Lễ Chúa Hiển Linh - Ngày 3 Tháng 1 Năm 2021

Phó tế Peter Trahan

 

Các bài đọc: Is 60: 1-6 Tv 72: 1-2, 7-8, 10-11, 12-13 Ep 3: 2-3a, 5-6 Mt 2: 1-12

bible.usccb.org/bible/ bài đọc / 010321.cfm

 

Hôm nay chúng ta cử hành trọng thể Lễ Chúa Hiển Linh. Người ta dễ dàng coi lễ này như là việc tưởng nhớ ba vị thông thái, những người từ phương xa đến bái kiến Đức Vua mới sinh ra của người Do Thái. Trong khẳng định về việc tưởng nhớ này, chắc chắn mang một ý nghĩa “ai” là những người được tưởng nhớ. Rõ ràng là Ba vị thông thái và Vua dân Do Thái. Trước tiên, chúng ta hãy xét đến các vị thông thái. Họ còn được gọi là “ba vua” hay “các đạo sĩ”. Việc gọi họ là “vua” trong truyền thống của chúng ta, mặc dù các sách Tin Mừng không gọi họ như thế, đã xuất phát từ mối tương quan với lời tiên tri Isaia trong bài đọc I hôm nay: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60: 3). Lời tiên tri ấy cũng nói rằng chư dân sẽ “từ phương xa tới” và những ai đến với Chúa sẽ “mang theo vàng và nhũ hương”. Lời tiên tri này nhắc nhở chúng ta về cách Thánh Augustinô mô tả mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước rằng: “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước, và Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước”.

Cả hai lối xưng hô "những nhà thông thái" và "Magi (tức những nhà chiêm tinh) có liên quan với nhau. Theo tự điển Merriam-Webster định nghĩa, “magus danh từ ở số ít có nghĩa là “một thành viên thuộc tầng lớp tư tế cha truyền con nối trong số những người Medes và Ba Tư cổ đại là những người chủ trương các học thuyết bao gồm cả niềm tin vào chiêm tinh học”. Khi nghiên cứu về bầu trời, họ đã tìm thấy một ngôi sao độc nhất vô nhị và không có trong sách vở. Là các chiêm tinh gia, họ đã thấy ngôi sao này di chuyển nên họ đi theo. Tuy nhiên, điều này tự nó không giải thích được cuộc hành trình của họ và tại sao họ đi theo ngôi sao lạ này? Qua lời họ báo tin cho vua Hêrôđê, chúng ta biết họ đã đến để kính viếng “vị vua mới sinh của dân Do Thái”.

Chỉ dựa vào khoa chiêm tinh mà thôi, họ sẽ không đủ tin tức như vậy. Nhưng chỉ khi phối hợp lại danh hiệu "các nhà thông thái" với danh hiệu "các nhà chiêm tinh", thì theo cách diễn giải chúng ta mới hiểu được rằng lĩnh vực nghiên cứu của họ còn rộng lớn hơn cả khoa chiêm tinh nữa. Như vậy các nhà thông thái Phương Đông đã nghiên cứu nhiều văn bản cổ để tìm kiếm sự uyên bác. Trong số các văn bản đủ loại đó, có những điều ngày nay chúng ta gọi là Cựu Ước, Kinh Thánh Do-thái. Trong Kinh Thánh ấy, có lẽ họ đã khám phá ra lời tiên tri của Isaiah và/hoặc một đoạn tương tự trong câu chuyện của Tobia:

 

“Một ánh sáng rạng ngời

Sẽ chiếu soi khắp mười phương đất;

Từ viễn xứ, người trăm họ kéo đến với ngươi.

Và dân cư tận chân trời góc biển

Sẽ tới hát mừng thánh danh Chúa

Tay bưng lễ vật dâng tiến Vua Trời”. (Tobia 13:13)

 

Vì vậy, lý do cuộc hành trình của các nthông thái / các nhà chiêm tinh bắt nguồn từ mối liên quan giữa ngôi sao mới được phát hiện và sứ điệp họ tìm thấy trong Kinh Thánh. Họ dấn thân vào cuộc hành trình để gặp “vị vua mới sinh của người Do Thái (bởi vì họ) đã nhìn thấy ngôi sao của Ngài đang xuất hiện và họ đã đến để bái lạy ngài.”

Trong đoạn văn tuyệt vời này của Mat-thêu, chúng ta thấy lúc ban đầu cuộc hành trình của các nthông thái, “ngôi sao của Người đang xuất hiện” và việc trở về của họ khi “họ quay trờ về đất nước mình qua một con đường khác”. Ngay từ đầu vào lúc họ khởi hành, chúng ta cũng thấy có sự tương đồng với đời sống Kitô hữu. Trong Thư thứ hai của Thánh Phêrô có câu quen thuộc này: “Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em”. (2Pr 1:19)

Trong câu chuyện này cũng như theo ý nghĩa tương đồng, có ba phần: đi tìm, gặp được điều chúng ta tìm kiếm và quay trở lại cuộc sống của chúng ta “bằng một lối khác” tức là việc hối cải như một hành trình liên tục. Như Thánh Augustinô đã nói, “Lạy Chúa, trái tim chúng con không yên, cho đến khi chúng yên nghỉ trong Chúa.” Chúng ta không yên bởi chúng ta không (hoặc chưa) biết chúng ta đang tìm kiếm gì. Bản chất tự nhiên con người đã có sự khao khát Chúa. Nhờ những khả năng cao quý của linh hồn, trí tuệ con người tìm kiếm điều Chân và ý chí con người tìm kiếm điều Thiện. Sau hết chỉ khi nào tìm được sự an ủi trong Đức Kitô, chúng ta mới nhận ra rằng điều chân và thiện cuối cùng là Thiên Chúa, nhờ đó mở ra một lối sống mới. Tất nhiên có nhiều người nghĩ rằng họ có thể gặp được chân và thiện trong nhiều thứ vật chất trần tục, nhưng trong những thứ ấy, có nhiều thứ dùng sự “nghỉ ngơi” giả tạo và cuộc tìm kiếm bất tận trong thế giới vật chất để gài bẫy chúng ta. Tiền bạc, danh vọng, dục vọng đều là những con đường lầm lạc không dẫn đến chân và thiện.

Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta vượt trên những gì trần tục, thì chúng ta mới cảm nghiệm trước được thế nào là bình an và nghỉ ngơi đích thực. Tuy nhiên, cũng có những người nghĩ rằng nhiều tôn giáo khác cũng có thể thỏa mãn khát khao tâm hồn họ. Người ta cho rằng một số người thờ ngẫu thần, nhưng cũng có những người thờ thần đích thực là Thiên Chúa chúng ta, Thiên Chúa chân chính duy nhất, nhưng họ lại thờ phượng Ngài không đúng cách và vì những lý do sai lầm. Ở mỗi tình huống kể trên, niềm khao khát của tâm hồn đều không tìm được sự nghỉ ngơi đích thực.

Sau khi suy nghĩ về các nthông thái trong câu chuyện Hiển linh hôm nay, chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa Hiển Linh là gì. Một lần nữa, từ điển Webster định nghĩa từ "hiển linh" là "sự xuất hiện hoặc biểu hiện mang tính cách mặc khải của một đấng thần linh hoặc một vị thần". Nhưng sách từ điển cũng định nghĩa đó là “sự biểu hiện hoặc nhận thức bất ngờ về bản chất hoặc ý nghĩa thiết yếu của một điều gì đó”; và "sự hiểu biết theo trực giác về một thực tại nhờ một điều nào đó thường giản dịgây chú ý (thí dụ nhờ một biến cố bình thường)". Theo những định nghĩa này, tức là sự hiển hiện của bậc thần thánh hay một nhận thức bất ngờ về bản chất cốt lõi của một điều nào đó, chúng ta sẽ gặp thấy sự hiển linh của Chúa Giêsu ở những nơi khác trong các sách Phúc âm nữa. Biến cố Hiển Linh trong cuộc viếng thăm của ba nhà thông thái là sự biểu lộ Đấng Mêsia ở giữa chúng ta, nhưng quan trọng hơn cả là sự mặc khải về Đấng Mêsia cho dân ngoại, cho “muôn dân” như Isaia đã nói. Ba nhà thông thái đến từ Phương Đông chứ không phải từ trong cộng đồng Do Thái; họ là dân ngoại. Và như vậy, họ đại diện cho các quốc gia dân ngoại.

Hôm nay Giáo Hội cũng mừng hai cuộc hiển linh khác. Một là Phép Rửa của Chúa, nơi có tiếng vọng từ trời cao: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Cuộc hiển linh này cho thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng tưởng nhớ tiệc cưới tại Cana như một cuộc hiển linh khác, vì tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Phép lạ đầu tiên này đãbày tỏ vinh quang của Người các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2: 1-11). Với ba biến cố này được cử hành theo phụng vụ, chúng ta có thể thêm vào đó cuộc Hiển Dung (Chúa Giê-su biến hình) là dịp thiên tính của Người chiếu tỏa qua nhân tính của Người.

Tuần sau, chúng ta sẽ cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa để kết thúc Mùa Giáng Sinh, rồi chúng ta sẽ bước vào Mùa Thường Niên. Giống như Chúa đã khởi đi từ Phép Rửa đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người, chúng ta cũng sẽ bước vào cuộc sống bình thường. Cuộc sống tuy bình thường nhưng là cuộc sống “bằng con đường khác” để đi theo Chúa Giêsu Kitô, vì sứ mệnh của Người đang diễn tiến trong chúng ta.

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B