LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Cuộc đời và sứ mệnh của Mẹ Ma-ri-a

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kh 11:19a;  12:1-6a, 10ab;  1 Cr 15:20-27;  Lc 1:39-56)

        Có nhiều người sau khi chết đã được người khác viết lại tiểu sử, hoặc ngay lúc còn sống chính họ đã viết tự thuật nói về cuộc đời mình.  Hôm nay, khi mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta cũng có một tiểu sử về Mẹ được diễn tả qua Phụng vụ Lời Chúa.  Trước hết, bài đọc trích sách Khải Huyền có thể được coi như lời giới thiệu mở đầu về cuộc đời Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ chúng ta.  Tiếp đến, đoạn thư thứ nhất thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô nói về sự phục sinh đã cho thấy “mỗi người theo thứ tự của mình” mà được sống lại trong ngày sau hết.  Đức Ki-tô “mở đường” cho sự sống lại, rồi “đến lượt những kẻ thuộc về Người”, do đó, người kế tiếp ngay sau Đức Ki-tô là ai nếu không phải là Mẹ Ma-ri-a?  Sau phần giới thiệu và quy tắc của sự phục sinh, đoạn Tin Mừng Lu-ca trực tiếp nói với chúng ta về đời sống của Mẹ Ma-ri-a thể hiện qua bài ca Ngợi Khen chính Mẹ đã cất lên để cảm tạ Thiên Chúa sau khi Mẹ được sứ thần truyền tin.

 

        1.  Sách Khải Huyền giới thiệu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.  Trong thị kiến, thánh Gio-an tông đồ kể lại một điềm lớn xuất hiện trên trời:  “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”.  Đây là hình ảnh quen thuộc chúng ta thường thấy khi các nghệ nhân vẽ hay tạc tượng Đức Mẹ.  Thực ra Người Phụ Nữ trong sách Khải Huyền vẫn được hiểu là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa.  Trước hết, trong sách Sáng Thế có bà E-và là người phụ nữ đã phạm tội, phải mang thai và sinh con trong cực nhọc.   Trái lại, trong sách Khải Huyền, một Người Phụ Nữ xuất hiện trong vinh quang, nhưng lại quằn quại vì sắp sinh con, là biểu tượng cho nhân loại biết tích cực cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh; đồng thời Người Phụ Nữ sinh một người con trai cũng biểu tượng cho Mẹ Ma-ri-a sinh hạ Chúa Ki-tô.  Ở đây, chúng ta áp dụng hình ảnh Người Phụ Nữ vào Mẹ Ma-ri-a để tìm hiểu sứ mệnh của Mẹ là gì trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Muốn hiểu sứ mệnh này, trước hết chúng ta nhìn lại xem Người Phụ Nữ đã xuất hiện trong bối cảnh nào.  Song song với sự xuất hiện của Người Phụ Nữ là sự xuất hiện của Con Mãng Xà.  Con Mãng Xà này cũng là Con Rắn xưa đã cám dỗ bà E-và, nhưng nay nó được trang bị hùng hậu hơn nhiều với bảy đầu và mười sừng!  Nó chực sẵn, chờ Người Phụ Nữ sinh con ra là nó sẽ nuốt liền người con ấy.  Chúng ta có thể hiểu ngay đó là hình ảnh ám chỉ chính Giáo Hội và con cái mình trước sự đe dọa và tấn công của ma quỷ.  Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đây là hình ảnh Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Giáo Hội, Đấng sinh ra Chúa Ki-tô và sinh ra chúng ta trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Người Phụ Nữ trốn vào sa mạc trước hết biểu tượng cho Giáo Hội phải sống cuộc sống thiêng liêng của mình, xa cách trần tục và được Lời Chúa nuôi dưỡng trong những cơn bách hại và tấn công của ma quỷ.  Có thể hình ảnh này cũng nói lên vai trò của Mẹ Ma-ri-a vì Mẹ đã sống cuộc đời ẩn dật và khiêm nhường tại Na-da-rét gần ba mươi năm trời, để chuẩn bị cống hiến cho nhân loại Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su khi Người bắt đầu thi hành sứ vụ.  Khi Chúa Giê-su xuất hiện và khởi sự rao giảng Tin Mừng cũng chính là lúc “có tiếng hô to trên trời:  ‘Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính’” (Kh 13:10).  Như vậy, Người Phụ Nữ của điềm lạ trong sách Khải Huyền tuy là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Ki-tô, nhưng cũng là hình ảnh áp dụng cho con người và sứ mệnh của Mẹ Ma-ri-a nữa.

 

        2.  “Mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến lượt những kẻ thuộc về Người”.  Để được vinh hiển đời đời, chúng ta phải được sống lại trước đã.  Chương 15 thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô là một chương tuyệt vời nói về vấn đề kẻ chết sống lại.  Đoạn thư hôm nay đề cao vai trò “mở đường” của Chúa Giê-su khi Người sống lại từ kẻ chết.  Trước hết thánh Phao-lô khẳng định sự phục sinh của Chúa Ki-tô “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”.  Rồi ngài nêu lên hai mối quan hệ chính:  Một là mối quan hệ với A-đam qua tội tổ tông là mối quan hệ đưa chúng ta tới cái chết, chết phần hồn và chết phần xác.  Hai là mối quan hệ với Chúa Ki-tô do ơn công chính hóa là mối quan hệ đem chúng ta tới sự sống ân sủng đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau.  Chúa Giê-su là Đầu của Nhiệm Thể, còn chúng ta là các chi thể.  Nhờ mối quan hệ giữa Đầu và các chi thể này nên Chúa Giê-su đã sống lại và được vinh hiển, thì chúng ta cũng sẽ được sống lại và được vinh hiển nếu chúng ta ở trong sự liên kết với Chúa.  Nói khác đi, A-đam trong Cựu Ước là căn nguyên của sự chết thì Chúa Giê-su, A-đam Mới của Tân Ước, là nguồn sự sống mới và sự sống đời đời.  Tuy nhiên thánh Phao-lô còn nhấn mạnh đến thứ tự của sự phục sinh:  “Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình:  mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến lượt những kẻ thuộc về Người”.  Nói như thế, chúng ta có thể hiểu ngay rằng người thứ hai đứng sau Chúa Ki-tô trong việc sống lại phải là Mẹ Ma-ri-a, vì còn ai khác thuộc về Chúa Giê-su hơn là chính Mẹ!  Thánh tông đồ không cần phải nêu tên Mẹ Ma-ri-a ra trong thứ tự này, vì Mẹ không những gắn bó với Chúa Ki-tô mà còn là Đấng sinh ra Chúa Ki-tô nữa.  Tiếp theo, thánh Phao-lô nhắc đến sự kiện Chúa Ki-tô được vinh hiển:  “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người”.  Đúng vậy, sau chiến thắng địch thù cuối cùng là sự chết, Chúa Ki-tô đã được Thiên Chúa tôn vinh là Vua vũ trụ.  Vậy Mẹ Ma-ri-a nhờ liên kết với Chúa Giê-su mật thiết hơn ai hết thì Mẹ sẽ được vinh hiển như thế nào?  Thưa rằng Thiên Chúa đã cho Mẹ được vinh hiển khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.  Nhờ không mắc tội tổ tông nên Mẹ không phải chết như chúng ta, nhưng cái “chết” của Mẹ được các giáo phụ và Truyền Thống của Giáo Hội gọi là “giấc ngủ” (dormitio), một sự chuyển tiếp giữa sự sống và sự sống lại thể xác.  Sau giấc ngủ ấy, Mẹ được đưa lên trời cả xác lẫn hồn.

 

        3.  Cuộc đời và sứ mệnh của Mẹ Ma-ri-a qua kinh Ngợi Khen (Magnificat).  Kinh Ngợi Khen là một kinh nguyện tuyệt vời nhất của Mẹ dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ Người về tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Mẹ.  Có lẽ điều đầu tiên làm chúng ta ngạc nhiên là đức khiêm nhường của Mẹ, đức khiêm nhường sẵn sàng chấp nhận sự cao cả Chúa đã dành cho Mẹ.  Rõ ràng khiêm nhương không có nghĩa là phủ nhận những cái hay cái đẹp mình đang có, nhưng là ý thức được cái hay cái đẹp ấy từ đâu mà có.  Đối với Mẹ Ma-ri-a, ngợi khen Chúa phải thể hiện trong sự “hớn hở vui mừng”.  Mẹ không “giả vờ” khiêm nhường, nhưng Mẹ vui mừng vì nhiều lý do:  nào là Mẹ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và được hết mọi đời khen là diễm phúc, nào là được Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ rất nhiều điều cao cả.  Mẹ khiêm nhường không khoe khoang những điều cao cả kia, thí dụ được cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Độ, một vinh dự mọi thiếu nữ Do-thái thời đó đều mong ước, được dự phần vào việc đào tạo Người Rao Giảng Tin Mừng đầu tiên, được tham gia vào cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su… Không khoe khoang ra ngoài, nhưng trong lòng thì Mẹ lại luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại.  Khiêm nhường là nói ít về mình bao nhiêu thì càng nói nhiều về Thiên Chúa bấy nhiêu.  Vì thế, Mẹ bắt đầu nói lên những phẩm tính của Thiên Chúa.  Không tự mình tìm ra được những phẩm tính ấy nên Mẹ đã mượn lời bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-ên (1 Sm 2:1tt), mượn lời ngôn sứ I-sai-a (48:8-9) và nhiều Thánh Vịnh để nói thay cho mình.  Nếu chúng ta đọc từng lời từng câu của kinh Ngợi Khen để suy nghĩ Mẹ đã sống những lời Kinh Thánh này như thế nào, thì chắc chắn sẽ là một pho sách vĩ đại, nếu không dám nói quá như thánh Gio-an:  Cả thế giới này cũng không đủ chỗ chứa, hoặc như thánh Bê-na-đô bảo:  Nói về Mẹ Ma-ri-a thì không bao giờ đủ (De Maria nunquam satis!).  Tóm lại, kinh Ngợi Khen đã thực sự nói lên đức khiêm nhường của người “nữ tỳ Na-da-rét”.  Nếu Chúa Giê-su đã lấy sự khiêm nhường khi Người “trút bỏ vinh quang Thiên Chúa” để hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thì chắc chắn Mẹ Ma-ri-a cũng lấy đức khiêm nhường mà cộng tác với Chúa Giê-su trong công trình này.  Tiểu sử của Mẹ Ma-ri-a được tóm tắt trong hai chữ “Khiêm Nhường”.  Như thế, nếu chúng ta gọi Chúa Giê-su là A-đam Mới thì chúng ta cũng có thể gọi Mẹ Ma-ri-a là E-và Mới, vì Mẹ sinh ra Trưởng Tử là Chúa Giê-su và hết thảy chúng ta là anh chị em trong Chúa Giê-su vậy.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta có một người Mẹ khiêm nhường và đáng tôn kính như vậy, nên chúng ta cũng có rất nhiều điều học được nơi bà Mẹ này.  Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Mẹ, mỗi người chỉ cần khám lấy một điểm trong rất nhiều nhân đức của Mẹ thôi cũng đủ để chúng ta tập luyện suốt đời rồi.  Chúng tôi để dành cho các bạn làm công việc này, hy vọng nó sẽ mang lại cho các bạn những bài học thực dụng và cụ thể, để chúng ta sống xứng đáng như con cái của Mẹ Ma-ri-a mà hôm nay chúng ta mừng kính việc Mẹ Lên Trời cả linh hồn lẫn thân xác.  Mong ngày nào đó chúng ta cũng được ở bên Mẹ, E-và Mới của chúng ta đang chờ đợi chúng ta về sum họp trên thiên đàng.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B