LỄ HIỂN LINH
Qua biến cố Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta
biết điều gì?
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 60:1-6;
Ep 3:2-3a, 5-6; Mt 2:1-12)
Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Điều này được ghi chép trong Kinh Thánh cả Cựu
Ước lẫn Tân Ước. Khi dân Ít-ra-en ra khỏi
Ai-cập và tụ tập dưới chân núi Xi-nai, Thiên Chúa đã hiện đến với họ trong một
khung cảnh khiến họ vô cùng sợ hãi (Xh 19:16-25). Trái lại, cuộc thần hiện của Chúa Giê-su xảy
ra trong bối cảnh cuộc sống bình thường, không sấm sét và khói lửa, vì Người là
Thiên Chúa làm người, xuống thế và “cư ngụ” giữa chúng ta. Vậy Ngôi Lời cư ngụ hoặc “dựng lều ở lại” giữa
chúng ta để tỏ ra cho chúng ta biết điều gì?
Ngôn sứ I-sai-a trả lời: để chúng
ta nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem (bài đọc
1). Thánh Phao-lô tông đồ thì nhìn cuộc
Hiển Linh dưới nhãn quan truyền giáo, nghĩa là mầu nhiệm cứu độ được mặc khải
cho các dân ngoại (bài đọc 2). Đúng vậy,
biến cố Hiển Linh trình bày đặc tính phổ quát của ơn cứu độ qua việc các nhà
chiêm tinh từ phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi, thay mặt dân ngoại lãnh nhận ơn
cứu độ (bài Tin Mừng).
1.
Vinh quang của Thiên Chúa chính là
ơn cứu độ được ban cho nhân loại. Đọc
lại biến cố thần hiện của Thiên Chúa tại núi Xi-nai, chúng ta thấy mục đích của
Người là để tỏ vinh quang Người cho dân Ít-ra-en, nhờ đó họ thần phục Người và
sẽ tuân giữ các Điều răn Người ban cho họ qua ông Mô-sê. Chính vinh quang này đã đưa dân Ít-ra-en ra
khỏi ách nô lệ Ai-cập và đem họ về Đất Hứa.
Tuy nhiên qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa hứa rằng vinh quang của Người
trong tương lai sẽ chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem và phá tan “bóng tối bao trùm mặt
đất” nữa. Điều này giúp chúng ta hiểu
vinh quang Thiên Chúa nói ở đây không chỉ là uy quyền và sức mạnh của Người, mà
là ơn cứu độ. Giống như vinh quang Chúa
qua ông Mô-sê đã giải phóng Ít-ra-en khỏi Ai-cập thế nào, thì vinh quang ơn cứu
độ nơi Chúa Ki-tô cũng sẽ giải phóng toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết
như vậy. Chúa không chỉ quy tụ Ít-ra-en trong vùng Đất Hứa nhỏ bé nữa, nhưng
Người sẽ quy tụ toàn thể nhân loại trong Giáo Hội Chúa Ki-tô trên khắp địa cầu. Ơn cứu độ sẽ là “ánh sáng” của Thiên Chúa, để
“chư dân” từ khắp nơi lũ lượt kéo về.
Đây quả là một hình ảnh sống động diễn tả tính phổ quát của ơn cứu độ
cũng như bộ mặt của Giáo Hội Đức Ki-tô.
Cảnh nhộn nhịp và giàu sang khi thiên hạ đổ về Giê-ru-sa-lem là hình ảnh
nói lên khung cảnh người người trên khắp thế giới sẽ đến gia nhập Giáo Hội Chúa
Ki-tô, chiêm ngưỡng và lãnh nhận ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa.
2.
Đặc biệt vinh quang ơn cứu độ của
Thiên Chúa tỏ hiện cho các dân ngoại.
Thánh Phao-lô đã cho chúng ta những
tư tưởng mới lạ về việc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang Người. Là vị tông đồ dân ngoại, Phao-lô hiểu rõ tính
phổ quát của ơn cứu độ. Đối với ngài, Hiển
Linh hoặc vinh quang Thiên Chúa mang nhiều ý nghĩa. Hiển Linh là cuộc biểu lộ “mầu nhiệm Đức
Ki-tô”, hoặc biểu lộ “kế hoạch yêu thương” của Thiên Chúa (Ep 1:9) muốn cứu độ
chúng ta. Trong khi nhiều người Do-thái
đương thời muốn giới hạn ơn cứu độ cho riêng dân tộc họ, thì thánh Phao-lô đã
tìm một hướng đi mới là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho dân ngoại (Cv 13:46). Rồi đang khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng
cho dân ngoại, Phao-lô hoặc các Ki-tô hữu gốc dân ngoại vẫn tiếp tục bị chống đối
do những người Do-thái đang sống tại đó.
Vì thế, ngài đã mạnh dạn lên tiếng bênh vực các cộng đoàn Ki-tô này và
quảng bá giáo lý về tính phổ quát của ơn cứu độ, nói khác đi, là Thiên Chúa muốn
cứu độ cả người Do-thái lẫn dân ngoại:
“Trong Đức Ki-tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia
nghiệp với người Do-thái”! Có lẽ bằng chứng
cụ thể nhất, đó là việc Thiên Chúa dẫn dắt các nhà chiêm tinh từ phương Đông
(dân ngoại) đến triều bái Hài Nhi Giê-su, chứng tỏ rằng ơn cứu độ không có biên
giới.
3.
Từ phương Đông, chúng tôi đến bái
lạy Người. Ba nhà chiêm tinh, cũng gọi
là ba vua, ba vị đạo sĩ hoặc ba nhà thông thái là đại diện cho những người
không thuộc dân tộc Ít-ra-en, tức là các dân ngoại. Để phổ biến ơn cứu độ cho dân ngoại, Thiên
Chúa đã dùng một vì sao làm dấu hiệu hướng dẫn họ đến lãnh nhận ơn cứu độ. Ơn cứu độ ấy bắt đầu được thể hiện nơi Hài
Nhi Giê-su sinh ra tại Bê-lem. Ý nghĩa của
vì sao khác biệt tùy từng người hay tùy hoàn cảnh. Đối với ba nhà chiêm tinh là những người
nghiên cứu sự vận hành của các vì sao trên bầu trời, Thiên Chúa sử dụng một vì
sao để giúp họ khám phá và đến với Chúa Cứu Thế thì đó là điều thích hợp và
đúng lý. Hành trình đi tìm “Đức Vua dân
Do-thái” của họ bắt đầu từ cuộc nghiên cứu, hiểu biết sự cao trọng của Đấng mà
vì sao giúp họ khám phá, rồi mạo hiểm lên đường. Tới Giê-ru-sa-lem, họ còn cẩn thận dò hỏi để
biết đích xác nơi chốn Đức Vua mới ra đời.
Họ nhờ vua Hê-rô-đê và các kinh sư tra cứu các sách ngôn sứ giúp họ có
câu trả lời. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng
quá chú ý đến những tình tiết trong câu chuyện hành trình họ đi tìm Chúa, mà
quan trọng hơn, ta hãy đặt trọng tâm vào thời khắc họ gặp được Hài Nhi. Vẫn dưới sự hướng dẫn của vì sao, họ dừng lại
nơi Hài Nhi ở. Cảm tưởng đầu tiên của họ
là “mừng rỡ vô cùng”. Mừng vì đã đạt mục
đích của chuyến đi đầy nguy hiểm. Nhưng
mừng nhất là vì đã được gặp Vua muôn vua và Chúa các chúa. Cho nên họ biểu lộ niềm tin bằng cách “sấp
mình thờ lạy” Hài Nhi. Chỉ đối với Thiên
Chúa, người ta mới sấp mình thờ lạy mà thôi!
Thêm vào cử chỉ ấy, ba người còn làm một cử chỉ vô cùng ý nghĩa: “Họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc
dược mà dâng tiến”. Những lễ vật ý nghĩa này không thích hợp cho một ông vua trần
gian, nhưng chúng lại nói lên sứ mệnh đích thực của Đức Vua mới sinh. Hài Nhi này là Vua vũ trụ, nên vàng là biểu
tượng cho vương quyền của Người. Hài Nhi
này cũng là Thiên Chúa xuống thế làm người phàm nên nhũ hương là biểu tượng cho
sự thần phục tôn kính của muôn vật muôn loài Người đã dựng nên. Sau cùng, Hài Nhi này sẽ thi hành sứ mệnh,
rao giảng Tin Mừng cứu độ, nhất là sẽ bằng lòng chịu chết trên thập giá để cứu
chuộc tội lỗi nhân loại, cho nên mộc dược để ướp xác chính là biểu tượng cho
cái chết vì muôn người của Đấng Cứu Độ vậy.
Sau khi bái lạy Hài Nhi, nhận biết được
sứ mệnh của Hài Nhi và tin vào Hài Nhi, họ lên đường trở về nhà, nhưng “đã đi lối
khác mà về xứ mình”. Đây là kết quả ý
nghĩa nhất và sâu xa nhất của một hành trình đức tin. Gặp gỡ Đấng Cứu Độ đã biến đổi họ hoàn
toàn. Họ không đi “đường xưa lối cũ”, tức
con đường tội lỗi của những kẻ không biết Chúa, để trở về cuộc sống của mình,
nhưng họ đã “đi lối khác” tức là lối Đấng Cứu Độ đã chỉ cho họ, lối sống theo
giá trị Tin Mừng và điều răn mới của Đức Ki-tô!
Và đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta, các Ki-tô hữu đi theo tiếng
gọi của Thầy chí thánh.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Ý nghĩa lễ Hiển Linh là việc Thiên Chúa
tỏ ơn cứu độ ra cho mọi người. Chúa tỏ
mình ra cho ba nhà chiêm tinh thế nào, Người cũng tỏ mình ra cho mỗi người
chúng ta như vậy. Điều quan trọng là
chúng ta có đón nhận Người hay không.
Chúa Giê-su tỏ mình ra cho chúng ta qua Kinh Thánh, qua việc cử hành các
bí tích, qua người này người nọ và qua biết bao nhiêu cách khác nữa. Nhưng chúng ta có bước theo ánh sao, nghĩa là
dùng tất cả những cơ hội đó để gặp Chúa, nhất là để củng cố mối tương quan với
Người mỗi ngày một thắm thiết hơn, có đáp lại sứ điệp Hiển Linh hay không thì
điều ấy hoàn toàn tùy thuộc chúng ta.
Mong thay!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi