ĐÊM VỌNG PHỤC SINH B
Cv 10,34.37-43 ; Cl 3,1-4 ; Mc 16,1-8
CÙNG CHÚA CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT
I.
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 16,1-8.
(1) Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với
bà MA-RI-A mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác
Đức Giê-su. (2) Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời
hé mọc, các bà ra mộ. (3) Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra
khỏi cửa mộ giùm ta đây? (4) Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy
tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. (5) Vào trong
mộ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà
hoảng sợ. (6) Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà
tìm Đức Giê-su Na-da-ret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi
dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”. (7) Xin các
bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng: Người sẽ đến Ga-li-lê
trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói
với các ông. (8) Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy
bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ quá.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng tường thuật mầu nhiệm Phục Sinh của
Đức Giê-su đã được thiên thần loan báo trước tiên cho ba người phụ nữ
khi họ đi ra mồ tứ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần để xức thuốc
thơm ướp xác Thầy. Thiên thần đã ra lệnh cho các bà phải trở về loan
báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ của Đức Giê-su và nhắn tin là họ hãy
trở về xứ Ga-li-lê để gặp Người tại đó.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Vừa hết ngày Sa-bát: Nghĩa là lúc mặt trời lặn, vào lúc 6 giờ chiều
ngày sa-bát, cuối ngày Thứ Bảy và bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. + Bà
Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà sa-lô-mê: Vì
có nhiều bà khác cùng tên Ma-ri-a, nên người ta thêm tên làng quê cũ để
phân biệt nên gọi bà là Ma-ri-a Mác-đa-la. Trong Tin Mừng, Ma-ri-a
Mác-đa-la là người bị 7 quỉ ám (x. Lc 8,2), nhưng không phải là phụ
nữ tội lỗi đã xuất hiện tại nhà người Pha-ri-sêu (x. Lc 7,37-48). Bà là
một trong mấy người đã đến viếng mộ trống (x. Ga 2,1; Mt 28,1; Mc 16,1;
Lc 24,10). Bà đã đứng dưới chân thập giá Đức Giê-su (x. Mc 15,40), có
mặt khi mai táng và đã quan sát nơi đã an táng Người (x. Mc 15,47). Cả
4 Tin Mừng đều thuật lại việc mấy phụ nữ đã đi viếng mộ Đức Giê-su.
Riêng Ma-ri-a Mác-đa-la đã được cả bốn Tin Mừng nêu tên gọi, cho thấy uy
tín và vai trò quan trọng của bà trong Hội Thánh sơ khai. + Mua
dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su: Vì thời gian Đức Giê-su được
môn đệ mai táng quá ngắn và được làm vội vã, nên mấy phụ nữ này đã phải
mua thêm dầu thơm để xức lên thi hài của Người theo phong tục Do Thái. +
Sáng tinh sương Ngày Thứ Nhất trong tuần: Sáng tinh sương khi
mặt trời mới mọc của ngày Chúa Nhật, tức khoảng 6 giờ sáng.
- C 3-4: + Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ
giùm ta đây?: Ngôi mộ an táng Đức Giê-su là ngôi mộ đục trong
tảng đá lớn và được một tảng đá khác che lấp ngoài cửa mộ. + Nhưng
vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn qua một bên rồi: Tảng
đá to che chắn cửa ngôi mộ đã được lăn sang một bên. Người lăn tảng
đá không ai khác hơn là thiên thần đang ngồi trong mộ lúc đó.
- C 5-6: + Người thanh niên ngồi bên phải mặc
áo dài trắng: Áo dài trắng cho thấy đây là một thiên thần.
Vị này loan Tin Mừng Chúa phục sinh cho các bà, và trao sứ vụ loan
báo tin ấy cho Phê-rô và các môn đệ khác.+ Người đã trỗi dậy rồi,
không còn ở đây nữa: Đức Giê-su sống lại và thân xác Người đã
biến đổi nên mới, có những đặc tính khác với thân xác khi chịu khổ
nạn. Do đó, đừng tìm kiếm Người tại mồ của kẻ chết, vì Người đã
sống lại vinh quang rồi. Từ đây, Người không lệ thuộc vào không gian và
thời gian như một người phàm nữa.
- C 7-8: + Xin các bà về nói với môn đệ
Người và ông Phê-rô rằng: Khi đi viếng mộ của Đức Giê-su ngay
từ sáng sớm nhằm xức dầu thơm cho xác Đức Giê-su. Nhưng Người đã
sống lại rồi, và thiên thần đã ra lệnh cho các bà phải đi báo tin vui
phục sinh cho các môn đệ. Phê-rô được nêu tên vì ông đứng đầu Nhóm 12. +
Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông: Vì trước đây có lần
Đức Giê-su đã nói: “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh
em” (Mc 14,28). Ga-li-lê là miền đất mà dân Do thái sống lẫn lộn với các
lương dân.
- HỎI: So sánh thân xác của Đức Giê-su sau khi
sống lại vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh với thân xác của Người trước
khi chịu tử nạn giống và khác nhau thế nào? Thân xác của các người
được Đức Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh như: Anh La-da-rô, người con
trai bà góa thành Na-in, con gái ông Gia-ia… có giống với thân xác
loài người được sống lại vào ngày tận thế không?
- ĐÁP:
+ Đức
Giê-su sau khi sống lại vào ngày Chúa Nhật, cũng chính là Đức Giê-su
đã chịu tử nạn vào chiều Thứ Sáu tuần thánh, như Người đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn
Người (x. Ga 20,20), cho ông Tô-ma xem dấu đinh ở bàn tay, cho ông xỏ
ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào vết thương nơi cạnh sườn Người
(x. Ga 20,25.27-29). Người cũng cho thấy Người không phải là ma vì có xương
thịt mà các ông có thể nhìn xem và sờ thấy. Người còn ăn một khúc cá
nướng trước sự chứng kiến của các ông (x Lc 24,38-43).
+ Nhưng thân xác của Chúa Giê-su Phục Sinh
có những đặc tính mới, khác với
thân xác của Người trước khi chịu tử nạn, đến
nỗi Ma-ri-a Mác-đa-la gặp Chúa Phục Sinh hiện ra mà tưởng là người
giữ vườn (x. Ga 20,15). Hai môn đệ làng Em-mau cùng đi và nói chuyện
với Đức Giê-su trong nhiều giờ mà vẫn không nhận ra Người (x. Lc 24,16).
Thân xác Chúa Phục Sinh có khả năng đi xuyên qua cửa nhà Tiệc Ly đóng
kín để hiện ra với các tông đồ (x. Ga 20,19.26). Thân xác Người lúc ẩn
lúc hiện (x. Lc 24,27.30-31). Chúa Phục Sinh cũng hiện diện ở khắp nơi nên
dù không hiện diện cụ thể mà vẫn nghe được lời Tô-ma nói với các anh em môn đệ
(x. Ga 20,27). Ngày nay Đức Giê-su Phục Sinh tuy đã được Chúa Cha tôn
vinh, nhưng thân xác Người có đặc tính thiêng liêng, nên người ta không thể
xác định Người đang ở nơi đâu (x. Lc 24,51 ; Pl 2, 9-11).
+ Thân xác
của những người đã chết, được Đức Giê-su làm phép lạ hồi sinh
như: ông La-da-rô chết được chôn trong mồ 4 ngày (x. Ga 11,43-44), con trai
bà góa thành Na-in đang được khiêng đi chôn (x. Lc 7,14-15), con gái ông
Gia-ia mới chết đang nằm trên giường (x. Mc 5,40-42). Những người này
chỉ được Đức Giê-su cho phục hồi sự sống tự nhiên và sau đó lại
bị chết một lần nữa. Còn mầu nhiệm kẻ chết sống lại trong ngày
tận thế có những đặc tính giống như thân xác Đức Giê-su Phục Sinh.
Người ta sẽ bước vào một cuộc sống mới vinh quang, không bị hủy diệt
và luôn tràn đầy sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su đã sống lại, không
còn ở đây nữa” (Mc 16,6):
2. CÂU CHUYỆN:
1) ÁNH SÁNG PHỤC SINH XUA TAN BÓNG TỐI GIAN ÁC TỘI LỖI:
JOHN KELLER, một diễn giả nổi tiếng một hôm đang thuyết
trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa Kỳ. Giữa
buổi diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ!
Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".
Đèn tắt, sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông
John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn
thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!". Một que
diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên những tiếng hô: "Đã
thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải
thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ
chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một
giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt,
xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng.
Ông John Keller kết luận: "Nếu tất cả mọi người chúng
ta hợp lực cùng nhau, sẽ có thể chiến thắng bóng tối sự dữ và oán thù bằng
những đốm sáng của tình thương và lòng tốt của chúng ta".
Mỗi người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên. Một
ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy
sáng, thế giới tối tăm này sẽ dần dần bớt tối đi. Nếu tất cả mọi người đều thắp
sáng lên ngọn đèn tin yêu của mình, thì thế giới này sẽ bừng sáng lên.
Mỗi tín hữu chúng ta đều có cây đèn đức tin, nếu được cháy
sáng đức cậy và đức mến, thì mỗi gia đình, cộng đoàn Hội Thánh, và cả thế giới
sẽ rực sáng lên tình thương, niềm vui và ơn cứu độ như lời Chúa dạy: “Ánh sáng
của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt
đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
2) CÂU CHUYỆN LỘT XÁC NÊN MỚI:
Vào một buổi trưa hè oi ả, nhà đạo diễn lừng
danh tại Hô-li-út (hollywood) tên là SƠ-SIU ĐƠ MIU-Ơ (Cecil B. De Mille) đi
hóng gió trên chiếc du thuyền ven bờ hồ thuộc tiểu bang Men (Maine).
Đang chăm chú đọc sách, bỗng ông ngó xuống mặt hồ thì thấy một đàn
cánh quýt nước đang tung tăng đùa giỡn trên mặt nước. Rồi một chú
cánh quýt đã bỏ đàn leo lên mạn thuyền cạnh ghế ông đang ngồi, và
nằm im như chết. Đơ Miu-ơ chăm chú nhìn con cánh quýt chừng một phút,
rồi ông tiếp tục đọc sách. Ba giờ sau, Đơ Miu-ơ lại nhìn con cánh
quýt kia và rất ngạc nhiên khi thấy dường như nó đã bị chết khô. Rồi
bỗng chiếc mai của nó bị nứt ra làm đôi. Ông nhìn thấy có cái gì
đó đùn lên từ kẽ nứt ấy. Trước tiên là chiếc đầu ươn ướt, rồi đến
thân mình và mấy chiếc cánh cũng dần lộ ra. Cuối cùng một chú chuồn
chuồn thật đẹp xuất hiện. Đơ Mi-ơ tiếp tục quan sát con chuồn chuồn.
Ông thấy nó cử động đôi cánh, rồi từ từ bay lên. Nó bay lượn trên
mặt nước, nơi có những con cánh quýt bạn nó đang nô đùa trên mặt
nước, nhưng xem ra chúng không nhận ra con chuồn chuồn mới nhập bọn kia.
Đơ Miu-ơ đưa ngón tay ra sờ nhẹ vào chiếc vỏ ngoài của con cánh quýt.
Thì nó chỉ còn là cái xác nhẹ hều và ọp ẹp rỗng không như một
ngôi mộ trống rỗng.
Ai trong chúng ta cũng thấy có sự giống nhau giữa
câu chuyện lột xác của con cánh quýt, với sự Phục Sinh của Đức
Giê-su: Như con cánh quýt đã bị chết khô trên mạn thuyền, thì Đức
Giê-su cũng bị chết treo trên cây thập giá. Như con cánh quýt được
biến hóa trở thành con chuồn chuồn nước trong thời gian 3 giờ đồng
hồ, thì Đức Giê-su cũng được biến đổi từ tình trạng bị chết rồi sống
lại trong thời gian chưa đầy 3 ngày. Như con cánh quýt đã hóa thành con
chuồn chuồn nước, khiến các con cánh quýt bạn nó không nhận ra, thì
Đức Giê-su cũng trở nên một người mới, đến nỗi nhiều môn đệ thân tín
cũng không nhận ra Người sau khi phục sinh và đã hiện ra gặp gỡ nói chuyện
với họ. Như con cánh quýt sau khi lột xác thành chuồn chuồn nước, đã
có khả năng bay lượn trong không khí, thì thân xác của Đức Giê-su sau
khi sống lại cũng có những năng lực mới, trổi vượt hơn thân xác của
Người trước đó...
3) THANH TẨY
MÙI HỔ DỮ:
Tạp chí “Bách Khoa Văn Học” có đăng một truyện ngắn với
tựa đề là “Mùi Cọp” như sau:
Có một đôi vợ chồng trẻ nọ. Chồng là giảng viên đại học.
Còn vợ vừa là diễn viên, lại vừa huấn luyện thú của một đoàn xiếc. Người chồng,
dù nhận thấy nghề dạy thú của vợ mình có một cái gì đó không bình thường, nhất
là cái mùi cọp, lúc nào cũng hăng hắc, xuất phát từ thân thể của vợ, nhưng anh
vẫn yêu vợ tha thiết. Cái mùi cọp thật là khó chịu, nhưng người diễn viên dạy
thú không thể thiếu mùi ấy, vì nhờ đó mà bày cọp dữ mới nhận ra cô và ngoan
ngoãn nghe theo cô. Rồi một hôm, hai vợ chồng giận nhau và cơn giận kéo dài
nhiều ngày. Cuối cùng, người vợ chủ động làm lành bằng cách tẩy sạch mùi cọp
bằng một loại nước hoa thơm phứ và hai người đã làm hòa cùng nhau. Thế nhưng,
đến đêm hôm sau thì người vợ đã chết. Chị đã chết vì con cọp dữ mà chị trước đó
chị đã thuần hóa được. Vì nó đã không còn nhận ra chị khi mùi cọp quen thuộc
không còn, mà chỉ có mùi nước hoa xa lạ. Con cọp dữ đã hoảng hốt trước cái mùi
lạ lẫm ấy, nên đã tự vệ bằng cách tấn công chị. Và chỉ trong phút chốc, chị đã
bị tan xác dưới móng vuốt của con cọp mà chị hết lòng yêu thương.
Qua câu chuyện trên, chúng ta cảm nhận được tình thương
yêu của người vợ. Vì thương chồng, chị đã chấp nhận tẩy rửa mùi cọp nơi mình và
đã hy sinh mạng sống mình do hành động ấy. Đức Giê-su đã yêu và yêu đến cùng,
nên đã hiến mạng sống mình vì chúng ta như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong
Đêm thánh vọng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng chịu mai táng vơi Đức
Ki-tô, chôn vùi đi con người cũ tội lỗi với mùi dục vọng sai trái, để được sống
lại với Người như lời thánh Phaolô: “Hãy mặc lấy người mới đã
được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn
trong sự thật” (Ep 4,22-24).
4) TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH SẼ KHÔNG BUỒN SẦU VÌ MẤT NGƯỜI THÂN:
Một cậu bé hỏi mẹ về đứa em mới chết
hiện đang ở đâu. Người mẹ đáp: “Em con đang ở trên thiên đàng với Chúa Giê-su”.
Mấy ngày sau, bà mẹ nói chuyện với bạn bè tỏ ý đau buồn khi nhắc đến đứa con
mới mất. Bé ngạc nhiên hỏi mẹ: “Khi mẹ mất vật gì, tức là mẹ không biết nó đang
ở đâu phải không hả mẹ?” Bà mẹ đáp: “Phải”. Bé hỏi tiếp: “Mẹ biết em con đang ở
với Chúa, sao mẹ lại buồn và nói là em con đã mất?” Bà mẹ chợt tỉnh ra nên từ
đó bà không còn cảm thấy đau buồn nữa, vì ý thức rằng con mình giờ đang vui hưởng
hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.
3.
SUY NIỆM:
Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta long trọng mừng mầu
nhiệm phục sinh của Chúa Giê-su. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo
Công Giáo dựa trên những bằng chứng vững chắc và mang lại hiệu quả tốt đẹp
trong cuộc sống đức tin của người tín hữu, nhờ đó chúng ta mới có thể chu tòan
sứ mệnh làm chứng nhân của Người.
1) Ý nghĩa của mầu
nhiệm Phục Sinh:
a) Đức Ki-tô
sống lại, mang đến cho chúng ta niềm hy vọng cùng được sống lại với Người: Khi sống lại Đức Ki-tô đã mở đường
cho chúng ta từ cõi chết vào trong cõi sống muôn đời. Từ nay, thập giá không
còn là sự nhục nhã, nhưng là dấu hiệu của phục sinh vinh quang. Ánh sáng của
Đức Ki-tô đã bừng lên trong đêm tối, và niềm hy vọng thân xác loài người sau này
sẽ sống lại không phải là sự hão huyền. Đến ngày tận thế Đức Ki-tô sẽ lại đến
phán xét chung nhân loại. Người sẽ cho những ai tin vào Người, thể hiện qua
việc yêu thương phục vụ Người hiện thân nơi những người nghèo đói bất hạnh,
cũng sẽ được vào trong vinh quang phục sinh với Người.
b) Người
tín hữu cần sống niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh như thế nào?
Chết với Chúa Ki-tô là loại trừ con
người cũ của chúng ta đang nằm dưới ách thống trị của các thói hư như tham lam,
ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để con người mới được tái sinh trong
Chúa Ki-tô được lớn lên.
Sống lại với Chúa Ki-tô là mặc lấy
Chúa Ki-tô như lời thánh Phao-lô: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan
trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không kình địch
ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả
mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13, 13-14).
Mặc lấy Chúa Ki-tô là có những tâm
tình cao đẹp, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Ki-tô, biết thứ tha, yêu thương và
chân thành phục vụ tha nhân như Chúa Ki-tô.
Làm được như thế, chắc chắn chúng ta sau này sẽ được khải
hoàn vinh thắng với Chúa Phục Sinh.
2) Chu toàn sứ mệnh làm chứng cho
Chúa:
a) Các môn đệ đã chu toàn sứ
mệnh làm chứng cho Chúa:
Sở dĩ các môn đệ đã có thể làm chứng cho Chúa Giêrsu là nhờ
được ơn Thần Khí của Người biến đổi: Từ thái độ sợ hãi trốn chạy trở nên can
đảm công khai nhận mình là môn đệ Chúa, Từ thái độ hèn nhát phản bội trở nên
trung thành can đảm tuyên xưng đức tin, vui mừng chịu đòn vọt tù tội và sẵn
lòng chịu chết vì đức tin. Chắc chắn các ngài đã gặp được Chúa Phục Sinh nên
lời chứng của các ngài mới đầy xác tín và có sức thuyết phục, đến nỗi các tín
hữu đầu tiên đã sẵn lòng dâng của cải mình có làm của chung, chấp nhận cuộc
sống chui lủi trốn chạy, sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho niềm tin vào cuộc
sống vĩnh hằng đời sau. Người ta sẽ không thể lý giải được sự biến đổi kỳ diệu
đó nếu các ngài đã không gặp được Chúa Phục Sinh.
b) Các tín hữu hôm nay phải làm
chứng cho Chúa như thế nào và bằng cách nào?:
- Làm chứng cho Chúa hôm nay không phải chỉ là thuật lại
cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng là
minh chứng cho mọi người biết Đức Ki-tô đã chiến thắng thần chết, đã từ cõi
chết sống lại mà chính chúng ta đã được gặp Chúa và được Người biến đổi ra
sao.
- Làm chứng cho Chúa hôm nay là loan báo Tin Mừng cho
những kẻ chưa tin, biểu lộ dung nhan của Người qua lối sống quên mình vị tha và
bác ái, sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói và khiêm nhường phục vụ
những người bệnh tật, bất hạnh và đang bị bỏ rơi như phục vụ chính Chúa.
- Chúng ta chỉ có thể làm chứng cho
Chúa cách hữu hiệu nếu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Người giống như
các môn đệ Chúa xưa. Ngày nay, để được biến đổi giống như các ngài, chúng ta
cần năng đến tham dự các buổi học sống Lời Chúa để tìm hiểu ý Chúa, quyết tâm
sống theo gương Chúa làm và Lời Chúa dạy. Rồi còn phải năng lãnh nhận các bí
tích nhất là dự lễ và rước lễ, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa,
đón nhận được Thần Khí Phục Sinh để chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa cách
hữu hiệu như Người đã phán: "Anh em sẽ là chứng nhân của
Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng
trái đất" (Cv 1,8).
4.
THẢO LUẬN: Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta sẽ làm gì để chiếu tỏa ánh
sáng tin yêu trước mặt người đời bằng lời nói việc làm của chúng ta?
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, nhiều
lần con liên tiếp gặp phải những điều rủi ro trái ý. Những lúc ấy,
con cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi. Nhiều lúc con chán nản muốn được
chết đi cho xong! Nhưng lạy Chúa. Con
biết Chúa cũng đã từng ở vào hoàn cảnh giống như con: Bị môn đồ
phản bội chạy trốn và chối bỏ không biết Thầy là ai, bị quân lính
đánh đập tàn nhẫn, bị dân chúng đòi Phi-la-tô kết án tử hình thập
giá, bị kẻ thù xỉ vả mắng nhiếc trên cây thập giá, cảm thấy như bị
Chúa Cha bỏ rơi... Thế mà trong những giờ phút đau thương ấy, Chúa vẫn
một lòng phó thác cậy trông, và nhờ quyền năng Thánh Thần, Chúa đã
chiến thắng thần chết, đã trỗi dậy khỏi mồ và đã được Chúa Cha tôn
vinh, để ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Xin cho chúng con hôm
nay biết sẵn sàng chịu đựng đau khổ là vác thập giá do Chúa gởi
đến. Nhờ cùng chết với Chúa, chúng con hy vọng sẽ cùng được sống
lại với Chúa sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM