CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY B
2 Sb 36,14-16.19-23 ; Ep 2,4-10 ; Ga 3,14-21
PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN THA THỨ TỘI LỖI ?
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 3,14-21
(14) Khi ấy Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng:
Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải
được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn
đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào
Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả
vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án
thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.
(18) Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án ; Nhưng kẻ không tin,
thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa.
(19) Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã
chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. (20) Quả
thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,
để các việc họ làm khỏi bị chê trách. (21) Nhưng kẻ sống theo sự
thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của
người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.
2. Ý CHÍNH:
Khi nói chuyện với ông
Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương cứu độ của Thiên
Chúa như sau:
Để cứu chuộc thế gian đang sống
trong bóng tối sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một giáng trần làm
Đấng Thiên Sai. Nhờ chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để
đền tội thay và giao hòa loài người với Thiên Chúa.
Từ đây, những ai muốn được ơn
cứu độ phải có mấy điều kiện sau: Một là phải được tái sinh bởi
Nước và Thánh Thần. Hai là phải tin Đức Giê-su, Đấng đã chịu chết
trên thập giá để đền tội thay, mà con rắn đồng thời Xuất Hành là
hình bóng. Ba là phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 14-15: +
Ni-cô-đê-mô: Một người vị vọng trong dân Do Thái, là thành viên của Công Nghị
tại Giê-ru-sa-lem. Ông muốn tìm hiểu về con người và giáo lý của Đức
Giê-su, nhưng còn với thái độ dè dặt. Sau này ông đã can đảm bênh vực
Đức Giê-su trong Công Nghị (x. Ga 7,50-52; 12,32). Và khi an táng Người,
ông đã can đảm gia nhập vào hàng ngũ các môn đệ của Đức Giê-su (x.
Ga19,39). + Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc: Khi được cứu
thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, dân Do Thái thay vì biết ơn
Chúa và Mô-sê, họ lại kêu ca trách móc khi phải chịu chút kham khổ.
Họ thà quay lại làm nô lệ cho dân Ai-Cập, miễn là hằng ngày được
ngồi bên nồi thịt và được ăn uống no nê, còn hơn được tự do mà bị
đói khát thiếu thốn giữa nơi sa mạc hoang vu. Chúa đã trừng phạt họ
về thái độ vô ơn bạc nghĩa ấy. Họ bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều
người. Bấy giờ họ mới hồi tâm sám hối và xin ông Mô-sê chuyển cầu Đức
Chúa tha tội. Đức Chúa đã tha và truyền phải đúc tượng một con rắn
bằng đồng, treo lên cây cột, để ai bị rắn cắn mà tin vào tình thương
tha thứ của Đức Chúa nhìn lên con rắn đồng này, thì sẽ được cứu sống
(x. Ds 21,8-9). + Con Người: là một hình ảnh được ngôn sứ Đa-ni-en nhìn
thấy trong giấc chiêm bao. Con Người nói đây là một nhân vật được Đức
Chúa tuyển chọn và trao sứ mệnh cai trị muôn dân trong sự công minh
chính trực (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su nhiều lần đã tự xưng là Con Người
với ý nghĩa này (x. Mt 8,20; 12,32). + Cũng sẽ được giương cao như vậy, để
ai tin vào Người thì được sống muôn đời: Đức Giê-su đã tiên
báo Người sẽ được nâng lên khỏi mặt đất, hay bị treo trên cây thập
giá, giống như con rắn đồng thời Mô-sê xưa, để giao hòa tội nhân với
Đức Chúa và nên dấu chỉ ơn cứu độ cho loài người. Người cũng được
nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là được tôn vinh trong
Thiên Chúa (x. Ga 3,13; 6,62), để kéo mọi tín hữu lên trời hưởng hạnh
phúc với Người (x. Ga 8,28; 12,32-34).
- C 16-18: + Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một: Thánh Gio-an đã khẳng định
nhiều lần: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Người thể hiện tình
yêu qua việc ban Con Một yêu dấu cho thế gian. Thế gian chính là mọi
loài thụ tạo, đặc biệt là loài người. Sự ban tặng này, gợi lên
hình ảnh tổ phụ Áp-ra-ham xưa đã vâng lời Đức Chúa, đem hiến dâng con
trai độc nhất là I-sa-ác để làm của lễ toàn thiêu tiến dâng Đức
Chúa (St 22,2-13). + Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời: Điều kiện để được ơn cứu độ là phải tin vào
Đức Giê-su - Con Một Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ cho loài người.
Ơn cứu độ là ơn tha thứ mọi tội lỗi, xóa bỏ hình phạt đáng chịu
vì tội, và saư này được sống lại trong ngày tận thế để được hưởng
hạnh phúc muôn đời trong Nước Trời với Chúa. + Ai tin vào Con của Người
thì không bị lên án: Tin ở đây là chấp nhận Đức Giê-su là
Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Tin cũng là vâng nghe lời Người mời gọi,
là từ bỏ mọi sự mà vác thập giá bước theo chân Người. Tin đòi ta
phải kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su để sống tình yêu thương đối
với tha nhân, giống như cành nho chỉ phát sinh hoa trái nếu được tháp
nhập vào thân cây nho và hút được nhựa sống từ thân cây chuyển sang
cho (x. Ga 15,4). NÓI CÁCH KHÁC: Tin là sống trong ơn nghĩa với Thiên
Chúa. Những ai đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su như vậy thì không bị
kết án nữa vì họ đã được Người chịu chết đền tội thay cho rồi. + Ai
không tin thì đã bị luận phạt rồi vì không tin vào Danh Con Một Thiên
Chúa: Không tin là từ chối Chúa, là không sống trong ơn nghĩa
với Chúa. Đây là những kẻ thù ghét Đức Giê-su và chống lại Hội
Thánh của Người. Vì kẻ không tin không được dự phần vào ơn cứu độ
của Đức Giê-su, nên tội và án phạt của họ vẫn còn đó. Vì không
tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, nên họ sẽ không được cứu độ nhờ Danh
Người (x. Pl 2,9-11). Như vậy, những kẻ không tin đã tự loại mình ra
khỏi Ơn Cứu Độ của Đức Giê-su
- C 19-21: + Ánh
sáng đã đến thế gian: Đức Giê-su là “Vầng Đông soi sáng” (x. Lc 1,78-79 ;
2,32) là “ánh sáng đích thực” đã đến thế gian và chiếu soi mọi
người (x Ga1,9). Người đã tự ví mình là “Ánh Sáng thế gian” để ai
theo Người thì sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự
sống đời đời (x. 9,5). Những ai tin vào Danh Người thì không phải chết
và không bao giờ bị hư mất (Ga 12,46). + Người ta thích bóng tối hơn ánh sáng
vì các việc họ làm đều xấu xa: Thánh Phao-lô giải thích lý
do người ta thích bóng tối hơn ánh sáng là do tội bất phục tùng của
nguyên tổ A-đam nên tội lỗi đã nhập vào thế gian, và tội là nguyên
nhân dẫn đến sự chết (x. Rm 5,12). Tội nguyên tổ làm cho con người dễ
chiều theo bóng tối hơn ánh sáng. Thánh Phao-lô cũng thú nhận như sau:
“Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”
(Rm 7,18-19). + Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh
sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách: Bóng tối và
ánh sáng luôn xung khắc nhau. Ánh sáng đi đến đâu thì sẽ xua tan bóng
tối. Người đời thường ưa thích bóng tối là các đam mê tội lỗi hơn
là ánh sáng của sự khiêm hạ phục vụ tha nhân. Họ không chấp nhận
ánh sáng là Đức Giê-su và còn xuyên tạc các việc tốt Người làm (x.
Mt 9,33-34). Họ rình để bắt lỗi từng lời nói việc làm của Người để
tố cáo Người (x. Mc 3,2). Cụ thể là phái Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, đã
liên minh với nhau để tìm cách triệt hạ Người (x. Mc 3,6). + Kẻ
sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các
việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa: Những ai
ăn ở lương thiện và công minh chính trực, thì tìm thấy chân lý và
sẵn sàng đi theo ánh sáng là Đức Giê-su. Nhờ đó họ sẽ làm được
nhiều việc tốt theo thánh ý Thiên Chúa.
4. CÂU HỎI: 1) Hãy cho biết đức tin vào Đức Giê-su
của ông Ni-cô-đê-mô diễn tiến thế nào? 2) Con rắn trong sa mạc thời
Cựu Ước, liên quan thế nào với việc Đức Giê-su chịu chết trên thánh
giá thời Tân Ước sau này? 3) Ngày nay muốn được hưởng ơn cứu độ do
Đức Giê-su thiết lập, các tín hữu cần những điều kiện nào? 4) Tin
vào Con Thiên Chúa cụ thể đòi chúng ta phải làm gì? Tin như vậy ta
sẽ được lợi ích nào? 5) Hình phạt dành cho những kẻ cố chấp không
tin vào Đức Giê-su ra sao? 6) Đức Giê-su đã mặc khải Người là ánh
sáng thế nào? Tại sao người đời lại thích bóng tối hơn ánh sáng do
Đức Giê-su mang lại? 7) Ai đi theo ánh sáng của Đức Giê-su thì sẽ được
những ơn gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì
khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
2. CÂU CHUYỆN:
1. CỘT TRỤ BIỂU TƯỢNG TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ:
Các du khách có dịp viếng thăm nhà
thờ chính tòa Gen-gi-ba bên Phi Châu, sẽ nhìn thấy lời chào đón ghi trên cửa
nhà thờ: “Bạn đang đứng trong ngôi nhà của Đức Ki-tô”.
Ngôi nhà thờ này đã được xây dựng
ngay trên mảnh đất trước kia buôn bán những người nô lệ da đen giống như buôn
bán súc vật. Đặc biệt bàn thờ được đặt trên một tảng đá là nơi các người nô lệ
bị đánh đòn để kiểm tra về sức khỏe của họ.
Cây thánh giá bằng vàng được treo
trên một chiếc cột trụ có khắc tên bác sĩ Livdy Stone, một người Anh đã từng
lên tiếng chống lại tệ nạn buôn bán nô lệ. Trên cột trụ này bác sĩ thường đứng để cổ vũ giải phóng nô lệ. Mãi
đến ngày 16.6.1873 việc buôn bán nô lệ tại Phi châu mới bị ngăn cấm do một đạo
luật được ban hành. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn
nhận.
Chiếc cột trụ đã trở nên dấu chỉ,
gợi nhớ đến những hy sinh gian khổ và cả cái chết để giải phóng những người nô
lệ da đen và giúp họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối lại thù hận là tình
yêu thương chân thật. Đối lại bóc lột là tự do bình đẳng. Đối lại chiến tranh
là hòa giải tha thứ.
Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta
về tình thương của Thiên Chúa. Thời Xuất Hành, Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê
đúc một con rắn bằng đồng, treo lên một cây cột trong hoang địa, để những ai bị
rắn cắn nhìn lên rắn đồng biểu tượng tình thương cứu độ thì sẽ được chữa lành.
2. THÁNH GIÁ CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG:
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có
một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giê-su vẫn còn đóng
vào thập giá, nhưng cánh tay mặt thì đã rời ra và giơ lên phía trước trong tư
thế như đang ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc
của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị
linh mục đang ngồi tòa ở dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải
tội cho một tội nhân phạm tội nặng, vị linh mục đã ra việc đền tội nặng và ngăm
đe đủ điều. Nhưng bản tính khó chừa, chẳng bao lâu sau ông ta lại phạm tội và
đến xưng tội. Lần này sau khi giải tội, vị linh mục nói với ông ta: "Đây
là lần cuối cùng tôi xá giải tội này cho anh!"
Nhiều tháng trôi qua, một hôm tội
nhân lại đến quỳ tại tòa giải tội dưới cây thánh giá để xin ơn tha thứ. Nhưng
lần này, vị linh mục dứt khoát: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể
ban phép giải tội cho anh được nữa!". Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục
vừa khước từ ban ơn tha tội, thì nghe thấy có tiếng thì thầm từ cây thánh giá
phía trên. Ngước nhìn lên ông thấy cánh tay phải của Chúa Giê-su đã bung ra
khỏi thánh giá và đang ban phép lành cho hối nhân. Rồi vị linh mục lại nghe
thấy tiếng Chúa phán với ông như sau: "Chính Ta là người đã đổ máu ra cho
tội nhân này chứ không phải ngươi".
Từ đó, bàn tay của Chúa Giê-su luôn
trong tư thế ban phép lành, để mời gọi mọi người hãy đến xin ơn tha thứ. Du
khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa đang
nhìn mình và nói: "Ta không kết án con đâu. Hãy về bình an và từ nay đừng
phạm tội nữa" (Ga 8,11).
3. CHẾT VÌ NGƯỜI YÊU MỚI LÀ TÌNH YÊU TỘT ĐỈNH:
Thời xưa, khi trái đất còn hoang sơ,
có một con thỏ tên là PÔ-LI-XA. Thỏ Pô-li-xa rất thương người, ai xin gì nó
cũng cho và không từ chối một người nào. Một hôm có một cụ già lom khom chống
gậy tới gần nói rằng:
- Già đang bị đói lắm, suốt mùa nước
lũ vừa qua, già không có gì ăn cả. Chắc già sắp chết đến nơi rồi. Giờ đây già
chỉ thèm ăn một miếng thịt thỏ, vậy Pô-li-xa có cho già được không?
Thỏ Pô-li-xa nhìn ông già hom hem
yếu đuối tội nghiệp quá, liền bảo ông rằng:
- Được rồi, ông chờ cháu một lát.
Nói xong nó chạy kiếm củi xếp thành
đống, nhóm lửa và nói:
- Ông chờ thịt cháu chín, rồi hãy
lấy ra mà ăn.
Sau đó thỏ nhảy vào đống lửa. Bấy
giờ đống lửa đang cháy to tự nhiên bị tắt ngúm và ông lão cũng biến mất. Thì ra
đó là một vị thần, được Thượng đế phái tới để thử lòng tốt của thỏ Pô-li-xa. Về
sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pô-li-xa được sống vui vẻ hạnh phúc
mãi mãi trên mặt trăng.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn đề
cao những ai có lòng nhân ái, sẵn sàng hy sinh chết cho người khác như Tin Mừng
hôm nay đã viết: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình" (Ga 15,13).
4. TÌNH NGƯỜI ĐEN BẠC:
Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu
sang và cũng có lòng đại lượng. Vua sẵn sàng ban phát vàng bạc châu báu cho
những ai làm cho vua hài lòng. Thế là các nịnh thần mọc lên như nấm trong hoàng
cung.
Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua
cha ban cho ngai vàng nối ngôi. Các quan trong triều thì xu nịnh để mong được
thăng quan tiến chức... Mở miệng ra là họ xưng mình là bề tôi hết dạ trung
thành, sẵn sàng chịu chết vì đức vua.
Nhà vua đã tin vào những lời nịnh
hót đó và đã ban cho họ rất nhiều vàng bạc châu báu khiến ngân khố triều đình
bị trống rỗng.
Trong triều chỉ có ông quan ngự y là
người duy nhất trung thực. Ông đã nhiều lần thuyết phục nhà vua đừng tin những
lời đường mật của lũ bầy tôi xu nịnh, nhưng vua đều bỏ ngoài tai.
Ngày nọ, nhà vua bất ngờ lâm trọng
bệnh, tính mạng chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y cho biết bệnh của vua chỉ
có thể được chữa lành nếu ăn được trái tim của một hoàng tử có lòng yêu thương
vua cha nhất. Nghe tin nầy, các hoàng tử trong hoàng cung đều trốn biệt!
Không thể kiếm được trái tim của
hoàng tử, nhà vua hỏi ý kiến quan ngự y xem có thể dùng tim một người khác được
không? Quan ngự y trả lời ít ra phải là trái tim của một quan lớn mới được.
Nghe tin đó, các quan lớn quan nhỏ trong triều lần lượt trốn biệt.
Túng quá, thôi thì có thể dùng tạm
trái tim của công chúa, thê thiếp, thị vệ cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa,
thê thiếp và lính hầu… cũng không còn thấy ai lai vãng trong cung điện nữa.
Cung điện thường ngày lúc nào cũng tấp nập, giờ trở nên vắng lặng như bãi tha
ma!
Sau cùng nhà vua đã đột nhiên khỏi
bệnh và đã thấu hiểu tình người đen bạc.
Thực ra chính quan ngự y đã dựng lên
màn kịch nầy để thử lòng trung thành của mọi người chung quanh nhà vua!
Đời là thế! Ai cũng có thể nói yêu
thương, nhưng không ai dám chết thay cho người mình yêu. Nhưng vẫn có một người
đã dám hy sinh tính mạng cho những kẻ phản bội mình là Chúa Giê-su.
3. SUY NIỆM:
1) Thiên Chúa yêu thế gian đã sai Con Một cứu độ:
Từ lâu, hình ảnh một con rắn
cuộn tròn quanh một cây gậy đã được ngành y dược thế giới chọn làm
biểu tượng của khoa chữa bệnh cho con người. Hình ảnh ấy xem ra cũng
giống như con rắn bằng đồng thời Mô-sê, được treo trên cây cột để chữa
lành những ai bị rắn cắn khỏi bị chết. Tuy nhiên chỉ có Đức Giê-su thời
Tân Ước, đã chịu chết treo trên thập giá, mới thật là linh dược chữa
lành mọi bệnh hoạn thể xác và linh hồn của chúng ta.
Nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô,
Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương cứu độ của Thiên Chúa như sau:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
2) Sám hối tội lỗi là điều kiện để được ơn Chúa cứu độ:
Những ai muốn được hưởng ơn cứu
độ của Chúa Giê-su cần có đủ mấy điều kiện sau:
- Một là phải khiêm tốn nhận mình
là tội nhân để hồi tâm sám hối và chịu phép rửa tội để được ơn tái sinh làm
con Thiên Chúa bởi nước và Thánh Thần.
- Hai là phải tin Chúa Giê-su,
Đấng đã chịu chết trên thập giá đền tội thay cho loài người, mà con
rắn đồng thời Xuất Hành là hình bóng về cái chết của Người.
- Ba là phải “bỏ mình, vác thập
giá mình hằng ngày để đi con đường hẹp và leo dốc của Người”.
Lòng tin yêu và sám hối của người
trộm lành cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su chính là gương mẫu cho sự hồi tâm
sám hối của mỗi tín hữu chúng ta hôm nay.
3) Phải đi theo con đường thập giá của Chúa Giê-su:
Khi bị mắc bệnh nan y, nếu muốn
khỏi bệnh, bệnh nhân phải đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và uống
thuốc theo toa bác sĩ để điều trị bệnh. Bệnh nhân chỉ được khỏi bệnh
nếu tin vào thầy thuốc và uống thuốc theo đúng liều lượng được chỉ dẫn. Rồi
còn phải nghe lời bác sĩ để tránh các nguyên nhân gây bệnh về sau.
Cũng vậy, khi phạm tội mà muốn
khỏi bị chết, tội nhân cần tin nhận Đức Giê-su, đi theo con đường “qua đau
khổ vào vinh quang” của Người, năng nhìn lên Chúa đã bị chết treo trên thập giá
để xin Người tha tội như anh trộm lành (x. Lc 23,40-43). Chắc chắn chúng ta
cũng sẽ nhận được ơn tha tội và được vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng đời sau
như Đức Giê-su đã hứa ban cho anh trộm lành có lòng ăn năn sám hối: “Tôi bảo
thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
4) Làm gì để
loại trừ được thói hư và nhận được ơn tha tội?:
- Mùa chay mời gọi chúng ta nhìn lại để biết mình đang
sống trong ánh sáng hay bóng tối sự chết? Chúng ta hãy đến bệnh viện của Chúa
Giê-su là Hội Thánh để kiểm tra sức khỏe tâm hồn, để được Chúa chữa lành bệnh tật và tập các nhân đức đối
lập với các thói hư như kinh Cải Tội Bảy Mối có Bảy Đức đã dạy.
- Một tác giả vô danh đã kể về cuộc kiểm tra sức khỏe tâm
linh của ông ta nơi bệnh viện của Chúa Giê-su mà nhờ đó ông đã được Chúa chữa
lành như sau:
. Đầu tiên khi đo huyết áp cho tôi, bác sĩ Giê-su cho
biết tôi bị bệnh thiếu máu Đức Tin và Đức Ái. Và khi cặp độ, nhiệt kế báo hiệu
tôi bị sốt Ích Kỷ tới 40 độ C cần cấp thời được điều trị.
. Ðiện tâm đồ chỉ ra rằng trái tim của tôi thiếu
những rung động Tình Thương, tôi bị chứng huyết áp cao do mạch máu tắc
nghẽn do lớp cholesterone Ganh Ghét và có nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.
. Tới khoa xương khớp, tôi đã tìm ra nguyên nhân tại sao
chân tay của tôi thường bị đau nhức và đi đứng khó khăn, là do Mỡ Tự
Mãn trong máu lên khá cao và chất đạm Axit Uric do ăn uống thiếu điều
độ cũng tăng gấp đôi mức an toàn, nên bị cục Gút ở mắt cá chân, rất khó
đi lại bình thường. Cũng vì thế mà tôi không thể “Đi Bước Trước” mỉm cười bắt tay
thân thiện với người mới gặp hay khó lòng làm hòa với bà mẹ chồng khó tính
thường la rầy và phê phán tôi với mấy người hàng xóm.
. Chứng cận thị Tham Lam làm mờ mắt khiến tôi đánh giá tha nhân qua sự vật bề ngoài như nhà
cửa, xe cộ, quần áo… thay vì nhìn vào bản chất và động cơ ẩn giấu trong tâm hồn
họ.
. Do quen nghe những tiếng ồn ào của quán nhạc Ka-ra-ô-kê
nên một bên tai tôi đã bị Ðiếc Nặng, không còn nghe được hoặc không
còn muốn nghe những lời tâm sự của những người bất hạnh.
. Tôi đã được bác sĩ Giê-su tận tình khám bệnh miễn phí với Lòng
Thương Xót. Người đã cho tôi một toa thuốc gồm hai loại đặc trị là Lời
Chúa và Thánh Thể, đồng thời khuyên tôi thực hành vật lý trị liệu là Thao
Luyện Tâm Linh và thực hành Bác Ái đi thăm viếng tha nhân.
- Tôi quyết tâm trong Mùa Chay này sẽ chữa bệnh theo toa
thuốc của Chúa như sau:
. Mỗi sáng khi vừa thức dậy, tôi sẽ dùng ngay một
ly nước Tạ Ơn Chúa. Trong bữa
sáng, tôi uống thêm một thìa Nụ Cười Thân Thiện và Chào Hỏi người tôi gặp gỡ.
. Ở cơ quan làm việc, lợi dụng các giờ nghỉ giữa giờ, tôi
làm các động tác vật lý trị liệu là Nghĩ Đến Người Khác và Đáp Ứng Nhu Cầu
của họ. Trong bữa trưa, tôi không quên uống thêm viên thuốc Nhẫn
Nại Chịu Đựng. Buổi tối về nhà, tôi sẽ dành thời gian vận động tay chân
bằng cách giúp người thân làm các việc nhà để biểu lộ Tình Thương Cụ Thể.
Rồi trước khi đi ngủ, tôi uống thêm thuốc Sám Hối Tạ Ơn Chúa và Cậy Trông Phó Thác
vào Chúa quan phòng.
4. THẢO LUẬN: 1) Phân biệt
Tội nặng nhẹ về giống tội, về mức độ phạm và về hình phạt? 2) Có
khi nào người ta chỉ phạm bằng lời nói mà vẫn có tội nặng không? 3)
Khi ý thức mình đã phạm tội nặng, chúng ta cần làm gì noi gương người
phụ nữ tội lỗi (x Lc 7,47) gương tông đồ Phê-rô (x Lc 22,61-62), để sớm nhận
được ơn giao hòa với Chúa?
5) NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã yêu
thương chúng con đến cùng, nên đã ban Lời Chúa và dạy chúng con phải
ăn ở thế nào để nên con thảo của Chúa Cha, và nên anh chị em của mọi
người. Chúa cũng ban bí tích Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng đức
tin trong cuộc hành trình về Nhà Cha trên trời. Chúa còn ban chính mạng
sống mình, chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng con.
Mỗi lần lỡ sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết tin thác vào tình
thương của Chúa và nhìn lên Thánh giá, để xin ơn tha thứ. Trong những
ngày Mùa Chay này, xin Chúa giúp chúng con năng suy niệm chặng đàng
Thánh giá, chăm chỉ đến nhà thờ suy ngắm mười lăm sự thương khó, tham
dự các buổi tĩnh tâm Mùa Chay để cảm nghiệm được tình Chúa yêu
thương và quyết tâm chừa cải các thói hư. Nhờ đó, hy vọng chúng con
sẽ được biến đổi nên người mới, thành con yêu của Chúa Cha, nên môn đệ thực
sự của Chúa và nhiệt tình làm việc tông đồ để xứng đáng được ơn cứu độ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM