LỄ THÁNH GIA THẤT
Sống đức tin trong cuộc sống gia đình
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (St 15:1-6; 21:1-3; Dt 11:8, 11-12, 17-19; Lc 2:22-40)
Gia đình Công giáo đổ vỡ là hiện trạng
đáng kể của xã hội hôm nay. Dĩ nhiên có
những nguyên nhân khác nhau gây nên đổ vỡ.
Nhưng nếu chúng ta nói bởi đức tin không có hoặc không được thể hiện nên
gia đình mới đổ vỡ thì có lẽ nhiều người sẽ cười và bảo: đấy không phải là lý do chính đáng. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy
vai trò của đức tin quan trọng thế nào trong đời sống gia đình. Câu chuyện tổ phụ Áp-ra-ham chứng minh rằng đức
tin có thể chuyển núi rời non, đã thay đổi hoàn toàn tình trạng bi đát của gia
đình ông, khi Người cho ông và bà Xa-ra trong tuổi già có được đứa con trai nối
dòng (bài đọc 1). Nói về đức tin của ông
Áp-ra-ham, thư gửi tín hữu Do-thái liên tưởng đến những biến cố lớn của gia
đình ông đã diễn ra trong bối cảnh một gia đình đặt hết cả đức tin vào Thiên
Chúa (bài đọc 2). Cuối cùng tường thuật
của thánh sử Lu-ca giới thiệu với chúng ta Thánh gia thất của Chúa Giê-su, Mẹ
Ma-ri-a và thánh Giu-se đã sống đức tin như thế nào khi các ngài tuân thủ Luật
Chúa (bài Tin Mừng).
1.
Sống đức tin giúp cải thiện tình
trạng xấu nhất của gia đình. Nỗi ưu
tư khắc khoải của ông Áp-ram (danh tính trước khi được Chúa đổi thành
Áp-ra-ham) là không có được một mống con trai với bà vợ Xa-ra để nối dõi tông
đường. Ông thấy trước mặt là một tương
lai đen tối. Thiên hạ sẽ chê cười ông,
có khi còn nguyền rủa ông sống ác đức nên Thiên Chúa phạt. Bao nhiêu của cải gia tài ông làm lụng tích
trữ từ nhiều năm sẽ để lại cho ai? Chẳng
lẽ để cho Ê-li-e-de, một gia nhân người Đa-mát đã theo ông nhiều năm trời? Với tất cả lòng tin vào Thiên Chúa, ông đã bỏ
xứ sở ra đi tới miền đất Chúa hứa, nhưng chỉ có vậy thôi sao? Không con nối dòng thì chẳng còn gì là ý
nghĩa đối với ông. Ông đem hết tâm tình
thân thưa với Chúa nhưng vẫn luôn tin tưởng Người sẽ can thiệp. Quả thực Chúa đã thấu rõ đức tin lớn lao của
ông nên Người “kể ông là người công chính”.
Mà người công chính thì không khi nào bị Thiên Chúa bỏ rơi. Câu chuyện ông Áp-ra-ham kết thúc có hậu: hai ông bà già có được cậu con trai và họ đặt
tên cho nó là I-xa-ác, như bà Xa-ra hiểu ý nghĩa tên đứa trẻ là: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi”(St
21:6). Mặc kệ ai cười bà là già rồi mới
sinh con, miễn sao Thiên Chúa đem lại cho bà và gia đình bà tiếng cười và giúp bà
thoát khỏi cái nhục vì không con, thế là đủ.
Đức tin gia đình bà đặt nơi Chúa mới quan trọng! Đức tin của Áp-ra-ham thật đáng ngưỡng mộ, do
đó ông được mệnh danh là “người cha của đức tin”.
2.
Sống đức tin giúp gia đình vượt
qua mọi khó khăn. Để ca tụng đức tin
của ông Áp-ra-ham, đoạn thư gửi tín hữu Do-thái đã đan cử một số hành vi đức
tin của vị tổ phụ. Việc làm đầu tiên biểu
lộ đức tin của ông Áp-ra-ham là ông bỏ quê cha đất tổ để đi theo tiếng Thiên
Chúa gọi. “Ông đã đi mà không biết mình
đi đâu”. Sống đức tin đòi ta phải mạo hiểm. Bỏ lại gia tài, quê hương là mạo hiểm. Không biết nơi phải tới mà vẫn cứ đi là mạo
hiểm. Động lực duy nhất thúc đẩy hành vi
mạo hiểm của ông là đức tin vào Thiên Chúa, điểm tựa cuối cùng và tuyệt đối của
ông. Đức tin có tính lây lan. Nói khác đi, đức tin của Áp-ra-ham ảnh hưởng
trên bà Xa-ra vợ ông. Khi mấy vị khách
ghé lại nhà nói với ông bà rằng sang năm ông bà sẽ sinh đứa con trai thì ông bà
đều cười, vì ông một trăm và bà chín mươi chín thì làm sao sinh con! Thư Do-thái khẳng định: “Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng
đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng
đã hứa là Đấng trung tín”. I-xa-ác chính
là hoa quả đức tin của hai ông bà già này vậy.
Từ hoa quả đầu mùa này sẽ có “một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển,
không tài nào đếm được”. Hành vi đức tin
kế tiếp của Áp-ra-ham là việc hiến tế I-xa-ác.
Nghịch lý của đức tin rõ rệt trong câu chuyện này. Chúa đã ban cho ông bà người con duy nhất,
bây giờ Người lại bảo đem giết nó để tế lễ Thiên Chúa. Vậy mà vì tin Chúa, ông Áp-ra-ham vẫn làm
theo lệnh Chúa. Tuy nhiên Chúa đã biết
rõ đức tin của ông nên Người cứu I-xa-ác và Người làm cho đức tin của ông sinh
thêm hoa trái là dòng dõi vĩ đại mang tên ông.
3.
Gia đình Na-da-rét sống đức tin thế
nào? Chúng ta có thể nghĩ đến Mẹ
Ma-ri-a và thánh Giu-se trên đường lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng con cho
Chúa. Động lực giúp các ngài tuân thủ Luật
Chúa là đức tin. Chắc chắn họ nghèo nên
của lễ chỉ là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Của lễ tuy đạm bạc, nhưng đức tin của các
ngài thì không đạm bạc chút nào, trái lại còn rất vĩ đại. Ở đây một lần nữa chúng ta có thể nhận thấy ảnh
hưởng đức tin của cha mẹ Chúa Giê-su. Họ
tin vào Đấng Em-ma-nu-en là thành viên của gia đình họ. Đức tin này lây lan sang cả ông già Si-mê-ôn
và bà An-na. Tại Đền Thờ, ông Si-mê-ôn ẵm
Hài Nhi trên tay và tuyên xưng đức tin của ông cùng với lời cảm tạ Thiên Chúa
đã cho mắt ông “được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân”. Lời tiên tri của ông về Hài Nhi có thể khó hiểu,
nhưng Mẹ Ma-ri-a tin và phó thác cho Thiên Chúa. Đến lượt bà An-na, đức tin đã giúp bà “cảm tạ
Thiên Chúa và bà nói về Hài Nhi cho mọi người dân Giê-ru-sa-lem đang mong đợi
ơn cứu độ. Như vậy, chúng ta hiểu được sức
mạnh của đức tin không chỉ nâng đỡ Thánh gia Na-da-rét mà còn ảnh hưởng tới tất
cả những ai tiếp xúc với gia đình ấy nữa.
Trong phần kết thúc câu chuyện dâng con
trong Đền Thờ, thánh sử Lu-ca để lại cho chúng ta một dòng Tin Mừng đẹp vô
cùng: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên,
thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Sau khi hoàn tất những việc Lề Luật ấn định,
Thánh gia “trở về thành của mình là Na-da-rét”, ở đây các ngài sẽ giúp nhau
phát triển đức tin qua những việc bổn phận hằng ngày và trong mối tương quan với
xã hội chung quanh. Hình ảnh chứng minh
cho việc phát huy đức tin là hình ảnh Chúa Giê-su: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Đúng vậy, trong cuộc sống ẩn dật tại
Na-da-rét và để chuẩn bị cho ngày lên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng,
Hài Nhi Giê-su sẽ phát triển về mọi mặt, nhất là mối tương quan mật thiết giữa
Người với Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói:
nếu không có đức tin được phát triển tại Thánh gia Na-da-rét, Chúa
Giê-su sẽ không thể lên đường loan báo Tin Mừng và hoàn thành sứ mệnh cho đến
lúc Người tắt thở trên thập giá.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Có quá nhiều bài học giúp chúng ta sống
sứ điệp Lời Chúa hôm nay. Nhưng có lẽ một
bài học rất nhiều gia đình Công giáo chúng ta phải nghiêm túc xét lại, đó là việc
giúp con em trong gia đình trưởng thành trong đức tin. Rất nhiều con cái chúng ta bước lên tuổi đại
học hoặc sau khi chịu Bí tích Thêm sức là không còn tha thiết với việc sống đức
tin nữa, nếu không nói là dẹp việc sống đạo sang một bên. Không đi lễ Chúa Nhật. Không xưng tội rước lễ. Không dám tỏ ra mình là người Công giáo. Sống chung, phá thai, không rèn luyện nhân
cách… tất cả được coi là chuyện bình thường.
Là cha mẹ, chúng ta có xét lại trách nhiệm của mình không? Là con cái, chúng ta có tự hỏi mình sẽ đi về
đâu nếu để mất đức tin không? Rất nhiều
vấn đề liên hệ tới đời sống đức tin trong gia đình. Chúng ta cứ suy nghĩ thêm về đời sống đức tin
của gia đình tổ phụ Áp-ra-ham, cuộc sống gương mẫu của Thánh gia thất Na-da-rét,
để rút ra những bài học thực tế. Nhất là
chúng ta cầu xin Thánh gia giúp chúng ta can đảm nhìn vào sự thật để cộng tác với
ơn Chúa mà giúp cho đức tin của mọi người trong nhà tiếp tục “lớn lên, thêm vững
mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi