CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
Xh 20,1-17 ; 1 Cr 1,22-25 ; Ga 2,13-25
THANH LUYỆN TÂM HỒN NÊN ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 2,13-25
(13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức
Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem, (14) Người thấy trong Đền Thờ có những
kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15)
Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên
bò ra khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ
tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ
bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha
Tôi thành nơi buôn bán”. (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã
chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ
phải thiệt thân”. (18) Người Do Thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ
nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (19) Đức
Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ
xây dựng lại” (20) Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi
sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”
(21) Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.
(22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người
đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
(23) Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có
nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người
làm. (24) Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết
thảy (25) và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính
Người biết có gì trong lòng con người.
2. Ý CHÍNH:
Với lòng nhiệt thành yêu mến
Thiên Chúa, Đức Giê-su không thể chấp nhận được cảnh bát nháo diễn ra
nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên
Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn cùng với tiền bạc,
chiên bò, chim câu của họ... ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ
của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng
Thiên Chúa sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ Mới là thân xác Phục
Sinh của Người và trong lòng các tín hữu, thay sự thờ phượng tạm thời
trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bằng gỗ đá.
3. CHÚ THÍCH:
- C 13-15: + Lễ
Vượt Qua của dân Do Thái: Vào thời Đức Giê-su, lễ Vượt Qua là một trong ba
đại lễ, buộc người Do Thái ở khắp nơi phải hành hương về Đền thánh
Giê-ru-sa-lem để sát tế và ăn bữa tiệc chiên Vượt Qua, kỷ niệm biến
cố Xuất Hành, trong đó Đức Chúa đã dùng Mô-sê giải phóng con cháu
Gia-cóp là dân Do Thái khỏi ách nô lệ cho dân Ai Cập. +
Đền Thờ: Đền Thờ là dấu chỉ Đức Chúa hiện diện giữa dân
Người. Không kể Đền thờ tạm là Nhà Lều trong thời gian 40 năm dân Do
Thái đi qua sa mạc, còn có ba Đền Thờ đã lần lượt được xây dựng tại
Giê-ru-sa-lem là Đền Thờ Sa-lô-mon, Đền Thờ Sau Lưu Đầy và Đền Thờ
thời vua Hê-rô-đê. + Có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi
đổi tiền: Tại sân lương dân, các Tư tế cho một số người vào
bán chiên, bò và chim câu... để dân chúng dễ dàng mua dâng vào Đền Thờ
làm lễ vật hiến tế (x. Ga 2,14 ; Lc 2,24). Cũng có cả những người
ngồi đổi tiền từ đồng tiền của Rô-ma sang đồng tiền riêng của Đền Thờ. Lý
do đổi tiền vì tiền Rô-ma lưu hành ngoài xã hội có đúc hình và ký hiệu
của hoàng đế Xê-da được coi như thần linh (x. Lc 20, 24-25), nên đã bị cấm
sử dụng trong Đền Thờ. Người Do Thái muốn đóng thuế tôn giáo hay góp
tiền trùng tu Đền Thờ (x. Lc 21,1-2) phải đổi từ đồng tiền Rô-ma lưu
hành ngoài xã hội thành đồng tiền Đền Thờ tại bàn đổi tiền này, rồi
mới được bỏ tiền Đền Thờ vào thùng quyên góp (x. Ga 2,14). +
Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả...: Sự bất
kính do bọn con buôn gây ra khiến Đức Giê-su rất đau lòng. Người nổi
cơn thịnh nộ và đã lấy các đoạn dây thừng cột chiên bò bỏ lại đó đây,
chắp lại làm thành dây roi, và dùng dây roi này mà đánh đuổi bọn con
buôn và các con vật ra khỏi Đền Thờ.
- C 16-19: + “Đừng
biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”:
Nói câu này, Đức Giê-su đã gián tiếp nhận mình là Con Thiên Chúa
ngang hàng với Thiên Chúa. “Nơi buôn bán” hay “hang trộm cướp” là kiểu
nói diễn tả tình trạng bất kính trong Đền Thờ, một nơi tôn nghiêm
được dành riêng thờ phượng Đức Chúa. Thế là ứng nghiệm lời các ngôn
sứ đã tuyên sấm để quở trách dân Do Thái (x. Gr 7,11). +
“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”:
“Sẽ phải thiệt thân” nghĩa là “sẽ phải chết”. Như vậy ý nghĩa lời
Thánh Vịnh 69,10 như sau: Lòng nhiệt thành với Đền Thờ sẽ khiến Đức
Giê-su bị người đời bách hại (x. Ga 15,5). + Người Do Thái hỏi Đức
Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có
quyền làm như thế?”: “Người Do Thái” trong câu này ám chỉ các
đầu mục của Đền Thờ là các Tư tế và thầy Lê-vi đang phục vụ Đền Thờ. Họ
bực tức khi thấy Đức Giê-su đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ mà
chính họ đã cho phép. Do đó họ hạch hỏi Đức Giê-su đã dựa vào dấu lạ
nào để chứng minh Người có quyền làm như thế. Trước đây họ cũng nhiều
lần đòi Đức Giê-su phải làm phép lạ cho họ thấy để tin Người đã được
Thiên Chúa sai đến (x. Mt 12,38 ; Mc 8,11 ; Lc 11,16). + “Các ông cứ phá Đền Thờ
này đi, nội trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”: Ở đây, Đức
Giê-su cho họ một phép lạ làm chứng Người được Thiên Chúa sai đến,
là Người sẽ sống lại nội trong ba ngày sau khi chết. Tuy nhiên Đức
Giê-su sử dụng kiểu nói dụ ngôn mà các ngôn sứ hay dùng là gọi thân
thể Người là Đền Thờ. Câu này có nghĩa là: Dù thân xác Người có bị
giết chết thì cũng chỉ trong ba ngày sẽ sống lại.
- C 20-22: + Phải
mất bốn mươi sáu năm mới xây xong: Do các đầu mục Do Thái đã
hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa đen nên đã nói đến thời gian xây dựng Đền
Thờ vật chất phải mất 46 năm (Khởi công năm 20 trước Công Nguyên và đến
năm 26 sau Công nguyên mới tạm hoàn thành những công trình chính), đang
khi ý Đức Giê-su lại muốn nói Đền Thờ là Thân Thể của Người. Sau này
khi Thượng Hội Đồng Do Thái xét xử Đức Giê-su do Thượng Tế Cai-pha làm
chủ tọa, có hai kẻ đã đứng ra cáo gian Người rằng: “Tên này đã tuyên
bố: Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày sẽ xây
cất lại” (Mt 26,61). Các đầu mục còn nhắc lại lời tố cáo này khi lăng
nhục Đức Giê-su trên thập giá (x. Mt 27,40). + Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su
muốn nói ở đây là chính Thân Thể Người: Thân Thể Đức Giê-su
phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra cho loài người
(x. Ga 1,14). Thân thể ấy là Đền Thờ Mới, nơi thờ phượng Thiên Chúa
trong Thần khí và Sự thật (x. Ga 4,23-24). + Khi Người từ cõi chết trỗi
dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh
sáng Phục Sinh và được Thánh Thần tác động, các môn đệ mới có thể
hiểu chính xác các lời nói việc làm của Đức Giê-su (x. Ga 12,16;
14,26).
- C 23-25: + Nhiều
kẻ tin vào danh Người, nhưng chính Đức Giê-su lại không tin họ: Phép lạ chỉ có tác dụng kích
thích tính tò mò khiến người ta đến xem để biết thực hư ra sao, còn
đức tin có được là do tai nghe (x. Rm 10,17) chứ không do mắt thấy (x Ga
20,29). Một số khá đông dân chúng đã tin Đức Giê-su vì thấy các phép
lạ Người làm (x. Ga 12,17-18). Nhưng đức tin dựa trên mắt thấy là thứ
đức tin bất toàn và không bền vững. Do đó Đức Giê-su không tín nhiệm
hạng tín hữu này. Thực vậy, trong số đám đông dân chúng đòi kết án
tử hình thập giá cho Chúa trước tòa Phi-la-tô, chắc không thiếu những
kẻ đã từng tung hô khi đón rước Người vào Thành trước đó mấy ngày (x. Lc
19,37-38; Ga 12,12-15). + Đàng khác,
phép lạ không đương nhiên dẫn đến đức tin: Các biệt phái và Kinh
sư đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, thế mà họ đâu có tin
Người, trái lại còn đòi quan Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người
(x. Ga 11,45-53). Ngòai ra, họ còn xuyên tạc phép lạ trừ quỉ của Đức
Giê-su như sau: “Ông ta nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mc 3,22). +
Người biết họ hết thảy: Đức Giê-su biết rõ ý đồ của dân
chúng theo Người là do vụ lợi, nên đã nói với họ rằng: “Các ông đi
tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã
được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Người đòi bệnh nhân phải có đức tin như
điều kiện để Người làm phép lạ chữa lành cho họ (x Mc 5,34). Người khen
đức tin mạnh mẽ của người đàn bà xứ Ca-na-an trước khi chính thức
chữa bệnh cho con gái bà (x Mt 15,28). Người đã không làm phép lạ ở
Na-da-rét do dân làng không tin Người là Đấng Thiên Sai (x Mt 13,58).
4. CÂU HỎI: 1) Lễ Vượt Qua là đại lễ kỷ niệm
biến cố nào trong lịch sử dân Ít-ra-en? 2) Đền thờ là gì? Trong lịch
sử có mấy Đền thờ đã được xây dựng tại Giê-ru-sa-lem? Đền thờ thời
Đức Giê-su là Đền Thờ thứ mấy? 3) Tại sao trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem
lại có cảnh buôn bán chiên bò, bồ câu và đổi tiền? 4) Đức Giê-su đã
có thái độ nào trước hiện tượng bát nháo bất kính nói trên? 5) Đức
Giê-su đã trả lời thế nào khi người Do thái hạch hỏi người về quyền
xua đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ? 6) So sánh câu nói của Đức Giê-su
về việc phá hủy Đền thờ trong Tin Mừng hôm nay với lời hai nhân chứng
cáo gian Người trước tòa Thượng tế Cai-pha khác nhau thế nào? Họ còn
nhắc lại điều cáo gian này vào lúc nào? 7) Thực ra Đền thờ Đức
Giê-su nói tới ở đây ám chỉ điều gì? 8) Đức tin chân chính là do mắt
thấy hay bởi tai nghe? Phép lạ có đương nhiên khiến kẻ vô tín tin Chúa
không? Tại sao? 9) Đức Giê-su làm phép lạ nhằm mục đích gì? Người
đòi bệnh nhân điều kiện gì trước khi chữa lành cho họ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi
đây. đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16):
2. CÂU CHUYỆN:
1) MỖI TÍN HỮU ĐỀU LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA:
Vua Tra-ja-no là hoàng đế cai trị
nước Rô-ma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm đạo, và đã bắt thánh Ignatio
giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo đạo công giáo, rồi
gọi thánh Ignatio là thằng quỉ xấu xa, thánh Ignatio giám mục thưa lại rằng:
- Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người
mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỉ dữ được.
Nhà vua hỏi lại:
- Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình
ư?
Thánh Ignatio giám mục trả lời:
- Tâu đức vua, phải - tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì
những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên
Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người công giáo, bằng được
trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng chẳng có gì can hệ cho con người bằng phải
luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:
- Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang
Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Roma, để làm của ăn cho thú dữ.
Trong Mùa Chay, hội thánh muốn các tín hữu chúng ta thanh
tẩy đền thờ tâm hồn của mình như lời thánh Phaolô: "Nào anh em chẳng biết
rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh
em sao?" (1Cr 3,16).
2) NHÀ THỜ CẦN
MỞ RỘNG CỬA ĐÓN NHẬN MỌI NGƯỜI.
GANDHI được tôn vinh là Cha Già của Ấn Độ khi còn là sinh
viên đi du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Nước này nổi tiếng về
tệ nạn phân biệt chủng tộc da trắng với da màu. Trong thời gian học tập, Gandhi
có dịp đọc Kinh thánh của Ki-tô giáo và lập tức bị giáo thuyết Tám Mối Phúc
trong Bài Giảng trên núi của Đức Giê-su cuốn hút. Ông rất tâm đắc trước lời
Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt
giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do thái hay lương dân... Gandhi nghĩ
rằng : Có lẽ Ki-tô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc
tệ nạn phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ là quê hương của ông. Gandhi nghĩ
mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Ki-tô giáo.
Ngày nọ, Gandhi đi bộ đến một nhà thờ để biết về lễ nghi
trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Ki-tô giáo. Tuy nhiên, khi ông
bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại không cho ông vào nhà thờ.
Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất
ngờ khi người giữ cửa nói như sau:”Đây là nhà thờ dành riêng cho người da
trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ dành riêng cho dân da
mầu mà xin!” Gandhi rất tức giận và bỏ ra về. Ông đã ghi lại cảm tưởng của ông
trong tập nhật ký như sau: ”Tôi rất thán phục Đức Giê-su và giáo thuyết đầy
tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn khi tiếp xúc với
các tín hữu là môn đệ của Ngài ! Nếu đạo Ki-tô cũng phân biệt chủng tộc như
vậy, thì Ki-tô giáo có hơn gì Ấn giáo có sự phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi,
tôi cần chi phải gia nhập vào đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp
nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền
thống của cha ông là đủ”!
Chính thái độ phân biệt chủng tộc của người giữ cửa nhà
thờ đã trở thành rào cản Gan-dhi đến với đạo của Đức Giê-su. Chúng ta nên suy
nghĩ về lời nguyện được viết trên cửa một nhà thờ như sau:
“Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón
tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em, nhưng
cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. Xin làm cho
ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc
lối vào đây mà không bị vấp ngã. Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là
cổng dẫn vào Nước Chúa”. (Theo Flor McCarthy).
3) PHẢI THỜ
CHÚA TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT:
Người ta kể rằng: một người kia nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn
mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày chúa nhật. Tại đó người này thấy người
nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng âm nhạc, ca đoàn và cộng
đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên
giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc
nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: "Ông không nghe thấy gì, vì không có
gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà
chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không
thờ phượng Chuá từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ
nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chuá bằng môi bằng
miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chuá lâu rồi.
Câu chuyện này dạy chúng ta một bài học quan trọng: khi
vào nhà thờ thờ phượng Chúa, chúng ta cần đọc kinh cầu nguyện với thái độ tin
tưởng và yêu mến. Hãy hát ngợi khen Chúa với lòng mến yêu tha thiết. Khi nào ta
làm được như thế thì việc thờ phượng mới có ý nghĩa. Và chỉ những lúc đó, lời
ca ngợi của chúng ta mới bay lên tới Chúa được.
4) “TIẾNG CHIM
HÓT TRONG BỤI MẬN GAI”-
CÂU CHUYỆN VỀ
SỨC MẠNH CỦA ĐỒNG TIỀN
Thỉnh thoảng đài truyền hình VN lại cho chiếu lại
bộ phim: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn
sĩ người Úc đạo Tin Lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã
đứng trên quan điểm của đạo Tin Lành để phê phán luật độc thân của
hàng giáo sĩ Công Giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là dịp để
chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền đã tác động không những
trên cuộc đời của một linh mục mà còn ảnh hưởng lớn lao đến uy tín của
Hội Thánh nữa.
Câu chuyện về một linh mục là Cha RÁP (Ralph): RÁP
là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh
mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút mạnh mẽ khiến nhiều
người đến với mình, nhưng đồng thời ông cũng muốn được nổi danh và
ham mê tiền bạc vật chất. Trong số các người mến mộ cha Ráp, có một
bà già quí phái giàu có, bà quí mến Cha cách đặc biệt, nhưng tình
cảm của bà không được cha đáp lại, nên từ tình yêu biến thành thù
hận. Tuy nhiên, thay vì trả thù theo kiểu thường tình, bà già này đã
cố tình gài bẫy để bôi đen cuộc đời của vị linh mục trẻ bằng cách:
Trước khi chết, bà đã làm một bản di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản
kếch sù của bà cho Hội Thánh Công Giáo, với điều kiện là Hội thánh
phải bổ nhiệm Cha Ráp trực tiếp quản lý số tài sản đó. Do quản lý
nhiều tiền, Cha Ráp đã được bề trên cất nhắc lên địa vị cao trong Hội
Thánh, nhưng đồng thời những đồng tiền mà Cha quản lý kia cũng biến
đổi lòng đạo đức của Cha ngày càng xuống cấp, để rồi cuối cùng cha
đã bị sa ngã trong vòng tay của một thiếu nữ xinh đẹp tên là Mê-ghi.
Câu chuyện nhằm chỉ trích Giáo Hội Công giáo, nhưng cũng
nói lên một sự thực: Giáo Hội của Đức Ki-tô tuy bản chất tinh tuyền, nhưng lại
gồm những con người bằng xương bằng thịt và có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tiền
của. Tiền bạc rất quan trọng và cần thiết cho mọi người, mọi tổ chức và cho cả
Giáo Hội tồn tại và phát triển. Nhưng tiền thay vì là phương tiện, dễ trở thành
chủ nhân của người chiếm hữu nó, như lời Chúa cảnh giác hôm nay: “Các con không
thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6,24).
3. SUY NIỆM:
1) ĐỨC GIÊ-SU
THANH TẨY ĐỀN THỜ GIÊ-RU-SA-LEM:
"Cứ mỗi dịp gần Tết kéo dài đến tháng ba (âm lịch)
hằng năm, cổng chùa lại léo xéo cảnh đổi tiền lẻ vào lễ chùa. Những tờ tiền
200, 500 đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ "10 ăn 8 hoặc
10 ăn 7". Tức 100.000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70.000 hoặc 80.000 đồng
loại chuyên dùng để "sắp lễ" (200, 500 đồng). Không biết bao nhiêu
triệu đồng tiền "bé" được quay vòng cả năm không chán: người đi lễ
đổi tiền, tiền ấy được ném vào xó xỉnh, cài vào chân tay, nách, đùi của các pho
tượng đẹp nổi tiếng của quốc gia; rồi nhà chùa xách túi hoặc rổ rá đi gom tiền
ấy lại đem ra đổi ngoài cổng chùa. Và vòng quay lại bắt đầu.
Đó là trích từ một bài viết trong Tuổi Trẻ Online diễn tả
về tệ nạn xảy ra thường xuyên tại nhiều ngôi chùa Việt Nam thời gian gần đây,
và đã bị dư luận lên án gay gắt. Câu chuyện người ta dùng tiền lẻ làm ô uế đình
chùa Việt Nam cũng tương tự như câu chuyện dân Do thái làm ô uế Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem, khiến Đức Giê-su phải ra tay thanh tẩy như trong Tin Mừng Gio-an
sau đây ghi lại:
“Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên,
bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây
làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền
Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật
nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất
cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn
bán” (Ga 2,14-16).
Hành động xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ của Đức
Giê-su cho thấy: Việc lạm dụng Đền Thờ để tìm tư lợi là làm mất đi sự trang
nghiêm của nơi thờ phượng và làm ô uế Đền Thờ,… Đó là một trọng tội cần phải
được cấp thời chấn chỉnh. Đức Giê-su đòi người ta trả lại chức năng thực sự của
Đền thờ khi nói: “Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16b). Qua
hành động này, Đức Giê-su cũng gián tiếp bác bỏ lối thờ phượng Thiên Chúa hình
thức bề ngoài, đúng như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Đức Chúa quở trách dân
Do thái xưa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại
xa Ta” (Mc 76b; Is 29,13).
2) CẦN TUÂN GIỮ LỀ LUẬT
THẾ NÀO?
Một người do thái nọ muốn sống thánh thiện nên đến xin ý
kiến của một vị Rabbi. Vị Rabbi hỏi :
– Từ trước tới nay anh sống thế nào ?
– Rất tốt, thưa ngài.
– Anh nói “rất tốt” nghĩa là sao ?
– Nghĩa là tôi không vi phạm giới luật nào cả. Tôi không kêu tên Chúa vô cớ, tôi không tục hóa ngày sabát, tôi không bất kính với cha mẹ, tôi không giết người, tôi không bất trung với vợ tôi, tôi không trộm cắp, tôi không làm chứng dối, tôi không
tham muốn của cải và vợ người khác.
Vị Rabbi nói :
– Tôi hiểu. Anh đã không vi phạm giới luật nào cả.
– Đúng vậy, thưa ngài.
Nhưng vị Rabbi hỏi tiếp :
– Nhưng anh có tuân giữ các giới luật không ?
– Ngài hỏi vậy nghĩa là sao ạ ?
– Nghĩa là : anh có tôn kính thánh Danh Chúa
không ? Anh có thánh hóa ngày
sabát không ? Anh có hiếu kính
cha mẹ không ? Anh có tôn trọng và
bảo vệ mạng sống của người khác không ? Anh có biểu lộ tình yêu đối
với vợ con bằng lời nói hay hành động
không ? Anh có chia sẻ của cải cho
người nghèo không ? Anh đã bảo vệ
danh dự và tiếng tốt cho người bị hại chưa ? Anh có hay giúp đỡ người khác không ?
Người Do thái ra đi và suy nghĩ miên man. Từ trước tới
nay anh chỉ nhìn các giới luật theo khía cạnh tiêu cực nên mọi cố gắng của anh
chỉ là làm sao khỏi vi phạm luật. Nhưng hôm nay vị Rabbi vừa chỉ cho anh một
cách nhìn mới hẳn : không chỉ cố tránh vi phạm Luật, mà còn phải làm những
việc tốt Luật dạy.
Kitô hữu ngày nay cũng cần lưu ý :
– Chúng ta tuân giữ lề luật không phải vì sợ Chúa phạt,
mà vì lòng yêu mến Chúa.
– Chúng ta giữ luật không phải để được Chúa
yêu, mà giữ luật để đáp lại tình Chúa đã yêu thương ta.
3) HÃY TÔN
TRỌNG THÂN XÁC LÀ ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN:
- Để trả lời những kẻ chất vấn lấy quyền nào để ra tay
xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su đã trả lời như sau: “Các ông
cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Qua đó, Đức
Giê-su ám chỉ Người chính là Đấng Thiên Sai và thân thể của Người giống như Đền
Thờ, sẽ bị tàn phá do người đời, nhưng đến ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết
trỗi dậy.
- Ngoài ra thân xác mỗi người chúng ta cũng là Đền Thờ
của Thiên Chúa như thánh Phao-lô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền
Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor
3,16.19). Do đó, chúng ta phải tôn trọng Đền Thờ của Chúa Ba Ngôi là thân xác
chúng ta như lời Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong
người ấy” (Ga 14, 23).
4) HÌNH PHẠT
DÀNH CHO NHỮNG KẺ LÀM Ô UẾ ĐỀN THỜ:
- Những ai làm cho Đền Thờ thân xác mình và Đền Thờ là
anh em khác ra ô uế thì Đức Giê-su rất đau lòng như Người đã lên án những kẻ
xúi giục người ta phạm tội: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc
cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho
một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17,1b-2). Thánh Phao-lô cũng quả
quyết về hình phạt dành cho những kẻ này: “Ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì
Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy
chính là anh em” (I Cr 3,17).
- Ngày nay Đức Giê-su cũng muốn các nhà thờ phải
thật sự là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần khí và sự thật” (x Ga
4,24). Người muốn nhà thờ là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy
nhiên, nhìn vào các nhà thờ hiện nay, chúng ta thấy nhiều khi nhà thờ đã
trở thành một nơi sinh hoạt vui chơi văn nghệ như múa lân, múa hát, diễn kịch xã
hội vào các dịp Lễ Tết ngay trên gian cung thánh, làm mất đi bầu khí trang
nghiêm lẽ ra phải có. Nên biết rằng: Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su muốn môn đệ hãy
cầu nguyện trong thinh lặng, và chính Người ngay từ sáng sớm đã vào nơi hoang
vắng để cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha (x Mc 1,35).
5) THANH TẨY ĐỀN
THỜ THÂN XÁC VÀ TÂM HỒN THẾ NÀO ? :
- Tin Mừng CN hôm nay ghi nhận việc Đức Giê-su thanh tẩy
đền thờ Giê-ru-sa-lem. Người cũng muốn chúng ta tiếp tục công việc của Người là
giữ gìn thân xác ta là đền thờ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần
luôn thanh tẩy tâm hồn và thân xác xứng đáng được Chúa ngự trị.
Hãy kính trọng thân xác của mình và của tha nhân.
Hãy tu sửa các đền thờ thân xác chúng ta và tha nhân đang
bị xuống cấp, bị xúc phạm.
Hãy sửa chữa đền thờ là thân xác ta đang bị bệnh tật, đói
khát và mang thương tích.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi tội thờ thần tài khi
coi trọng tiền bạc hơn Thiên Chúa.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi các đam mê dục vọng đang
làm ô uế đền thờ tâm hồn chúng ta.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi thói gian tham và cư
xử bất công với người dưới.
Cần thanh tầy tâm hồn chúng ta khỏi các thói hư, đặc biệt
thói kiêu căng ganh ghét và tự ái cao.
- Trong những ngày Mùa Chay này, mỗi tín hữu hãy năng tự
kiểm điểm để tìm ra những điều làm cho đền Thờ tâm hồn mình ra ô uế, rồi quyết
tâm tu sửa. Chúa Giê-su đã cho biết nguyên nhân làm cho người ta ra ô uế là từ
trong tâm hồn: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người,
ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái
làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,19-20). Trong Mùa Chay này, chúng ta cần tập
luyện các nhân đức đối lập với thói hư. Cụ thể cần tập hai nhân đức quan trọng
này là hiền lành và khiêm nhường để nên giống Đức Giê-su như Người đã dạy: “
Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
4. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ làm gì để học tập nhân đức hiền lành và khiêm nhương của Chúa Giê-su?
2) Giả như được tin Đức Giê-su sắp đến thăm viếng nhà bạn, thì bạn sẽ
làm gì để thanh tẩy tâm hồn xứng đáng đón rước Chúa?
5. LỜI CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin làm cho cánh cửa nhà thờ đủ rộng
để có thể đón tiếp mọi người cần đến tình thương của đồng loại. Nhưng cũng đủ
hẹp để ngăn chận các thói xấu như kiêu căng, ganh tị, bất hòa...
Xin làm cho ngưỡng cửa các nhà thờ đủ phẳng để những bước
chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối đi qua đây khỏi bị vấp ngã.
Xin làm cho các nhà thờ trở thành nhà cầu nguyện và thành
cổng dẫn đưa chúng con vào Nước Chúa. (Viết theo Flor McCarthy)
- “Lạy Chúa Giê-su. Tình yêu của con. Nếu Hội thánh được
ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể
thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là trái tim, một trái tim
bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội thánh hoạt động. Nếu trái tim
Hội thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo
sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giê-su. Cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của
con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội thánh: nơi trái tim Hội thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả. Vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con sẽ được thực hiện.”
(Theo lời cầu của thánh nữ Têrêxa)
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM