CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Đức Giê-su là dấu hiệu giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 9:8-15;  1 Pr 3:18-22;  Mc 1:12-15)

        Những chủ đề quen thuộc của mùa Chay thường nói về sám hối và những việc đạo đức để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón mừng sự Phục sinh của Chúa Ki-tô.  Tuy nhiên Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng giới thiệu với chúng ta một điều đặc biệt về Chúa Ki-tô:  Như cầu vồng sau cơn hồng thủy là dấu hiệu Thiên Chúa cam kết sẽ không tiêu diệt mọi sinh vật, thì Chúa Giê-su là dấu hiệu giao ước mới để giao hòa Thiên Chúa với nhân loại và đưa nhân loại vào một cuộc tạo dựng mới.  Câu chuyện lụt hồng thủy thời Nô-ê kết thúc với lời Thiên Chúa cam kết không bao giờ tái diễn đại họa này, khi Người “gác cây cung (cầu vồng) lên mây”  làm dấu hiệu của lời cam kết (bài đọc 1).  Thánh Phê-rô coi nước của lụt hồng thủy là hình bóng ám chỉ nước của Bí tích Rửa tội để tẩy xóa những vết nhơ tâm hồn (bài đọc 2).  Nhưng ý nghĩa nhất chính là Giáo Hội kêu gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su xuất hiện sau khi Người chịu phép rửa của ông Gio-an.  Như cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa, Chúa Giê-su đã hiện diện và nối kết trời với đất, Thiên Chúa với nhân loại (bài Tin Mừng).

        1.  Cầu vồng là một trong những dấu hiệu giao ước thời Cựu Ước.  Mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được diễn tả qua nhiều dấu hiệu giao ước.  Cây biết lành biết dữ trong vườn địa đàng, dấu hiệu Thiên Chúa ghi trên Ca-in, việc cắt bì của Áp-ra-ham, bia đá ghi Mười điều răn… Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là dấu hiệu cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa.  Khi còn nhỏ, chúng ta đã nghe câu chuyện Cựu Ước nói về lụt hồng thủy, nhưng ý nghĩa câu chuyện thì quả thực không hiểu hoặc không để ý.  Hôm nay, đọc lại câu chuyện này trong bối cảnh mùa Chay, có lẽ chúng ta có nhiều thắc mắc.  Tại sao Giáo Hội cho chúng ta nghe câu chuyện này trong mùa Chay?  Chi tiết nào hoặc hình ảnh nào trong câu chuyện liên quan đến chúng ta và đến Chúa Giê-su?  Ý nghĩa chính của câu chuyện là gì?  Để trả lời những câu hỏi này, trước hết chúng ta cần hiểu tại sao Thiên Chúa giáng phạt lụt hồng thủy trên loài người.  Lý do chính là vì loài người sa đọa và Thiên Chúa “hối hận đã làm ra chúng” (St 6).  Do đó, Thiên Chúa muốn hủy diệt tất cả, đồng thời cứu thoát ông Nô-ê và các con ông vì ông là người công chính.  Như vậy, câu chuyện lụt hồng thủy chúng ta được nghe trong mùa Chay giúp chúng ta nhớ rằng tình trạng tội lỗi thế giới và cá nhân chúng ta cần được thay đổi và chúng ta phải ý thức sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên bài đọc 1 nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa muốn thiết lập một giao ước của Người với nhân loại;  vì yêu thương chúng ta vô điều kiện, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hủy diệt chúng ta, nhưng sẽ nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để thiết lập một trật tự mới.  Để nói lên lời cam kết này, Thiên Chúa đã cho xuất hiện trên bầu trời một dấu hiệu là “cây cung gác trong mây”.  Là một hiện tượng thiên nhiên, cầu vồng đã được sử dụng làm dấu chỉ đầy ý nghĩa.  Cầu vồng nối hai điểm với nhau.  Cũng vậy, tình yêu Thiên Chúa là thứ cầu vồng nối kết Thiên Chúa với nhân loại và nói cho ta biết về tình yêu Thiên Chúa.  Tội lỗi có sức mạnh tàn phá đã hủy diệt mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, thì ngược lại, cầu vồng tình yêu Thiên Chúa lại nối liền chúng ta với Người.  Cầu vồng báo hiệu sau cơn mưa trời lại sáng.  Cũng vậy, sự xuất hiện của Đức Ki-tô cho chúng ta thấy một tương lai sáng lạn trước mắt ta:  Người đến để đem lại cho chúng ta một thân phận mới là được trở lại làm con cái Thiên Chúa, chứ không còn là thù địch của Người nữa.  Đức Ki-tô xuất hiện là để chiến thắng tội lỗi, nên tội lỗi không còn thống trị trên chúng ta và cướp được chúng ta khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.  Cầu vồng là dấu hiệu tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Còn Chúa Ki-tô là thực tại tình yêu Thiên Chúa, tức tình yêu nhập thể của Thiên Chúa, là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha.  Như thế, trong tất cả những dấu hiệu giao ước, không có dấu hiệu nào thực tế và ý nghĩa hơn Đức Ki-tô, vì Người là dấu hiệu Giao Ước Mới và cũng là giao ước cuối cùng.

        2.  Nước hồng thủy là dấu hiệu báo trước Bí tích Rửa tội để Thiên Chúa cứu thoát chúng ta.  Suy nghĩ về ý nghĩa của cơn lụt hồng thủy, thánh Phê-rô đã đặc biệt nói đến ý nghĩa của nước và liên kết với Bí tích Rửa tội.  Trong khi nước đã tiêu diệt hầu hết nhân loại, thì cũng chính nước lại cứu thoát Nô-ê và gia đình ông.  Nước hồng thủy đóng vai trò thanh tẩy, diệt trừ một nhân loại sa đọa để thiết lập một nhân loại mới sinh ra từ gia đình ông Nô-ê.  Cũng vậy, Bí tích Rửa tội được coi như một cơn hồng thủy để tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta và tạo dựng một nhân loại mới sinh ra từ Chúa Ki-tô.  Đặc biệt, thánh Phê-rô đã diễn tả những việc làm của Chúa Giê-su trong cơn hồng thủy xóa đi tội lỗi nhân loại.  Cơn hồng thủy đã dâng cao dần để giết chết mọi người, thì trái lại, Chúa Giê-su đã trải qua cuộc Thương Khó đến tột độ với cái chết trên thập giá và Phục Sinh, để đem sự sống và sự sống đời đời cho chúng ta.  Nước hồng thủy chỉ cứu thoát được tám người thuộc gia đình ông Nô-ê mà thôi, còn nước Rửa tội cứu thoát tất cả những ai nhận biết tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Cơn lụt hồng thủy rút đi, để lại một trái đất mới cho con người và muôn loài muôn vật phát triển.  Còn chúng ta, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta “cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng”;  đó là những lời hứa trước khi lãnh nhận bí tích.  Liệu chúng ta có luôn nhớ và thi hành những lời hứa ấy không?  Cho nên sống đức tin Ki-tô giáo chính là sống cuộc sống sau cơn lụt hồng thủy, theo lời thánh Phê-rô, sống “nhờ Thần Khí” của Chúa Giê-su để làm con Thiên Chúa.

        3.  Chúa Giê-su xuất hiện như cầu vồng ơn cứu độ.  Trong đoạn thư kể trên, thánh Phê-rô đã nói với chúng ta về những công việc cứu độ của Chúa Giê-su.  Còn trong bài Tin Mừng ngắn gọn, thánh sử Mác-cô mời chúng ta hãy ngước mắt lên để chiêm ngưỡng cầu vồng xuất hiện là Chúa Giê-su.  Tuy nhiên Chúa Giê-su không xuất hiện như vinh quang Thiên Chúa, mà như một con người giống chúng ta.  Vậy Người đã xuất hiện như thế nào?  Trước hết Người xuất hiện trong hai thời điểm:  sau khi chịu phép rửa của Gio-an và sau khi ông Gio-an bị nộp.  Đầu tiên, Chúa Giê-su được Thánh Thần “đẩy vào hoang địa”.  Hình ảnh này nói lên hoàn cảnh mỗi người chúng ta khi ta hiểu rằng sống đức tin là phải trải qua những thử thách hay cám dỗ.  Khác với các thánh sử khác, Mác-cô không mô tả chi tiết những cám dỗ Chúa Giê-su phải chịu, mà chỉ kể ra những điểm chính:  thời gian là bốn mươi ngày, biểu tượng cho cả cuộc đời;  chịu Xa-tan cám dỗ, tức là thử thách dưới mọi hình thức;  sống giữa loài dã thú, như một câu châm ngôn La-mã nói:  người đối với người là một con chó sói, Chúa Giê-su phải chung sống với cả những kẻ thù của Người;  nhưng đặc biệt nhất là có các thiên sứ hầu hạ Người, điều đem lại an ủi và khích lệ cho chúng ta là môn đệ Người, vì tuy bị cám dỗ, nhưng chúng ta luôn được ơn Chúa phù trợ.  Ở thời điểm thứ hai, sau khi ông Gio-an bị nộp, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Ở đây, Người lập lại chủ để rao giảng của Gio-an Tẩy Giả:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Đó là nội dung chủ yếu của Tin Mừng cứu độ.  Nhìn cầu vồng xuất hiện, con cháu ông Nô-ê biết rằng Chúa cam kết sẽ không bao giờ hủy diệt họ nữa.  Cũng thế, chiêm ngưỡng Chúa Giê-su xuất hiện, chúng ta nghe và hiểu được điều Người rao giảng là sám hối và tin vào Tin Mừng.  Nhìn vào cầu vồng Giê-su Ki-tô, chúng ta xác tín Thiên Chúa sẽ cứu độ chúng ta.  Nhìn vào cầu vồng Giê-su, chúng ta hiểu Người kêu gọi ta sám hối, thay đổi tâm hồn để đón nhận sự sống mới Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta, nhất là sự sống đời đời sau khi chúng ta cùng với Chúa Giê-su trải qua những thử thách cám dỗ trên hoang địa trần gian này.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Thiên Chúa cam kết cứu độ chúng ta là lời hứa chắc chắn, như Người đã cam kết với Nô-ê sau cơn lụt hồng thủy.  Để cứu độ chúng ta, Chúa Cha đã sai Con Một đến trần gian như cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa để thực sự khởi đầu công cuộc cứu độ chúng ta.  Chính Người đã chịu một “phép rửa” (Mác-cô 10:38) là cuộc Thương Khó để cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho ta được làm con cái Thiên Chúa.  Người đã lập Bi tích Rửa tội để chúng ta được sống lại trong sự sống mới.  Vấn đề là chúng ta có thực sự sống sự sống mới này theo Thánh Thần của Chúa hay không.  Đây chính là câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ và trả lời đặc biệt trong mùa Chay này, để khi cầu vồng cứu độ xuất hiện, chúng ta được bước vào khung cảnh sau cơn mưa trời lại sáng.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     

                                                                 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B