CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Sức mạnh của lòng Thương xót và Tình yêu Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Sb 36:14-16, 19-23;  Ep 2:4-10;  Ga 3:14-21)

        Sám hối là chủ đề lớn của mùa Chay.  Tuy nhiên bên cạnh việc ăn năn thống hối và thay đổi đời sống, Giáo Hội không bỏ qua một chủ đề cũng rất quan trọng, là hãy tin vào lòng nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa, vì Chúa Cha đã trao nộp Con Một là để biểu lộ lòng Thương xót và Tình yêu của Người hầu thay đổi số phận của nhân loại.  Các bài đọc hôm nay lần lượt trình bày sức mạnh biến đổi của lòng Thương xót và Tình yêu Thiên Chúa.  Trước hết trong phần kết thúc, tác giả sách Sử biên niên qua cái nhìn tổng quát của lịch sử dân Chúa đã đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa.  Trải qua bao thế hệ, dân Thiên Chúa thường bất trung với Người, nên họ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Người trong thời lưu đày.  Đối lại, Thiên Chúa đã biểu lộ lòng thương xót khi Người giải phóng họ, can thiệp để họ được hồi hương và tái thiết Đền Thờ (bài đọc 1).  Nhưng với thánh Phao-lô, ngài có lối trình bày đặc biệt về lòng Chúa thương xót.  Ngày xưa đối với dân Ít-ra-en, Thiên Chúa giải phóng họ khỏi kiếp lưu đày, còn trong thời Tân Ước, Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ Đức Giê-su Ki-tô (bài đọc 2).  Vượt trên những cách biểu lộ lòng thương xót nói trên, chính Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết cách tốt nhất Thiên Chúa biểu lộ tình yêu và lòng thương xót, đó là Người “đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (bài Tin Mừng).

 

        1.  Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót đối với dân Ít-ra-en khi Người giải phóng họ khỏi kiếp lưu đày.  Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tuyển chọn Ít-ra-en giữa các dân tộc địa cầu và lập giao ước với họ để họ trở thành “dân riêng” của Người.  Thiên Chúa ban cho họ Lề Luật và các thánh chỉ để họ tuân giữ và sống theo đường lối thánh thiện của Người.  Người luôn bênh vực họ chống lại những dân muốn xâm chiếm và đàn áp họ.  Tuy nhiên chính lịch sử Ít-ra-en lại cho thấy họ là “dân cứng đầu cứng cổ”, luôn bất trung với Thiên Chúa hơn là ngoan ngoãn phụng thờ Người.  Phần kết thúc sách Sử biên niên đã tóm tắt lịch sử bất trung bất nghĩa ấy qua sự kiện Ít-ra-en phạm tội chống lại Thiên Chúa.  Trước hết là sự kiện Ít-ra-en “học thói ghê tởm của dân ngoại và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế”.  Đối mặt với sự kiện đáng buồn ấy, sau này chính Chúa Giê-su đã phải kết dây làm roi đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ.  Trong thời Cựu Ước, nhiều vua quan đã đưa việc thờ phượng các thần dân ngoại vào để thay thế vị trí của Thiên Chúa.  Tiếp đến, ngay các thủ lãnh tư tế và dân chúng cũng “học thói ghê tởm” của dân ngoại, những kẻ thờ ngẫu tượng, biến Thiên Chúa thành một ông thần “có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe”.  Nhà Đức Chúa không những ra ô uế thời Chúa Giê-su, mà trước đó đã từng bị biến thành nơi thờ thần Ba-an và các thần ngoại do các bà hoàng hậu ngoại giáo đem vào.  Sự kiện thứ hai chứng tỏ Ít-ra-en chống lại Thiên Chúa, đó là họ đã không nghe lời “các sứ giả của Người”, các vị ngôn sứ Người sai đến để cảnh cáo họ về sự bất trung.  Thiên Chúa đã phải than thở qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng:  “Từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Ai-cập tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng;  nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra cứng đầu cứng cổ”(Gr 7:25).  Vậy hậu quả của sự bất trung này là gì?  Sách Sử biên niên đan cử biến cố quân Can-đê đốt Đền Thờ, triệt hạ tường thành, phá hủy Giê-ru-sa-lem, giết dân chúng và bắt những kẻ sống sót đưa về Ba-by-lon làm nô lệ, tất cả những tình trạng này được coi như là “sự trừng phạt” của Thiên Chúa cho sự bất trung của Ít-ra-en.  Tuy nhiên Thiên Chúa là Đấng được mô tả như “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương cả một đời!”  Cho nên lòng thương xót và tình yêu Thiên Chúa lại thực hiện một việc ngoài sức tưởng tượng của người đời, là Chúa dùng chính kẻ thù của Ít-ra-en để giải phóng Ít-ra-en.  Thiên Chúa đã “tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba tư”, để ông truyền lệnh cho dân Ít-ra-en được trở về quê cha đất tổ.  Hơn thế nữa, nhà vua còn khẳng định ông được Thiên Chúa trao cho trách nhiệm phải tích cực giúp đỡ dân Ít-ra-en tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.  Phép mầu và sức mạnh tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa quả thực không trí nào hiểu nổi!

        2.  Thiên Chúa biểu lộ tình yêu và lòng thương xót của Người nơi Đức Ki-tô.  Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt là nhiều Thánh vịnh, đã ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tuy Tân Ước cũng nói nhiều về lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng thánh Phao-lô là người đã có những suy tư rất sâu xa về đề tài này.  Hôm nay trong đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, ngài trình bày cách thức Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót chúng ta qua Đức Ki-tô.  Trước hết ngài gọi Thiên Chúa là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta”. Để diễn tả cái “giàu” đó, Phao-lô lấy Đức Ki-tô làm đơn vị đo lường!  Theo ngài, Đức Ki-tô là Ân Sủng, tựa như thánh Gio-an tông đồ gọi Đức Ki-tô là sự “sung mãn” của ân sủng.  Rồi Phao-lô khẳng định:  “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ”, hoặc nói cho rõ ràng là “Chính do Đức Ki-tô mà anh em được cứu độ”.  Vậy Thiên Chúa biểu lộ ân sủng nghĩa là Người biểu lộ lòng thương xót và tình yêu.  Rồi cách Người biểu lộ là biểu lộ “trong Đức Ki-tô Giê-su”.  Như vậy, khi Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” cũng là chính Thiên Chúa chạnh lòng thương.  Phao-lô còn nói lên tính dồi dào phong phú của lòng Chúa thương xót khi ngài nói về mục đích Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót, là “để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người”.  Đúng vậy, nếu lòng Chúa thương xót không dồi dào phong phú thì làm sao đủ để tỏ ra cho các thế hệ mai sau?  Bao lâu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa còn cần thiết cho tổ tiên chúng ta, cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau đến ngày tận thế, thì vai trò cứu độ hoặc chứa đựng lòng thương xót dồi dào của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô vẫn phải duy trì.  Hơn thế nữa, đó không chỉ là vai trò của riêng Đức Ki-tô, mà chính chúng ta cũng được mời gọi góp phần “thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” nữa!

        3.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”.  Chúng ta có thể nói khi tình yêu đi đến mức độ hành động thì nó được gọi là lòng thương xót.  Người mẹ nào yêu con mà chẳng hơn một lần cảm thấy xót xa lúc trông thấy con mình ngã đau, khóc lóc vì bệnh tật… Thấy nhân loại bị khốn khổ (miser) và mất đi do tội lỗi, Thiên Chúa trong lòng (cor) đã xót xa đau đớn tận cùng.  Đấy là lòng thương xót (misericordia).  Vì toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước nhằm nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại qua kế hoạch cứu độ, nên khẳng định của thánh Gio-an rằng Thiên Chúa yêu thương và thương xót chúng ta đến nỗi ban Con Một được coi như tóm tắt toàn bộ Kinh Thánh.  Theo cùng một tư tưởng của thánh Gio-an, thánh Phao-lô còn nói mạnh hơn:  “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”.  “Ban Con Một” đã làm chúng ta thấy thấm thía tình yêu của Thiên Chúa rồi.  Nhưng “trao nộp Con Một” nghe có vẻ còn phũ phàng và nồng nhiệt hơn!  Mà thôi, cả hai đều là cách diễn tả đường lối yêu thương của Thiên Chúa đấy.

        Thiên Chúa yêu thương và thương xót chúng ta mạnh mẽ như vậy, nhưng Người đòi hỏi chúng ta đáp lại thế nào?  Điều Người đòi hỏi thật là giản dị, được diễn tả bằng một lời thôi, đó là tin.  Thiên Chúa ban Con Một không phải để chúng ta ngưỡng mộ Chúa Ki-tô như một người giảng hay, làm những phép lạ lớn lao.  Ngưỡng mộ chỉ là tình cảm chóng qua, hời hợt.  Nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta hãy tin vào người Con Một ấy.  Tin người Con Một ấy cũng là tin vào chính Thiên Chúa.  Mà tin là gì?  Tin không phải đơn thuần là hành vi của lý trí, nhưng chủ yếu là hành vi của con tim, của lòng mến.  Nói khác đi, tin Con Một Thiên Chúa là thiết lập mối tương quan yêu thương cá nhân giữa chúng ta với Người.  Hoặc như các môn đệ Chúa, tin là đi theo Chúa, học với Người, chia sẻ sứ mệnh với Người, đồng lao cộng tác với Người trong nỗ lực xây dựng Triều Đại Thiên Chúa.  Vậy con đường tin Con Một Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta đi tới đâu?  Tới sự sống đời đời, cùng đích của chúng ta.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta tin tưởng vào một chân lý đã được Chúa mặc khải qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?  Đây là lời chứng nói rằng Chúa hứa luôn yêu thương và thương xót chúng ta.  Do đó chúng ta tin vào lời chứng ấy.  Hơn nữa, người chứng còn mạnh mẽ hơn cả lời chứng.  Mà người chứng ấy là ai?  Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến rao giảng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhất là Người đã bằng lòng lấy cái chết trên thập giá để làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Cha Người.  Tin vào Người Chứng Giê-su Ki-tô, chúng ta mới dứt khoát rũ bỏ lối sống cũ tội lỗi để mạnh dạn trở về nhà Cha dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.  Đặc biệt Chúa Nhật IV mùa Chay được gọi là Chúa Nhật “Hãy vui lên” đầy khích lệ đối với chúng ta.  Chúng ta vui vì được Chúa Cha yêu thương, được Chúa Ki-tô cứu độ và Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong đời sống làm con cái tự do của Thiên Chúa. Vậy ta hãy vui lên, vì ngày vinh thắng Phục Sinh sắp tới rồi!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B