CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Thiên Chúa thiết lập Giao Ước Mới
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 31:31-34; Dt 5:7-9;
Ga 12:20-33)
Chúng ta
tưởng niệm Mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su trong hai tuần nữa. Những mầu nhiệm này nói lên kế hoạch của Thiên
Chúa là thiết lập một Giao Ước Mới, để theo giao ước này, Chúa Giê-su sẽ chuộc
lại tội lỗi nhân loại và đưa chúng ta vào cuộc sống mới. Chính vì thế, Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm
việc thiết lập Giao Ước này để chúng ta chuẩn bị những tâm tình thích hợp mà mừng
mầu nhiệm Phục Sinh. Trước hết, qua lời
ngôn sứ Giê-rê-mi-a, chúng ta nghe Thiên Chúa hứa thiết lập Giao Ước Mới và là
giao ước cuối cùng với nhân loại (bài đọc 1).
Để hiểu được giá trị vô song của Giáo Ước này, chúng ta hãy chiêm ngưỡng
tâm tình của chính Chúa Giê-su khi Người vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng để Chúa
Cha lấy Máu của Người đổ ra trên thập giá mà lập Giao Ước này. Tâm tình ấy được tác giả thư Do-thái diễn tả
rất tuyệt vời: Đức Ki-tô đã học biết thế
nào là vâng phục và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu (bài đọc 2). Nhưng tâm tình ấy còn được chính Chúa Giê-su
chia sẻ, khi Người ví mình như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi thì mới
sinh được nhiều hạt khác (bài Tin Mừng).
Những tâm tình của Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta sẵn sàng chết đi con người
cũ tội lỗi để được sống lại trong con người mới.
1. Thiên Chúa hứa thiết lập Giao Ước Mới. Chúng ta còn nhớ vào Chúa Nhật I mùa Chay, tức
bốn tuần trước, Giáo Hội đã trình bày Chúa Giê-su là dấu hiệu cao trọng nhất
nói lên giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Mặc dù Thiên Chúa đã dùng hết dấu hiệu này tới dấu hiệu khác để nhắc nhở
nhân loại về giao ước của Người, nhưng họ vẫn “hủy bỏ giao ước” của Chúa, làm
ngơ và tiếp tục bất trung với Người. Tuy
nhiên bản tính của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nên Người không nỡ
bỏ rơi nhân loại. Do đó Người có ý định
sẽ lập với họ một giao ước mới vĩnh cửu và có thể thắng luôn cả tính ngoan cố
và bất trung của họ nữa. Vậy Chúa hứa điều
gì khi lập giao ước mới này? Có lẽ điều
đầu tiên chúng ta nghe được nơi Thiên Chúa trước khi Người hứa lập giao ước mới,
đó là “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Đúng vậy, nếu Chúa cứ tiếp tục “nhớ đến” tội
lỗi của chúng ta thì Người không còn chọn lựa nào khác hơn là hủy diệt chúng
ta! Cho nên tha thứ tội lỗi cho chúng ta
là điều kiện cần thiết để Chúa tỏ lòng thương xót muốn cứu chúng ta chứ không
muốn hủy diệt. Thiên Chúa bảo: “Mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng”, nên Ta có
quyền hủy diệt chúng vì chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, nhưng nay vì lòng
thương xót, Ta tha thứ và không còn nhớ đến tội lỗi chúng nữa. Đó là về phía Thiên Chúa. Còn về phía con người, nếu biết mình được
Thiên Chúa tha thứ, con người mới được an tâm đón nhận giao ước đầy yêu thương
của Chúa. Sự an tâm này đã được Chúa
Giê-su nói đến khi Người quả quyết rằng:
“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế
gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). Rào cản đầu tiên đã được gỡ bỏ rồi! Nhưng đây là rào cản thứ hai ngăn Chúa lập
giao ước: là tính “hay quên” của con người! Không phải là bản tính hay quên, mà là chủ ý
hay quên! Vậy Chúa phá bỏ rào cản hay
quên này thế nào? Người bảo: Đừng lo, Ta đã có cách mà. Và đây là cách tuyệt vời của Thiên Chúa giúp
chúng ta luôn “nhớ đến” giao ước của Người.
Chúa đã không muốn “nhớ đến” tội lỗi chúng ta thì chúng ta phải luôn “nhớ
đến” giao ước của Người! Thiên Chúa quyết
định cách làm con người luôn nhớ: “Ta sẽ
ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta”. Ngày xưa, Lề Luật của Chúa được khắc trên những
bia đá mà dân Chúa vẫn làm ngơ, cố ý quên, thì nay Lề Luật ấy được ghi vào lòng
dạ và khắc vào tâm khảm chúng ta, thì làm sao chúng ta quên được. Như thế là để chúng ta hết đường chối cãi, hết
nại lý do vì tính hay quên. Điều vô cùng
thích thú ở đây là khi ghi khắc vào lòng dạ và tâm khảm chúng ta, Người không cần
để lại những luật lệ dài dòng tỉ mỉ, mà chỉ vắn tắt một điều thôi. Đó là:
“Hãy học cho biết Đức Chúa”. Vậy
thì biết gì về Đức Chúa? Đó là hết thảy
từ người nhỏ đến người lớn sẽ biết “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn
nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Qua lời
nhắn nhủ này, Thiên Chúa muốn bảo chúng ta rằng: Ta là Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương
xót; giao ước Ta thiết lập là do tự lòng
Ta và nó được lập trên nền tảng Tình Yêu là Con Một Nhập Thể của Ta.
2. Để trở thành Giao Ước Mới, Đức Ki-tô đã phải
học biết thế nào là vâng phục và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu. Khi thiết lập giao ước, Thiên Chúa đã dùng
chính Con Một làm tờ khế ước ký kết với chúng ta. Giao ước này không được viết bằng giấy trắng
mực đen, nhưng bằng cuộc sống và máu của người Con duy nhất của Thiên
Chúa. Đức Ki-tô là “Con Yêu Dấu” của
Chúa Cha, vậy mà giờ đây Chúa Cha đã phải “trao nộp” người Con ấy để giao hẹn với
nhân loại thì quả là một thiệt thòi vô biên đối với Chúa Cha. Còn về phần người Con là Đức Ki-tô, chính người
Con này cũng không dễ dàng chấp nhận ý tưởng điên rồ của người Cha, Đấng chẳng
“dung tha” cho Con Một Người! Vì thế,
người Con đã phải “trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Chúng ta đừng quên người Con này là Ngôi Lời
xuống thế làm người giống chúng ta mọi đàng và “cư ngụ” giữa chúng ta, cho nên
Người cũng sợ hãi phải chết trên thập giá.
Bài học vâng phục ấy Chúa Ki-tô vẫn phải tiếp tục khi Người thi hành sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng, đặc biệt trong giờ phút Người cầu nguyện trong Vườn Dầu,
thậm chí cả trên thập giá nữa. Lúc Chúa
Ki-tô trút hơi thở cuối cùng trên thập giá cũng là “khi chính bản thân (đức
vâng lời) đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất
cả những ai tùng phục Người”. Ở đây
chúng ta càng thấy thấm thía ý nghĩa lời thánh Phao-lô: “Thật vậy, cũng như vì một người
duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một
người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công
chính” (Rô-ma 5:19).
3. Hiệu lực của Giao Ước Mới: Như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi thế
nào, Chúa Ki-tô cũng phải chết trên thập giá như vậy. Chấp nhận trở thành tờ khế ước của Giao Ước Mới
có nghĩa là Chúa Giê-su đã chấp nhận cuộc Thương Khó và cái chết khổ nhục. Dịp cuối cùng trong đời khi lên Giê-ru-sa-em
dự lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su và các môn đệ không khỏi bồi hồi lo lắng. Trên đường đi, Chúa đã nói trước cho các ông
biết lần thứ ba về cuộc Thương Khó Người sắp phải chịu, cho nên các ông thấp thỏm
không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra cho Thầy mình và cho cả các ông nữa. Thái độ thấp thỏm này đã lộ rõ khi mấy người
Hy-lạp đến gặp ông Phi-líp-phê để nhờ ông xin Chúa Giê-su cho họ được gặp Người.
Phi-líp-phê không dám một mình đến gặp
Chúa, nên ông phải rủ cả ông An-rê cùng đi.
Sự hiện diện của nhóm người Hy-lạp, đại diện cho dân ngoại trong dịp mừng
lễ Vượt Qua càng làm cho Chúa Giê-su nghĩ đến biến cố Thương Khó sắp xảy đến
cho Người cùng với việc Phục Sinh vinh hiển.
Nhờ sự Phục Sinh mà vinh quang Chúa Cha cùng Chúa Con và Chúa Thánh Thần
được tôn vinh. Lời cầu xin của nhóm người
Hy-lạp để được gặp Chúa Giê-su khác nào là lời cầu xin của toàn thể nhân loại
đang chờ đợi ơn cứu độ của Đức Ki-tô. Do
đó Chúa Giê-su đã trả lời cho lời cầu xin của họ: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Chúng ta hiểu là Chúa Giê-su muốn nói: “Đã đến giờ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được
hoàn tất. Đã đến lúc hết những ai tin
vào Con Người được hường nhờ ơn cứu độ rồi!”
Chúa nói như vậy, bởi vì sắp đến lúc Người được giương cao (tôn vinh)
trên thập giá rồi được mai táng trong mồ, giống như hạt lúa gieo vào lòng đất sắp
chết đi để sinh được nhiều hạt khác.
Đúng vậy, Chúa Giê-su chính là hạt lúa được Chúa Cha từ trời gieo vào
lòng trái đất. Chúa Giê-su đã không khư
khư giữ lấy mạng sống mình ở đời này, nhưng Người sẵn sàng “hy sinh tính mạng
mình vì bạn hữu”, cho nên không những Người đã giữ lại được nó cho sự sống đời
đời, mà còn trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn người được sống đời đời nữa. Sau khi tuyên bố về con đường “thập giá” dẫn
đến sự sống đời đời, Chúa Giê-su đã kêu gọi chúng ta hãy bước theo Người trên
con đường phục vụ. Người đã đi trên con
đường thập giá để phục vụ Chúa Cha và nhân loại thế nào, chúng ta cũng hãy theo
Người mà bước đi như vậy.
Chúng ta
vừa nghe Chúa Giê-su nói về kế hoạch cứu độ diệu kỳ của Chúa Cha như thế, nhưng
ngay sau đó Người lại trở về với hiện tại để đương đầu với sự sợ hãi tự nhiên của
bản chất con người. Người tâm sự với môn
đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến!” Rồi lập tức, Chúa Giê-su cầu cứu với Cha Người: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này… Lạy Cha,
xin tôn vinh Danh Cha”. Ở đây, chúng ta
càng xác tín rằng Chúa Giê-su là người thật, với những cảm xúc mọi người chúng
ta đều có. Nhưng Người cũng biểu lộ một
đức tin vô cùng mạnh mẽ vào Thiên Chúa Cha.
Ai dám nói rằng Chúa Giê-su đã không “trải qua nhiều đau khổ mới học được
thế nào là vâng phục” (Dt 5:8)?
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Trong việc
Thiên Chúa thiết lập Giao Ước Mới với nhân loại, có nhiều điều gợi lên trong
tâm hồn chúng ta những tâm tình cảm tạ.
Một trong những điều ấy chính là gương mẫu của Chúa Giê-su khi Người
vâng phục Chúa Cha và quảng đại hy sinh mạng sống mình để chịu chết chuộc tội
loài người. Mục đích Chúa Giê-su sẵn
sàng chịu chết là để đem lại cho chúng ta sự sống mới trong tình yêu Chúa Cha
và ân sủng Chúa Thánh Thần. Đó cũng là ý
nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh áp dụng vào đời sống thiêng liêng của chúng ta. Thiên Chúa giao ước với mỗi người chúng ta rằng
nếu Người đã hy sinh Con Một để chúng ta được trở về làm con cái Người, thì
chúng ta cũng phải giữ những lời hứa khi được rửa tội, là cố gắng sống như những
người con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúa
Giê-su đã cố gắng học vâng phục để “chết” cho chúng ta thì chúng ta cũng phải cố
gắng học vâng phục để “sống” như những con cái tự do của Thiên Chúa vậy.
- Lm. Đa-minh
Trần đình Nhi