnh
này, họ trở thành chứng nhân cho Chúa ở khắp nơi (bài đọc 1). Việc các môn đệ Chúa làm chứng và rao giảng
Tin Mừng sẽ giúp cho Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Ki-tô, được phát triển và trở
thành nơi cho mọi phần tử được biến đổi và nên giống Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã nhìn việc chúng ta xây dựng
Giáo Hội như phương cách giúp chúng ta “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô”
(bài đọc 2). Chính Chúa Giê-su, trước
khi lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, đã truyền lệnh cho các môn đệ và cho chúng
ta “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
(bài Tin Mừng).
1. “Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói
chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”.
Nhìn lại quá trình Chúa Giê-su thiết lập Giáo Hội, chúng ta thấy Người
đã chuẩn bị thật chu đáo. Bắt đầu Người
kêu gọi các môn đệ để huấn luyện họ trong trường học truyền giáo của Người. Người dạy họ giáo lý của Người qua những lần
giảng dạy cho dân chúng cũng như những lúc chỉ có thầy trò với nhau. Tuy nhiên phương pháp giảng dạy của Người
không chỉ bằng việc truyền đạt giáo lý, mà quan trọng hơn, đó là bằng lối sống gương
mẫu của Người. Cách Người đối xử và tiếp
xúc với dân chúng là những bài học sống động.
Ba năm tuy là thời gian khá dài, nhưng vẫn chưa đủ để họ thấu triệt được
giáo lý của Người. Thực ra lý thuyết
không khi nào là đủ trong việc huấn luyện.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã từng nói với các môn đệ Người: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh
em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu
nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người
sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Tuy
nhiên không phải vì vậy mà Chúa Giê-su ngưng việc đào tạo các môn đệ trong thời
gian bốn mươi ngày sau khi Người sống lại và trước khi Người lên trời. Có thể nói bốn mươi ngày này là thời gian
quan trọng nhất trong tiến trình đào tạo tông đồ. Do đó, đề tài của giai đoạn đào tạo này là về
Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không hẳn
là một tổ chức trần thế như các môn đệ đã hỏi Chúa có phải đây là lúc Người
“khôi phục vương quốc Ít-ra-en” không, nhưng quan trọng hơn, đó là lối sống
theo Thần Khí của Đức Ki-tô, tức là sống theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng
trong thời gian bốn mươi ngày, Chúa Giê-su đã ôn lại cho họ bài học lối sống của
Người, vì chính Người đã từng làm mọi sự dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Đó cũng là cách Người nói với họ về Nước
Thiên Chúa. Chúa Giê-su không sai các
môn đệ ra đi để “khôi phục vương quốc Ít-ra-en”, nhưng Người truyền cho họ phải
ở lại Giê-ru-sa-lem để nhận lãnh sức mạnh của Ngôi Ba Thiên Chúa khi Chúa Thánh
Thần ngự xuống trên họ.
Giáo Hội
vẫn coi ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh của Giáo Hội. Thánh Thần, Đấng “thay đổi bộ mặt trái đất”,
đã thay đổi các tông đồ để họ mạnh dạn rao giảng Chúa Giê-su là Con Thiên
Chúa. Thánh Thần đã thay đổi tâm hồn đám
đông dân chúng khoảng ba ngàn người để họ trở lại đạo sau khi nghe thánh Phê-rô
giảng lần đầu tiên (Cv 2:14-41). Ngày
sinh nhật của Giáo Hội là như vậy: khởi
đầu là tác động của Chúa Thánh Thần, tiếp theo là thánh Phê-rô và các tông đồ
rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô đã sống lại, sau cùng là ba ngàn người trở
thành Ki-tô hữu tiên khởi. Như vậy chúng
ta có thể nói rằng thời gian sau khi sống lại cho đến lúc lên trời, Chúa Giê-su
đã chuẩn bị để Chúa Thánh Thần hoàn tất việc đào tạo các tông đồ và khai sinh
Nước Thiên Chúa, tức là Giáo Hội Đức Ki-tô hay lối sống mới dưới sự hướng dẫn của
Thánh Thần.
2. Trong Nước Thiên Chúa hoặc sống theo lối sống
của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Đức
Ki-tô. Sách Công vụ Tông Đồ đã
cho chúng ta thấy Chúa Giê-su chuẩn bị cho việc thiết lập Giáo Hội khi Người hướng
dẫn các tông đồ hiểu được thế nào là sống theo Thánh Thần. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma
cũng nói nhiều đến đời sống mới này.
Nhưng hôm nay qua đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, ngài đặc biệt nói đến đời
sống mới của Ki-tô hữu: “Anh em hãy sống
cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em”. Vậy ơn gọi ấy là gì? Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sống lại của Con
Một Người mà cho chúng ta được làm con cái Người. Như thế chúng ta phải sống sao như những người
con trong gia đình nhân loại mới của Thiên Chúa , theo lối sống của Trưởng Tử (Ep
1:18) và Anh Cả của chúng ta (Rm 8:29) là Đức Ki-tô. Mà lối sống của Đức Ki-tô chính là làm công
việc phục vụ để xây dựng Giáo Hội là thân thể Người, xây dựng bằng cách giúp
người ta “đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên
Chúa”. Như Chúa Giê-su đã hiệp nhất với
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong sự tin tưởng và nhận biết vai trò cứu độ của Người,
thì chúng ta cũng phải sống hiệp nhất với Chúa Giê-su để tin vào Người cũng như
sống như Người. Do đó, nhờ sự hiệp nhất
này, chúng ta mỗi ngày một trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su hơn, để
được trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Người. Tầm vóc viên mãn của Chúa Giê-su được xác định
bằng một danh hiệu vô cùng đáng yêu: Con
Yêu Dấu của Chúa Cha! Cũng vậy, tầm vóc
viên mãn của chúng ta cũng xác định chúng ta quả thực là con Thiên Chúa.
3. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Thời gian bốn mươi ngày trước khi về cùng Chúa
Cha, Chúa Giê-su đã hoàn tất giai đoạn cuối của chương trình huấn luyện tông đồ. Giờ đây là lúc tạm ly biệt, Chúa Giê-su ban
cho họ mệnh lệnh vô cùng quan trọng liên hệ tới vận mạng của Giáo Hội Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúa
Giê-su cho thấy một tương lai thật lớn lao, không bị giới hạn trong lãnh địa
Do-thái, nhưng trải rộng “khắp tứ phương thiên hạ”. Mục đích rao giảng Tin Mừng là gì? Là để “ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ”. Tin ở đây là tin vào sứ mệnh cứu độ của Chúa
Giê-su và chịu phép rửa là chết đi con người tội lỗi để sống sự sống mới trong
Thánh Thần. Đúng vậy, chịu phép rửa là
lãnh nhận căn tính làm con Thiên Chúa và sức mạnh Thánh Thần, tức sự sống mới
trong “Nước Thiên Chúa”. Như chúng ta thấy
trong quá khứ và ngay lúc này, lịch sử Giáo Hội chứng tỏ sự phát triển không ngừng
của Giáo Hội nhờ việc rao giảng Tin Mừng không những của các môn đệ Chúa lúc
ban đầu, mà còn nhờ các môn đệ Chúa mọi thời và mọi nơi nữa. Chính mỗi người chúng ta cũng phải là một
thành viên trong cộng đồng truyền giáo của Chúa, truyền giáo bằng đời sống theo
gương mẫu của Chúa Giê-su và các vị tông đồ của Người. Chúa Giê-su không đòi hỏi chúng ta phải thực
hiện các phép lạ hoặc phải có những khả năng phi thường như trừ quỷ, nói tiếng
lạ, cầm rắn độc hay uống nhằm thuốc độc mà tính mạng vẫn an toàn, nhưng Người
chỉ muốn chúng ta truyền giáo trong khả năng của mình. “Tứ phương thiên hạ” của chúng ta không phải
là nơi xa xôi chân trời góc biển, nhưng là gia đình ta, khu phố, sở làm, trường
học, giáo xứ của ta. Điều thánh Mác-cô
ghi lại khiến chúng ta vững tâm, đó là “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi,
có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Có
Chúa cùng hoạt động với chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ gặt lúa về cho Chúa
và đem lại những hoa trái tồn tại mãi cho vương quốc của Người.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Trước khi
lên trời, Chúa Giê-su đã hoàn tất công việc đào tạo tông đồ cho cánh đồng truyền
giáo của Người. Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục
đào tạo chúng ta cho cùng một mục đích ấy.
Chúa cho những người giúp chúng ta lớn lên trong đức tin, như cha mẹ,
các thầy cô trường giáo lý, các linh mục chăm sóc linh hồn chúng ta…, tất cả đều
phục vụ Giáo Hội trong trương trình đào tạo ấy.
Nhưng có lẽ điều chúng ta quên lãng hoặc cho là không quan trọng hay
mình không có trách nhiệm, đó là việc đáp lại lệnh truyền của Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Từ
trời cao, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta. Không những vậy, Người đã hứa sẽ ở với chúng
ta luôn mãi cho đến ngày tận thế, để giúp chúng ta sống thân phận con Thiên
Chúa và thi hành sứ mệnh truyền giáo trong mọi ngày chúng ta sống trên trần
gian này.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi