Bánh Rượu sau truyền phép là chính Mình Máu Chúa Kitô
LỄ MÌNH MÁU CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU
(Mc 14, 12-16;22-26)
Thứ Năm sau Lễ
Chúa Ba Ngôi, tức 10 ngày sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội long
trọng cử hành “Lễ của Chúa”. Liền sau Lễ là kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra
khỏi nhà thờ, đi trên các ngả đường ngõ phố để loan truyền cho mọi người biết
rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của
Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
“Lễ của Chúa” hay
còn gọi là “Lễ Mình Máu Chúa Kitô”.
Trước khi tự ý
nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã muốn
trối lại cho các môn một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người giữa chúng
ta. Vào ăn bữa sau hết tại một căn phòng rộng rãi ở trong thành, đang khi
ăn Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ
ra và trao cho họ và nói : "Các con hãy cầm lấy, này là Mình
Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều
uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều
người” (Mc 14, 22-24). Toàn bộ lịch sử của Thiên Chúa với con người được tóm
gọn trong những lời trên.
Chúa Giêsu đã
chọn bánh và rượu, làm dấu chỉ sự hiện diện của mình. Qua một trong hai dấu
chỉ, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ
một phần, và dạy các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Vì thế, mỗi khi chúng ta, những người công giáo cử hành Thánh lễ là chúng ta
“nhớ đến Chúa Giêsu”; và tin rằng “Bánh và Rượu vừa được truyền phép là Mình và
Máu Chúa Giêsu”. Lễ này công khai biểu lộ niềm tin này vào Bí tích Thánh Thể.
Chúa Giêsu hiện
diện dưới hình thức Bánh và Rượu
Để hiểu Lễ của
Chúa, trước tiên cần phải hiểu “bí tích” là gì. Bí tích là dấu chỉ hữu hình một
thực tại vô hình. Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, nhưng Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa đã mạc khải cho chúng ta : “Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha; ai nghe lời
Thầy, là nghe lời Chúa Cha; ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Chúa Cha; ai chối bỏ
Thầy, kẻ ấy cũng chối bó Chúa Cha…” (x.Ga 14, 6-24). Chúa Giêsu, một con
người thực sự sinh ra tại Palestin. Nơi Chúa Giêsu, người tín hữu biết được
Thiên Chúa làm người. Sau khi chết và sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các
môn đệ như dấu chỉ về sự hiện diện hữu hình luôn mãi của Người, chúng ta diễm
phúc có được “Mình và Máu Chúa” dưới dạng cụ thể là Bánh và Rượu, như Chúa đã
truyền cho chúng ta làm. Người công giáo tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa
Giêsu, dưới hình thức Bánh và Rượu đã được truyền phép.
Bánh được truyền
phép, một thứ lương thực đơn giản, gồm ít bột và nước. Bánh, Thiên Chúa đã ban
cho dân Chúa lần đầu tiên trong sa mạc. Bánh, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa
nhiều để nuôi dân chúng. Lời nguyện trong Thánh lễ, phần dâng bánh, Giáo hội
xác định bánh là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Để
có bánh, con người phải khó nhọc nắng mưa, làm đất, gieo hạt và thu hoạch, cuối
cùng làm bánh.
Bánh không chỉ là
sản phẩm của con người, dù con người làm ra; bánh còn là sản phẩm của hoa màu
ruộng đất, vì thế bánh là một ân ban. Thực ra, có công lao của con người, đất
mới trổ sinh hoa trái ; những chỉ có Đấng Tạo Hóa mới làm cho cây đơm bông kết
hạt. Bánh là hoa trái của đất trời. Hàm chứa sức mạnh của đất và hồng ân từ
trời cao là nắng mưa. Nước cũng thế, để làm được bánh, chúng ta không thể tạo
ra nước được. Nói đến đây làm chúng ta nhớ lại hành trình của Dân Chúa trong sa
mạc khi người và súc vật khát nước, nước là hồng ân vĩ đại, chúng ta không có
khẳ năng tạo nước ra cho mình.
Rượu là Dấu chỉ
nói cho chúng ta một cách thế tương tự. Rượu thể hiện công trình tuyệt vời của
Đấng Tạo Hóa : “Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi…Chế rượu ngon cho phấn khởi
lòng người” (x.Tv 104,13-15). Rượu của niềm vui mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta
hưởng dùng. Nhưng rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn : vườn nho phải lớn lên để
được thanh tẩy ; dưới nắng mưa nho phải chín và được ép rượu : chỉ
qua sự vất vả này mà rượu thành rượu quí.
Trong lễ Mình Máu
Cực Thánh Chúa, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu hiện diện trong tấm bánh. Điều
này nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình 40 trong sa mặc của dân Israel. Manna
của ăn Chúa nuôi dân trong sa mạc, nay Chúa Giêsu, Bánh bởi trời đích thực mà
Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Bí tích Thánh Thể
nằm trong tiến trình của việc Nhập thể, trong đó Thiên Chúa đã "làm cho
mình được nhìn thấy" qua một con người là Chúa Giêsu, sau khi sống lại và
lên trời, bằng bánh và rượu được truyền phép.
Lễ này được cử
hành thế nào ?
Sau Thánh lễ là
cuộc rước long trọng Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép qua các ngả đường và
ngõ phố của các thị trấn cũng như làng mạc. Các tín hữu thể hiện đức tin của
mình bằng cách trang trí cờ, hoa, băng rôn… công khai cho mọi người thấy niềm
tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể.
Phương Du ám chỉ
Chúa là Chúa cả trời đất, muôn phương phải bái thờ.
Bàn thờ được
trang trí hoa nến là để đón rước Vua Trời.
Mặt nhật, dưới
dạng mặt trời (đó là ý nghĩa của từ «mặt nhật»), chỉ ra rằng Chúa Giêsu là “Mặt
Trời”: Người là Ánh Sáng của lòng ta.
Bình khói hương
nghi ngút vừa đi vừa xông lên trước Mình Thánh Chúa, làn hương thơm nghi ngút
tỏa bay lên trước tòa Chúa tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta.
Các em bé rắc
trên đường nhắc lại cuộc Rước Chúa Giêsu vào thành thánh, và những lời tụng ca
của các em rất làm Chúa hài lòng.
Trong khi rước
kiệu, chúng ta bước theo chính Chúa Giêsu. Và cầu xin Chúa : Hướng dẫn chúng
ta trên đường đời ! Chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội và các
mục tử ! Kiệu Chúa ra ngoài nhà thời để Chúa nhìn thấy nhân loại đau khổ
vì dịch bệnh, lang thang bấp bênh giữa bao nhiêu vấn nạn, thấy cái đói về thể
lý và tâm lý hành hạ dân Cúa!
Lạy Chúa, xin
Chúa chữa lành thế giới và ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn !
Xin cho nhiều người có công ăn việc làm ! Xin Chúa ban chính Chúa cho
họ ! Xin Chúa tẩy rửa và thánh hóa chúng con trong mọi sự ! Xin Chúa
giúp chúng con hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên
cây thập giá, với sự từ bỏ và thanh tẩy, chúng con mới có thể đạt tới vinh
quan. Xin qui tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về cùng một mối. Xin hiệp nhất
chúng con với Giáo hội của Chúa, đoàn kết chúng con với anh em bị chia rẽ !
Nhất là xin ban cho chúng con! Amen!
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ