BƯỚC TIẾP MÙA CHAY THÁNH VỚI NIỀM VUI
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
(Ga 3,14-21)
“Mừng
vui lên, Giê-ru-sa-lem! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành! Các
bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa
chan” (Ca nhập lễ); “Tôi
vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào……”
(Tv 121,1). Lời ca nhập lễ, hay lời của Thánh vịnh gia dẫn chúng ta vào Chúa
nhật IV Mùa Chay, Chúa nhật Lætare - Mừng vui lên. Quả thật, phụng vụ của Giáo hội đang
từ màu tím chuyển sang màu hồng mời gọi chúng ta tận hưởng trước niềm vui Phục
Sinh.
Mừng vui lên, hỡi những
người trước kia ở trong sầu khổ vì
coi thường lời Chúa, bất trung, tội lỗi và nhạo báng các tiên tri nên
mất nước, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát phải đi lưu đầy, nay được trở về tái
thiết quê hương. Mừng
vui lên, vì Chúa dừng cơn thịnh nộ đổ xuống trên dân, nay được
thay bằng lòng từ bi và tha thứ, “Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh
truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ
Ba-tư tuyên bố: Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó,
và nó hãy tiến lên ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Những lời
trên diễn tả niềm vui thiêng thánh ngập tràn của Dân Chúa.
Sao không thể vui, không thể mừng được. Vì trước kia, dân
phạm tội khiến đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá
huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị đốt cháy. Nay họ “được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận
lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ”
(x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).
Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của Dân Chúa. Chúa luôn
muốn Dân Chúa sống vui và sống hạnh phúc. Một người ốm đau bệnh tật cả về tinh
thần lẫn thể xác sẽ sống không vui và sống hạnh phúc được. Cho dù tội lỗi có
thể làm cho họ xa Chúa, mất niềm tin và trông cậy vào Chúa. Tội có thể đẩy đưa
họ đến bờ sông Babylon đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ: “Lưỡi tôi dính vào cuốn họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi”
(Tv 136,6). Và món quà làm cho Dân Chúa thỏa mãn niềm vui là Thiên Chúa yêu
thương loài người đến nỗi “đã
ban Con Một Người” (Ga 3,16).
Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người, ban bố những
giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng là như nguồn tự do, để con
người cư xử khôn ngoan, sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi
tha nhân và cùng nhau thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa để vui
sống hạnh phúc.
Chúng ta ngày hôm nay thì sao? Chúng ta đang trên hành trình cùng với
Chúa Giêsu bước trong “hoang địa”. Ðây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe
tiếng Chúa và cũng để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở
phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Thập giá
Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa
Giêsu khẳng định: “Như
ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương
cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga
3,14-15).
Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong
sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3,
1-5). Nếu con rắn trong địa đàng xuất hiện lúc loài người đang ở đỉnh cao hạnh
phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người
tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập.
Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự
dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.
Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt
đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm
hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Và nếu con rắn trong địa đàng gieo sự chết vào thế giới
loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.
Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn
trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những
không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con
rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất
gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng
cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui
cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng.
Vì con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội,
nhân loại đáng được “Đấng
Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng
trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.
Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được
giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình
được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên
Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để
lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ”
(Ga 3,17).
Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống,
thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin
(x.Ga 3, 15). Hình bóng cũ thoáng qua đã được hoàn tất bằng thực tại mới sống
động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt
13, 8).
Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để
chuộc tội con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về
mình, phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể
hiện trên Thập giá.
Hãy để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đáp lại chúng ta
yêu mến Ngài, và như thế chúng ta bước tiếp hành trình Mùa Chay Thánh với niềm
vui. Chúng ta sẽ nhận lãnh niềm vui lớn lao tràn trề vào Lễ Vượt Qua sắp tới.
Chúa là niềm vui của chúng con, xin cho chúng con cảm
nghiệm được niềm vui ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho chúng con nhờ cái chết
và sự phục sinh của Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ