CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 10:34a, 37-43;  1 Cr 5:6b-8;  Ga 20:1-9)

        Mặc dù hôm nay chúng ta mừng biến cố Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết, nhưng Kinh Thánh lại không có một tường thuật nào về chính sự kiện phục sinh của Chúa.  Chúa sống lại vào giờ nào trong đêm Thứ Bảy và Người sống lại như thế nào, tất cả chúng ta đều không biết được.  Nhưng điều các nhân chứng biết chắc chắn, đó là Chúa đã sống lại thực sự, dựa trên những chi tiết quan trọng như ngôi mộ trống, khăn che đầu và các băng vải để lại trong mộ, nhất là qua những cuộc hiện ra của Chúa với một số phụ nữ đi viếng mộ và các môn đệ của Chúa.  Giáo Hội cũng căn cứ vào những gì Kinh Thánh để lại để cho chúng ta thấy điều gì mới thực sự là quan trọng khi chúng ta mừng Chúa phục sinh.  Chúng ta cử hành lễ Phục Sinh bằng đức tin của chúng ta vào sự sống lại của Chúa, đó mới là điều quan trọng.  Vì thế, Phụng vụ Lời Chúa đã trình bày cho chúng ta về chính đức tin ấy, một đức tin được truyền lại cho chúng ta từ các vị tông đồ là “những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.  Trong số các chứng nhân tông đồ, ông Phê-rô là một nhân chứng quan trọng, là người đã chạy đến mộ, vào thẳng trong mộ và thấy những “vật chứng” để lại trong mộ.  Tuy nhiên, chính đức tin của ông vào Chúa Phục Sinh mới là động lực thúc đẩy ông tiếp tục làm chứng nhân, đi rao giảng Chúa Phục Sinh cho muôn người.  Vì thế, chúng ta sẽ suy nghĩ về những gì ông Phê-rô đã thấy đã làm tại ngôi mộ Chúa và những điều ông sẽ rao giảng sau này về Chúa Giê-su tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê.  Thêm vào đó, lời kêu gọi của thánh Phao-lô trong bài đọc 2 sẽ là bài học sống Lời Chúa rất thực dụng cho đời sống Ki-tô hữu chúng ta.

        1.  Ông Phê-rô bước vào trong ngôi mộ trống của Chúa.  Thời gian là “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”.  Trời chưa sáng và có lẽ ông Phê-rô còn đang ngủ.  Mấy hôm nay ông và các tông đồ khác đã mệt mỏi vì những chuyện xảy ra cho Chúa và cái chết của Người.  Bất ngờ có tiếng đập cửa.  Chuyện gì đây?  Hay là đám lính đến bắt các ông vì các ông là môn đệ Chúa?  Rồi bên ngoài có tiếng phụ nữ quen thuộc la khóc:  “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ;  và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.  Nghe thế, các ông hốt hoảng.  Ông Phê-rô quơ vội tấm áo choàng cùng với ông Gio-an chạy thẳng ra mộ.  Gio-an đến mộ trước, nhưng chỉ cúi xuống nhìn vào mộ và không vào.  Người ta nghĩ lý do là vì Gio-an kính trọng vai trò đứng đầu Nhóm Mười Hai của ông Phê-rô nên để Phê-rô vào bên trong trước.  Bên trong mộ, ông Phê-rô đã chứng kiến những gì?  Ông “thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su”.  Không những Phê-rô thấy tận mắt những vật dụng liệm xác Chúa, mà ông còn nhận xét rất rõ và kỹ càng về vị trí của chúng nữa:  các băng vải chỉ “để ở đó”, còn tấm khăn che đầu thì đặc biệt “không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”.  Chi tiết này nói lên rằng chứng từ của ông Phê-rô càng đáng tin cậy và chắc chắn không phải là sự bịa đặt.  Nếu so sánh với chứng từ của Gio-an, bạn ông, cả hai đều có những điểm đặc biệt liên hệ đến đức tin của hai ông.  Trong khi Phê-rô tin Chúa sống lại vì ông thấy những băng vải và khăn che đầu Chúa Giê-su để lại, thì ông Gio-an lại làm một “bước nhảy vọt của đức tin”, đó là Gio-an “đã thấy và đã tin”.  Điểm đáng ghi nhận nhất khi hai ông kết thúc chuyến viếng mộ Chúa là từ nay các ông có một niềm tin mới:  tin Chúa đã sống lại thật.  Hơn thế nữa, các ông còn hiểu rõ một điều vô cùng quan trọng, là “theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.  Tại sao lại phải trỗi dậy?  Vì nếu Chúa Giê-su không trỗi dậy từ cõi chết (phục sinh), thì theo lời thánh Phao-lô, lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cô-rin-tô 15:13).  Như vậy, sự phục sinh của Chúa Ki-tô là nền tảng của đức tin Công giáo, vì sự phục sinh này khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và hoàn tất hành trình đức tin của tất cả những ai tin vào Chúa Ki-tô.

        2.  Ông Phê-rô rao giảng Chúa Ki-tô phục sinh khi ông loan báo Tin Mừng cho toàn thể gia đình ông Co-nê-li-ô.  Ông Phê-rô là người đầu tiên bước vào trong mộ Chúa, để sau khi chứng kiến những vật dụng liệm xác Chúa được để lại, ông đã tiến tới đức tin vào sự sống lại của Người.  Sau lần cuối cùng gặp Chúa Phục Sinh trước khi Người lên trời, ông và các bạn tông đồ lãnh nhận từ Chúa sứ mệnh ra đi làm chứng cho Người và rao giảng Tin Mừng của Người.  Tuy Phao-lô là vị tông đồ đem Tin Mừng cho dân ngoại, nhưng chính Phê-rô mới là vị tông đồ đầu tiên đã rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, đại diện là toàn thể gia đình ông Co-nê-li-ô, đại đội trưởng quân đội Rô-ma đang trấn đóng tại Xê-da-rê.  Khi đang ở Gia-phô, trong một thị kiến, Phê-rô thấy trời mở ra và một tấm khăn buộc bốn góc được thả xuống, trong đó có những loài vật bốn chân, rắn rết và chim trời.  Rồi có tiếng phán:  “Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn”.  Ông từ chối vì luật Do-thái không cho phép ăn những loài vật bị coi là ô uế.  Nhưng tiếng từ trời phán tiếp:  “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế”.  Việc ấy xảy ra ba lần, rồi tấm khăn được kéo lên trời.  Được Chúa soi sáng, Phê-rô hiểu đây là mệnh lệnh Chúa dạy ông hãy đến với anh chị em dân ngoại để rao giảng cho họ.  Cũng lúc ấy, có ba người được Co-nê-li-ô phái đến để đón ông lên Xê-da-rê.  Ông đi theo họ và vào nhà ông Co-nê-li-ô.  Tại đây, ông giảng cho gia đình ông đại đội trưởng về Chúa Giê-su.  Sau khi trình bày con người và sứ mệnh Chúa Giê-su, ông nói đến sứ vụ của ông và các bạn tông đồ khác, là “làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem”.  Tại sao ông Phê-rô đặc biệt nhắc tới Giê-ru-sa-lem?  Bởi vì tại đây Chúa Giê-su đã chịu chết và sống lại.  Ông giảng:  “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.  Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường”.  Ông muốn nói đến những lần Chúa phục sinh hiện ra “trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.  Đây thực là những lời đanh thép và chắc chắn của một chứng nhân đặc biệt làm chứng Chúa đã sống lại thật.  Nhiệm vụ làm chứng cho sự phục sinh không phải là điều ông tự mình đặt ra, nhưng là do Thiên Chúa tuyển chọn và sai ông đi.  Nhiều người khác cũng đã cùng ăn cùng uống với Chúa khi Người còn sống có thể làm chứng cho những lời giảng và phép lạ của Người, nhưng làm chứng rằng Chúa đã sống lại thì chỉ có “những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” mới có thể làm được mà thôi.  Dĩ nhiên những kẻ ấy là các tông đồ của Chúa.  Ông Phê-rô còn cho rằng vinh dự được làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giê-su là do các ông “đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước”.  Đối với ông Phê-rô và các tông đồ, đức tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh là nền tảng cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, vì chính Chúa Giê-su đích thân truyền cho các ông “long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm Thẩm Phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết”.  Đọc sách Khải Huyền, chúng ta hiểu vị Thẩm Phán đây là Chúa Giê-su Phục Sinh vậy.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới.  Chúng ta đã thấy đức tin của ông Phê-rô vào sự phục sinh của Chúa được hình thành từ lúc ông đến ngôi mộ của Chúa, rồi qua những lần Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, và cuối cùng trước khi Chúa lên trời, Người sai ông và các bạn đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.  Ngày nay, chúng ta đã được lãnh nhận đức tin, nhất là đức tin vào sự phục sinh của Chúa.  Nhưng lãnh nhận đức tin ấy chưa đủ, mà còn phải sống nữa.  Vậy chúng ta phải sống đức tin vào sự phục sinh như thế nào đây?  Thánh Phao-lô, vị tông đồ được Chúa Phục Sinh kêu gọi trên đường đi Đa-mát, đã chỉ cho tín hữu Cô-rin-tô của ngài và cho chúng ta một phương thức sống:  hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới.  Chắc chắn là thánh Phao-lô không dạy chúng ta làm bánh đâu, nhưng ngài dùng một hình ảnh cụ thể để dạy chúng ta một bài học khác là bài học sống đức tin!  Men cũ ngài nói ở đây ám chỉ tội lỗi chúng ta và lối sống không phù hợp với những giá trị Tin Mừng.  Còn bột mới tượng trưng cho sự sống mới do đức tin vào Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta.  Ngài vẽ ra hình ảnh con đường trở nên thánh cho chúng ta hiểu, là loại bỏ tội lỗi để trở nên con người thánh thiện.  Sự sống của linh hồn chúng ta giống hệt như công việc loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, nghĩa là loại bỏ lối sống tội lỗi, để phát triển sự sống của Chúa Ki-tô trong tâm hồn chúng ta.  Hoặc nói như ngài, “chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ”.  Đúng vậy, “ăn mừng đại lễ” chính là thể hiện trong đời sống chúng ta đức tin vào Chúa Phục Sinh vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B