CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Chúa Giê-su kiện toàn Lề Luật và việc thờ phượng Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 20:1-17;  1 Cr 1:22-25;  Ga 2:13-25)

        Chúa Giê-su được sai đến trần gian để đổi mới mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Đối với Do-thái giáo, tương quan ấy được thể hiện qua việc tuân giữ Lề Luật Mô-sê và thờ phượng Thiên Chúa, đặc biệt thờ phương Người tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi được gọi là Nhà Chúa.  Tuy nhiên việc tuân giữ Lề Luật đã bị giới kinh sư và Pha-ri-sêu làm mất đi ý nghĩa khi họ giải thích Luật và biến những giải thích ấy thành các truyền thống mang hình thức bề ngoài.  Nói khác đi, động lực thi hành Lề Luật không còn là do lòng yêu mến tôn kính Thiên Chúa, nhưng chỉ để phô trương mà thôi.  Cũng thế, việc thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ dần dần biến thành những buổi “họp chợ” để người ta đổi tiền bạc và mua bán chiên bò làm hy lễ.  Hai lãnh vực này cần được thay đổi và đưa trở về với ý nghĩa nguyên thủy.  Lời Chúa hôm nay lập lại Mười Điều răn Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en như khuôn vàng thước ngọc, để dân Chúa cứ theo đó mà sống mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa và giữa họ với anh chị em (bài đọc 1).  Lề Luật là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được ghi lại thành chữ viết trên phiến đá.  Nhưng khi sai Con Một đến trần gian, Thiên Chúa đã in Lề Luật tình yêu của Người trên con người Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá.  Chúa Ki-tô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi Người đến dạy nhân loại biết tinh thần tuân giữ Lề Luật và thờ phượng Thiên Chúa (bài đọc 2).  Được sai đến trần gian, Chúa Giê-su không hủy bỏ Lề Luật, nhưng kiện toàn Lề Luật.  Cũng vậy, Người không phá hủy Đền Thờ hoặc bãi bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng Người thiết lập một trật tự thờ phượng mới, đó là thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (bài Tin Mừng).

        1.  Lề Luật hướng dẫn con người sống mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.  Như chúng ta biết, mùa Chay là thời gian để chúng ta nhìn lại đời sống mình mà cải thiện những tương quan với Chúa và tha nhân.  Trước hết chúng ta căn cứ vào việc mình tuân giữ giới răn của Chúa và luật Giáo Hội để nhận định lối sống của ta.  Sau khi ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa đã ban cho dân Người một bộ luật đầy đủ để giúp họ có một lối sống tốt lành giúp họ trở nên hoàn hảo như Chúa là Đấng hoàn hảo.  Lề Luật ấy cũng là giao ước Chúa thiết lập với Ít-ra-en, một thứ giao ước không có ở bất cứ dân tộc nào.  Ban đầu, Lề Luật đã được thi hành trong tinh thần tôn kính và yêu mến, nhờ đó mối tương quan với Thiên Chúa cũng như với tha nhân quả là sống động.  Tuy nhiên khi dân tộc Ít-ra-en biến đổi từ chế độ thần quyền sang thế quyền thì cơ cấu tổ chức cũng thay đổi.  Dưới ảnh hưởng của giới lãnh đạo là các thượng tế, kinh sư và Pha-ri-sêu, việc tuân thủ Lề Luật thay đổi rất nhiều do những cách giải thích họ đề ra.  Điều thay đổi nguy hại nhất, đó là người ta đánh mất ý nghĩa của việc tuân giữ Lề Luật.  Thay vì tuân giữ vì lòng yêu mến Chúa và thương yêu tha nhân, người ta lại giữ luật để tỏ ra cho người khác biết mình là người hoàn hảo công chính.  Nhiều khi người ta còn dựa vào những hành vi tuân giữ Lề Luật để “tự hào” với Chúa và “khinh miệt” anh chị em, như chúng ta thấy trong dụ ngôn Chúa Giê-su kể về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, ông Pha-ri-sêu và người thu thuế (Lu-ca 18:9-14)!  Như vậy, người ta đã đặt sai mục đích của việc tuân giữ Lề Luật, thay vì để giúp ta phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em thì việc tuân giữ Lề Luật lại trở thành mục đích để Chúa và tha nhân phải tôn vinh chúng ta.  Suốt những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã phải đối phó với tính vị luật của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư, nhất là những lần Người chữa bệnh vào ngày sa-bát, đến nỗi Người phải thẳng thắn tuyên bố:  “Con Người làm chủ ngày sa-bát” (Lu-ca 6:5).

        2.  Chúa Giê-su đổi mới tinh thần tuân giữ Lề Luật.  Chúng ta đã có Lề Luật Cũ là Mười Điều răn.  Tuy nhiên nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư lại tố cáo Chúa Giê-su là kẻ tìm cách hủy bỏ Lề Luật khi Người “vi phạm” những điều họ giải thích Lề Luật gồm 613 điều.  Thí dụ, Người chữa bệnh cho người ta vào ngày sa-bát,  các môn đệ không rửa tay trước khi ăn, các môn đệ bứt và vò lúa để ăn khi họ đói bụng và đi qua cánh đồng ngày sa-bát… Trả lời những soi mói và bóp méo tinh thần giữ luật ấy, Chúa Giê-su khẳng định Người đến để kiện toàn Lề Luật.  Lề Luật vẫn thế, nhưng kẻ thi hành Lề Luật lại thay lòng đổi dạ.  Thay vì sự khôn ngoan của Lề Luật hướng dẫn người ta thì người ta lại bắt Lề Luật đi theo “sự khôn ngoan” của họ!  “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người”.  Do đó, Chúa Giê-su đã đến để kiện toàn Lề Luật.  Kiện toàn không có nghĩa là viết hoặc sửa lại Lề Luật, nhưng là chứng tỏ rằng Lề Luật ấy là hoàn hảo và cho thấy đâu là tinh thần giữ luật đích thực.  Như vậy, sự kiện toàn Chúa Giê-su đem lại cho Lề Luật chính là cho ta biết mọi điều răn được tóm lại trong hai điều:  yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, đồng thời tinh thần giữ luật là vì lòng mến Chúa yêu người mà thôi.  Thánh Phao-lô đặc biệt đề cao Đức Ki-tô là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.  Thiên Chúa đã dùng sức mạnh và sự khôn ngoan này mà thiết lập một giao ước mới với nhân loại, để giúp chúng ta không còn làm “nô lệ cho Lề Luật” nữa, nhưng làm con cái tự do của Thiên Chúa trong Triều Đại Người.

        3.  Việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền Thờ ám chỉ Người đem lại một tinh thần mới cho việc thờ phượng Thiên Chúa.  Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi linh thiêng nhất của dân Ít-ra-en.  Đó là nơi lưu giữ những bia đá của Mười Điều răn, nên cũng là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Người.  Đền Thờ cũng là trung tâm thờ phượng của toàn dân, nơi cử hành mọi lễ hội để chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa, khi dân chúng tưởng niệm mọi việc can thiệp của Người để bênh vực phù trợ họ.  Nhưng theo thời gian, sự thánh thiêng của Đền Thờ đã dần dần mất đi, việc thờ phượng từ từ biến thành việc buôn bán.  Trước sự thay đổi xấu xa này, Chúa Giê-su không thể nhắm mắt làm ngơ, nên “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.  Chắc chắn Chúa Giê-su thấy trước được hậu quả của việc Người thanh tẩy Đền Thờ hôm nay.  Đây cũng là một trong những chứng cớ gian mà kẻ thù của Chúa Giê-su sẽ trưng ra trước tòa án xử Người (Mác-cô 14:58).  Nhắc đến điều này, trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Gio-an đã khẳng định rõ ràng:  “Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.  Đúng vậy, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bằng gạch đá đã bị phá hủy năm 70 rồi, nhưng Đền Thờ Mới là thân thể Chúa Giê-su được phục sinh thì vẫn vững bền, vì đó là nơi để toàn thể nhân loại sẽ “thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Gio-an 4:24).  Bước vào Đền Thờ Mới này, chúng ta sẽ thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật của Chúa Giê-su.  Điều ấy có nghĩa là gì?  Thần khí của Chúa Ki-tô chính là Thánh Thần;  còn sự thật của Chúa Ki-tô là thực tại về tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta mà Chúa Giê-su đã minh chứng.  Do đó, khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa thì Thánh Thần sẽ dạy chúng ta cầu nguyện thế nào cho phải (Rô-ma 8:26) và tình yêu của Chúa Giê-su giúp chúng ta biết phải yêu mến Thiên Chúa sao cho hợp lẽ.  Ngoài ra, chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nên Chúa Giê-su, Đầu Nhiệm Thể, là Đền Thờ Thiên Chúa thì các chi thể cũng phải là những đền thờ của Thiên Chúa.  Mối tương quan giữa Chúa Giê-su và Thiên Chúa sống động như thế nào tại ngôi Đền Thờ Mới này, tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa cũng phải sống động như vậy ngay nơi tâm hồn mỗi người chúng ta!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Trong mùa Chay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta:  mỗi khi xét mình và cảm tạ Chúa vào cuối ngày, chúng ta hãy nhìn lại tương quan mật thiết giữa ta với Chúa và với tha nhân, để tìm cách cải thiện và làm cho nó thêm tốt đẹp hơn.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tuân giữ lề luật để củng cố mối tương quan ấy.  Riêng về mối tương quan với Chúa, câu chuyện Chúa Giê-su thanh tẩy Đền Thờ nhắm mục đích kêu gọi chúng ta nhìn lại đền thờ tâm hồn chúng ta và cách thức chúng ta thờ phượng Chúa, nhất là việc cầu nguyện như thế nào.  Chúng ta có thờ phượng Thiên Chúa theo thần khí Chúa Ki-tô, nghĩa là kính mến Thiên Chúa và thi hành những điều Người dạy không?  Chúa Giê-su đã thờ phượng Thiên Chúa Cha khi Người hết lòng yêu mến Chúa Cha và vâng phục Người.  Đó là gương mẫu thờ phượng Thiên Chúa Người để lại cho chúng ta.  Đặc biệt nữa là Chúa Giê-su đã thờ phượng Chúa Cha bằng cách trung thành làm chứng rằng Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao ban Con Một, dù Người phải làm chứng bằng cái chết khổ nhục trên thập giá.  Vậy chúng ta sẽ quyết định điều gì để sống những ngày còn lại mùa Chay này?  Tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội vì lòng yêu mến và cầu nguyện theo gương mẫu Chúa Giê-su!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B