CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Con một ông Áp-ra-ham và Con Một Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 22:1-2, 9a, 10-13, 15-18;  Rm 8:31b-34;  Mc 9:2-10)

        Tiếp tục trình bày sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa ra một so sánh tuyệt vời giữa con một của ông Áp-ra-ham là ông I-xa-ác và Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô.  So sánh này cho chúng ta thấy ông I-xa-ác là hình bóng ám chỉ Đức Ki-tô, nhất là những gì các ngài đem lại cho số phận của nhân loại.  Bài đọc trích sách Sáng thế kể lại câu chuyện ông Áp-ra-ham đã vâng lời Thiên Chúa đem con một là cậu I-xa-ác đi giết để tế lễ Thiên Chúa trên núi Mô-ri-gia, nhưng cậu lại được Người cứu sống (bài đọc 1).  Ngược lại, Đức Ki-tô tuy là Con Một Thiên Chúa, nhưng vẫn không được Chúa Cha “tha chết” trên Núi Sọ, để chuộc tội lỗi cho nhân loại (bài đọc 2).  Trong tinh thần vâng phục, Chúa Giê-su đã tự nguyện chấp nhận cái chết cứu chuộc này.  Khi đàm thoại với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a trong biến cố Hiển Dung trên núi, Chúa Giê-su đã xác tín một lần nữa về cuộc Thương Khó Người sắp chịu.  Người chết để chuộc tội chúng ta, nhưng Người còn để lại tấm gương của người Con yêu dấu vâng phục Chúa Cha.  Đây cũng là bài học cho mỗi Ki-tô hữu khi nghe lời Chúa Cha phán:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (bài Tin Mừng).

        1.  Sứ mệnh của I-xa-ác, con một của ông Áp-ra-ham.  Sách Sáng thế để lại cho chúng ta một câu chuyện cảm động về ông Áp-ra-ham và cậu con trai duy nhất I-xa-ác.  Như chúng ta biết, hành trình đức tin của ông Áp-ra-ham đã đưa ông tới địa vị làm tổ phụ của dân tộc Ít-ra-en.  Ông và bà vợ Xa-ra nhờ lòng tin đã được Thiên Chúa ban cho mụn con trai duy nhất để nối dòng.  Tuy nhiên hành trình ấy vẫn phải trải qua nhiều thử thách;  thử thách lớn nhất đó là việc Thiên Chúa truyền cho Áp-ra-ham phải sát tế đứa con một để phụng thờ Người!  Câu chuyện nhấn mạnh đến lòng tin của ông Áp-ra-ham, nhưng chắc chắn cũng không loại bỏ thái độ vâng phục của cậu I-xa-ác.  Ông Áp-ra-ham đem theo hai người đầy tớ và cùng với con trai lên đường tới núi Mô-ri-gia để tế lễ Thiên Chúa.  Gần tới nơi, ông để hai người đầy tớ ở lại rồi cha con lên núi.  Suốt đoạn đường đến núi Mô-ri-gia, hai cha con yên lặng.  Con thì vác củi trên vai, còn cha cầm dao và lửa.  Chắc chắn tâm trạng Áp-ra-ham đang rối bời vì sắp mất con và không biết tương lai của ông đi về đâu, nên ông không thể nói chuyện.  Còn I-xa-ác thấy cha yên lặng cũng không dám mở lời.  Đây chẳng khác nào là hình ảnh của con chiên không kêu la khi bị đem đi giết để làm hiến lễ, do đó I-xa-ác cũng là hình ảnh về Chúa Giê-su sau này.  I-xa-ác vác củi trên đường lên núi Mô-ri-gia, còn Chúa Giê-su thì vác thập giá lên Núi Sọ để chịu chết.  Sứ mệnh của I-xa-ác thật đơn giản:  cái chết của cậu là để làm bằng chứng cho đức tin của ông Áp-ra-ham đối với Thiên Chúa.  Giả như thực sự I-xa-ác đã chết, thì cái chết của cậu lại dẫn đến một hậu quả vô cùng tai hại, đó là vai trò nối dòng của cậu không còn nữa và sẽ không có dân tộc Ít-ra-en đông đúc hơn sao trời cát biển.  Tuy nhiên thật là may mắn vì ở điểm cuối cùng của thử thách đức tin, ông Áp-ra-ham và cậu đã chứng tỏ lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, nên nhờ đức tin ấy mà Thiên Chúa đã chứng giám lòng trung thành của Áp-ra-ham mà tha chết cho I-xa-ác.  Cái chết của cậu đã được thay thế bằng cái chết của con cừu đực vướng sừng trong bụi cây.  I-xa-ác là người con một của ông Áp-ra-ham.  Tuy ông có người con trai tên là Ít-ma-en với người đầy tớ gái A-ga, nhưng Ít-ma-en không nhận được chức phận thừa kế gia nghiệp, cho nên I-xa-ác vẫn là con một của Áp-ra-ham.  Nhờ được cứu sống, I-xa-ác sẽ nối dòng và trở thành tổ phụ dân Ít-ra-en.  I-xa-ác thể hiện lời Thiên Chúa hứa với cha của ông là sẽ làm cho dòng dõi của cha ông và bây giờ cũng là của ông trở thành một dân tộc lớn.    Ông I-xa-ác thừa hưởng đức tin của cha mình và chính ông cũng biểu lộ đức tin ấy qua cuộc sống phó thác.  Ngay cả chuyện lập gia đình, ông cũng để cha quyết định và người lão bộc quản lý tài sản gia đình cha ông đã tận tình giúp đỡ ông kết duyên với cô Rê-béc-ca.  Hai ông bà I-xa-ác và Rê-béc-ca đã sinh ra ông Gia-cóp, tổ phụ của mười hai chi tộc Ít-ra-en.

        2.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa.  Nếu sứ mệnh của ông I-xa-ác tuy giản dị bình lặng, nhưng đã thực hiện được giấc mơ của Thiên Chúa là thiết lập dân riêng của Chúa, thì trái lại, sứ mệnh của Chúa Giê-su lại phức tạp và đầy thử thách để thực hiện hoài bão lớn lao của Thiên Chúa là đem toàn thể nhân loại về hòa giải với Thiên Chúa.  Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô diễn tả sứ mệnh của Chúa Giê-su là làm chứng cho tình yêu và ơn phù trợ của Thiên Chúa.  Nếu I-xa-ác là bằng chứng đức tin của ông Áp-ra-ham đối với Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su là bằng chứng sống động nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Để diễn tả tình yêu này, thánh Phao-lô đặt vấn đề bằng một câu hỏi:  “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”  Bênh đỡ chúng ta có nghĩa là về phe chúng ta, hỗ trợ chúng ta, cứu giúp chúng ta.  Nói cho cùng, Thiên Chúa bênh đỡ ta có nghĩa là vì yêu thương ta, Người giúp ta chiến thắng ma quỷ và tội lỗi là kẻ thù của ta.  Để chiến thắng kẻ thù của ta, Thiên Chúa đã làm một việc điên rồ là:  “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”.  Ông Áp-ra-ham chứng tỏ lòng tin của ông vào Thiên Chúa nên ông “chẳng tiếc” con một của ông là I-xa-ác.  Còn Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu vô điều kiện của Người với thế gian nên đã “không tha” cho Con Một, nhưng “trao nộp” người Con ấy để chuộc tội lỗi cho chúng ta.  Áp-ra-ham còn được lại I-xa-ác vì Thiên Chúa “tha chết” cho cậu, còn Thiên Chúa thì “không tha” cho Chúa Giê-su, vì Tình Yêu thì mạnh hơn cả sự chết!  Sứ mệnh của Chúa Giê-su không những làm chứng cho Tình Yêu bao la của Thiên Chúa mà còn nói lên lòng quảng đại nhân từ của Thiên Chúa nữa.  Câu hỏi tiếp theo của thánh Phao-lô muốn chúng ta phải nhìn nhận lòng quảng đại này.  “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”  Lòng quảng đại của Thiên Chúa được chứng minh như thế đấy và chiều kích dài rộng cao sâu của Tình Yêu Thiên Chúa được đo lường như vậy đấy!  Thiên Chúa đã cho chúng ta hết và Người đã yêu thương chúng ta đến tột độ rồi.  Ông I-xa-ác chu toàn sứ mệnh nối dòng để làm nên dân tộc Ít-ra-en.  Còn Chúa Giê-su thì sao?  Chúa Giê-su không thiết lập một dân tộc theo máu huyết loài người, nhưng Người đã sinh ra một nhân loại mới, là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Phê-rô 2:9).

        3.  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.  Hẳn chúng ta còn nhớ trong biến cố Chúa chịu phép rửa của ông Gio-an, Thiên Chúa Cha phán rằng Chúa Giê-su là con yêu dấu của Người.  Lời phán ấy được lập lại ở đây trong biến cố Chúa Hiển Dung trên núi.  Sau cuộc đàm đạo với hai vị đại diện cho Lề Luật (Mô-sê) và Ngôn sứ (Ê-li-a) là những sách Cựu Ước tiên báo sứ mệnh của Đấng Ki-tô thì Thiên Chúa Cha phán những lời trên về Chúa Giê-su.  Chúng ta có thể quả quyết rằng ba vị đã đàm đạo về sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhất là cuộc Thương Khó Người sắp chịu tại Giê-ru-sa-lem.  Cuộc chuyện trò này nhằm giúp Chúa Giê-su xác tín những điều sắp xảy ra cho Người và củng cố tinh thần để Người vững lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha.  Chúa Cha đã thấy rõ tâm tư của Con Một Người, nên Người biểu lộ sự hài lòng về Chúa Giê-su.  Tuy nhiên lời phán rõ ràng là nói với các môn đệ có mặt trong biến cố, vì ngoài lời giới thiệu, Chúa Cha còn phán dạy các môn đệ:  “Hãy vâng nghe lời Người”.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta biết trong cả ba năm của Chu kỳ Năm Phụng vụ, biến cố Chúa Hiển Dung đều được lập lại.  Vậy Giáo Hội có ý gì khi làm như vậy?  Dĩ nhiên trước hết mục đích của Phụng vụ Lời Chúa là giúp chúng ta hiểu rõ vai trò cứu độ của Chúa Giê-su và chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Phục Sinh.  Đặc biệt lời kêu gọi Giáo Hội muốn gửi đến chúng ta hôm nay chính là lời phán dạy của Chúa Cha:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.  Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như là Con Yêu Dấu của Chúa Cha để học nơi Người cách sống làm con cái yêu dấu của Thiên Chúa, nhất là gương Người tuân phục thánh ý Chúa Cha trong mọi sự.  Tiếp theo là chúng ta học “vâng nghe lời Chúa” mà sống những điều Người dạy dỗ ta qua việc suy niệm Kinh Thánh, qua việc cầu nguyện, rồi đem thực hành trong đời sống bác ái phục vụ.  Cùng với ba môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta lên núi trong những những tuần lễ còn lại của mùa Chay để chiêm ngưỡng và lắng nghe Chúa.  Đồng thời khi xuống núi sau mùa Chay, chúng ta sẽ thực hành những điều đã thấy đã nghe, để cũng như Chúa Giê-su, chúng ta mỗi ngày biến đổi nên tốt hơn và được Chúa Cha gọi ta là con yêu dấu vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi          


Suy Niệm Lời Chúa Năm B