CHÚA NHẬT LỄ LÁ 

Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su theo cái nhìn của Isaia và thánh Phaolô

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Mc 14:1 – 15:47)

        Một điểm chúng ta có thể thắc mắc là tại sao Phụng vụ Lời Chúa Lễ Lá sử dụng cùng một bài đọc Cựu Ước và Tân Ước cho cả ba chu kỳ Năm Phụng vụ.  Có lẽ dụng ý của Giáo Hội là muốn chúng ta hiểu ý nghĩa của bài Thương Khó theo cách hiểu của “nhà chú giải” Cựu Ước là ngôn sứ I-sai-a (bài đọc 1) và của thần học gia Tân Ước là thánh Phao-lô (bài đọc 2).  Ba bài Thương Khó trích Tin Mừng Nhất lãm là chủ yếu của Phụng vụ Lời Chúa.  Tuy nhiên, bài ca thứ ba về người Tôi Trung trong sách I-sai-a và thánh ca Phi-líp-phê về Đức Ki-tô đã giới thiệu phong cách của Chúa Giê-su khi Người chịu đau khổ và chịu chết để chuộc tội nhân loại.  Dựa trên suy đoán này, chúng tôi mời quý vị cùng nhau bước theo Chúa Giê-su trên đường thập giá, để xác tín rằng thái độ của người Tôi Trung (Is 50:4-7) và việc tự khiêm tự hạ của Đức Ki-tô (Pl 2:6-11) là nền tảng cho sự vâng phục của Chúa Giê-su trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha.

 

        1.  Tin tưởng vào sự phù trợ của Thiên Chúa là thái độ căn bản của Người Tôi Trung khi bị bách hại.  Trong lịch sử Cựu Ước, hầu như tất cả các ngôn sứ đều không tránh khỏi sự chống đối và bách hại của dân chúng, nhưng đặc biệt là do những kẻ lãnh đạo đời cũng như tôn giáo.  Lý do đơn giản của chống đối và bách hại là vì các ngôn sứ đã nói lên những điều người ta không muốn nghe hoặc không chấp nhận.  Bài đọc 1 chúng ta nghe hôm nay là bài ca thứ ba trong bốn bài ca về người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sai-a (chương 42, 49, 50 và 53).  Ngôn sứ I-sai-a mô tả hình ảnh người Tôi Trung này trước hết là người sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, vì mỗi sáng Thiên Chúa “đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ”.  Tiếp đến là người Tôi Trung để cho Thiên Chúa “mở tai” mà đón nhận sứ điệp của Người.  Vậy bổn phận của người Tôi Trung là phải mở tai lắng nghe sứ điệp của Chúa, để truyền lại sứ điệp ấy cho người khác.  Quả thực, ngôn sứ nghĩa là người phát ngôn, là kẻ nói thay cho Thiên Chúa.  Nhưng thật bất hạnh, dân chúng lại không muốn đón nhận và lắng nghe sứ điệp của Thiên Chúa vì sứ điệp ấy thường là những lời đe dọa tai họa hoặc khiển trách của Người.  Giận cá chém thớt.  Không làm gì được Thiên Chúa, Đấng sai các ngôn sứ tới, thì người ta tìm đủ cách làm hại các ngôn sứ là những người được Chúa sai đến.  Chính ông I-sai-a đã bị dân chúng ngược đãi như chúng ta thấy trong bài đọc này.  Cũng như ông, các ngôn sứ khác đã từng bị chống đối như thế:  ông Mô-sê phải chịu đựng một dân cứng cổ phản loạn, ông Giê-rê-mi-a đã bị bách hại và phải ở tù… Nhưng quan trọng là thái độ của các vị ngôn sứ khi bị bách hại.  Các ngài thà chịu thiệt thòi chứ nhất định không phản bội sứ mệnh.  Các ngài đã “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”.  Chắc chắn chúng ta thắc mắc làm thế nào các ngài đã có thể chịu đựng được sự chống đối, sỉ nhục và bách hại như thế.  Ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta câu trả lời như sau:  “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi”.  Đúng vậy, biết chắc có Thiên Chúa “chống lưng” cho, nên các ngài “biết mình sẽ không phải thẹn thùng, không hổ thẹn, trơ mặt ra như đá”!  Các ngài xác tín rằng mình không cô đơn vì Chúa không bỏ rơi các ngài.  Các ngài tin rằng sức mạnh của Thiên Chúa không ai địch nổi, bàn tay phù trợ của Người mạnh mẽ vô song.

        Tuy nhiên chúng ta vẫn còn thắc mắc:  Vậy qua hình ảnh trên, ngôn sứ I-sai-a muốn nói về người khác, về chính mình hay về Chúa Giê-su Ki-tô?  Chúng ta muốn hiểu I-sai-a nói về ai cũng được.  Nhưng với quy tắc “Cựu Ước làm sáng tỏ Tân Ước” thì chúng ta phải hiểu I-sai-a muốn nói về Chúa Giê-su.  Những chống đối xảy ra cho Chúa Giê-su đang khi Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng là bằng chứng rõ ràng.  Những đối xử tàn ác Chúa Giê-su phải chịu trong cuộc Thương Khó nói lên chính xác những điều I-sai-a đã báo trước.  Vậy mà suốt cuộc Khổ Nạn, Chúa Giê-su vẫn “không hổ thẹn và trơ mặt ra như đá”, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng”.  Tất cả kiên nhẫn và chịu đựng Chúa Giê-su có được là vì Người tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha!  Chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh người Tôi Trung là Chúa Giê-su trong các bài đọc 1 của các Thánh lễ Thứ Hai Tuần Thánh, Thứ Ba Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh.

        2.  Đức Ki-tô đã tự khiêm tự hạ khi chịu cuộc Thương Khó, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người.  Chúng ta biết thánh Phao-lô là người rất tự hào về thập giá Đức Ki-tô.  Thậm chí ngài còn tuyên bố ngài chỉ rao giảng Chúa Ki-tô, mà phải là Chúa Ki-tô bị đóng đinh vào thập giá!  Chúng ta không biết Phao-lô có mặt trong số những người Pha-ri-sêu chứng kiến cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su hay không.  Nhưng chắc chắn Phao-lô đã tìm thấy nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh một kho tàng vô giá, đó là lòng khiêm nhường tột đỉnh của Chúa khi Người tuân phục thi hành kế hoạch cứu độ do Chúa Cha phác họa.  Bài ca về Đức Ki-tô trong thư Phi-líp-phê thường được coi là một thánh ca của cộng đồng Ki-tô sơ khai và được Phao-lô đem vào bức thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, với mục đích khích lệ họ hãy noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su.  Vậy bài ca đã diễn tả Chúa Ki-tô khiêm nhường như thế nào?  Đây là một diễn tả tuyệt vời và sống động về “thoái trình” Thiên Chúa làm người phàm.  Để nói về thoái trình này, tác giả bài ca khởi đi từ địa vị cao trọng nhất của Đức Ki-tô: “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”.  Đức Ki-tô là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Ở địa vị Thiên Chúa, Đức Ki-tô ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Vinh quang của Người cũng là vinh quang của hai Ngôi kia.  Cho nên, để “đi xuống” địa vị thấp hèn của loài người, việc đầu tiên của Đức Ki-tô là “trút bỏ vinh quang Thiên Chúa”.  Tiếp đến là “mặc lấy thân nô lệ” của loài thụ tạo.  Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, là Chúa Tể, là Chủ (Dominus), còn loài người hoàn toàn lệ thuộc vào Người tựa như nô lệ tùy thuộc vào Ông Chủ.  Do đó, khi nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Ngôi Hai Thiên Chúa đã thay đổi thân phận, từ thân phận Chủ xuống làm thân phận nô lệ.  Rồi khi đã “dựng lều” để ở lại trần gian, Người “trở nên giống như phàm nhân, sống như người trần thế”.  Nhưng Đức Ki-tô đã hạ mình như thế với mục đích gì?  Thưa là để vâng lời Thiên Chúa Cha “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”, vì không có khiêm nhường thì không thể thực sự vâng lời được.  Có lẽ chúng ta nghĩ Đức Ki-tô “đi xuống” đến mức độ này là tận cùng rồi, còn mức độ nào hèn kém hơn nữa!  Chưa đâu.  Người còn muốn nhận lấy cái chết ô nhục (x. 1 Cr 1:23) của một tên tội phạm bị đóng đinh vào thập giá.  Quả thực, đây là nấc cuối cùng của bậc thang tự khiêm tự hạ mà Đức Ki-tô đã chọn để biểu lộ đức vâng lời tuyệt đối thánh ý Chúa Cha.  Kết quả của việc tự khiêm tự hạ này chúng ta có thể nhận thấy rõ, đó là khi Chúa Giê-su từ trên thập giá đã không dùng quyền năng Thiên Chúa của Người để “xuống khỏi thập giá mà cứu lấy mình” trước lời thách thức của những kẻ nhục mạ Người!  Chính đức khiêm nhường đã là động lực giúp Chúa Giê-su không những trung thành với sứ mệnh rao giảng, mà còn giúp Người trung thành đến lúc trút hơi thở cuối cùng trên thập giá nữa.  Bài ca chưa kết thúc tại đây.  Với đức khiêm nhường ấy, Đức Ki-tô đã được tôn vinh, “mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:  ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’”, bởi vì “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Sau khi đã trình bày phong cách của Chúa Giê-su khi Người chịu cuộc Khổ Nạn và chịu chết, việc đọc và suy niệm bài Thương Khó là việc mỗi người chúng ta nên tự làm lấy.  Đang khi chúng ta lắng nghe hoặc đọc chậm chậm bài tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, chúng ta chỉ cần nhớ đến hình ảnh người Tôi Trung và thái độ tự khiêm tự hạ của Đức Ki-tô xuống thế làm người.  Hơn thế nữa, chúng ta hãy theo lời khuyên của thánh Inhaxiô mà đồng cảm với Chúa Giê-su, kết hiệp với Người từng bước và từng giây từng phút suốt con đường thập giá.  Sống những tâm tình của Chúa Giê-su không phải chỉ trong Thánh lễ này, nhưng trong mọi ngày Tuần Thánh, nhờ đó chúng ta càng sẵn sàng “chết đi con người cũ tội lỗi” của chúng ta và đón nhận Phục Sinh, sự sống mới của Chúa và sự sống đời đời.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi                


Suy Niệm Lời Chúa Năm B